Đón “sóng thần” thoái vốn trong quý IV
Trong khi thị trường cổ phiếu đang diễn biến phập phù, các nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển một phần vốn sang thị trường phái sinh để tìm kiếm cơ hội mới nhưng lại quên mất rằng từ nay tới cuối năm còn tới 10 đợt bán đấu giá cổ phần nhà nước, thoái vốn.
Thoái vốn nhà nước là cơ hội để nhà đầu tư chuẩn bị nguồn hàng cho năm 2019. Nguồn: Internet
Cuối năm 2017, thị trường chứng khoán (TTCK) đã chứng kiến nhiều cuộc đấu giá cổ phần thành công như Vinamilk, Sabeco, POW, BSR, PV OIL… và chỉ số Vn- Index chinh phục mức đỉnh 10 năm.
Tuy nhiên, ngay sau khi TTCK có đợt điều chỉnh đầu tiên hồi tháng 4/2018, tâm lý chán nản khiến các nhà đầu tư ít quan tâm đến những đợt đấu giá cổ phần, thoái vốn nhà nước.
Khởi động với VCG
Nổi bật nhất trong sóng thoái vốn từ nay đến cuối năm là hơn 300 triệu cổ phần VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) được hai cổ đông lớn nhất chào bán trọn lô vào ngày 22/11.
Cụ thể, Tập đoàn Công Nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) sẽ bán đấu giá trọn lô hơn 94 triệu cổ phiếu VCG, giá khởi điểm trọn lô cổ phần hơn 2.002 tỷ đồng, tương ứng 21.300 đồng/cp.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng sẽ chào bán công khai trọn lô gần 255 triệu cổ phiếu VCG, tương đương 57,71% vốn. Giá khởi điểm cũng là 21.300 đồng/cp, tương ứng giá trị trọn lô 5.429 tỷ đồng.
Với việc đấu giá trọn lô và giá trị lớn, các nhà đầu tư cá nhân khó có thể tham gia, cơ hội thuộc về những nhà đầu tư tổ chức mong muốn được trở thành cổ đông chiến lược của Vinaconex.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá nhân cũng không phải hết cơ hội đối với cổ phần của Vinaconex bởi trước thềm thoái vốn, Tổng công ty đã bất ngờ khóa room ngoại về 0%. Động thái này khiến khối ngoại chỉ được bán ra mà không được mua vào cổ phiếu VCG.
Trên thực tế, trong danh sách đăng ký tham gia đấu giá lô cổ phần của SCIC, ngoài ba nhà đầu tư tổ chức còn có một nhà đầu tư cá nhân. Diễn biến này khiến nhiều người liên tưởng đến phiên đấu giá “đình đám” của Sabeco hồi cuối năm 2017.
Hiện, cổ phiếu VCG đang giao dịch tại mức giá 18.000 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với giá đấu khởi điểm mà các đơn vị thoái vốn đưa ra. Như vậy, nhà đầu tư cá nhân trên sàn hoàn toàn có thể kỳ vọng VCG sẽ tăng trong ngắn hạn nhằm đạt được mức giá mà các tổ chức thoái vốn đưa ra, là cơ hội cho dòng tiền lướt sóng.
Cũng trong ngày 22/11, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam – TKV (Vinacomin) cũng đưa gần 17,9 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà và Hạ tầng – TKV (Vinacominland) ra đấu giá với tổng giá trị 180 tỷ đồng, tương đương 10.800 đồng/cp.
Ngoài ra, Vinacomin cũng tổ chức bán đấu giá cổ phần tại CTCP Vận tải thủy – Vinacomin (ngày 22/11), hay Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) sẽ bán đấu giá 2,5 triệu cổ phần của CTCP Đồng Việt Thành (ngày 21/11), tổng giá trị đạt 100 tỷ đồng…
Video đang HOT
Ngày 29/11, Agribank sẽ thực hiện bán đấu giá hơn 468.000 cổ phần của OCB do ngân hàng này sở hữu, với giá khởi điểm là 18.130 đồng/cp.
Hiện, giá giao dịch cổ phiếu OCB trên sàn OTC khoảng 16.073 đồng/cp (theo Vinacorp), thấp hơn mức giá chào bán của Agribank 11,3%.
Trong tháng 12, thị trường còn có đợt đấu giá hơn 2 triệu cổ phần của CTCP Giấy Việt Trì (mã: GVT) với giá khởi điểm 27.100 đồng/cp (cổ phiếu GVT hiện đang giao dịch trên UPCoM với mức 11.100 đồng/cp); Hơn 3,7 triệu cổ phần của CTCP Lilama 69-2 do Tổng công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP sở hữu; Agribank thoái vốn tại CTCP Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam (Agritour) với gần 5,3 triệu cổ phần, giá khởi điểm 17.100 đồng/cp, tương đương 230 tỷ đồng.
Đáng chú ý hơn cả là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ bán đấu giá 13,44 triệu cổ phần VST của CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, tương đương 22,03% vốn điều lệ VST.
Đợt đấu giá này dự báo sẽ gặp không ít khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư, khi giá khởi điểm đưa ra là 1.200 đồng/cp, cao hơn nhiều so với mức giá đang được giao dịch trên UPCoM là 700 đồng/cp.
“Cái khó ló cái khôn”
Nhìn chung, trong những đợt đấu giá sắp diễn ra từ nay đến cuối năm 2018, ngoài lượng cổ phần “khủng” của Vinaconex thì lượng “hàng” tung ra đều khó hấp dẫn giới đầu tư.
Lý do khó thu hút là bởi TTCK đang trong giai đoạn diễn biến xấu, các nhà đầu tư một phần vì chán nản mà bỏ thị trường, một phần sẽ dịch chuyển nguồn vốn sang kênh đầu tư khác thay vì xem xét các đợt thoái vốn, đấu giá cổ phần.
Nếu quan sát kỹ hơn có thể thấy, hầu hết giá khởi điểm của các phiên đấu giá đều cao hơn so với giá thị trường do đây là mức giá được xác định trên cơ sở tiềm năng, tài sản của doanh nghiệp.
Đơn cử như trường hợp của Vinaconex, trước thềm thoái vốn, doanh nghiệp này công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng năm 2018 với sự sụt giảm mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận.
Thế nhưng cổ phần VCG vẫn đắt khách, các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra nhiều nghìn tỷ đồng để có được lượng cổ phần nói trên là bởi với 3,2 triệu m2 đất đang sở hữu, Vinaconex trở thành “cô gái đẹp” trong mắt các đại gia bất động sản.
Hay như trường hợp của Vinacominland, hiện công ty đang quản lý và sử dụng quỹ đất được giao có thu tiền sử dụng đất tổng cộng gồm 597.280m2 trên địa bàn Tp Hạ Long, 118.375m2 trên địa bàn TP. Cẩm Phả (Quảng Ninh) và 1.450m2 đất tại Hà Nội.
Ngoài những mảng kinh doanh chính về du lịch, xuất nhập khẩu, Agritour cũng triển khai dự án xây khách sạn, căn hộ trung tâm thương mại Luxury Poseidon tại Vũng Tàu, đang tìm kiếm các đối tác có tiềm năng để thực hiện dự án vào cuối năm 2018.
Diễn biến phập phù của thị trường hiện tại có thể cản trở những quyết định của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo ý kiến của một chuyên gia chứng khoán, đây cũng là dịp để các nhà đầu tư nhìn lại thị trường và chuẩn bị nguồn hàng cho năm 2019 sắp tới, với những cuộc chơi mới, diễn biến mới của thị trường.
Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn
Bất ngờ lộ diện, chơi vụ lớn ngàn tỷ: Đại gia bí ẩn, khủng khiếp độ giàu ngầm
Hàng loạt đại gia ngầm với những cái tên lạ lẫm bất ngờ xuất hiện, với những thương vụ khủng ngàn tỷ khiến giới siêu giàu Việt cũng phải giật mình.
Bất ngờ thương vụ ngàn tỷ
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố kết quả thẩm định năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG), do Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) sở hữu.
Theo đó, hai cái tên lạ lẫm đáp ứng điều kiện và chứng minh năng lực tài chính đủ khả năng mua toàn bộ số lượng cổ phần trị giá tối thiểu hơn 2 ngàn tỷ đồng của Viettel.
Thêm một lần nữa, giới đầu tư hồi hộp chờ xem đại gia ngầm giàu hơn nhiều tỷ phú Việt nào đứng sau thương vụ này.
Tạm thời, hai cái tên được công bố là: CTCP Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam của ông Trịnh Cấn Chính và Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ của ông Vũ Xuân Cường.
Cả hai cái tên Trịnh Cần Chính và Vũ Xuân Cường đều rất xa lạ đối với giới đầu tư. Ông Trịnh Cần Chính đôi chút còn được biết đến sau quyết định nối nghiệp kinh doanh ngắt quãng 60 năm của nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô. Trong khi gần như không có thông tin gì về ông Vũ Xuân Cường. Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ mới được thành lập. Giới đầu tư tò mò chờ đợi kết quả của phiên đấu giá.
Đại gia giấu mặt tung ngàn tỷ trong các thương vụ khủng tại Việt Nam.
Trước đó, trong thương vụ đấu giá 5 tỷ USD giá trị cổ phần Bia Sài Gòn (Sabeco), thị trường cũng chứng kiến một cái tên mới toanh, một DN trong ngõ hẻm Hà Nội trở thành NĐT duy nhất tham gia: Công ty TNHH Vietnam Beverage.
Doanh nghiệp có trụ sở tại phòng khách gia đình này sau đó đã mua thành công 53,6% cổ phần của Sabeco, với số tiền 5 tỷ USD và lộ diện là công ty con cháu của Tập đoàn TCC Holdings của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi.
TCC Holdings sở hữu ThaiBev, trong khi ThaiBev nắm 100% Beerco Limited. Beerco Limited nắm 49% Vietnam F&B Alliance, còn doanh nghiệp này nắm 100% Vietnam Beverage. Qua công ty mới thành lập này, tỷ phú Thái nắm 53,59% Sabeco. Trong một thông tin gần đây, sau 1 năm về tay người Thái, Sabeco nới room ngoại lên 100%.
Lý do tỷ phú Thái phải thành lập Vietnam Beverage là do vướng quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Sabeco là 49%. Giờ đây cơ chế rộng mở, tỷ phú Thái có thể thâu tóm toàn bộ Sabeco.
Ở thương vụ Viettel bán 94 triệu cổ phiếu Vinaconex (21,28% vốn) vào ngày 22/11 tới) và SCIC thoái vốn 255 triệu cổ phần Vinaconex (57,71% vốn) vào cùng ngày, vẫn có khả năng một NĐT ngoại thành lập DN trong nước để tham gia thương vụ.
Nhưng khả năng này có vẻ thấp, bởi Vinaconex đánh mất vị thế DN đầu ngành xây dựng từ lâu. Sức hấp dẫn của Vinaconex nằm ở hàng triệu mét vuông đất trên khắp Hà Nội cùng với các dự án bất động sản lớn. Đây là yếu tố ưa thích của các đại gia BĐS hàng đầu như: ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (VietJet), bà Nguyễn Thị Nga (BRG), Bùi Thành Nhơn (Novaland),...
Những cái tên khá xa lạ trên thị trường tài chính.
Đại gia ngầm giàu hơn tỷ phú Việt
Vài năm trước đây, giới đầu tư cũng xôn xao về một doanh nghiệp xây lắp ít tên tuổi là Tuấn Lộc thâu tóm "ông lớn" cùng ngành có bề dày 50 năm Cienco4. Doanh nhân trẻ 8x Trần Tuấn Lộc, quê ở Nam Đàn, Nghệ An trở thành ông chủ Cienco4.
Một thời gian dài sau đó, đại gia thực sự của Cienco4 mới lộ diện: vợ phó chủ tịch Nghệ An. Trong báo cáo quản trị 2016 của Cienco4, bà Trương Thị Tâm giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT và là cổ đông lớn của DN này. Trong khi đó, doanh nhân trẻ nổi đình đám Trần Tuấn Lộc không còn là thành viên HĐQT của DN này.
Gần đây, vợ phó Chủ tịch Nghệ An bất ngờ bỏ ghế sếp lớn Cienco 4, trong bối cảnh DN kế hoạch lên sàn chứng khoán trong quý 4/2018. Sự thay đổi về cơ cấu cổ đông chưa được tiết lộ.
Nhiều người Việt giàu có kín tiếng. Hồi giữa năm 2018, một loạt các đại gia trẻ tuổi dồn dập thực hiện các giao dịch bí ẩn tại Ngân hàng VPBank. Sau giao dịch, có người 23 tuổi sở hữu 1.700 tỷ đồng, giàu hơn cả Bầu Đức.
Trước đó, rất nhiều giao dịch sang tên bí ẩn hàng trăm triệu cổ phần cũng tại ngân hàng này cũng ghi nhận nhiều đại gia trẻ tuổi là cổ đông của ngân hàng và có tài sản ngàn tỷ.
Cuối 2015, một kỷ lục đã được thiết lập trên TTCK trong thời điểm cuối cùng của giai đoạn cổ phần hóa 2011-2015. Khi đó, Bộ Công Thương gây bão sàn chứng khoán với cú bán hơn 122 triệu cổ phiếu GEX của Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam - Gelex (tương đương hơn 78,7% vốn điều lệ) thông qua khớp lệnh trên sàn chứng khoán UPCOM trong vòng 30 phút sau mở cửa phiên giao dịch ngày 25/12.
Còn nhiều đại gia bí ẩn bên cạnh các tỷ phú Việt.
Thương vụ thoái vốn 2 ngàn tỷ đồng chấn động dần sáng tỏ với sự xuất hiện của một doanh nhân trẻ tuổi và kín tiếng ở vị trí ông chủ. Đầu 2018, HĐQT Gelex có quyết định bầu ông Nguyễn Văn Tuấn làm chủ tịch Gelex. Tuy nhiên, ông Tuấn không trực tiếp sở hữu cổ phần nào tại Gelex. Giới đầu tư không biết ai là chủ sở lớn tại DN này.
Giới tài chính trước đó cũng rúng động với thương vụ đại gia khoáng sản kín tiếng miền Bắc - Hợp Thành - đình đám với thương vụ thâu tóm khách sạn hàng đầu trung tâm Thủ đô là Daewoo cho tới các cảng biển nổi tiếng dọc bờ biển Việt Nam, như Vinalines Đình Vũ, Quy Nhơn.
Vụ thoái vốn tại Bánh kẹo Hải Hà cũng chứng kiến những cú ra tay triệu USD chấn động từ một số người, trong đó có cả những nữ đại gia bí ẩn. Các giao dịch lớn và bất ngờ, lãi lỗ hàng chục tỷ đồng trong khoảng thời gian rất ngắn.
Giữa năm 2017, 3 cổ đông cá nhân lớn của CTCP Bánh kẹo Hải Hà (HHC) đã bán ra toàn bộ hơn 8,3 triệu cổ phiếu HHC nắm giữ (tương đương gần 51% cổ phần HHC). Bà Nguyễn Thị Thu Trang và bà Lê Bích Thục mỗi người bán 3 triệu cổ phiếu, trong khi đó ông Nguyễn Văn Bắc bán ra hơn 2,3 triệu cổ phiếu, với giá trung bình khoảng gần 51 ngàn đồng/cp.
Toàn bộ số cổ phiếu được các cổ đông này mua từ bà Nguyễn Thị Duyên trong nửa đầu tháng 4 trước đó, với mức giá bình quân khoảng 44 ngàn đồng/cp. Như vậy, trong chưa đầy 2 tháng, hai nữ đại gia đã thu về tổng cộng hơn 300 tỷ đồng, với mức lãi mỗi người khoảng 20 tỷ đồng, tương đương ngót nghét 1 triệu USD.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Duyên cũng đã gây rúng động với cú mua chui toàn bộ hơn 8,3 triệu cổ phần HHC mà Vinataba thoái vốn khỏi doanh nghiệp này (giá khoảng 48.500 đồng/cp) để rồi bán lại lỗ hàng chục tỷ đồng.
Trong vài năm gần đây, hàng loạt đại gia lớn đã lộ diện trở thành những người giàu có hàng đầu trên TTCK. Tuy nhiên, số lượng những người giàu có ngầm vẫn được một số tổ chức quốc đánh giá là rất lớn. Những thương vụ ngàn tỷ dồn dập xuất hiện trong thời gian gần đây phần nào cho thấy điều này.
M. Hà
Theo vietnamnet.vn
Cuối năm bỏ tiền vào đâu hiệu quả? Cuối năm, nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội khi nắm tiền mặt trong tay nhưng đầu tư vào đâu để sinh lợi đang là vấn đề không đơn giản Các nhà chuyên môn cho rằng mỗi kênh đầu tư đều có mức độ rủi ro và cơ hội riêng, tuỳ theo quyết định của mỗi người, đặc biệt là phù hợp...