Đòn trả thù
Phía trước là một chiếc xe tải đang chạy ngược chiều. Đầu gã đang đầy rẫy những ý nghĩ điên khùng. Gã rắp tâm cho một tai nạn thảm khốc.
Mười hai giờ trưa. Mồ hôi đã chảy ròng ròng trên gương mặt gã lái xe . Hai chiếc máy lạnh gắn trên trần xe đã tỏ ra bất lực trước sức nóng tỏa ra từ bảy, tám chục con người lổn nhổn chen chúc nhau trên chiếc xe buýt buổi trưa này. Đám đông như đang bị dồn vào một cái cối xay thịt. Họ bị kẹt cứng ngắc đến nỗi có muốn ngất cũng chẳng còn chỗ trống nào để mà ngã xuống. Như những con cá bị mắc cạn, họ thi nhau há miệng ra đớp lấy bất kì luồng không khí nào có trên xe. Một đứa bé bị xô đẩy dồn ép đến mức từ chiều cao một mét hai em bị đẩy vọt lên mét tám. Chân em không ở trên sàn xe mà bị kẹp giữa bụng của hai người lớn, đầu em đã chạm đến nóc xe. Ban đầu em khóc oai oái nhưng lát sau khi em phát hiện ra chiếc máy lạnh quý giá đang cách mình có vài phân, em hạnh phúc rướn người lên chườn mặt vào chiếc máy lạnh rồi sung sướng ngủ luôn trong tư thế đó. Bên dưới, một đống người đang ngẩng lên nhìn em đầy ganh tị. Gã lái xe quát ầm lên: “Mẹ kiếp! Giảm nhiệt độ xuống! Tao cần lạnh hơn nữa”.Tên soát vé lập cập chỉnh cái rì- mốt. Mười sáu độ. Mười lăm độ. Không ăn thua. Khí lạnh vừa chui ra đã ngay lập tức chìm đi trong cái nóng khủng khiếp hợp thành từ hàng chục cơ thể con người chen chúc nhau. Mặt người lùn ịn vào nách người cao. Mông đàn bà va vào đùi đàn ông. Một vài người nổi nóng văng tục. Đủ thứ loại mồ hôi quyện vào nhau tạo thành một thứ mùi ói mửa.
Tịnh như trôi trong cơn sóng người ấy. Hai tay anh quơ quào, cổ anh vùng vẫy cố tìm một khoảng trống để thở. Cuối cùng anh cũng bấu được vào cái cửa sổ. Anh dùng hết sức lực của mình mở tung nó ra. Một làn gió mát nhẹ bay vào. Xúi quẩy cho anh, tay lái xe là một gã khó chịu chỉ thích mùi máy lạnh chứ không thích mùi gió tự nhiên. Gã quát ầm lên
- “Mẹ kiếp! Thằng chó chết nào đã mở cửa sổ? Có đóng lại không kẻo hơi máy lạnh bay hết bây giờ!”
Một số người cũng thích mùi gió thiên nhiên giống Tịnh, nhưng chẳng ai dám lên tiếng bảo vệ anh. Đơn giản bởi vì cho dù tay lái xe chẳng qua chỉ là một gã làm thuê đi chăng nữa, thì hiện gã cũng đang nắm trong tay thời gian của họ, gã muốn họ nhanh thì họ nhanh, gã muốn họ chậm thì họ phải chậm, họ mà lộn xộn gã cho họ trễ giờ như chơi. Mà trong thời đại này, thời gian là vàng bạc. Thế nên, với gã lái xe, họ chẳng bao giờ dám ý kiến ý cò gì.
Tịnh ấm ức đóng cửa sổ lại. Nỗi bực tức đang sôi ùng ục trong bụng anh, tưởng như anh có thể vo gã lái xe lại rồi quăng vào thùng rác như quăng một cục giấy vụn.
Chiếc xe chở gần trăm con người chạy ì ạch giữa trưa nắng gắt. Có lẽ do quá uất ức vì phải chịu một sức nặng quá tải, nó bò rề rề như một ông già đang qua đuờng, thách thức sự kiên nhẫn của con người. Một người không chịu nổi đã gào lên:
- “Bác tài ơi, lẹ lên chút nữa giùm coi! Trễ nãi hết công việc của người ta rồi!”
