“Đơn đặt hàng” đặc biệt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Lắng nghe nhà khoa học trẻ Nguyễn Bá Hải nói về những tiện ích của “ mắt thần” dành cho người khiếm thị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hỏi han một cách chi tiết về giá thành, nhu cầu thực tế của sản phẩm và sau đó ông đã quyết định “đặt hàng” để phát miễn phí cho người mù.
Sáng 11/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gặp gỡ 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng. Tại cuộc gặp này, câu chuyện về con đường nghiên cứu khoa học của TS Nguyễn Bá Hải – Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và đào tạo nhân lực công nghệ cao ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM đã trở thành sự kiện nóng nhất. TS Nguyễn Bá Hải là người có 5 sáng chế quốc tế ở tuổi 28, một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2104, Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2012.
Khi được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân giới thiệu là công ty của TS Nguyễn Bá Hải đã sáng chế và sản xuất trao tặng gần 1.000 “mắt thần” – thiết bị dẫn cho người khiếm thị tại Việt Nam và một số nước trên thế giới, chàng tiến sĩ trẻ ngay lập tức đính chính một cách hóm hỉnh: “Em xin đính chính lại. Dự án này được nhiều người dân Việt Nam và Trung ương Đoàn đã chung tay góp sức. Đến ngày hôm nay, dự án cũng nhận được sự tài trợ của hơn 200 tổ chức, cá nhân để duy trì hoạt động. Việc tặng 1.000 “mắt thần” xuất phát từ nguồn phi lợi nhuận từ kinh phí của bản thân và các nhà tài trợ, hảo tâm để cùng Trung ương Đoàn tặng cho người khiếm thị nghèo ở những địa bàn khó khăn. Bên cạnh đó, sản phẩm đã được xuất khẩu sang Mỹ.
Sáng chế “mắt thần” cho người khiếm thị
Được đề nghị nói kỹ về sáng chế “mắt thần” cho người khiếm thị, TS Hải cho biết đây là một nghiên cứu mà thời sinh viên dự định làm nhưng đã bỏ lỡ khi đi du học. Sau khi làm tiến sĩ ở Hàn Quốc trở về nước năm 2010, từ sự cảm thông với những thiệt thòi của người khiếm thị, TS Hải đã tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm mắt kính dành cho người khiếm thị.
TS Hải bày tỏ: “Những con robot có thể đi trên mặt trăng, đi tới đi lui mà không cần có mắt, vậy thì sao không mạnh dạn làm cho người khiếm thị có thể đi được mà không cần nhìn?”. Với quan điểm như vậy, TS Hải đã bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm “mắt thần”. Phiên bản đầu tiên là một cái nón nặng gần 2kg, chi phí sản xuất khoảng 20 triệu đồng. Hút theo niềm đam mê này đã hơn 4 năm và cải tiến 9 phiên bản, giờ đây “mắt thần” chỉ còn 200g.
TS Nguyễn Bá Hải chia sẻ, trao đổi về công tác nghiên cứu khoa học với Thủ tướng Chính phủ
Háo hứng “quảng bá” sản phẩm “mắt thần” với Thủ tướng, TS Hải cho biết: Thời gian tới, “mắt thần” sẽ không còn có dây, trong phòng thí nghiệm đã có phiên bản gọi được điện thoại nhận được màu sắc, có thể nghe nhạc… Sản phẩm hiện tại đã sản xuất để tặng cho một số đối tượng miễn phí như thương binh, bệnh binh, giáo viên, trẻ, những người nghèo đang bán vé số ở TPHCM. “Mắt thần” nhìn bề ngoài giống như kính mắt thông thường nhưng thực chất là một loại kính điện tử gọn nhẹ. Trong một khoảng cách nhất định được lập trình sẵn, kính sẽ nhận diện các vật cản trái phải, trên dưới, đứng yên hay di động. Sau đó, thiết bị sẽ báo rung cho người sử dụng biết để chọn hướng đi an toàn.
Với những tính năng “ưu việt” của sản phẩm “made in Việt Nam, Thủ tướng quan tâm ngay đến giá thành của sản phẩm. Giải đáp câu hỏi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, TS Hải cho biết: Hiện giá thành của sản phẩm chỉ còn khoảng 2 triệu đồng nếu số lượng sản xuất trên 1.000 chiếc. Nếu tăng quy mô sản xuất lên cao thì giá thành còn giảm xuống có thể còn 1,2-1,3 triệu.
