Đơn xin ân giảm bị “bỏ lửng” khiến tử tù trong tình trạng… chờ chết!
“Những năm qua có một thực trạng, nhiều người bị kết án tử hình có đơn xin ân giảm nhưng quyết định bác hay không bác đơn của người có thẩm quyền không rõ ràng nên cơ quan thi hành án hình sự không dám thi hành; người bị kết án tử hình cũng trong tình trạng chờ chết”.
Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 19/11 về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), đại biểu Hoàng Thị Thu Trang ( Nghệ An) dẫn ra khoản 4 Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, trong đó Việt Nam là quốc gia thành viên, khẳng định “Bất cứ người nào bị kết án tử hình đều có quyền xin ân giảm” hoặc “xin thay đổi mức hình phạt”. Việc ân xá, ân giảm hoặc chuyển đổi hình phạt tử hình có thể được áp dụng đối với mọi trường hợp.
Tại Điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể về vấn đề này nhưng không quy định thời gian tối đa việc người có thẩm quyền bác hay không bác đơn xin ân giảm.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An).
“Những năm qua có một thực trạng, nhiều người bị kết án tử hình có đơn xin ân giảm nhưng quyết định bác hay không bác của người có thẩm quyền không rõ ràng nên cơ quan thi hành án hình sự không dám thi hành. Người bị kết án tử hình cũng trong tình trạng chờ chết”- bà Trang nêu thực tế.
Vì vậy dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) cần có giải pháp để tháo gỡ vướng mắc nêu trên theo hướng quy định trong khoảng thời gian nhất định, ví dụ từ 3 đến 5 tháng, nếu không nhận được quyết định ân giảm thì sẽ tổ chức thi hành án tử hình.
“Quy định như vậy sẽ giảm được áp lực cho người có thẩm quyền trong việc bác hay không bác và cũng sẽ giải quyết được khắc phục chờ chết như hiện nay”- bà Trang đề xuất.
Chung quan điểm, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) phản ánh, qua tiếp xúc cử tri nhận được các ý kiến của cán bộ quản giáo, cán bộ trại tạm giam bày tỏ những khó khăn trong công tác quản lý người bị kết án tử hình.
Cử tri cho rằng những quy định quản lý người bị kết án tử hình còn nhiều bất cập, khó khăn. Thời gian giam giữ người bị kết án tử hình kéo dài gây áp lực cho đơn vị quản lý, trại tạm giam.
“Không ít bị án có hành động chống đối, bất hợp tác, có bị án đã viết đơn xin tha tội chết gửi Chủ tịch nước, xin ân xá, tuy nhiên thời gian kéo dài từ một đến vài năm vẫn không được trả lời, có bị án viết đơn xin thi hành án ngay để được chết nhưng không được xem xét, giải quyết, gây tư tưởng hoang mang, bi quan, chán nản, chống phá.
Video đang HOT
Thực tế cho thấy, người bị kết án tử hình thường có những biểu hiện tâm lý không bình thường như chán nản, suy nhược thần kinh, liều lĩnh, nếu không quản lý chặt chẽ người bị kết án tử hình rất dễ tự sát, bỏ trốn, có những hành động gây nên những hậu quả đáng tiếc”- vị đại biểu nêu thực tế.
Vị đại biểu đề nghị trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn phải quy định cụ thể thời gian từ khi nhận đơn và trả lời đơn của bị án tử hình gửi lên Chủ tịch nước xin tha tội chết quy định cụ thể là bao nhiêu ngày.
Còn đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) quan tâm đến việc xin nhận tử thi, tro cốt và hài cốt của người bị thi hành án tử hình tại khoản 1 Điều 83 vì đây là quy định mới.
“Để có tro cốt bàn giao cho thân nhân của người bị thi hành án thì cơ quan thi hành án phải hỏa táng. Nếu nơi thi hành án chưa có điều kiện hỏa táng thì phải thực hiện ở địa điểm khác sẽ dẫn tới tăng thời gian và tăng chi phí. Trong khi dự thảo luật quy định việc giao nhận tử thi, tro cốt hoặc hài cốt phải thực hiện trong 24 giờ, như vậy sẽ khó khăn cho cơ quan thi hành án”- ông Phòng phân tích và đề nghị ban soạn thảo có đánh giá tác động về chuyện này.
