Donald Trump “khai hỏa” đại chiến thương mại, giới tinh hoa Trung Quốc rối bời
Ông Đào Giải, giáo sư khoa Anh ngữ và nghiên cứu quốc tế tại Đại học ngoại ngữ Bắc Kinh, tác giả của sách “Sống chung với rồng: Dư luận Mỹ nhìn sự trỗi dậy của Trung Quốc thế nào?” đã có những nhận định về giới tinh hoa Trung Quốc có ý kiến khác biệt với nhau thế nào về nước Mỹ thông qua cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, theo TheDiplomat.
Chính quyền tổng thống Trump đã nổ phát súng đầu tiên trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Sẽ có người cho rằng hầu hết người Trung Quốc đều muốn chính phủ của họ có những biện pháp trả đũa thích đáng và ủng hộ những biện pháp như vậy. Chưa có bình luận nào trên truyền thông đại chúng Trung Quốc chỉ ra rằng tầng lớp tinh hoa Trung Quốc đang chia rẽ sâu sắc về cách đáp trả Washington.
Một bên là những người hăng hái ủng hộ việc ăn miếng trả miếng. Rất nhiều người nhấn mạnh cuộc chiến kinh tế là một phần thiết yếu trong chiến lược của Mỹ để hủy hoại “sự phục hưng vĩ đại của đất nước Trung Quốc”. Họ chỉ ra rằng Washington gia tăng nhận thức Trung Quốc là một mối đe dọa nghiêm trọng cho uy quyền của Mỹ và trật tự quốc tế tự do do Mỹ dẫn đầu. Họ tin rằng bất cứ sự thỏa hiệp đơn phương nào cũng sẽ chỉ dẫn tới những đòi hỏi quá quắt hơn từ Washington.
Ông Đào Giải, giáo sư khoa Anh ngữ và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh.
Trong quan điểm của họ, “giấc mơ phục hưng Trung Hoa vĩ đại” đang nguy ngập hơn bao giờ hết, phải chịu đựng những điều kiện của chính quyền ông Trump để ngừng việc bị trừng phạt về thuế – hay phải trả tiền áp thuế mà không đáp trả – là hy sinh việc “khiến Trung Hoa vĩ đại một lần nữa” để cho ông Trump thực hiện giấc mơ “khiến nước Mỹ vĩ đại một lần nữa”.
Nhóm khác thì tập hợp phía sau chính phủ Trung Quốc bởi họ tin rằng Trung Quốc sẽ là người chiến thắng sau cùng trong cuộc chiến thương mại. Sự lạc quan của họ dựa trên rất nhiều yếu tố. Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc rất lớn (hơn 400 tỷ USD hàng hóa vào năm 2017) và đơn giản là khó tìm ra những nhà cung cấp sản phẩm khác ở mức độ tương tự trong thời gian ngắn. Hơn nữa, các biện pháp trả đũa của Trung Quốc sẽ gây bất lợi lớn cho những nông dân Mỹ – những người mang lại ủng hộ thiết yếu cho chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử 2016. Họ dự đoán rằng, sớm hay muộn các nhà nhập khẩu và nông dân sẽ thúc đẩy ông Trump phải giương cờ trắng.
Nhóm khác rất dè dặt về sự trả đũa của Trung Quốc. Một vài trong số họ tranh luận rằng Trung Quốc sẽ có kết cục thảm bại. Sự bi quan của họ có vẻ cũng chính đáng. Một cuộc chiến thương mại hầu như chắc chắn sẽ gây ra giảm mạnh xuất khẩu, gây hại cho nền kinh tế vốn đã chững lại của Trung Quốc. Một cuộc chiến kinh tế cũng có thể tàn phá thị trường tài chính Trung Quốc, khai mào cho việc số lượng lớn vốn sẽ đổ ra nước ngoài và làm sụt giảm tỷ giá đồng nhân dân tệ. Mỹ có thể chịu đựng cuộc chiến tranh thương mại tốt hơn vì nền kinh tế của nước này đang được bảo đảm phát triển mạnh mẽ.
