Đơn thuốc đắt đỏ, tiền thực phẩm chức năng cao gấp 10 lần tiền thuốc
“Một bệnh nhân đã phải chi hơn 4,8 triệu đồng cho thực phẩm chức năng, trong khi thuốc điều trị chỉ 400.000 đồng; đơn thuốc đắt đỏ nên rất nhiều bệnh nhân đã phải bỏ viện ra về” – đại biểu Hiếu nói.
Sáng 13/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi). Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm tới chi phí đắt đỏ và giá dịch vụ khám chữa bệnh hiện nay.
Người bệnh phải chịu thiệt thòi khi đi khám bệnh
Mở đầu phần thảo luận, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) dẫn thông tin trong đơn thuốc của một bệnh viện tại Hà Nội, một bệnh nhân đã phải chi hơn 4,8 triệu đồng cho thực phẩm chức năng, trong khi tiền thuốc điều trị chỉ 400.000 đồng
“Các đơn thuốc ở bệnh viện này thường xuyên đắt đỏ nên rất nhiều bệnh nhân đã phải bỏ viện ra về. Đáng lo ngại, đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người bệnh phải chịu thiệt thòi khi đi khám bệnh” – ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, trước đây, dư luận đã nhiều lần biết đến các trường hợp bệnh nhân đã phải chi trả nhiều tiền cho các xét nghiệm không cần thiết, không được giải thích rõ ràng về kết quả khám bệnh, chữa bệnh và thậm chí là không được giải thích khi xảy ra sai sót trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.
“Một trong những lý do cơ bản dẫn đến tình trạng nói trên là do chưa nhìn nhận đầy đủ về mối quan hệ pháp lý giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Trong mối quan hệ này, người bệnh luôn ở vào thế yếu, phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đạo đức của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” – ông Hiếu bày tỏ.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Ảnh: Quochoi.vn).
Đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị, về nguyên tắc, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phải đặt ra những quy định rất cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh. Tuy nhiên, dự thảo mới đề cập đến mối quan hệ giữa người bệnh và người hành nghề, tập trung vào một số quy định.
Video đang HOT
Ông Hiếu cho rằng, các quy định này vừa thiếu lại vừa chỉ dừng lại ở quy định chung chung về quyền và nghĩa vụ trước, chưa có cơ chế cụ thể để bảo đảm người bệnh thực hiện được các quyền của mình.
“Rõ ràng nếu chỉ dừng lại ở những quy định như vậy, dự thảo luật chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, chưa đạt được mục tiêu của việc sửa đổi luật lần này là người bệnh làm trung tâm như tờ trình Chính phủ đã xác định” – ông Hiếu nêu rõ và kiến nghị ban soạn thảo cần tiếp tục tổng kết kỹ thực tiễn để bổ sung các quy định về mối quan hệ giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với tính chất đây là mối quan hệ ủy thác giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; khẳng định trong mối quan hệ này người hành nghề phải thực hiện các công việc khám bệnh, chữa bệnh vì lợi ích tối đa của người bệnh.
Cũng theo ông Hiếu, dự thảo luật cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh, gồm: Trách nhiệm trong việc khám bệnh, chữa bệnh; trách nhiệm bảo mật thông tin của người bệnh; trách nhiệm tránh xung đột lợi ích.
Cần có cơ chế kiểm soát giá dịch vụ khám chữa bệnh
Thảo luận về dự án Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) chỉ rõ, Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới của Trung ương về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nêu “đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân là đầu tư cho phát triển”.
Đại biểu tán thành cao với sự cần thiết sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 vì sau một thời gian thực hiện đã nảy sinh vướng mắc, bất cập mà chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết nhiều vấn đề về quản lý người hành nghề quản lý cơ sở khám, chữa bệnh chưa điều chỉnh; một số vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn khám bệnh, chữa bệnh như khám bệnh, chữa bệnh từ xa, điều trị nội trú ban ngày, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu ngoại viện, phòng ngừa sự cố y khoa…
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Ảnh: Quochoi.vn).
Quan tâm về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu phân tích, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân thông qua hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe được đảm bảo an sinh xã hội. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh có tác động trực tiếp tới quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước cũng như tài chính cùng mỗi người dân.
“Khám chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá, Nhà nước ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa.
Đối với khối tư nhân cần có cơ sở, cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để đảm bảo quyền của người bệnh. Nếu thả nổi giá cho khu vực tư nhân quyết định, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, người bệnh phải trả chi phí cao khi họ không có lựa chọn khác trong thời điểm các cơ sở y tế công lập đã quá tải như thực tế trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua” – đại biểu cho hay.
