Đơn độc giữa nước Mỹ
Những ngày bạn bè quanh mình đều về Việt Nam tránh dịch bởi tình hình dịch ở Mỹ ngày càng khó kiểm soát, số người nhiễm bệnh và tử vong cứ “leo thang”, Bình tự dặn lòng phải tìm cách sống sót, hơn hết là không để mình liên lụy đến người khác.
Bình (thứ 2 từ phải qua) và các bạn đồng hương đã cẩn thận đeo khẩu trang từ sớm – Ảnh: NVCC
“Mới chân ướt chân ráo học bay ở Mỹ được 3 tháng, những tưởng ước mơ chinh phục bầu trời đúng lộ trình, nhưng tôi không ngờ dịch COVID-19 làm đảo lộn” – Nguyễn Hữu Thanh Bình, du học sinh ngành hàng không Trường Aviator College ở bang Florida, trĩu giọng tâm sự.
Không về nước như bạn bè, chàng trai 25 tuổi, quê TP.HCM quyết định ở lại Mỹ – quốc gia đang có số người nhiễm bệnh cao nhất thế giới – để tự thân xoay xở dù rất khó khăn.
“Săn” hàng chống dịch
Nơi Bình ở là chung cư nhỏ thuộc thành phố Fort Pierce, bang Florida, có đông du học sinh Việt. Trong căn hộ nhỏ, Bình và 3 người bạn nam cùng trường sinh sống.
Bình tâm sự những ngày này nhiều bạn quanh mình đều về Việt Nam tránh dịch bởi tình hình dịch ở Mỹ ngày càng khó kiểm soát, số người nhiễm bệnh và tử vong cứ “leo thang”. Bình tự dặn lòng phải tìm cách sống sót, hơn hết là không để mình liên lụy đến người khác.
Bình ở ngoại ô, đến trung tâm thành phố mất 45 phút lái xe và siêu thị cách 30 phút. Dịch lan rộng ở Mỹ, cứ vài ngày Bình lại canh lúc siêu thị mở cửa sáng sớm để đi mua nhu yếu phẩm và đồ ăn. Anh phải nhanh chân vì nếu đợi đến chiều sẽ chẳng còn gì để mua, nhất là thứ cần dùng đều bị người ta “hốt sạch”.
“Ở siêu thị Mỹ mùa này, nhu yếu phẩm và đồ ăn hết nhanh, nhưng cũng nhanh chóng có lại rồi tiếp tục hết. Đi mua đồ ăn những ngày này ở Mỹ cứ như “săn hàng” sale giảm giá ở Việt Nam”, Bình cười kể.
Ở siêu thị anh hay mua, hàng bán chạy nhất là thịt, trứng, mì, đồ hộp, nước khoáng và giấy vệ sinh, trong khi rau củ luôn đầy ắp. Ngoài đồ ăn buộc phải đến siêu thị “săn” sớm, Bình còn đặt online những thứ ít “cháy hàng” như trà, cà phê, đồ gia dụng phục vụ nấu nướng vì bận học. Bình cũng đặt một số thực phẩm để dành ăn lâu dài nhưng rất khó mua online vì luôn trong tình trạng hết hàng.
Bình (thứ tư từ trái qua) vẫn đi tập bay – Ảnh: NVCC
Lo lắng mỗi lần vào siêu thị
Là người lạc quan nhưng Bình không tránh khỏi cảm giác bất an, nhất là lúc đi mua hàng. Siêu thị đông đúc, người dân chen nhau thì nguy cơ lây nhiễm rất cao, mặc dù có trang bị sẵn bao tay và nước rửa tay cho khách. Điều Bình lo ngại nhất là nhiều người không đeo khẩu trang và xài nước rửa tay dù Mỹ đang là tâm dịch, chỉ đa số người châu Á và số ít người Mỹ tuân thủ.
Video đang HOT
“Nhiều người vẫn “giỡn mặt” với dịch bệnh, thái độ phòng tránh của họ không có nên tôi rất sợ mỗi lần đi siêu thị. Có lần họ thấy tôi đeo khẩu trang liền né tránh, tỏ ra ghê sợ như mình là… người bị bệnh” – Bình bất an tâm sự.
Không chỉ siêu thị, ngay cả trường Bình từ lúc nghe thông báo ở New York thành ổ dịch mọi người vẫn còn “bình chân như vại”. Anh được nghỉ học từ 17-3, khi đó New York đã thành ổ dịch và ở Florida có ca nhiễm. Theo lịch sẽ học lại vào 1-4, nhưng nay tiếp tục nghỉ mà chưa có thông báo khi nào học lại.
