Đòn trừng phạt mới của LHQ với Triều Tiên hiệu quả đến đâu?
Giới chuyên gia cho rằng các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc khó khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quan sát ICBM sau khi khai hỏa ngày 4/7. Ảnh: KCNA.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 5/8 ra quyết định áp đặt lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên. Nghị quyết do Mỹ soạn thảo cấm Triều Tiên xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản. Nó cũng cấm các nước tăng số lao động Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài, cấm các liên doanh mới với Triều Tiên và những hoạt động đầu tư mới trong các liên doanh hiện nay. Biện pháp trừng phạt có thể khiến Triều Tiên thiệt hại một tỷ USD doanh thu xuất khẩu hàng năm.
Liên Hợp Quốc muốn đánh vào nguồn tiền của Triều Tiên, từ đó ngăn cản nước này theo đuổi tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, giới phân tích hoài nghi liệu các biện pháp trừng phạt mới có phát huy hiệu quả trước Bình Nhưỡng hay không, theo South China Morning Post.
Trong một cuộc họp ở thủ đô Manila, Philippines, vào hôm qua sau khi Liên Hợp Quốc ra thông báo về lệnh trừng phạt, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã khuyên người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho rằng Bình Nhưỡng nên bình tĩnh.
“Trung Quốc kêu gọi Triều Tiên bình tĩnh đối mặt với nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và không làm bất cứ điều gì vi phạm nó trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang phản đối gay gắt việc Triều Tiên phóng tên lửa hay chuẩn bị thử hạt nhân”, ông Vương tuyên bố. “Tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện khá nghiêm trọng, gần chạm ngưỡng khủng hoảng nhưng cùng lúc, đó có thể là bước ngoặt để các nước quan tâm quyết định nối lại đối thoại”.
Không hiệu quả
Thomas Byrne, chủ tịch tổ chức Xã hội Triều Tiên, trụ sở ở New York, Mỹ, nhận định các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc “rất có ý nghĩa”.
“Triều Tiên giờ đây sẽ thiếu nguồn lực chế tạo bom nguyên tử và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Vì thế, những biện pháp trừng phạt này là mối đe dọa lớn đối với họ”, ông nói.
Sun Xingjie, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Cát Lâm, Trung Quốc, lại đánh giá các biện pháp trừng phạt mới sẽ ảnh hưởng lâu dài tới nền kinh tế Triều Tiên, song ông không tin nó đủ sức khiến Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.
Video đang HOT
“Nền kinh tế Triều Tiên tương đối khép kín. Các vòng trừng phạt trước đây về mặt nào đó đều chưa có tiền lệ… nhưng chương trình vũ khí Triều Tiên vẫn tiếp tục đạt được những bước tiến chưa từng thấy”, ông Sun nhận xét. “Hạt nhân hóa được coi là phương cách duy nhất giúp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bảo vệ sự ổn định của nước này”.
Ông Kim Jong-un kiểm tra hệ thống tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Ảnh: Reuters.
Theo ông Mark Almond, chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Khủng hoảng, trụ sở ở Anh, các biện pháp trừng phạt mới sẽ mang đến những tác động thực sự nhưng chưa thể khiến Triều Tiên nghĩ đến việc dừng chương trình hạt nhân.
“Triều Tiên thường xuyên phản đối Liên Hợp Quốc. Nếu bây giờ thoái lui, họ chắc chắn lâm vào tình thế khó xử”, Almond nhận định.
Ông cũng lưu ý rằng Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục thử tên lửa nhiều hơn nữa nhằm “chống đối lại tất cả các thành viên Hội đồng Bảo an”. Nhưng nếu khôn ngoan, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nên kiềm chế khiêu khích, gây hấn trong một khoảng thời gian.
Zhang Liangui, nhà quan sát về Triều Tiên tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, đồng tình rằng các biện pháp mới không gây áp lực đủ mạnh để Bình Nhưỡng thay đổi chiến lược.
Theo ông, Triều Tiên chỉ có khả năng quay lại bàn đàm phán nếu bị trừng phạt toàn diện trên tất cả các mặt nhưng Bắc Kinh và Moscow chắc chắn sẽ không dồn Bình Nhưỡng vào chân tường.