“Sáng chế này đang đứng tên em. Nếu Nhà nước cần, em sẵn sàng tặng lại Nhà nước. Còn về chất lượng sản phẩm thì chỉ cần nhấc điện thoại lên hỏi những người đang sử dụng là sẽ nhận được câu trả lời chi tiết” – TS Hải bày tỏ.
Báo cáo với Thủ tướng, TS Hải cũng cho hay, ở Việt Nam có khoảng 1,2 triệu người khiếm thị, có khoảng 300.000 người là mù hoàn toàn. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục sản xuất 5.000 chiếc để tặng cho các đối tượng nói ở trên. Nguồn kinh phí để thực hiện thì đã có. Trong năm 2015 thì việc làm này sẽ được hoàn tất.
Trước sản phẩm thiết thực và sự đóng góp vì cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định “đặt hàng” ngay nhà khoa học trẻ Nguyễn Bá Hải với 300.000 kính để tặng miễn phí cho người mù Việt Nam. Theo quan điểm của Thủ tướng thì đây là sản phẩm do người Việt Nam sáng chế ra, không có lý gì người Việt Nam lại không được dùng.
Thủ tướng Chính phủ chăm chú lắng nghe câu chuyện của TS Nguyễn Bá Hải
“Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn cần xúc tiến ngay dự án này. Chính phủ sẽ cam kết hỗ trợ chi phí do dự án” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Video đang HOT
Tự hào vì được Thủ tướng “đặt hàng”, TS Hải tranh thủ trao đổi luôn về hai dự định lớn của mình đó là quy trình nâng giá trị thương phẩm cho cà phê xuất khẩu của Việt Nam; Kế hoạch sản xuất robot có nhiều chức năng. Trong đó có thể làm nhiệm vụ dạy tiếng Anh để sử dụng cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa nơi người học không có điều kiện tiếp cận với các hình thức học với người bản ngữ…
Day dứt về việc giá cà phê tươi trong nước được bán với giá thành thấp, TS Hải chia sẻ: “Về việc sản xuất máy sản xuất cà phê thì lúc đầu em không muốn làm vì người làm khoa học không muốn bay bổng quá xa với chủ đề nghiên cứu của mình, nhưng khi một doanh nghiệp nói: Việt Nam xuất khẩu 2 tỷ kg cà phê/năm, đứng thứ 2 thế giới nhưng mình không có công nghệ pha chế hay hương liệu. Nghe xong “cái máu” khoa học của em lại nổi lên, lúc đó nghĩ làm sao để người nông dân bán từ 38.000 đồng/kg cà phê tươi thì liệu bây giờ bán 500.000 đồng/kg được không?. Em quyết định nghiên cứu máy sản xuất làm cà phê mất 2 năm trời và vừa rồi đã có 25 đơn đặt hàng”.
Chia sẻ với những băn khoăn của TS Hải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ: Cà phê Việt Nam được đánh giá là ngon nhất thế giới nhưng đúng là giá thành cà phê tươi đang còn rất thấp. Việc nâng cao giá thành sản phẩm phải dựa vào khoa học công nghệ, đây chính là nhiệm vụ của các nhà khoa học.
Nghiên cứu khoa học: Kiên trì sẽ thành công
Ngoài việc nói những thành tựu mình đã đạt được trong nghiên cứu khoa học, TS Nguyễn Bá Hải cũng thẳng thắn chia sẻ những kinh nghiệm cũng như góp ý với lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành trong việc phát triển khoa học công nghệ trong thời gian tới.
TS Hải chia sẻ: Khi nghiên cứu làm sản xuất máy cà phê thì cũng rất lo sợ bởi với những thiết bị bảo hộ thô sơ thì rất dễ gặp tai nạn khi có cháy nổ. Nhưng nếu nhụt chí thì sẽ không làm được. Sáng kiến, công trình khoa học của mình thì phải “đẻ” bằng ra sản phẩm.