Trường của Bình ban đầu khi nghe bang Florida có người nhiễm vẫn không có động thái phòng tránh. Anh vào trường mang khẩu trang, nước rửa tay và gặp nhiều ánh mắt không thiện cảm.
Ở trường bay, bạn bè phương Tây cũng cho rằng Bình mắc bệnh nên mới làm vậy. Đến nay, khi thấy tình hình dịch khó kiểm soát, một số người mới chịu tuân thủ các biện pháp phòng tránh, nhưng vẫn không hoàn toàn.
Không muốn làm gánh nặng
Bình kể bố mẹ nhiều lần gọi điện khuyên con về nước như các bạn. Lúc đầu anh cũng định về, nhưng rồi quyết định ở lại Mỹ. Anh nghĩ lỡ mình mang mầm bệnh trong người hoặc ra sân bay, lên máy bay bị lây nhiễm chẳng phải mọi thứ càng tệ hơn sao.
Hơn nữa, về Việt Nam lúc này sẽ cách ly 14 ngày, Bình không muốn tăng gánh nặng cho nước nhà và vé bay đi bay lại cũng tốn kém. Ngành học của anh cũng không thể học online hoàn toàn, nghỉ dịch vẫn phải ở nhà ôn bài và đến trường bay luyện tập, tích lũy kinh nghiệm.
Tuy nhiên, bạn bè đồng hương của Bình ở bang khác của Mỹ và vài người ở Đài Loan, Nhật Bản, Úc đã về Việt Nam trước khi dịch bùng phát. Họ biết nước nhà ngay từ đầu đã thực hiện rất tốt công tác phòng chống và chữa trị dịch bệnh. Người Việt được tính cẩn thận. Mới nghe tin Mỹ xuất hiện virus corona, Bình đã trang bị sẵn khẩu trang, nước rửa tay khô để “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Hồng Nhung mơ ước hết dịch để trở lại những ngày tràn ngập niềm vui thế này – Ảnh: NVCC
Ở Mỹ nhưng tôi tự phòng chống dịch bằng cách tuân thủ các khuyến cáo của Chính phủ Việt Nam và nghe lời bố tôi là bác sĩ dặn. Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn phòng dịch tốt và an toàn hơn Mỹ.
NGUYỄN HỒNG NHUNG
Giống Bình, cô sinh viên Nguyễn Hồng Nhung đang học ở Southern New Hampshire University cũng chọn ở lại Mỹ để đỡ tốn kém và rắc rối cho gia đình. Cô gái 20 tuổi từ quận 4, TP.HCM đã sang Mỹ 2 năm và mọi sự đang êm đềm thì gặp khó vì dịch bệnh.
“Tôi mới về thăm nhà hôm trước Tết Nguyên đán, trở lại Mỹ chưa được bao lâu thì dịch bệnh lan rộng. Tôi không muốn mình lại bay về nước gây tốn kém, khó khăn cho bố mẹ” – cô sinh viên nói và tâm sự mình tự tin có thể lo được cho bản thân, dù thật sự tình hình rất căng thẳng và chưa thể biết sắp tới sẽ thế nào.
Nhung kể cô rất tiếc vừa xin được suất trợ giảng thì dịch bùng phát. Mọi kế hoạch bị đảo lộn. Trường Nhung đóng cửa, chỉ dạy online. Bang New Hampshire, nơi cô gái Việt này đang du học, rất rộng nhưng chỉ có hơn 1 triệu cư dân sinh sống mà cũng bị dịch bệnh hoành hành.
Trong lúc nhiều người Mỹ mới bắt đầu thấy “sợ” con virus corona chủng mới mà ban đầu họ chỉ cho là cúm, thì những người Việt như Nhung đã ý thức cảnh giác từ sớm. Cô gái chia sẻ: “Rất thương mẹ, lúc tôi bay trở lại Mỹ, mẹ dúi cho tôi mấy chục cái khẩu trang. Tôi còn định bỏ lại vì không nghĩ sẽ có lúc cần ở quốc gia một bước là lên ôtô này. Ai dè chỉ vài tuần sau, nó đã thành vật bất ly thân phòng bệnh cho tôi”.
