Đón Tết nhẹ nhàng nhờ mẹ chồng tâm lý
Những ngày cận Tết, nhiều chị em lại than thở chuyện nặng gánh nhà chồng. Nhưng với tôi, Tết luôn là những ngày an nhàn nhất. Tôi luôn thầm cảm ơn bởi mẹ chồng tâm lý.
Những ngày này khi chị em phải tranh thủ từng chút thời gian để sắm đồ Tết cho gia đình riêng, cho gia đình bên nội bên ngoại thì tôi lại như một số ít đơn lẻ, thảnh thơi hưởng những ngày Tết đang tới gần. Tất cả đã được mẹ chồng ở quê lo lắng. Bà thương chúng tôi vất vả, kiếm được ít tiền lại “đốt” hết vào Tết nên liên tục gọi điện nhắc nhở:
“Các con không phải mua sắm gì cả. Có gì về nhà hẵng mua. Chợ ở quê không thiếu gì đồ ngon, đừng vội vàng sắm Tết ngoài đó, đắt mà tốn kém ra. Gần Tết anh em ở quê biếu nhiều đồ, cứ về nhà xem thiếu gì hẵng mua, đừng mua gì ngoài đó!”.
Mẹ chồng tôi liên tục nhấn mạnh như vậy. Mẹ chồng nhắn nhiều đến mức tôi không dám động tĩnh gì. Tết cũng vì thế mà cắt đi được một khoản.
Ảnh minh họa.
Thứ lo nhất là bánh chưng để thắp hương những ngày Tết, khi định mua cho nhanh thì mẹ chồng cũng gọi lên “chỉ đạo”. Bà bảo “ở nhà mẹ đã gói bánh chưng sẵn rồi, về mà lấy vài chiếc ra thắp hương rồi ăn Tết, không phải mua, vừa không ngon vừa chưa chắc đảm bảo”. Thế là khoản bánh chưng tôi cũng chẳng phải lo. Rồi giò, xôi cũng tương tự, ở quê mẹ chồng đã làm hết.
Gần giáp Tết, ngày trở về. Chúng tôi biếu mẹ chút tiền để sắm Tết thì bà chỉ lấy một nửa. Bà bảo “Mẹ lấy từng này là vừa đủ Tết, vừa đủ vui, lấy nhiều, các con nặng gánh. Tết là để vui vẻ chứ không phải là dịp để bày vẽ. Cả năm các con lo nhiều việc cho mẹ rồi, Tết cứ nhẹ nhàng thảnh thơi thôi!. Lời mẹ chồng nói làm tôi rất xúc động.
Trước ngày sang năm mới, mẹ chồng dặn tôi “Nhà đông con cháu, bà con, mỗi đứa con mừng xíu tiền coi như lì xì lấy may để vui vẻ. Tiền lì xì đừng nặng nhọc phải nhiều tiền, trẻ con nó hư người”. Thế là ngay cả đến tiền lì xì mẹ chồng cũng tâm lý góp ý để chúng tôi bớt được phần nào tiết kiệm được phần ấy.
Những ngày Tết sang, lo anh em bà con sang chúc Tết phải uống nhiều, mẹ chồng trong bữa ăn dặn dò con trai “Ngày Tết ngồi mỗi nhà một lúc thôi, người ta mời cơm thân lắm thì ngồi dùng bữa nhưng đừng khề khà rồi say xấu mặt mất vui”. Thế là tôi chẳng còn điều gì phải nói thêm với chồng. Cả cái Tết cứ nhẹ nhàng trôi qua.
“Tết ấm áp hay mệt mỏi là do quan niệm và cách làm của mỗi người!”, tôi luôn nhớ câu nói này của mẹ chồng. Nhờ mẹ chồng tâm lý mà Tết năm nào đến với chúng tôi cũng thật nhẹ nhàng. Chúng tôi hưởng thụ những ngày Tết bên nhau, đầm ấm thực sự.