“Có những lúc vì những sáng kiến của mình, tôi phải bán xe máy của vợ để lấy tiền thực hiện. Nếu chờ tiền của nơi tôi công tác thì chắc phải mất 1 năm. Qua đây cho thấy, nếu mình kiên trì và quyết tâm thì sẽ thành công. Nhà khoa học cần phải lấy hiệu quả làm đầu để cho xã hội tin mình” – TS Hải nói.
Trong nghiên cứu khoa học thì kiên trì sẽ thành công
TS Hải cũng cho rằng, đầu tư phải gắn liền với hiệu quả. Khi có sáng chế thì nghiệm thu sản phẩm của họ và thành lập các doanh nghiệp sản xuất. Chính phủ, Nhà nước cần phải hết sức ủng hộ việc làm này. Ở Hàn Quốc, chính sách này rất tốt nên có những sản phẩm cạnh tranh đánh bật hàng ngoại. Việt Nam chúng ta ngay cả nước uống cũng vẫn đang dùng sản phẩm của nước ngoài, đây là một chuyện rất đau lòng.
Chính sách cho khoa học cần phải linh hoạt bởi hiện nay có 3 nhóm nghiên cứu. Nhóm đầu tiên là những người vì đam mê, vì thỏa ước sự sáng tạo nên họ chẳng yêu cầu gì. Nhóm thứ hai là khen thì mới làm. Nhóm thứ ba là phải thuê mới làm.
“Ở trường khi chia tiền xuống cho mỗi người làm công tác nghiên cứu đề tài khoảng 35 triệu đồng và em quyết định từ chối, thà bị đuổi việc chứ không làm việc đó. Với 35 triệu thì không thể làm được việc gì cả” – TS Hải bày tỏ.
Từ sự bất cập này, TS Hải kiến nghị: “Đối với các nhóm đầu tư, đào tạo, cử đi học…thì Bộ khoa học và Công nghệ, Chính phủ nên chọn những người nhóm đầu tiên, họ là những người có khả năng thành công cao bởi có một động lực lớn nhất. Cần phải chọn đúng đối tượng. Chọn sai người là sai hết”.
TS Hải cũng nhắn nhủ, đối với các nhà khoa học thì phải sáng tạo, dấn thân và đoàn kết. Coi khó khăn là bệ đỡ nâng mình lên, càng khó khăn càng vui. Điều quan trọng nhất là tranh thủ mọi thời cơ vàng.
Nguyễn Hùng
Theo Dantri
Thủ tướng Chính phủ: Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học
Lắng nghe tâm tư và những chia sẻ của 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu tại buổi gặp mặt sáng 11/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho các nhà khoa học phát triển, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ".
Sáng ngày 11/9, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức buổi gặp mặt của lãnh đạo Chính phủ với các nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015. Đây là năm đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức sự kiện này.
Buổi gặp mặt có sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành của Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo và các nhà khoa học có uy tín thuộc các Viện, trường đại học, cơ quan nghiên cứu trong, ngoài nước; đại diện lãnh đạo khối nghiên cứu quân sự, doanh nghiệp và 70 nhà khoa học tiêu biểu thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học nông nghiệp, khoa học y dược.
Quang cảnh buổi gặp mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu
Hàng loạt kiến nghị của các nhà khoa học trẻ
Với lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân là trao đổi thẳng thắn, hàng loạt các nhà khoa học trẻ đã không ngần ngại chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình nghiên cứu.
Tiến sỹ Phạm Thị Tuyết Nhung hiện công tác tại Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, Viện HL KH&CN Việt Nam thẳng thắn chia sẻ: "Trong những năm vừa qua, nền khoa học công nghệ đã có những chuyển biến tích cực với sự đầu tư, quan tâm của Chính phủ. Chúng tôi mong muốn các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học đi trước hãy tin tưởng vào đội ngũ khoa học trẻ".
TS Nhung cũng cho rằng, với mục tiêu phát triển ngành Vật Lý đã được Chính phủ đặt ra thì các Bộ, Ban, ngành sẽ giúp việc tổ chức, quản lý nhưng chính các nhà Vật lý mới là những người lên kế hoạch chi tiết và thực hiện chương trình này. Đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, cần sự chung sức của toàn bộ cộng đồng Vật lý trong nước cũng như sự trợ giúp của những nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài cũng như các nhà khoa học quốc tế.
"Theo tôi thì cần có một cuộc thảo luận công khai, rộng rãi lấy ý kiến của rất nhiều các nhà khoa học để đảm bảo cho sự thành công của chương trình này. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có những cuộc thảo luận công khai hoặc có nhưng chưa đủ công khai để chúng tôi có thể được biết. Vì thế tôi mong muốn, các viện nghiên cứu, các trường đại học các cơ quan quản lý phải trao đổi hợp tác chặt chẽ hơn nữa để hỗ trợ lẫn nhau tham gia để thực hiện mục tiêu chung. Trong đó việc lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ được tạo cơ hội để bày tỏ quan điểm của mình và tham gia vào việc lên kế hoạch thực hiện chương trình" - TS Nhung bày tỏ.
Cùng chung tâm trạng, TS. Nguyễn Quốc Định - Trưởng Phòng thí nghiệm, Bộ môn Cơ sở Kỹ thuật Vô tuyến, Khoa Vô tuyến Điện tử, Học viện Kỹ thuật Quân sự đưa ra hàng loạt dẫn chứng về những bất cập về công tác nghiên cứu khoa học ở trong các trường ĐH hiện nay.
"Ở Nhật Bản, quá trình nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH chủ yếu tập trung vào nghiên cứu cơ bản hoặc chế tạo mẫu sản phẩm, quá trình sản xuất thử nghiệm chủ yếu do công ty công nghiệp sản xuất. Ở Việt Nam, yêu cầu đặt ra của các nhà khoa học là kì vọng từ nghiên cứu cơ bản cho đến sản xuất để hoàn chỉnh một trang thiết bị nào đó" - TS Định dẫn chứng.
TS Nguyễn Quốc Định bày tỏ, chia sẻ về phát triển nghiên cứu khoa học trong trường ĐH
Cũng theo TS Định, ở Nhật Bản, các trường ĐH nhận được rất nhiều sự hỗ trợ về kinh phí, đầu tư của các doanh nghiệp, trong khi ở Việt Nam là rất hạn chế. Hầu như các doanh nghiệp Việt Nam đều không có nguồn kinh phí trong việc hỗ trợ nghiên cứu trong các trường ĐH. Vì vậy Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ trích một phần lợi nhuận đầu tư ngược lại cho giáo dục và nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, thế giới đang có trào lưu trường ĐH và doanh nghiệp hỗ trợ các đầu tư mạo hiểm cho các công ty khởi nghiệp để phát triển những ý tưởng khoa học có tính đột phá. Chính vì thế Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ nên tạo ra các quỹ để đầu tư cho các công ty khởi nghiệp để phát triển những ý tưởng khoa học lớn, có tính đột phá của các nhà khoa học Việt Nam.
TS Phạm Văn Phúc - ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM bày tỏ thêm: "Đất nước chúng ta đang rất thiếu các nhà khoa học đầu ngành. Qua đây cho thấy công tác đào tạo trong nước chưa thực sự hiệu quả. Chính vì thế có nên chăng xây dựng các trung tâm đào tạo để thu hút những người thật sự giỏi, đam mê để truyền cảm hứng cho học trò. Từ cơ sở như vậy sẽ mở rộng lan tỏa trong cả nước và lúc đó sẽ đáp ứng được đủ nhân lực trong việc phát triển khoa học công nghệ của đất nước".
TS Phúc cũng nêu thẳng về những bất cập trong chính sách hiện nay: Có rất nhiều chính sách được đưa ra, đặc biệt là chính sách tài chính chưa được tháo gỡ một cách hoàn toàn. Ngày càng nhiều các quy định ràng buộc các nhà khoa học và làm nghiên cứu khoa học không còn được tự do nữa. Suy nghĩ sâu cho thấy, các nhà quản lý các cấp không tin tưởng các nhà khoa học nói chung và các nhà khoa học trẻ nói riêng. Làm khoa học nhưng không được tin tưởng thì sẽ gây ra một sự chán nản rất lớn.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học
Lắng nghe các ý kiến của các nhà học trẻ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta luôn ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư phát triển nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để các nhà khoa học, nhất là đội ngũ các nhà khoa học trẻ phát triển tài năng, sáng tạo, đóng góp thiết thực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân, khoa học công nghệ đã có những đóng góp rất quan trọng. Để Việt Nam sớm ra khỏi nước đang phát triển và có thu nhập trung bình và không rơi vào "bẫy" thu nhập trung bình, xây dựng nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng và nhà nước đã xác định phát triển nhanh nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là một trong 3 đột phá chiến lược. Đây cũng là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sức cạnh tranh quốc gia...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa hoc, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, Khoa học Công nghệ rất rộng lớn, vì thế nên lựa chọn những cái mà Việt Nam có tiềm năng, có lợi thế, có khả năng đưa ra thành sản phẩm cạnh tranh được trong nước và trên thị trường quốc tế.
