Đồng bằng sông Cửu Long thu hút 12,2 tỷ USD vốn FDI
Tính đến tháng 3 năm 2015, đã có 985 dự án FDI vào các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long với tổng vốn đăng ký là 12,2 tỷ USD, chiếm 5% tổng vốn đăng ký của cả nước.
Ảnh minh họa.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 13 tỉnh, thành phố là Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Hậu Giang, Bến Tre, An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Đồng Tháp.
Trong đó, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, Long An đứng thứ nhất trong khu vực về thu hút vốn FDI với 591 dự án và 4,23 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 60% tổng số dự án và 35% tổng vốn đầu tư của cả khu vực).
Kiên Giang đứng thứ hai với 38 dự án và 2,92 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 24% tổng vốn đầu tư của cả khu vực). Tiền Giang đứng thứ ba với 71 dự án và 1,4 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 12% tổng vốn đầu tư của cả khu vực).
Video đang HOT
Tiếp theo là các tỉnh Cần Thơ, Cà Mau, Hậu Giang, Bến Tre, An Giang, Trà Vinh . Các địa phương như Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp có kết quả khiêm tốn về thu hút FDI vào địa phương mình.
Xét về lĩnh vực đầu tư, ngành công nghiệp chế biến chế tạo thu hút được nhiều dự án nhất và cũng có tổng vốn đầu tư đăng ký cao nhất trong vùng.
Đã có 785 dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư 7,88 tỷ USD (chiếm 79% tổng số dự án và 64,5% tổng vốn đầu tư của toàn vùng).
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 15 dự án và 1,94 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 16% tổng vốn đầu tư của toàn vùng). Tiếp theo là lĩnh vực sản xuất điện, vận tải, xây dựng, nông nghiệp…
Xét về đối tác đầu tư, Bristish Virgin Islands đứng đầu trong số quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại khu vực đồng bằng sông Cửu long với 3,52 tỷ USD tổng vốn đầu tư (chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư của toàn vùng).
Theo NTD/Bizlive
Thái Lan muốn mở công xưởng ô tô tại Việt Nam
Chủ tịch Viện ô tô Thái Lan đã bày tỏ mong muốn ngành ô tô của Việt Nam và Thái Lan cùng nhau hợp tác để phát triển thay vì cạnh tranh với nhau.
Ý kiến này được ông Vichai Jirathiyut, Chủ tịch Viện ô tô Thái Lan, nêu ra tại buổi tọa đàm "Tăng cường giá trị sản xuất ô tô và xe máy của Việt Nam trong khu vực ASEAN" diễn ra ở TPHCM chiều 2/4 với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất linh kiện và lắp ráp ô tô Việt Nam.
Ông Vichai Jirathiyut chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm.
Theo ông Vichai, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong những năm gần đây tăng trưởng cao và riêng năm ngoái lắp ráp và sản xuất ô tô trong nước đạt khoảng 120.000 xe, tăng 29% về lượng và tăng đến 35% về doanh số bán hàng so với năm trước đó (năm 2014 thị trường trong nước tiêu thụ được 158.000 ô tô các loại, kể cả ô tô nhập khẩu nguyên chiếc - PV). Ông Vichai cho rằng đây là con số tăng trưởng khá ấn tượng trong ngành ô tô nói chung và ông tin rằng thị trường ô tô Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới bởi số lượng người dân sở hữu ô tô còn rất thấp.
Ông Vichai so sánh, thị trường Thái Lan có 67 triệu dân và đa số đang ở độ tuổi về già nhưng đã tiêu thụ đến 880.000 xe/năm; trong khi dân số Việt Nam hiện đã vượt 90 triệu người, đa số còn trẻ nên chắc chắn sẽ có nhu cầu sắm ô tô cao hơn.
"Với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam được dự báo sẽ sản xuất đạt 220.000 xe vào năm 2020 và sẽ tăng lên đến 1,5 triệu xe vào năm 2035. Điều này sẽ làm cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển nhanh trong cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC)", ông Vichai nhận định.
Chính sách hỗ trợ của Chính phủ cộng với nguồn lao động với chi phí thấp, theo ông Vichai, sẽ là điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển ngành công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, ông cho rằng Việt Nam cần khắc phục điểm yếu về phát triển nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ cho ngành.
Cũng theo ông Vichai, hiện trong khối các nước ASEAN, Thái Lan được đánh giá là nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển, cạnh tranh cao và có tiêu chuẩn khí thải cao nhất. Thái Lan định hướng phát triển dòng xe bán tải một tấn và dòng xe sinh thái thành các dòng xe cạnh tranh.
Ông Vichai cho rằng, các nhà sản xuất Thái Lan đang nắm giữ nhiều công nghệ tiên tiến có lợi cho các nhà sản xuất Việt Nam trong thị trường chung AEC. Các dây chuyền công nghiệp tự động chưa đầy đủ ở Việt Nam cho thấy hai ngành công nghiệp ở Việt Nam và Thái Lan có thể hỗ trợ lẫn nhau. "Điều này có lợi cho Việt Nam và Thái Lan để cùng thảo luận và chia sẻ thông tin về việc phát triển ngành chế tạo ô tô và phụ tùng công nghiệp", ông nói.
Mặc dù ông Vichai có nhiều nhận định về lợi thế phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, nhưng giới phân tích và các doanh nghiệp kinh doanh ô tô trong nước lo ngại Việt Nam sẽ sớm trở thành nơi tiêu thụ ô tô nhập khẩu trong khu vực do Việt Nam bắt đầu cắt giảm thuế theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Với tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp ô tô trong nước rất thấp, chỉ đạt từ 10-30% tùy theo dòng xe, thì khi thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc bằng 0% vào năm 2018, việc nhập khẩu phụ tùng và lắp ráp tại Việt Nam rõ ràng sẽ đắt hơn nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan hoặc Indonesia.
Sau hơn 50 năm phát triển công nghiệp ô tô, hiện Thái Lan có 18 công ty lắp ráp và sản xuất với 20 thương hiệu ô tô các loại, công suất thiết kế lên đến 2,8 triệu xe/năm. Hàng năm Thái Lan sản xuất trên 1,8 triệu xe, trong đó khoảng 1 triệu xe xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Để sản xuất 120.000 xe, Việt Nam có tới 17 công ty lắp ráp và phân tán trên ba vùng Bắc, Trung, Nam. Điều không hợp lý là dù có nhiều nhà máy lắp ráp nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ lại rất ít, chỉ có 33 công ty công nghiệp hỗ trợ cấp 1 và 181 công ty cấp 2. Những nghịch lý này là nguyên nhân quan trọng cản trợ sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Kinh tế Việt Nam: Khởi động năm 2015 với một vị thế mạnh mẽ Theo đánh giá từ HSBC, nhìn bề ngoài, nền kinh tế Việt Nam khởi động năm 2015 với một vị thế mạnh mẽ. Mặc dù nhu cầu trong nước được cải thiện nhưng các điều kiện bên ngoài lại xấu đi, tạo sức ép lên hai nguồn thu ngoại tệ chính của Việt Nam. Kinh tế Việt Nam: Khởi động năm 2015 với...