Và năm nay cũng vậy, Tết đến thật nhẹ nhàng nhờ mẹ chồng tâm lý.
Phương Nghi
Theo giadinh.net.vn
Cô gái ngồi bên cửa sổ chiều cuối năm
Tôi đi dài theo lề đường, đếm từng cây trụ điện. Cuối cùng tôi tìm ra con ngõ nhỏ dẫn vào nhà Nguyễn.
Khi đó, tôi đã là một chiếc bóng vương vất ánh đèn từ trong những ngôi nhà kế cận hắt ra. Tôi sững sờ nhận ra chiếc khóa sáng loáng nơi cửa nhà Nguyễn, bước chân tôi khựng lại trên thềm. Vừa lúc đó, một gương mặt con gái ló qua cửa sổ nhà bên cạnh, rồi giọng hỏi trong trẻo cất lên:
- Ông tìm nhà ai?
- Nguyễn. Có phải Nguyễn còn ở đây không?
Cái đầu gật xuống, giọng nói ấp úng:
- Đúng, ông Nguyễn ở đây. Nhưng ông ấy đã đi khỏi từ mấy hôm rồi.
- Đi đâu?
- Hình như là về quê ăn Tết.
Tôi thất vọng, để va ly xuống dưới chân, lấy khăn lau những giọt mồ hôi dù trời đang lạnh theo những cơn gió cuối năm thổi về. Cô gái hỏi:
- Ông tìm anh Nguyễn có chuyện gì không?
- Tôi định về đây ăn Tết với Nguyễn, không ngờ nhà đóng cửa.
Tôi ngó quanh quất, mong tìm ra một nơi nào có thể chui vào được. Nhưng tôi thất vọng, nhà Nguyễn kín mít. Cô gái bỗng nói:
- Tôi cho ông mượn chìa khóa. Nhưng ông là gì của anh Nguyễn?
- Bạn.
Tôi bước tới gần bên cửa sổ. Cô gái ngó tôi, rồi bảo:
- Chờ cho một chút. Tôi đi tìm chìa khóa.
Video đang HOT
Tôi nghe sàn nhà rung lên, một thoáng cô gái trở lại bên cửa sổ trao cho tôi cái chìa khóa và nói, như giải thích:
- Chìa khóa này của anh Nguyễn gởi, phòng hờ khi nào có chị Thục lại thì đưa. Ông có biết chị Thục?
Tôi lắc đầu. Cô gái cười nhỏ trong miệng:
- Ừ nhỉ, tôi quên. Ông mới tới làm sao mà biết được.
Tôi cầm chìa khóa, thảy thảy trong lòng bàn tay. Cô gái vẫn nhìn tôi bên cửa sổ. Tôi đoán hình như cô đứng trên một chiếc ghế cao, vì vai cô gái chùng xuống. Hai bàn tay cô gái để trên thành cửa, tự nhiên, và gương mặt như lúc nào cũng tươi cười. Tôi ngó sâu vào đôi mắt cô gái, đôi mắt đen láy, bị che bởi mái tóc xõa xuống. Và bây giờ cô gái mới bối rối nói:
- Ông mở cửa đi. Bây giờ đâu có trở về được. Đây là buổi chiều cuối năm.
Tôi hỏi:
- Cô bé tên gì nhỉ?
Tôi thấy mặt cô bé hơi đằm xuống, đôi mày chau lại. Hình như cô gái khó chịu, không thích tôi gọi là "cô bé". Tôi cười:
- Nếu vui thì nói, giận thì thôi. Dù sao tôi cũng cảm ơn cô bé. Nếu không có cô bé đưa cho chìa khóa chắc tôi phải ngủ ngoài đường.
Nói xong tôi bước đến mở cửa. Lúc tôi mang va ly vào nhà, cô gái gõ gõ vào thành cửa nói:
- Ông đừng gọi tôi là cô bé không được sao? Tên ông là gì?
Tôi nói ngay:
- Tên tôi là Trường.
- Làm nghề gì?
- Không làm gì cả.