Mỹ đã khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Rất nhiều người khác tán thành quan điểm rằng áp lực từ bên ngoài là một nguồn lực mạnh mẽ để tái cơ cấu nội địa. Họ tin rằng Bắc Kinh nên chấp nhận những đòi hỏi ban đầu của Washington bao gồm cả việc giảm thuế quan đồng loạt, tạo ra cách tiếp cận thị trường tốt hơn cho các công ty nước ngoài và giảm trợ cấp với các xí nghiệp do nhà nước sở hữu. Họ khẳng định những biện pháp này không chỉ làm lợi cho tầng lớp bình dân Trung Quốc mà còn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững. Họ nhấn mạnh rằng con đường tốt nhất để cạnh tranh với kinh tế Mỹ là tái cơ cấu nền kinh tế trong nước một cách sâu sắc hoặc Trung Quốc có thể “thắng một trận đánh nhưng thua cả cuộc chiến”.
Video đang HOT
Dễ hiểu hơn, người ủng hộ chiến tranh thương mại có thể gọi là những người theo chủ nghĩa dân tộc, trong khi ngược lại là người theo tự do chủ nghĩa. Những người theo chủ nghĩa dân tộc có khuynh hướng coi cuộc chiến thương mại trong khung cảnh rộng hơn là sự cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, coi Mỹ là mối đe dọa lớn nhất với giấc mơ phục hưng Trung Quốc. Ngược lại, những người theo chủ nghĩa tự do thiên về việc xem Mỹ không phải là một mối đe dọa mà là chất xúc tác để Trung Quốc tái cơ cấu nền kinh tế nội địa và là một tấm gương để noi theo. Cả những nhà dân tộc chủ nghĩa hay tự do chủ nghĩa đều muốn Trung Quốc “vĩ đại một lần nữa” nhưng quan điểm của họ với Mỹ không thể nào khác biệt hơn.
Cuộc tranh luận gần đây nhất xảy ra xung quanh giáo sư Hồ An Cương thuộc đại học Thanh Hoa, mô tả rộng rãi quy mô mà các thành phần tinh hoa của Trung Quốc bị phân cực bởi Mỹ. Tranh luận đã nảy sinh từ một báo cáo mà ông Hồ An Cương đã phát biểu vào cuối 2017: ông cho rằng Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trong các lĩnh vực sức mạnh kinh tế, sức mạnh kỹ thuật và sức mạnh tổng thể. Với cuộc chiến thương mại nổ ra, tuyên bố của ông đã bị chỉ trích và phê phán mạnh mẽ. Về cơ bản, nó đã khiến cho các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc lầm tưởng rằng Trung Quốc đã đủ mạnh để chấp nhận một cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Ông Hồ An Cương đưa ra chủ thuyết Trung Quốc đã vượt Mỹ về mọi mặt.
Có thể nói ông Hồ An Cương đại diện cho thành viên của nhóm dân tộc chủ nghĩa, người tỏ ra sự tin tưởng về sự suy tàn không thể tránh được của Mỹ và sự trỗi dậy không ngừng của Trung Quốc. Những người phê phán ông có thể coi là một ví dụ của những người theo chủ nghĩa tự do – những người coi ưu thế của Mỹ là không thể thách thức nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc đang tăng độ thách thức cả tại quê nhà và ở nước ngoài.
Trong phân tích cuối cùng thì giới tinh hoa Trung Quốc có vẻ không phải bị phân hóa bởi tự thân nước Mỹ mà bởi những tính chất của nước Mỹ sẽ ảnh hưởng gì tới tương lai của Trung Quốc. Những nhà dân tộc chủ nghĩa có khuynh hướng coi Mỹ và Trung Quốc là hai thể chế chính trị có giá trị hoàn toàn đối lập với nhau. Với họ, sự hòa thuận giữa hai chế độ của hai nước là rất khó xảy ra.
Những người theo chủ nghĩa tự do coi Mỹ là một đất nước có thể và muốn giúp Trung Quốc đạt được sự thịnh vượng, dân chủ, pháp trị và tất cả những giá trị cốt lõi của xã hội đã được tán thành bởi lãnh đạo Trung Quốc. Với họ, Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được sự hòa thuận.
Theo một học giả của Mỹ, vấn đề phân cực của Mỹ rất đặc thù nhưng Mỹ không phải là đất nước duy nhất có vấn đề phân cực. Về phía bên kia của Thái Bình Dương, giới tinh hoa Trung Quốc và một bộ phận lớn thường dân cũng đang khác biệt nhau về mặt quan điểm. Sự phân cực sẽ đưa Trung Quốc đến đâu sẽ mang tới kết quả chưa thể nhận định giữa các quan hệ Mỹ-Trung và với sự hòa bình cùng thịnh vượng quốc tế.