"Chúng ta đang chú trọng vào 9 sản phẩm trọng điểm quốc gia (6 chính thức và 3 dự bị - PV), trọng điểm ở đây là chúng ta đầu tư khoa học công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất vào để tăng nhanh số lượng, chất lượng, hạ thấp giá thành nhưng có giá trị gia tăng cao để có thể cạnh tranh được với thị trường quốc tế, có như vậy mới nâng cao được sự cạnh tranh của đất nước" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Chia sẻ về một sự kiện "lạ" ở Kiên Giang, Thủ tướng tâm sự: Ở Kiên Giang có một chỉ tiêu "hơi lạ" đó là năm nay tỉnh sản xuất 5 triệu tấn lúa, lớn nhất cả nước, tuy nhiên Tỉnh ủy đưa ra là phải phấn đấu giảm nửa triệu tấn. Tuy nhiên phấn đấu giảm nửa triệu này rất là khó khăn bởi giảm về số lượng nhưng giá trị không giảm. Số đất trống của nửa triệu tấn lúa kia sẽ làm cái gì? Tất cả cái này đều phải đòi hỏi khoa học công nghệ cả, không có cách nào khác.
Thủ tướng Chính phủ bảy tỏ băn khoăn về sự phát triển khoa học công nghệ trong nước hiện nay. Theo Thủ tướng, thị trường quyết định đến sản xuất, mặc dù là đất nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới nhưng hiện nay lúa thì không bán được thì Việt Nam lại phải nhập ngô và đậu tương của nước ngoài để làm thức ăn chăn nuôi gia súc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với 70 nhà khoa học trẻ trong buổi gặp mặt sáng nay
"Vì sao chúng ta không sản xuất ngô để đảm bảo thị trường của mình được? Đơn giản là do họ sản xuất rẻ hơn mình. Trong khi họ phải mất tiền để vận chuyển mà chúng ta vẫn không thể cạnh tranh được. Tôi đã tham khảo các nhà khoa học và khẳng định không có cách nào khác là phải đưa khoa học công nghệ vào để thay đổi điều này, đây là nhiệm vụ của các nhà khoa học" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng quán triệt: "Vắc-xin tiêu chảy Việt Nam đứng thứ 4 thế giới, vắc-xin tiêm chủng mở rộng trong top 10 thế giới thì chúng ta đầu tư vào đây để Việt Nam trở thành một nước có tên tuổi sản xuất vắc-xin trên toàn thế giới, vừa cạnh tranh được, GDP tăng lên, vừa giải quyết công ăn việc làm. Tôi tin chúng ta hoàn toàn làm được việc này, Bộ Khoa học và Công nghệ nên chủ trì làm việc này".
Thủ tướng cũng khẳng định, cần cơ chế chính sách gì để giải quyết được các bài toán nói trên thì Chính phủ sẽ làm hết sức, thậm chí cái gì vượt quyền thì Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội để sửa luật, quy định... Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ mong muốn Bộ KH&CN tổ chức thường xuyên các cuộc đối thoại để có thể nắm tâm tư, nguyện vọng các nhà khoa học trẻ.
Nguyễn Hùng
Theo Dantri
Biệt thự hạng sang tăng giá vẫn đắt hàng Theo thống kê, giá biệt thự Vinhomes Riverside đã tăng tới 10% trong thời gian qua. Số lượng các giao dịch thành công cũng tăng lên bất ngờ. Khách hàng chỉ cần chậm một bước là có thể rơi vào tình trạng "nhắm mà không... mua trúng" được căn biệt thự ưng ý. "Mua hụt" 3 biệt thự trong vòng 1 tháng Phân...