Gã lái xe điên tiết:
- “Mẹ kiếp! Không thấy kẹt xe à? Có ngon lên đây lái đi! Này…Này…”
Video đang HOT
Gã lái xe vừa nói vừa dụi đầu ông khách khó tính vào vô-lăng. Ông khách lẩm bẩm chửi thề. Mẹ kiếp, nếu gã không phải là tài xế thì gã đã cho cái ông khách láo lếu này một trận. Gã buồn bực và đau lòng nghĩ rằng cả cái thế giới này chẳng ai hiểu và thông cảm cho cái công việc vất vả của gã. Lẽ ra giờ này gã phải được ngủ. Gã thèm ngủ kinh khủng. Gã chỉ được nghỉ có nửa tiếng vào buổi trưa để vừa ăn cơm vừa ngủ vừa đi toilet sau đó bị người quản lý đựng dậy lái tuyến tiếp theo trong tình trạng còn ngái ngủ. Tiếp đó gã phải đối mặt với nạn kẹt xe, với đèn đỏ, với những con đường chật chội và cái nắng như thiêu đốt. Nhưng bực mình hơn cả là lũ hành khách khó chịu lúc nào cũng đòi gã phải nhanh hơn, nhanh hơn nữa. Một ý nghĩ trả thù điên khùng bỗng loé lên trong đầu gã. Gã nhếch mép, tay nắm chặt vô-lăng rồi bất ngờ tăng tốc. Chiếc xe chạy hồng hộc như con lợn lũi. Đến khúc quanh, gã bất ngờ đạp mạnh thắng, chiếc xe đỗ “kịt”, những người trên xe bổ nhào về phía trước như ngả rạ, kẻ chổng mông, nguời dập mặt. Họ lồm cồm bò dậy, với tất cả sự phẫn uất, họ lừ lừ nhìn gã lái xe. Gã quay lại, gãi đầu, trưng vẻ mặt ngây thơ ra, cười hề hề : “sự cố ấy mà!”. Nhưng trong bụng gã sướng rơn. Một nụ cười nho nhỏ nhưng tinh quái như ánh chớp loé lên trên môi gã. Gã đã trả thù thành công!
Tịnh nhăn mặt ôm cái chân bị đau. Cú thắng gấp lúc nãy làm chân anh va vào thành xe rớm máu. Nỗi căm tức với gã lái xe lại càng cồn cào trong bụng anh. Anh luôn ghét đi xe buýt, trước đây đã ghét, bây giờ lại càng ghét, nhất là kể từ ngày anh chia tay với bạn gái. Anh trở nên cáu gắt, nóng nảy, ai đụng tới anh là anh nổi đoá lên. Anh ác cảm với phụ nữ, anh có cảm tưởng rằng tất cả phụ nữ trên đời này được sinh ra là để lừa dối anh, rằng cái xã hội này được tổ chức ra là để chơi anh một vố. Cho dù anh có…đẹp trai, tri thức đầy mình, bằng này bằng nọ, nhưng tất cả chẳng có nghĩa lý gì khi anh không có lấy một chiếc xe máy để đi làm! Trong tiềm thức, nàng và cha mẹ nàng và cả cái xã hội này đã mặc định rằng xe buýt là phương tiện chỉ dành cho những tầng lớp thấp kém, và anh phải là người kém cỏi như thế nào cơ thì anh mới phải đi làm bằng xe buýt. Từ ngày nàng ra đi, xe buýt đã trở thành một nỗi nhục dai dẳng và ám ảnh anh. Nó-chính nó- với anh là một nỗi tự ti không sao kể xiết. Giá như anh có một chiếc xe máy để đi làm thì anh đã bái bai nó từ lâu rồi!
Lát sau chiếc xe dừng ở một trạm gần chợ. Có khá nhiều người xuống xe khiến Tịnh cảm thấy dễ thở hơn. Chợt một giọng nói phụ nữ nhỏ nhẹ vang lên bên cạnh anh:
- “Mời anh ngồi xuống đây cùng với chúng tôi!” – Anh quay lại nhìn. Một gương mặt đàn bà xanh xao đang nở nụ cưòi với anh. Anh ghét đàn bà, tuy nhiên anh vẫn miễn cưỡng ngồi xuống theo lời đề nghị của chị ta (bởi vì anh đã quá mệt mỏi sau một quãng đường dài chen lấn). Người đàn bà nép qua bên trái chừa cho anh một chỗ trống. Tịnh để ý thấy đầu của một người đàn ông gục trên vai chị. Chị ngượng ngùng nói:
- “Anh thứ lỗi! Chồng tôi bị say xe nên đã ngủ trên vai tôi từ nãy đến giờ!”