Theo viettimes
Sau bài toán Triều Tiên, Tổng thống Trump chuyển hướng sang Trung Quốc
Sau 18 tháng coi Triều Tiên là mối đe dọa an ninh hàng đầu, Tổng thống Donald Trump ngày càng chuyển dần sự chú ý sang Trung Quốc và theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Chủ tịch Tập Cận Bình đón Tổng thống Donald Trump tại Bắc Kinh năm 2017 (Ảnh: AFP)
Từ cuộc chiến thương mại có xu hướng leo thang tới việc thông qua ngân sách quốc phòng mới nhằm đối phó với sự bành trướng trên biển của Trung Quốc, chính quyền Donald Trump dường như đang nhắm mục tiêu tới cường quốc Đông Bắc Á và khiến nhiều người tại Trung Quốc tin rằng Washington đang tìm cách kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
So với thời điểm năm ngoái khi Tổng thống Trump nỗ lực xây dựng mối quan hệ hòa hảo với "người bạn tốt" - Chủ tịch Tập Cận Bình, giọng điệu của nhà lãnh đạo Mỹ với Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn. Tuần trước, ông Trump đã viện dẫn quân đội Trung Quốc như một lý do để thành lập một "Lực lượng Không gian" mới tại Lầu Năm Góc. Trong bình luận trên Twitter hôm qua 18/8, ông chủ Nhà Trắng tiếp tục đưa Trung Quốc vào "tầm ngắm" liên quan tới nghi vấn can thiệp bầu cử Mỹ.
"Tất cả những gã khờ đang quá tập trung vào việc theo dõi Nga nên bắt đầu nhìn sang một hướng khác, đó là Trung Quốc", Tổng thống Trump viết, song không đưa ra bằng chứng cụ thể chứng minh sự can thiệp của Trung Quốc.
Theo giới phân tích, sự gia tăng về hành vi công kích là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump và các cố vấn của ông đang xem Trung Quốc như một thế lực nguy hiểm và là đối thủ trực tiếp mà Mỹ chỉ có thể kiềm chế tầm ảnh hưởng bằng các biện pháp cứng rắn. Ở một mức độ nào đó, các nhà phân tích chính sách đối ngoại Mỹ đều có chung một quan điểm rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã củng cố được sức mạnh của Trung Quốc và đang theo đuổi một chương trình tham vọng cả về tăng trưởng kinh tế lẫn mở rộng lãnh thổ.
Các nhà phân tích nhận định chính quyền Trump cho đến nay vẫn chưa đưa ra được một chiến lược rõ ràng để giải quyết vấn đề Trung Quốc mặc dù cách tiếp cận của chính quyền hiện thời với Bắc Kinh đã khác xa so với các chính quyền tiền nhiệm. Cựu Tổng thống Barack Obama từng tìm cách hợp tác với Trung Quốc trong nhiều vấn đề toàn cầu quan trọng như thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu hay thỏa thuận hạt nhân Iran. Chính quyền Obama cho rằng đây là cách để kiểm soát sự lớn mạnh của Trung Quốc và để hối thúc Bắc Kinh hành xử có trách nhiệm hơn trong các vấn đề quốc tế.
Tuy nhiên đến thời Tổng thống Trump, ông đã rút Mỹ ra khỏi cả 2 thỏa thuận trên.
"Tôi không nhìn thấy có nhiều vấn đề mà chính quyền (Trump) muốn hợp tác với Trung Quốc. Nỗ lực nhằm tìm ra những lĩnh vực mới mà hai nước có thể có chung lợi ích đã không được tính đến. Tôi nghĩ chính quyền (Trump) đang xem Trung Quốc như một đối thủ, và những nỗ lực đặt ra bây giờ là tập trung vào việc làm thế nào để có một chiến lược cạnh tranh hiệu quả hơn với Trung Quốc", Bonnie Glaser, nhà phân tích về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, nhận định.
Sự quan ngại của chính quyền Trump đối với Trung Quốc đã thể hiện trong phiên họp nội các tại Nhà Trắng hôm 16/8. Trong cuộc thảo luận công khai với phóng viên kéo dài một giờ đồng hồ, Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc đang nới lỏng sức ép kinh tế với Triều Tiên và đưa quá nhiều thuốc giảm đau có khả năng gây nghiện vào Mỹ.