Ủng hộ bố trí giam giữ riêng người đồng tính, chuyển giới nhưng…
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) thống nhất cao việc dự luật bổ sung một số đối tượng bố trí giam giữ riêng, như đưa vào nội dung giam giữ đối với người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định được giới tính.
Tuy nhiên cần phải cân nhắc về cơ sở pháp lý bởi đối với người đồng tính, người chưa chuyển đổi giới tính thì Hiếp pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình không có quy định và xác lập với hai thực thể nêu trên.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung phát biểu tại hội trường.
Tại Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật” và hiện hành cũng không có quy định nào khác để quy định về một người được thực hiện chuyển đổi giới tính.
“Việc định danh hai đối tượng này vào dự luật, trên cơ sở pháp lý nào, cơ quan nào, cá nhân nào có thẩm quyền xác định cũng như xác định bằng văn bản pháp lý nào để xác định một người A, người B là đồng tính hay là người chuyển đổi giới tính để cơ quan tư pháp căn cứ vào đó mà tổ chức thực hiện thi hành một bản án hình sự?”- bà Dung đặt vấn đề.
Đối với quy định về việc bố trí giam giữ riêng đối với người chưa xác định giới tính thì pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định về người chưa xác định được giới tính mà chỉ có tại Điều 3 Luật Hộ tịch năm 2014: “Xác định lại giới tính là một trong những thủ tục về đăng ký hộ tịch”.
Theo quy định của pháp luật hộ tịch, giới tính của một người hoặc một công dân luôn được nêu là nam, là nữ khi đăng ký hộ tích, cá nhân có quyền yêu cầu xác định lại giới tính đã được đăng ký trong khai sinh do giới tính chưa được hình thành chính xác do lúc đăng ký khai sinh có sai sót, nhầm lẫn ghi nhận trong giới tính ở trong giấy khai sinh…
“Trong một bản án hình sự tuyên cho một người đều xác định là giới tính nam hoặc giới tính nữ, không có trường hợp chưa xác định giới tính. Từ đó tôi đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đối chiếu quy định với quy tắc tối thiểu về ứng xử tù nhân của Liên hợp quốc, rà soát với các quy định pháp luật hiện hành có liên quan để phân loại việc giam giữ riêng, vừa đáp ứng được thực tiễn nhưng vừa đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành”- vị đại biểu tỉnh Long An đề nghị.
Theo đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình), việc kiểm tra thân thể người chấp hành án phạt tù, nếu là nam giới thì do cán bộ nam thực hiện, nữ giới do cán bộ nữ thực hiện. Nhưng dự thảo luật về việc quy định giam giữ phạm nhân có quy định về người đồng tính, người chuyển giới tính, người chưa xác định được giới tính.
“Vậy ai sẽ kiểm tra những đối tượng này, đề nghị được quy định rõ trong dự thảo luật”- ông nói.
Thế Kha
Theo Dantri
Khác biệt về quan điểm, ĐBQH cho ý kiến bằng phiếu về dự án Luật Thi hành án hình sự
Do quan điểm khác nhau của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra là thông qua dự án Luật Thi hành án hình sự tại 3 kỳ họp hay 2 kỳ họp, chiều 19-11, Đoàn Thư ký kỳ họp Quốc hội đã gửi phiếu thăm dò ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội theo hai phương án để sáng 20-11 báo cáo lại với Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm - đại diện cơ quan soạn thảo - kiên trì đề nghị thông qua Luật Thi hành án hình sự sửa đổi tại 2 kỳ họp
Trước đó, mặc dù hầu hết các ý kiến đại biểu đều đề nghị thông qua Luật theo quy trình ba kỳ họp như đề nghị của cơ quan thẩm tra, song Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm - đại diện cơ quan soạn thảo - vẫn đề nghị thông qua theo quy trình hai kỳ họp.
Theo Bộ trưởng, dự thảo Luật Thi hành án hình sự lần này được sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện, nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và đặc biệt đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các đạo luật tư pháp đã được ban hành, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018.
"Nếu dự án luật này không được thông qua sớm thì một số quy định đã có hiệu lực trong các đạo luật này không được thực hiện cụ thể như việc thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, việc tha tù trước thời hạn có điều kiện, việc thi hành việc cải tạo không giam giữ, thực hiện án treo"... Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu.
Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Công an, những quy định sửa đổi, bổ sung trong thi hành án thể hiện những điểm tiến bộ thực hiện quyền công dân trong Hiến pháp. "Chúng tôi biết, nếu thông qua tại hai kỳ họp, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định sẽ rất vất vả, nhưng tôi thấy những cái vất vả đó có thể khắc phục được, sớm khắc phục được. Còn nếu thông qua trong 3 kỳ họp mất khoảng 2 năm thì cuối năm 2020, thậm chí năm 2021 luật này có hiệu lực thì thời gian bị kéo dài", Bộ trưởng Tô Lâm giải trình.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định, mặc dù đã có nhiều điểm mới nhưng nội dung của dự án luật này vẫn đang còn nhiều điểm quy định còn khá chung, chưa rõ được cơ chế, thủ tục, trình tự, trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ trong một số chế định nên cần được các cơ quan phối hợp làm rõ hơn, cụ thể hơn để bảo đảm khả thi khi triển khai thực hiện.
Đó là những vấn đề như thi hành án đối với pháp nhân thương mại, quyền và nghĩa vụ của pháp nhân, người chấp hành án, nhất là những vấn đề mới như quyền kết hôn, quyền hiến mô bộ phận cơ thể người, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Đó còn là những quy định về lao động của phạm nhân, trong trại tạm giam hay ngoài khu vực tạm giam, quyền, nghĩa vụ, quản lý lao động của phạm nhân; thi hành án đối với người chưa thành niên người nước ngoài, trẻ em dưới 36 tháng tuổi theo mẹ hoặc cha ở trong các trại giam, trại tạm giam...
"Đại biểu cũng có lý của đại biểu, nhưng cũng có ý của bộ trưởng nói, nếu bây giờ thông qua ba kỳ họp thì sẽ có độ vênh quá dài về thời hiệu giữa Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và một số luật khác với luật này" Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nói và yêu cầu thực hiện xin ý kiến ĐBQH bằng hình thức gửi phiếu.
* Thời gian qua, có tình trạng người bị kết án tử hình làm đơn xin ân giảm, nhưng không nhận được quyết định bác hay không bác của người có thẩm quyền, nên cơ quan thi hành án hình sự không dám thi hành, mà người phải thi hành án ở trong tình trạng "chờ chết". Từ đó dẫn đến việc có phạm nhân làm đơn xin được chết, một số phạm nhân khác lại có biểu hiện gây rối, quậy phá... Đây là nhận định của nhiều ĐBQH về công tác thi hành án dân sự hiện nay.
Từ kinh nghiệm công tác, ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho biết, liên quan đến ân giảm thi hành tử hình, Khoản 4, Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, mà trong đó Việt Nam là quốc gia thành viên đã khẳng định, bất kể người nào bị kết án tử hình được xin ân giảm, có thể thay đổi mức hình phạt. Việc ân xá, ân giảm hoặc chuyển đổi mức phạt tử hình có thể được áp dụng với mọi trường hợp. Trong khi đó, Điều 367, Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định về vấn đề này, nhưng lại không quy định thời gian tối đa người có thẩm quyền ban hành quyết định bác hay không bác đơn xin đề nghị ân giảm.
ĐB Thu Trang cho rằng, việc quy định thời hạn ân giảm tử hình là hợp lý, vì đây không phải một giai đoạn tố tụng, mà là chính sách nhân đạo với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng thực tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nên khi nghiên cứu sửa đổi Luật Thi hành án hình sự cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
Chia sẻ quan điểm này, ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) cũng cho biết, ông nhận được phản ánh của giám thị, quản giáo về một số vướng mắc, khó khăn trong thi hành án tử hình. Bởi lẽ, thời gian giam giữ người tử hình kéo dài gây áp lực lớn cho cán bộ quản giáo, trong khi, người bị kết án tử hình có tâm lý không bình thường, không quản lý chặt chẽ sẽ tự sát, bỏ trốn... "Dự án luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) cần quy định cụ thể thời gian sau bao nhiêu ngày gửi đơn xin ân giảm mà không nhận được kháng nghị thì sẽ phải thi hành án" - ĐB Bế Minh Đức kiến nghị.
ANH PHƯƠNG
Theo sggp
Tuần làm việc cuối cùng, Quốc hội thông qua 8 luật Hôm nay (19/11), Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV bước sang tuần làm việc cuối cùng. Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV bước sang tuần làm việc cuối cùng Trong chương trình làm việc sáng 19/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Sau đó, Bộ trưởng...