Tịnh gật đầu, rồi lẳng lặng ngồi xuống. Người đàn bà ngồi giữa Tịnh và chồng mình, đôi mắt chị ngập một nỗi buồn khó hiểu. Người đàn ông ngủ say như một đứa trẻ, không hay biết rằng những giọt nước mắt của vợ mình đang rơi lên trán mình. Khi bắt gặp cái nhìn thắc mắc của Tịnh, chị vội vã quẹt nước mắt rồi nhanh chóng nở một nụ cuời bất thường. Đúng vậy, người đàn bà này rất bất thường- Tịnh thầm nghĩ. Ngay từ đầu, chị ta đã tỏ ra bất thường. Băng ghế này chỉ dành cho hai người, vậy mà chị ta sẵn sàng chia chỗ ngồi cho anh. Hoặc là chị ta quá tốt bụng, hoặc là chị ta có mục đích gì đó.
Nhưng Tịnh chẳng rỗi hơi mà quan tâm đến mục đích của người khác. Từ ngày nàng ra đi, lòng Tịnh đã biến thành một cục đá, chẳng mảy may xúc động vì bất cứ chuyện gì. Anh trở nên dị ứng với những cảnh trai gái âu yếm. Chính vì vậy mà những nụ hôn người đàn bà đặt lên trán chồng mình đã làm nhức mắt anh. Anh bắt đầu ba gai, anh quạu quọ, anh nói bóng nói gió, anh lấy ví dụ về những con vật làm tình với nhau và anh đã dành cho chúng những cái trề môi khinh bỉ hết mức có thể. Người đàn bà nhìn anh ngơ ngác. Bỗng dưng anh như con nhím xù lông lên với chị. Chị hốt hoảng né ánh nhìn của anh. Rồi chị thôi không dám hôn lên trán chồng mình nữa. Anh hài lòng về thái độ của chị. Anh hể hả với những lời nói tàn độc của mình. Nhưng kì lạ, trong lòng anh, gió bão đang quật tơi bời. Anh đưa hai tay lên ôm lấy tim mình, bồi hồi lắng nghe nỗi đau của mình đang đập. Người đàn bà kia…ánh mắt kia, nụ cười kia, những cái hôn kia…chúng làm anh nổi điên lên, chỉ vì chúng đã vô tình chạm đến cái gì đó sâu kín nhất của hồn anh. Vết thương lòng của anh, anh rửa mãi nhưng sao nó cứ ngày càng loét ra.
Ở trạm tiếp theo, một người đàn ông trung niên ôm cây đàn ghi-ta cũ xì bước lên xe. Những lời xin xỏ xen lẫn tiếng hát lục cục thoát lên từ đôi môi tróc ra như vảy cá. Gã lái xe bực mình lẩm bẩm: – “Mẹ kiếp, lại gặp phải bọn ăn bám xã hội”. Sự bực mình đã đeo đuổi gã từ sáng đến giờ, bây giờ, lại thêm gã đàn ông du ca này đến đổ thêm dầu vào cái đầu đang bốc hoả của gã. Đã từ lâu gã quen chiến đấu với cái nắng thiêu đốt, với những lời mắng mỏ của cấp trên và những yêu sách của hành khách, đến nỗi lòng gã chẳng còn chỗ trống nào dành cho âm nhạc (hay bất cứ thứ gì tương tự như thế). Gã chẳng hiểu tại sao dạo này gã lại hay bực mình. Gã có thể bực mình mọi lúc mọi nơi, với mọi đối tượng trong mọi tình huống, chuyện chẳng có gì đáng bực mình gã cũng phải cố bực mình cho bằng được. Dần dà, bực mình đã trở thành nhu cầu của gã. Bị sếp chửi, gã bực mình. Vợ mắng, gã bực mình. Con khóc, gã bực mình. Tất nhiên gã chỉ dám thể hiện sự bực mình với những ngưuòi lệ thuộc gã hoặc những người thấp kém hơn gã. Ví dụ như với người đàn ông du ca này, gã thể hiện sự bực mình bằng cách phồng má, trợn mắt, hét ầm lên: – ” Mẹ kiếp! Giữa trưa nắng gắt mà hát hò, không để cho người ta yên!”