“Nếu Mỹ nhận thấy các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an không hiệu quả, họ có thể đơn phương áp đặt trừng phạt lên các quốc gia, công ty, cá nhân có làm ăn, trao đổi thương mại với Triều Tiên”, Zhang nói “Nếu vẫn vô ích, Mỹ có thể phải dùng đến sức mạnh quân sự”.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh MSNBC phát sóng hôm 5/8, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa loại bỏ phương án phát động “chiến tranh phòng ngừa” nhằm chặn đứng những mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
“Nếu họ sở hữu vũ khí hạt nhân có thể đe dọa Mỹ, đối với tổng thống, điều đó là không thể chấp nhận được”, ông McMaster nhấn mạnh. “Bởi vậy, chúng tôi phải tính đến mọi phương án và hành động quân sự là một lựa chọn”.
Gregory Elich, thành viên Hội đồng Cố vấn thuộc Viện Chính sách Triều Tiên, tin những biện pháp trừng phạt mới cũng không thể khiến Triều Tiên quay lại đối thoại.
“Nếu xét về khía cạnh thuyết phục Triều Tiên đối thoại, chúng còn khiến mục tiêu này khó thành hiện thực hơn trước”, ông nhận xét, đồng thời thêm rằng khả năng xảy ra xung đột và leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ chỉ gia tăng vì những biện pháp trừng phạt mới.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Mỹ công bố dự thảo nghị quyết thắt chặt trừng phạt Triều Tiên
Mỹ đề xuất lên Liên Hợp Quốc các biện pháp tăng cường trừng phạt Triều Tiên do Bình Nhưỡng thực hiện nhiều vụ phóng tên lửa tầm xa.
Mỹ đề xuất cắt giảm mạnh nguồn cung tài chính của Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng thử ICBM thứ hai. Ảnh: Reuters.
Trong dự thảo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) do Mỹ soạn thảo, Washington nhắm tới việc cắt một tỷ USD lợi nhuận xuất khẩu hàng năm của Bình Nhưỡng, tương đương một phần ba tổng thu nhập ngoại tệ, bằng cách cấm giao dịch một số mặt hàng chủ lực, Reuters hôm nay đưa tin.
Theo đó, các mặt hàng dự kiến bị cấm nhập từ Triều Tiên gồm than đá, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản.
Một quan chức HĐBA giấu tên cho biết "có niềm tin vững chắc" rằng Trung Quốc và Nga sẽ ủng hộ dự thảo này, khi được đưa ra HĐBA hôm qua.
Mỹ đang nỗ lực vận động để HĐBA bỏ phiếu hôm nay nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng thử hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hồi tháng trước. Trong khi đó, Nga và một số nước khác đề xuất cần có thêm thời gian.
Để được thông qua, nghị quyết của HĐBA cần có 9 lá phiếu ủng hộ và không có phiếu phủ quyết của Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp hay Anh.
Dự thảo nghị quyết cũng cấm các nước tăng số lượng lao động Triều Tiên làm việc ở nước ngoài, cấm các dự án chung với Triều Tiên và không cho phép thực hiện khoản đầu tư mới nào trong các dự án chung hiện tại.
Theo quan chức HĐBA, các mặt hàng cấm nhập từ Triều Tiên được coi là nguồn tiền mang tính quyết định giúp Bình Nhưỡng đầu tư vào các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân tốn kém.
Dự thảo nghị quyết này cũng bổ sung 9 cá nhân và 4 thực thể nằm trong danh sách đen của LHQ, gồm một ngân hàng ngoại hối chính của Triều Tiên, sẽ bị đóng băng tài khoản và cấm đi lại.
Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận dự thảo này trong tháng trước. Về mặt kỹ thuật, họ nhất trí với nhau trước khi chính thức đưa ra các thành viên khác của HĐBA.
Về phía Nga, nước này không đồng tình với đánh giá rằng Triều Tiên thử hai tên lửa tầm xa, cho rằng nó chỉ là tầm trung.
Ước tính, Triều Tiên năm nay thu về 400 triệu USD từ xuất khẩu than, hơn 250 triệu USD từ sắt và quặng sắt, hơn 110 triệu USD từ chì và quặng chì, gần 300 triệu USD từ hải sản. Tuy nhiên, hiện chưa rõ con số thu từ lao động ở nước ngoài.
Năm 2015, Triều Tiên được cho là có hơn 50.000 lao động làm việc ở nước ngoài, chủ yếu ở Nga và Trung Quốc, mang lại từ 1,2 tỷ USD đến 2,3 tỷ USD mỗi năm cho chính phủ.
Khánh Lynh
Theo VNE
Mỹ muốn Trung Quốc sớm quyết định trừng phạt Triều Tiên Mỹ đang gây áp lực để Trung Quốc ra quyết định về việc Liên Hợp Quốc trừng phạt cứng rắn hơn, đáp trả Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley. Ảnh: Reuters. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã đàm phán với người đồng cấp Trung Quốc về một nghị quyết...