Liên quan tới vấn đề hợp tác, liên doanh, liên kết trong các cơ sở khám, chữa bệnh, đại biểu cho biết, tại Khoản 5 Điều 51 của dự thảo Luật quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Theo đại biểu, quy định chung chung như vậy sẽ rất khó và gây túng trong quá trình thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế có liên doanh, liên kết Thực tế như thời gian vừa qua, một số địa phương mất rất nhiều thời gian, công sức để tháo gỡ vướng mắc về công tác thẩm định, phân hạng, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật khiến cơ sở bị tạm ngừng thanh quyết toán, ảnh hưởng lớn đến hoạt động cơ sở và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Nữ đại biểu đề nghị bổ sung cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước bao gồm các hoạt động xã hội hóa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có giấy phép hoạt động. Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần rà soát và đảm bảo sự đồng bộ giữa Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này với các luật liên quan như Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Đại biểu lo lắng khi gần 5.000 bác sĩ, nhân viên y tế thôi việc sau đại dịch
Trước thực trạng gần 5.000 bác sĩ và nhân viên y tế xin nghỉ việc, đại biểu Quốc hội đề nghị phải có chính sách thu hút để lực lượng này yên tâm làm việc.
Góp ý vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sáng 13/6, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) dẫn số liệu thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết, trên thế giới đang báo động tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế. Theo tính toán của WHO, năm 2015 trên thế giới có khoảng 1 tỷ người không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh và thiếu 3,4 triệu nhân viên y tế. Dự báo, đến năm 2035, con số thiếu hụt nhân viên y tế lên đến khoảng 13 triệu người.
"Ở Việt Nam, trong 2 năm trải qua đại dịch COVID-19, chúng ta có có gần 5.000 nhân viên y tế và các bác sĩ công lập xin thôi việc vì áp lực công việc cũng như thu nhập không đảm bảo cuộc sống. Nếu cứ đà này thì rất nghiêm trọng vì các bác sĩ hiện nay đang có tâm lý không yên tâm công tác. Do vậy, chúng ta phải có chính sách thu hút để lực lượng này không bỏ nghề dẫn đến khủng hoảng lực lượng chăm sóc y tế cơ sở", bà Dung nói.
Theo bà Dung, trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này đã đề cập việc cấp giấy phép hành nghề với chức danh y sĩ trong lực lượng quân đội. Đây là nội dung rất cần thiết, nhưng sẽ rất thiếu sót khi chúng ta không đề cập đến chức danh nghề nghiệp đối với y sĩ tuyến cơ sở.
Bà Dung cho rằng, đây là chức danh đang hoạt động rất có hiệu quả tại các tuyến y tế cơ sở trong việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu, mà đợt đại dịch COVID-19 vừa qua đã chứng minh sự cần thiết và tính hiệu quả của tuyến y tế cơ sở trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu nói chung và phòng chống dịch nói riêng. Do vậy, cần phải đưa vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) việc cấp giấy phép hành nghề cho chức danh y sĩ, vì họ có vai trò quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ của Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình). (Ảnh: Quốc hội)
"Chúng ta phải xác định lại chức danh nghề nghiệp cũng như sứ mệnh của y sĩ trong nhu cầu chăm sóc sức khoẻ hiện nay và trong tương lai, vì lực lượng này rất cần trong tuyến y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới, hải đảo. Việt Nam đang có lực lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu rất ưu việt so với các nước trên thế giới, đó là tuyến y tế cơ sở ở xã, phường từ y sĩ đến bác sĩ, họ có những đóng góp rất tích cực trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân", bà Dung nói.
Đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để xem xét, cho ý kiến thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để giải quyết tốt những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, nhằm tăng cường trật tự, kỷ cương, kỷ luật quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.
Đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum). (Ảnh: Quốc hội)
"Trong sửa đổi Luật, tôi đề nghị cần đặc biệt chú ý các vấn nạn nổi lên là tình trạng người nhà đi cùng bệnh nhân, hoặc bệnh nhân có hành vi bạo hành nhân viên y tế tại các bệnh viện, khiến không ít y, bác sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên y tế bị xâm hại danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và thậm chí cả tính mạng", đại biểu Thanh nên thực trạng.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu tình trạng nhiều đối tượng có hành vi lợi dụng hình ảnh, tư cách của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để phát ngôn, tuyên truyền, quảng cáo gian dối về phương pháp khám bệnh, chữa bệnh, thuốc chữa bệnh, dụ dỗ, lôi kéo người bệnh sử dụng các phương pháp khám bệnh, chữa bệnh, thuốc chữa bệnh chưa được công nhận, không đạt tiêu chuẩn...
Đại biểu cho rằng, tại Điều 36 và Điều 94 của dự thảo Luật, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm các biện pháp như: quy định về trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc đảm bảo an toàn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn của đội ngũ nhân viên y tế; có cơ chế hỗ trợ tài chính để thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp làm nhiệm vụ bảo vệ tại các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, có quy định riêng về xử lý các hành vi gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xảy ra trong khuôn viên cơ sở y tế, trong khuôn viên của bệnh viện.
"Cần có chế tài mạnh để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là các đối tượng có hành vi bạo hành nhân viên y tế, gian dối trong quảng cáo, bán thuốc chữa bệnh, vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh gây thiệt hại cho người dân. Những đối tượng này cần phải được xử lý rất kiên quyết, kịp thời để đảm bảo phát huy cao nhất yêu cầu về răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung", đại biểu Thanh niêu quan điểm.
Thu hồi cà phê giảm cân Hoàng Gia chứa chất cấm Kết quả giám định cho thấy trong loại cà phê giảm cân chứa Sibutramine, một chất độc bị cấm sử dụng trong tân dược, thực phẩm chức năng. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có quyết định về việc thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm bổ sung cà phê...