- Sao thế?
Tôi tìm chỗ bật đèn, một lúc sau tôi mới tìm ra cái công tắc nấp sau cánh cửa. Tôi bật đèn lên và cười:
- Tôi không có việc gì để làm. Cô bé có thể hình dung ra một người suốt ngày lang thang khắp nơi này đến nơi nọ. Hoặc ngồi lì trong quán cà phê suốt ngày nghe nhạc và đôi khi ngủ gật.
Cô gái bật cười khúc khích:
- Ông nói chuyện vui cười hả?
- Tôi nói thật. Thôi cô cho biết tên đi. Chốc tôi lại quên và kêu là cô bé nữa thì đừng trách nhé.
- Thúy Cúc.
- Tên đẹp nhỉ?
- Trà Thúy Cúc đó. Ngày xưa ba thường hay uống trà đó và ông đặt tên trên bao trà. Ông có uống trà Thúy Cúc chưa?
- Chưa.
- Tết người ta hay uống trà đó.
- Mai tôi đi mua về pha uống.
Cô gái cười:
- Ngày mai Tết rồi, không còn ai bán trà cho ông mua đâu.
Minh họa: Dỗ Duy Tuấn
Tôi ném va ly lên giường ngủ của Nguyễn, đi quan sát khắp căn nhà. Ngoài cái giường ngủ, bàn viết, mấy chiếc ghế lỏng chỏng và một cái lu nước đặt ở góc nhà, tôi không còn trông thấy một thứ đồ vật gì khác. Tôi mở cửa sổ và cửa sau, gió từ dưới sông thổi lên làm mảnh giấy dán trên vách rách từ bao giờ khua lạch bạch. Tôi hoàn toàn không ngờ chuyện Nguyễn về quê ăn Tết bất ngờ như vậy.
Cũng có nghĩa là tôi sẽ phải sống qua những ngày Tết trong căn nhà vắng chủ này một mình. Tôi xô cái va ly ra giường với ý định nhảy xuống sông tắm. Tôi nghe tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng dưới gầm sàn. Đêm cuối năm ở một nơi mơ hồ không là người quen cũng không là kẻ lạ khiến tôi buồn cười cho chính mình. Và tôi giữ nụ cười đó trong cái hụp đầu xuống mặt nước lạnh băng.
Tắm xong tôi thay bộ đồ ngủ còn thơm mùi nắng ra đứng trước thềm. Ánh sáng đèn từ trong hắt ra soi rõ cái bóng tôi ngã dài trên mặt đất lấm tấm những cây cỏ xanh mướt.
Cô gái vẫn không rời cái cửa sổ. Tôi hỏi:
- Cô bé không về quê ăn Tết à?
- Đã biết tên mà cũng vẫn gọi là cô bé.
- À, Thúy Cúc chứ.
- Ba không cho đi.
- Sao thế?
- Ba bảo dưới quê xa lắm tôi không đi một mình được.
- Sao lại không đi một mình được?
Cô gái im lặng một lát, rồi ngập ngừng nói:
- Tại vì tôi không đi được. Hằng ngày tôi phải ngồi trên chiếc xe để xê dịch trong nhà.
Tôi bàng hoàng nhìn Thúy Cúc. Lúc nãy tôi đã nghe thấy tiếng rung của sàn nhà, cảm tưởng Thúy Cúc đứng trên một chiếc ghế để ngó qua cửa sổ. Thì ra Thúy Cúc đang ngồi trên chiếc xe lăn. Tôi bước lại đứng bên cửa sổ hỏi:
- Thúy Cúc ở nhà một mình à?
- Không, ở với chị.
- Sao không thấy?
- Chị đi ra phố chưa về. Chắc là phải tan chợ vào lúc nửa đêm.
- Ở nhà một mình có buồn không?
Thúy Cúc lắc đầu, nhưng đôi mắt tối lại.
- Ông ăn cơm chưa?
- Chưa. Cũng không thấy đói.