Các động thái cứng rắn của chính quyền Trump
Ông Trump họp nội các tại Nhà Trắng hôm 16/8 (Ảnh: Reuters)
Các nhà phân tích quân sự đã chỉ trích Tổng thống Trump vì gây ra cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khi áp thuế lên các mặt hàng thép và nhôm. Tại cuộc họp nội các, Tổng thống Trump tỏ ra phấn khích khi chứng minh rằng ông đã đúng khi áp thuế với hàng hóa Trung Quốc và mô tả Bắc Kinh như một kẻ thất bại. Ông cũng nhờ cố vấn kinh tế hàng đầu của mình là Larry Kudlow cập nhật về tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.
"Nền kinh tế của họ đang xuống dốc. Tôi chỉ muốn nói rằng, hiện tại, nền kinh tế của họ có vẻ tồi tệ", Kudlow cho biết.
Tổng thống Trump từng có những phát ngôn cứng rắn với Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Tuy nhiên ông đã giảm bớt giọng điệu công kích Bắc Kinh sau khi nhậm chức và mời Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ vào mùa xuân năm 2017. Ông Trump cũng tránh không chỉ trích Trung Quốc là "kẻ thao túng tiền tệ" khi nhà lãnh đạo Mỹ muốn tranh thủ Bắc Kinh trong việc gây sức ép với Triều Tiên. Tuy vậy, sau khi thành công trong việc đạt được những cam kết với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore hồi tháng 6, Tổng thống Trump bắt đầu cứng rắn trở lại với Trung Quốc.
Kể từ đầu năm nay, hai nền kinh tế thế giới đã lần lượt áp thuế đối với 35 tỷ USD hàng hóa của nhau và việc áp thuế với 16 tỷ USD hàng hóa tiếp theo sẽ có hiệu lực từ tuần này. Ông Trump thậm chí cảnh báo sẽ áp thuế với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc được nhập khẩu vào Mỹ.
"Chính quyền Trump đang tìm cách tấn công liên hoàn bằng cách đưa ra những lời đe dọa và đòi hỏi (Trung Quốc) đầu hàng vô điều kiện. Người Trung Quốc nói với tôi rằng họ đã thấy rất rõ sự liên quan giữa những đòn tấn công về thương mại với những nội dung được thể hiện trong Chiến lược An ninh Quốc gia cũng như những tài liệu khác (của Mỹ), trong đó mô tả Trung Quốc là một kẻ thù (của Mỹ)", Daniel Russel, nhà phân tích tại Viện Xã Hội châu Á và là cố vấn chính sách châu Á cấp cao dưới thời chính quyền Obama, nhận định.
Trong Chiến lược An ninh Quốc gia được công bố tháng 12 năm ngoái, Mỹ đã gọi Trung Quốc là "cường quốc theo chủ nghĩa xét lại" đang tìm cách thay thế sự lãnh đạo của Mỹ ở châu Á và mở rộng quy mô của mô hình kinh tế "theo định hướng nhà nước".
Mặc dù có giọng điệu cứng rắn với Trung Quốc, song chính quyền Trump vẫn chưa đưa ra một chiến lược rõ ràng để kiềm chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Việc ông Trump rút Mỹ khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định gồm 12 nền kinh tế thành viên từng được chính quyền Obama xem là đối trọng với Trung Quốc, khiến nhiều nước trong khu vực cảm thấy bất an về cam kết của chính quyền Mỹ với khu vực.
Cuối tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo kế hoạch đầu tư 113 triệu USD vào các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng và thương mại số như một phần quan trọng trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ. Khoản đầu tư này được cho là không thấm vào đâu so với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc với tham vọng đầu tư hàng chục tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng tại nhiều nước.
Thành Đạt
Theo Dantri/ Washington Post
Đàm phán thương mại Trung-Mỹ diễn ra vào cuối tháng này Reuters đưa tin ngày 16/8, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo một phái đoàn nước này do Thứ trưởng Bộ Thương mại Vương Thụ Văn dẫn đầu sẽ tới Mỹ để tiến hành đàm phán thương mại vào cuối tháng này. Hạnh nhân đóng gói nhập khẩu từ Mỹ được bày bán tại một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày...