Đón ánh mặt trời nơi cực Đông của tổ quốc
Đón ánh mặt trời nơi điểm cực Đông của tổ quốc, cất cao lời hát Quốc ca dưới lá Quốc kỳ, chỉ thế thôi đã đủ khiến ‘ chuyến đi cực Đông’ dù nhiều gian nan nhưng đầy ấn tượng, đáng nhớ và tự hào.
Đầm Môn – nơi những người bạn gặp nhau
Điểm cực Đông của Việt Nam thuộc địa phận Mũi Đôi ở làng chài Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Đây là điểm đón bình minh đầu tiên trên đất liền nước ta. Đường ra chinh phục điểm cực Đông phải trải qua nhiều loại địa hình.
Buổi tối trước hôm khởi hành, chúng tôi – những con người chưa quen biết, tập trung về Đầm Môn vào một đêm mưa to gió lớn. Ngồi cùng nhau trong một quán heo hút, vừa nướng đồ, uống nước, vừa kể cho nhau nghe những “chiến tích” của mình trên những cung đường chưa nhiều người đặt chân tới. Những người bạn đến từ khắp các miền tổ quốc, Bắc, Trung, Nam, có cả. Mỗi người có một lý do cho chuyến đi này. Có người vì yêu điểm cực Đông mà cứ có dịp là đến. Còn tôi, tôi kể vợ chồng mình ngoài Bắc, muốn đón bình minh ở cực Đông đúng dịp trăng mật, mọi người ồ lên, vỗ tay thích thú. Có lẽ lý do của tôi đáng yêu quá chăng?
Cùng nhau đón ánh bình minh đầu tiên ở điểm cực Đông (ảnh Trần Hoài)
Lần đầu tiên tôi biết tới cực Đông là lúc đi qua đèo Đại Lãnh (Phú Yên) ghé thăm Mũi Điện. Tại hải đăng Đại Lãnh, có một bia đá ghi rằng Mũi Điện là điểm cực Đông của tổ quốc. Nhưng sau này, với các thiết bị GPS người ta đã định vị được tọa độ điểm cực Đông chính xác ở Mũi Đôi, Vạn Ninh, Khánh Hòa.
Vậy là hai điểm này dù khoảng cách theo đường chim bay không có xa nhưng lại thuộc hai tỉnh khác nhau. Tại điểm cực Đông đã dựng lên một cái chóp ghi rõ tọa độ, thay cho chóp inox đã dựng trước đó.
Vợ chồng tác giả tại Mũi Đôi- Cực Đông. Ảnh: Tác giả.
Từ con đường vạch vàng huyền thoại với bãi Rạng
Video đang HOT
Đường ra cực Đông bắt đầu từ con đường vạch vàng huyền thoại. Đó là con đường rộng thênh thang với hai vạch kẻ màu vàng ở giữa, bên cạnh là đồi cát chạy dài. Đoàn chúng tôi chụp ảnh trước khi rẽ từ con đường ấy vào các cồn cát mênh mông nối tiếp. Sau đó sẽ là con đường vào rừng với một dốc rất dài, đảm bảo leo mệt bở hơi tai. Đoàn dừng lại nghỉ ăn trưa dưới một tán rừng rộng, rồi lại tiếp tục hành trình. Tới tầm bốn giờ chiều tới được bãi Rạng, một điểm dừng chân trên hành trình chinh phục cực Đông và hạ trại ở đó.
Con đường tới cực Đông đi qua những quả đồi dốc và dài. Ảnh: Tác giả
Bãi Rạng có một khoảng đất rộng đủ để dựng 10 cái trại, cạnh đó là núi đá, có thể leo lên ngắm hoàng hôn. Bữa BBQ chiều tối trên bãi biển với quá nhiều hải sản ngon và sau một chuyến đi vất vả nên ai cũng thấy ngon miệng và hào hứng. Đêm nằm trong lều nghe tiếng sóng vỗ rì rào, cảm xúc khi ấy thực sự khó quên. Đúng mười hai giờ đêm, mọi người lục tục gọi nhau dậy. Những ánh đèn pin rọi chiếu, rồi cùng nhau quây quần bên đống lửa trại đang cháy đượm. Những vòng lửa quay tròn văng ra những tia lửa bập bùng, tạo nên một cảnh tượng vô cùng đẹp mắt và đặc sắc trong đêm tối.
Nhảy và nhảy để tới cực Đông
Đoàn chúng tôi đi qua những đồi cát nối tiếp nhau. Ảnh: Tác giả
Con đường từ bãi Rạng tới điểm cực Đông là hành trình “nhảy và nhảy”, chính xác là nhảy qua các bãi đá lớn nhỏ chạy dài, cuối cùng là xếp hàng lần lượt chờ leo thang dây lên cột mốc. Cột mốc cực Đông nằm trên một hòn núi nhỏ khá cao, dốc thẳng đứng. Từng người một, tay nắm một đầu dây thừng do người dẫn đoàn đã leo lên trước thả xuống, chân đạp vào vách đá mà leo lên.
Đỉnh núi khá rộng, đủ chỗ cho khoảng hai mươi người cùng đứng. Ai cũng chọn chỗ ngồi hướng ra biển để đón đợi ánh bình minh đầu tiên của năm mới. Rồi mặt trời đỏ như hòn than cũng từ từ nhô lên từ phía biển, dần tỏa ra ánh nắng dịu dàng. Việt Nam bốn cực, một đỉnh, được đặt chân tới điểm cực Đông hẳn là một niềm vui, một nỗi tự hào nên vẻ mặt ai cũng rạng rỡ. Chúng tôi cùng check in bên chóp inox và lá cờ đỏ sao vàng, cùng hát vang lời bài hát Quốc ca. Khi ánh mặt trời bắt đầu lên cao hơn, mọi người dần trở xuống, lại nhảy qua bãi đá về điểm hạ trại, thu dọn hành lý.
Nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam. Ảnh: Tác giả
Hành trình trở về là đường biển nên nhanh hơn rất nhiều. Cách bãi Rạng một quãng không xa, chúng tôi với lỉnh kỉnh ba lô sau lưng men theo bờ dốc lần lượt leo xuống dưới bến nhỏ nơi con thuyền cập vào. Sau một chuyến đi dài, những người bạn mới quen nhau ngày hôm qua giờ đã thân thiết hơn nhiều. Chúng tôi nói cười và chụp chung những bức ảnh selfi để làm kỷ niệm. Lưng tựa lưng, dập dềnh thuyền rẽ nước lướt đi. Vùng biển này đẹp quá, xanh mát mắt. Xa xa một vài người đang ngồi trên các mỏm đá thảnh thơi câu cá.
Thuyền cập bến cho chúng tôi ghé vào quán nước của một cặp vợ chồng già trên bãi biển. Ngồi nghỉ một lát sau hải trình dập dành trên biển, chúng tôi chia ra mỗi người một góc nằm đong đưa võng dưới những gốc dừa, vừa uống những ngụm nước dừa mát ngọt. Giây phút này sao mà thảnh thơi quá, chỉ còn một quãng ngắn nữa, chúng tôi sẽ trở lại Đầm Môn và chia tay nhau.
Đi là để trở về với một ba lô đầy ắp kỷ niệm
Trở về căn nhà homstay sau chuyến đi dài, vợ chồng tôi tranh thủ tắm gội để chuẩn bị trở về. Sau hai ngày luồn rừng, leo núi, vượt đường xa, được tắm gội thật là thỏa thích. Vợ chồng tôi chụp vội với anh trưởng đoàn một tấm ảnh làm kỷ niệm rồi rời Đầm Môn.
Tay trong tay với san hô hình trái tim trên Bãi Rạng (ảnh Tác giả)
Cho tới hôm nay, tôi vẫn không thể nào quên con đường tới Đầm Môn giữa chiều tối muộn một ngày mưa gió hôm đó. Khi qua một đoạn vắng, gió thổi mạnh tới nỗi cả xe và người như muốn bay lên. Tôi cũng vẫn nhớ con đường lầy lội để tới được xã Đầm Môn, nhớ vị ngọt của nước dừa xiêm uống khi dừng nghỉ ven đường. Tôi còn nhớ ánh hoàng hôn trên bãi Rạng, nhớ tiếng sóng rì rào khi ngủ trong lều trại, nhớ tiếng hò reo vào thời khắc chuyển giao năm mới trong ánh lửa bập bùng. Và chắc chắn, trong tim mình tôi vẫn mãi nhớ ánh bình minh đầu tiên hai vợ chồng cùng đón ánh lên trong màu thép inox của chóp cực Đông.
Đón bình minh sớm nhất nước ở cực Đông của Tổ quốc
Mũi Đôi được coi là điểm cực Đông Tổ quốc và là nơi đón ánh bình minh sớm nhất của một ngày mới trên dải đất hình chữ S.
Mũi Đôi - Hòn Đầu nằm trên bán đảo Hòn Gốm (vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà), cách Nha Trang 80km phía Bắc và Tuy Hòa (Phú Yên) 35km phía Nam.
Người ta gọi là Mũi Đôi vì tại một vị trí có hai doi đá cùng nhô ra biển Đông. Du khách đến Mũi Đôi đều muốn đón ánh bình minh sớm nhất đất nước nên mọi người thường đi hai ngày với khoảng 12km và cắm trại ở trên bãi biển một đêm rồi đến Cực Đông. Chúng tôi cũng như vậy.
Những người đi trải nghiệm cực Đông thường đùa với nhau rằng, các cồn cát giống như sa mạc.
Ngày đầu tiên, cả nhóm 8 người, băng qua một đồi cát dưới ánh nắng gắt, ai nấy đều phải bôi kem chống nắng và mặc áo chống nắng dày. Những cồn cát cao ngút trong tiết trời nắng nóng, chỉ có đám cỏ, cây dại bò trên cát thực sự là một thử thách đối với đám du khách.
Chúng tôi băng qua đồi cát sau khoảng một giờ gặp biển. Phóng tầm mắt xa xa là biển xanh ngắt, thăm thẳm, cảnh đẹp yên ả phần nào xua đi mệt mỏi.
Gần trưa, chúng tôi đến được nhà chú Hai - một gia đình sống biệt lập giữa cồn cát, chúng tôi nghỉ chân ăn trưa tại đây và tranh thủ ngả lưng trên những chiếc võng, chợp mắt sau một chặng đường dài.
Buổi chiều, các đồi cát ít dần và thay vào đó những cánh rừng già rậm rạp, chúng tôi đi xuyên qua tán cây rừng rậm mát mẻ. Đường đồi dốc lên dốc xuống với nhiều địa hình khác nhau. Với những người đã quen leo núi thì cung đường đến Mũi Đôi không khó khăn gì, chúng tôi còn đùa nhau là được đi "an dưỡng" vì nghỉ chân nhiều. Song với người ít đi bộ thì chặng đường này vẫn là thử thách bởi phải đi bộ nhiều dưới thời tiết nắng nóng.
Hành trình vượt qua những đồi cát ngút tầm mắt thật sự khắc nghiệt nhưng vượt qua được sẽ là biển xanh và những cơn gió mát.
Tầm 4h chiều, chúng tôi đến điểm cắm trại ở Bãi Rạng, cả nhóm cùng nhau hạ trại và tắm biển. Biển trong xanh nhìn thấy san hô dưới đáy giúp chúng tôi thư giãn, xua đi mệt mỏi trên đường. Chúng tôi ăn tối và cùng nhau trò chuyện bên bãi biển, nghe những cơn sóng vỗ rì rào.
5h sáng ngày hôm sau, những tia nắng tỏa rạng chân trời, chúng tôi cùng nhau ngắm bình minh rực rỡ trên biển và nhảy qua những tảng đá lớn để đến cực Đông, thi thoảng cũng phải luồn lách dưới những tảng đá hẹp.
Thử thách cuối cùng là cả nhóm phải bám thang dây để leo lên tảng đá lớn nhất, nơi đặt chóp đán.h dấu cực Đông của Tổ quốc.
Chúng tôi chạm tay vào mũi chóp đán.h dấu cực Đông, nơi đón bình minh đầu tiên trên đất liền của đất nước và truyền tay nhau lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới.
Phượt thủ 9X trekking chinh phục Cực Đông Nếu bạn đã trót yêu những cung đường non hiểm trở của dải đất hình chữ S thì bạn không thể bỏ qua cung đường trekking Mũi Đôi - Cực Đông (tỉnh Khánh Hòa). Mũi Đôi - Cực Đông thuộc làng chài Đầm Môn, nằm trong vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Mũi Đôi - Cực Đông...