Bố Nhung cũng là bác sĩ ở TP.HCM, mấy lần ông đã kêu con gái về, nhưng cô xin được ở lại. Vừa rồi, cô đã “thương thuyết” xin chủ nhà trọ giảm giá được 100 đôla mỗi tháng cho suất trọ 350 đôla của mình (cô ở phòng đôi nên chia nửa tiền phòng với bạn). Giá cả hàng hóa thiết yếu nơi cô sống vẫn bình thường, nhưng Nhung đang hết sức tiết kiệm vì chưa biết dịch bệnh sẽ diễn tiến thế nào.
“Mỗi tháng tôi chỉ tiêu 300 – 400 đôla cho các thứ thiết yếu nhất như thức ăn” – Nhung nói và tâm sự cũng may các thức ăn cơ bản như thịt, sữa ở Mỹ khá rẻ, giá xăng lại rất rẻ nên cô vẫn tạm ổn. Và cô sinh viên Việt đang ngóng Chính phủ Mỹ hay nhà trường có động thái hỗ trợ du học sinh vốn mỗi năm đóng góp rất nhiều tiền bạc cho nước này nhưng chưa thấy gì…
Chạy bộ để giảm căng thẳng
Dịch bệnh, tự dưng dư dả thời gian nên Bình không quen, cứ đi ra đi vô khó chịu. Mọi người ở khu vực xung quanh ít giao tiếp, mùa dịch này càng hiếm gặp nhau.
Ở nhà bí bách, Bình ra khu rừng sau chung cư để chạy bộ. Ở đây ít người, không khí trong lành, cứ thế mỗi buổi Bình chạy 1-2 dặm cho khỏe người, đầu óc bớt căng thẳng. Trong lúc đó, Nhung cũng tranh thủ tập thể dục để giữ sức khỏe trong hoàn cảnh phải xa người thân lúc vô cùng khó khăn.
DIỆU QUÍ – MẠNH DŨNG
Sau chỉ thị cách ly toàn xã hội, người dân tập thể dục ngay dưới lòng đường
Sau khi hàng loạt công viên tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19, người dân Hà Nội chuyển sang tập thể dục trên vỉa hè và dưới lòng đường. Trong khi đó người dân Sài Gòn đi dạo, chạy bộ khi toàn bộ các thiết bị tập tạm thời "đóng băng".
Theo ghi nhận của phóng viên sáng 1.4 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, lực lượng chức năng túc trực nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, không tụ tập và không tập thể dục tại khu vực này. Nhiều người sau đó đã "chuyển hướng" xuống chạy bộ ngay dưới lòng đường.
Một số khác trượt patin ngay tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Lực lượng chức năng tuýt còi nhắc nhở bất cứ trường hợp nào đi thể dục trên vỉa hè sát hồ Gươm.
Nhiều người sau khi được nhắc nhở đã chuyển xuống đi bộ ngay dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng hoặc vỉa hè khu vực đối diện.
Tại công viên Indira Gandhi (Thành Công, Ba Đình), người dân đá cầu, tập thể dục ngay tại cổng công viên. Ảnh: Hải Nguyễn
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại khu vực công viên Cầu Giấy.
Sau khi công viên Cầu Giấy "kín cổng cao tường", nhiều người dân chuyển sang tập thể dục bên ngoài cổng công viên. Một số khác chạy bộ, đá cầu trên vỉa hè ngoài công viên.
Từ ngày 26.3, người dân TPHCM có thể đi dạo, chạy bộ nhưng không được sử dụng các máy tập tại các công viên để hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Trong hình là một gia đình đi bộ trên vỉa vè đường Trương Định (Quận 3, TPHCM) ngày 1.4.
Tuy nhiên, một số người dân "quên đeo khẩu trang" khi tập thể dục. Hình ảnh ghi nhận sáng 1.4 tại công viên Tao Đàn (Quận 1, TPHCM). Khi được hỏi, người dân thường giải thích khi đeo khẩu trang tập luyện được một thời gian sẽ khó chịu nên sẽ tháo ra vì mình tập ở chỗ vắng người.
Trước đó, Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1.4 để phòng, chống dịch COVID-19. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
HẢI NGUYỄN - PHAN ANH - HOÀI ANH - HÀ PHƯƠNG
Bãi biển Nha Trang đông nghịt người Hàng trăm người đổ về bãi biển ở TP Nha Trang tắm biển, vui chơi, nhiều người không mang khẩu trang, chiều 30/3. Ba ngày sau khi Thủ tướng chỉ đạo không tập trung trên 20 người, bãi biển Nha Trang vẫn đông nghịt người tắm, tập thể dục, đá bóng, chạy bộ..., trong đó có nhiều trẻ em được người lớn dẫn...