Chửi xong gã thấy thật sướng miệng. Lòng gã khoan khoái hơn, gã líu lo huýt sáo. Gã chẳng hề có ý định ngăn cản việc kiếm tiền của người đàn ông kia. Gã chỉ chửi chơi chơi vậy. Chửi để giải toả cảm xúc, chửi cho vui vậy thôi!
Người đàn ông bị chửi cúi gằm mặt xuống, miệng vẫn hát, nhưng đôi mắt già nua ngập trong sự tủi hổ. Ông bưng cái giỏ bẩn thỉu đi từ đầu xe đến cúi xe, hứng những hòn tiền lẻ mà người ta vo lại rồi ném vào giỏ ông.
Tịnh bắt đầu làm một phép tính. Hừm, xem nào, cứ mỗi tuyến xe buýt ông ta kiếm được vài ba chục, tính theo giờ hành chánh, mỗi ngày ông ta chỉ cần làm tám tiếng là kiếm được ối tiền. Tính xong, Tịnh cảm thấy mình thật sáng suốt khi quyết định không cho ông ta lấy một xu nào. Anh còn nghĩ, nếu bỏ ra một tháng để đi ăn xin có khi anh sẽ mua được một chiếc xe máy cà tàng, sẽ cưới vợ…
Một bà cụ trên xe thấy Tịnh và một số thanh niên không móc ví, liền chua chát nói:
- “Than ôi, thanh niên thời nay đã lụn bại hết rồi, chúng chẳng mảy may xúc động trước những cảnh đời cơ cực xung quanh, thật chẳng bằng một góc của những bậc tiền bối đi trước chúng. Bọn ta là những kẻ được giáo dục bởi tư tưởng từ bi của Phật giáo và những thứ đạo đức tinh tuý nhất…”
Tịnh nhếch mép, quay sang bà cụ nói rằng:
- “Thưa bà, được kinh qua những trò lừa đảo của cuộc sống công nghiệp, bọn cháu thấy rằng trong xã hội này mọi thứ đạo đức đều trở nên thật tức cười”.
Bà cụ sững sờ, á khẩu. Tịnh cười khảy, đã lâu lắm rồi anh mới có cơ hội được chửi ai đó hoặc thứ gì đó sướng miệng như thế. Những người trên xe hầu hết đều tán dương Tịnh, trừ người đàn bà ngồi bên cạnh anh…
…Nói đúng hơn là chị đang bận nghĩ tới một việc khác hệ trọng hơn nhiều. Chồng chị vẫn “ngủ say” trên vai chị. Còn nửa tiếng nữa mới đến trạm cuối cùng. Chị thấy sợ. Thời gian như đang trêu đùa với chị.
Giá mà gã lái xe chịu chạy nhanh hơn một chút nữa. Giá mà gã không phải là một kẻ hay bực bội, thích trả thù, thích giận cá chém thớt thì hay biết mấy. Mới đây, nhận được điện thoại của vợ báo tin con trai gã bị ốm phải vào bệnh viện, gã đã bực bội trút giận lên hành khách bằng cách cố tình tặng cho họ thêm một cú thắng gấp nữa. Lần này thì Tịnh ngã nhào xuống đất. Người đàn bà và chồng chị ta ngã đè lên người anh. Chiếc áo mới của anh rách toạc một vệt dài. Sự tức giận đã trào lên cổ họng anh. Anh cảm thấy không thể tha thứ cho gã lái xe được nữa. Anh hùng hổ đứng dậy, nhưng anh nhanh chóng nhận ra có điều gì đó thật bất thường. Chồng người đàn bà đang nằm đè lên người anh. Một thân thể lạnh ngắt, cứng đờ. Cảm giác rùng rợn nổi gai ốc khắp da thịt anh. Anh quay sang nhìn vào sự lúng túng của người đàn bà. Chị nhìn anh, sự sợ hãi làm gương mặt chị tối sầm lại. Chị vừa thở vừa nói:
- “Tôi xin anh…cầu xin anh…xin anh hãy giữ bí mật giúp tôi”
Tịnh nói:
- “Tại sao chồng chị đã chết mà chị lại nói là anh ta đang ngủ?”