- Anh Nguyễn thường ăn cơm ngoài tiệm. Sợ ngày Tết người ta đóng cửa.
- Không hề gì. Tôi có thể ăn bánh mì cả tuần trừ cơm.
- Hay là ngày Tết ông qua nhà ăn cơm với chị em tôi?
Đề nghị của cô gái làm tôi xúc động như khi nghĩ cô phải ngồi trên xe đeo cái cửa sổ ngó ra ngoài suốt ngày.
- Ông đừng ngại. Chị tôi vui lắm. Lúc về nghe nói, chắc chị mời ông ngay.
Tôi bỗng hóa ra trịnh trọng trước
Thúy Cúc:
- Dĩ nhiên tôi rất vui mà nhận lời. Nhưng đừng bận tâm lắm. Tôi có thể ăn ngoài phố. Vả lại ngày Tết người ta thường ít khi
đói bụng.
Cô gái cười giòn:
- Bộ ngày Tết người ta nhịn đói cả sao?
- Có lẽ. Vì người ta lo vui chơi, mừng có thêm một tuổi. Thúy Cúc cũng vui chơi và cũng có thêm một tuổi.
- Tôi không mong điều đó. Tôi chỉ thích những ngày yên lặng qua đi như con nước đầy rồi vơi dưới sông này.
- Thúy Cúc không mong Tết à?
Cô gái lắc đầu.
- Có thích ngắm người ta đi chơi không?
- Không. Chỉ thích đứng bên cửa sổ nhìn ra con đường ngoài kia. Chiều cuối năm chim én về nhiều quá, chúng đậu thành một hàng dài trên những sợi dây điện.
Tôi chợt nhớ ra vườn trái cây bên kia sông. Chắc chưa bao giờ Thúy Cúc được đi qua đó. Tôi hỏi:
- Thúy Cúc thích qua bên kia sông vào vườn trái cây chơi không?
- Thích. Nhưng mà làm sao qua được?
- Ngày mai tôi đưa Thúy Cúc sang bên đó chơi. Đi bằng thuyền. Tôi sẽ mướn một
chiếc thuyền.
- Nhưng đã hết mùa trái cây. Bên vườn chắc buồn lắm.
- Hết trái cây nhưng vườn đầy hoa.
Thúy Cúc tươi cười:
- Vậy thì đi. Ngày mai ông nhớ nhé. Có chị tôi cùng đi không?
- Cùng chứ.
- Ông nhớ nhé. Đi thuyền chắc vui lắm.
Tôi gật đầu, trở vào lấy tập lịch cùng tờ báo xuân ra đưa cho Thúy Cúc nói:
- Cho cô bé cái này.
- Cái gì thế ông?
- Mở ra sẽ biết.
Thúy Cúc cầm lấy mở ra. Tập lịch và tờ báo mở rộng trên thành cửa sổ, che hết nửa người của Thúy Cúc và chiếc xe phía dưới. Thúy Cúc reo lên:
- À, báo xuân và lịch. Đọc chắc thích lắm. Lúc nãy có dặn chị tôi, nhưng không biết chị có nhớ mua không.
Tôi bước trở vào nhà ngồi trên chiếc ghế nhỏ nhìn ra ngoài. Cái bóng của Thúy Cúc loay hoay bên cửa sổ với tờ báo in dưới đường. Tôi đi tắt đèn và ngồi luôn trong bóng tối. Đêm cuối năm bồi hồi như dòng sông đầy tiếng sóng.
Từ Kế Tường
Theo nguoitieudung.com
Những điều cần dạy trẻ khi nhận lì xì trong năm mới Mừng cho trẻ chỉ cần mang ý nghĩa tượng trưng, cái chính là mang đến niềm vui cho con trẻ, làm cho trẻ cảm nhận được những nét đẹp truyền thống trong phong tục lì xì. Với tiền lì xì đầu năm, cha mẹ có thể tận dụng cơ hội để dạy con nhiều điều bổ ích. Giải thích cho con hiểu ý...