- “Tôi”…-người đàn bà lắp bắp- “nếu tôi nói ra, người ta sẽ đuổi chúng tôi xuống. Chúng tôi ở dưới quê lên, chồng tôi bị bạo bệnh, tôi…hức” – người đàn bà lau nước mắt, nghẹn ngào – “Anh biết đấy, tôi thậm chí không còn một xu nào để cho người ăn xin, lấy đâu ra tiền mà đưa anh ấy về quê an táng, nên xin anh hãy giữ bí mật chuyện này giúp tôi từ giờ cho đến trạm cuối cùng, tôi có nhà người quen ở đó, tôi sẽ nhờ họ giúp đưa anh ấy về quê. Nếu họ đuổi tôi ở đây, tôi không biết phải làm sao, tôi không còn một xu nào…”
Tịnh nghe người đàn bà nói, không gật đầu cũng chẳng lắc đầu, chỉ lặng lặng phủi đít ngồi xuống. Từ đó về sau, Tịnh không nói thêm câu nào nữa. Người đàn bà tưởng Tịnh đang suy nghĩ về chuyện của mình, nên thỉnh thoảng chị len lén nhìn sang phía anh chờ đợi một sự cảm thông.
Nhưng Tịnh đang nghĩ đến cái áo. Anh không chú tâm đến người đàn bà. Anh chỉ miên man nghĩ về cái áo: Cái áo mới toanh anh phải chi ra nửa tháng lương mới mua được, bây giờ đã rách một vệt dài dưới nách sau cú thắng điên rồ của gã lái xe. Anh tự hỏi tại sao mình lại tha thứ cho gã. Anh đã vo sẵn hai cái nắm đấm trong tay và lẽ ra lúc nãy anh đã tung vào mặt gã nếu như anh không vướng phải câu chuyện rắc rối của người đàn bà. Người đàn bà, hừm, suy cho cùng, cũng giống anh ở một điểm nào đó. Nghèo chẳng hạn. Bây giờ anh mới thấy có một chút thương cảm, nên thỉnh thoảng anh quay sang nhìn chị ta, và lần nào anh cũng thấy trong đôi mắt buồn thăm thẳm gửi gắm muôn vàn lời cầu khẩn đến anh. Tuy nhiên anh phớt lờ. Anh đáp lại ánh mắt của chị bằng vài ba cái ngáp ruồi.
Do mải mê với những trò giận cá chém thớt, gã lái xe được tổng đài thông báo rằng gã đã về trạm không kịp giờ và sẽ bị trừ hết nửa tháng lương. Gã léo nhéo trong điện thoại: -”Tại kẹt xe quá mà anh ơi. Anh nói sếp giúp em…”- và được đáp lại bằng một cái dập máy khô khốc. Điên tiết, gã cho xe lao như bay. Gã không thèm dừng xe đón những hành khách đang đứng chờ ở trạm đằng trước nữa. Gã cho xe chạy vèo qua và để lại cho họ một đám bụi mù khiến họ chửi thề lói nhói. Tịnh nhìn qua cửa sổ, thấy những hành khách này đang xách dép chạy theo chiếc xe kêu la í ới. Tịnh nghĩ, nếu tay chân họ có móng vuốt, chắc họ sẽ không ngần ngại đu toòng teng lên cửa xe cho kịp giờ làm. Xã hội này đầy rẫy những người như họ (và như anh): Lúc nào cũng hấp tấp, vội vã, chạy đua với thời gian.
Khi chiếc xe quẹo qua khúc cua, mọi chuyện không thể tồi tệ hơn với Tịnh được nữa. Gã lái xe lại làm một cú thắng gấp khiến Tịnh bổ nhào xuống sàn xe và lần này chiếc áo mới tinh của anh lại rách thêm một lằn dài dưới nách. Tịnh lồm cồm đứng dậy. Hình ảnh chiếc áo mới tinh trị giá nửa tháng lương mới ngày nào còn nguyên vẹn và thơm nức mùi nước hoa cứ lởn vởn nhảy nhót trong đầu anh. Anh cảm thấy mọi chuyện đã đi quá sức chịu đựng của mình. Anh khẳng định gã lái xe là một tay thích gây hấn với anh, bắt đầu từ vụ chiếc máy lạnh đến vụ cái chân anh và bây giờ là vụ cái áo. Rõ ràng thằng cha này đang ba gai anh. Kết luận này khiến người anh nóng bừng bừng, anh hùng hổ lao đến đập đầu gã lái xe vào vô-lăng. Chiếc xe loạng choạng tấp vào lể đường. Gã lái xe quay đầu lại, điên tiết, với đôi mắt đỏ bầm bầm và hàm răng nghiến kèn kẹt, gã tung cú đấm trời giáng vào mũi Tịnh. Hai người vật nhau dưới sàn xe như hai con bò tót. Hành khách trên xe la ó hoảng loạn. Cho đến khi một người la lên – “đừng đánh nữa, trễ giờ rồi”, họ mới chịu buông nhau ra và ai trở về chỗ người nấy. Gã lái xe lại cho xe phóng như bay. Còn Tịnh, vẫn chưa hết uất ức, anh tìm cách trả thù. Không thể tha thứ cho kẻ đã làm hỏng chiếc áo mới của anh. Một ý nghĩ cuồng loạn vụt loé lên trong đầu, anh rút điện thoại, bấm số tổng đài xe buýt rồi nói oang oang trên xe:
- “Alô, tôi là hành khách đang đi xe buýt số…xuất phát lúc mười hai giờ trưa. Tài xế xe là…đã chở người chết trên xe, đề nghị Tổng đài có biện pháp xử lý”.
Nói xong, anh thản nhiên đút điện thoại vào túi. Không khí trên xe bỗng trở nên đông cứng lại, mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía Tịnh. Gã lái xe lại phải cho xe tấp vào lề đường, lao đến xách cổ áo Tịnh lên và định cho anh một quả đấm về cái tội ngậm máu phun người, nhưng Tịnh cười khảy và chỉ vào hai hành khách ngồi kế bên mình. Sự thật nhanh chóng được phơi bày. Người đàn bà cùng chồng chị ta nhanh chóng được (bị) tống cổ xuống đất. Hành khách trên xe lao nhao chửi bới sự làm ăn cẩu thả của gã lái xe. Tịnh quá hưng phấn, anh lâng lâng trong niềm hạnh phúc được trả thù nên đã không kịp nhìn vào đôi mắt vỡ vụn của người đàn bà dành cho mình. Tất cả những gì anh kịp nhìn thấy là hình ảnh những người trên xe xúm lại đẩy hai vợ chồng người đàn bà xuống đất, chiếc áo bà ba màu nâu của chị bị xé nát và cuối cùng nó như một cánh chim bay vút khỏi tầm mắt anh.
Tịnh ngồi trong xe, nhìn theo cho đến khi bóng dáng vợ chồng người đàn bà chỉ còn là hai cái chấm đen mờ ảo chìm trong hun hút khói bụi của xe cộ và trong cái nắng vàng ối như ảo ảnh của buổi trưa nóng bức này. Trên xe, hành khách cũng đã ổn định trở lại, riêng gã lái xe thì sắp sửa rơi xuống vực thẳm, bởi gã vừa nhận được một cú điện thoại của người quản lý thông báo rằng – “hãy lái tuyến cuối cùng đi anh bạn ạ, từ mai anh sẽ bị đuổi việc vì đã dám chở người chết trên xe”. Gã thấy mình như đang đi trên dây. Mất thăng bằng. Chới với. Gã nghĩ đến đứa con trai đang nằm viện chờ mổ. Gã nghĩ đến bao nhiêu thứ tiền nong sắp sửa ập lên đầu. Gã nghĩ đến sự thất nghiệp dai dẳng chẳng bao giờ giải quyết được trong cái thành phố này. Gã điên lên. Gã lại bắt đầu cho xe chạy như bay. Chiếc xe gầm lên rồi lao đi như một mũi tên. Phía trước là một chiếc xe tải đang chạy ngược chiều. Đầu gã đang đầy rẫy những ý nghĩ điên khùng. Gã rắp tâm cho một tai nạn thảm khốc. Những tấm kính vỡ…máu…và xương người…bay lấp loáng trong đầu gã. Gã đã nhìn thấy chiếc xe của mình nằm bẹp dí dưới gầm xe tải. Người chết nằm chồng lên nhau. Xương chất đống như đống củi. Sẽ không một ai sống sót, kể cả gã.
Theo Guu