Dồm Cang không còn nhà tạm, dột nát, thu nhập người dân tăng nhanh
Những năm qua, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và thực hiện lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM)…, diện mạo nông thôn của xã Dồm Cang ( huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) đã có đổi thay nhanh chóng, cuộc sống của đồng bào các dân tộc tại đây được cải thiện rõ rệt.
Sắp đạt chuẩn nông thôn mới
Xã Dồm Cang là xã vùng III, biên giới của huyện Sốp Cộp, cách trung tâm huyện 07 km, tổng diện tích đất tự nhiên là 7.977 ha, xã gồm 11 bản, với 988hộ, 4.454 nhân khẩu, gồm 03 dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú cùng sinh sống và phát triển.
Kinh tế của Dồm Cang chủ yếu là sản xuất nông nghiệp theo hướng truyền thống, kinh doanh thương mại nhỏ lẻ; trình độ văn hóa,dân trí còn thấp ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Tuy nhiên, bằng những quyết sách đúng đắn, cách làm hợp lý cộng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cùng với các phòng, ban, đơn vị, đoàn thể của huyện, hiện xã Dồm Cang cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí và sẽ được công nhận đạt chuẩn NTM trong cuối năm 2019.
Những năm qua, từ nguồn vốn lồng ghép của các Chương trình mục tiêu quốc gia, xã Dồm Cang đã xây dựng được 41 công trình đường giao thông với tổng kinh phí thực hiện trên 28 tỷ đồng. Ảnh: Tuệ Linh
Chia sẻ về cách làm NTM ở xã Dồm Cang, ông Cầm Văn Đông – Chủ tịch UBND xã Dồm Cang, cho biết: Khi mới bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn, cái khó khăn nhất là việc huy động sức dân tham gia đóng góp chung tay xây dựng NTM còn rất hạn chế, đời sống của nhiều hộ dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, cộng với tâm lý trông chờ ỷ lại của một số cán bộ, người dân khiến việc huy động đóng góp bị hạn chế.
Để gỡ khó, các cán bộ cấp ủy, chính quyền xã Dồm Cang đã tham gia đầy đủ cá lớp tập huấn do tỉnh, huyện tổ chức để nắm rõ về ý nghĩa, mục đích của Chương trình xây dựng NTM và phương pháp tuyên truyền, vận động; tăng cường cán bộ bám sát cơ sở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. “Mưa dầm thấm lâu”, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân trong xã đã có nhiều chuyển biến, tích cực tham gia làm NTM.
“Khi bà con nhận thức được mục tiêu cốt lõi cuối cùng trong xây dựng NTM là đem lại lợi ích, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho chính họ, khắp các bản làng, người người, nhà nhà đều tự nguyện hiến đất giải phóng mặt bằng, ủng hộ vật liệu, ngày công, hiến đất, cây cối hoa màu để xây dựng đường giao thông, trường học, nhà văn hóa bản… Điển hình như các bản Dồm, Nà Khá, bản Men, Pặt Pháy, Tốc Lìu…” – ông Đông hồ hởi chia sẻ.
Video đang HOT
“Tam nông” khởi sắc
Theo ông Đông, vấn đề cốt yếu trong xây dựng NTM là việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý để nâng cao thu nhập bền vững cho người dân. Vì vậy, thời gian qua, xã đã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp; tăng cường cử cán bộ khuyến nông xuống thôn bản mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất theo định hướng của tỉnh và huyện.
Mô hình trồng xoài giống Đài Loan của nhân dân bản Cang, xã Dồm Cang.
Những năm qua từ nguồn vốn theo Nghị quyết 30a của Chính Phủ, nguồn vốn chương trình 135 xã Dồm Cang đã triển khai có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn, như: Mô hình nuôi nhốt kết hợp vỗ béo trâu, bò sinh sản; mô hình trồng cây sơn tra; mô hình xoài ghép, cải tạo vườn cây ăn quả; mô hình trồng lúa theo phương pháp SRI, mô hình trồng chanh leo… Nhờ đó người dân có điều kiện phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, tạo thế và lực cho NTM Dồm Cang bứt phá đi lên.
Theo ông Đông, để nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo, trong năm 2019, xã Dồm Cang đã phôi hơp vơi Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyên Sốp Cộp tổ chức câp phat 1.503 kg phân đạm, 4.008 kgphân SupeVăn Điển, 1.202kgphân Kalicrorua; cấp 4.036 cây xoai giông cho 22 hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Bên cạnh việc phát triển sản xuất nông nghiệp, từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, xã Dồm Cang đã biết khơi dậy sức dân trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội ở nông thôn.
Tính đến hết tháng 10/2019, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở Dồm Cang là trên 118 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 99,3 tỷ đồng; người dân đóng góp trên 18 tỷ đồng.
Qua đó, xã Dồm Cang và người dân đã xây dựng được 41 công trình đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết 115, Nghị quyết 70 của HĐND tỉnh Sơn La; 11 công trình thủy lợi; 8 công trình trường học; 12 công trình cơ sở vật chất văn hóa; 2 công trình nước sinh hoạt; 9 công trình cầu treo dân sinh và 4 công trình khác.
Đến nay, bộ mặt nông thôn Dồm Cang đã và đang chuyển mình mạnh mẽ trên mọi mặt: Toàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát; thu nhập bình quân tăng từ 21 triệu đồng/người/năm (năm 2018) lên 32,3 triệu đồng/người/năm (năm 2019); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm 8,7% (86/988 hộ); tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động có việc làm đạt 93,7%; có mô hình liên kết giữa HTX với người dân trong việc tiêu thụ chanh leo, cà phê đảm bảo bền vững; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; môi trường sinh thái được đảm bảo xanh – sạch – đẹp…
Với những cách làm sáng tạo, thiết thực cộng với sự quan tâm của tỉnh, huyện, tin rằng xã Dồm Cang sẽ về đích NTM trong cuối năm nay và là xã thứ 2 của huyện nghèo biên giới Sốp Cộp đạt chuẩn NTM sau xã Sốp Cộp.
Theo Danviet
Sau học nghề, có việc làm ổn định, thu nhập "trong mơ"
Để tiếp tục thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) trong 2 năm cuối (2019-2020), thành phố phấn đấu thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,7%/năm và giảm tỷ lệ hộ cận nghèo bình quân 0,9%/năm.
Đến cuối năm 2020, hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn thành phố giai đoạn 2019-2020 và thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 3,5 lần so với năm 2011.
Một trong những giải pháp được thành phố đặt ra là gắn công tác giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo và lao động nông thôn. Theo báo cáo của UBND TP.HCM, sau 10 năm thực hiện tiêu chí lao động nông thôn trong chương trình xây dựng NTM, TP.HCM đã có con số tỷ lệ người lao động qua đào tạo có việc làm đáng mơ ước: hơn 90%.
Tạo công ăn, việc làm cho hàng chục ngàn lao động
Tại huyện Cần Giờ, nếu như khi bắt đầu làm NTM (năm 2010), huyện chỉ có 20,3% lao động trên địa bàn qua đào tạo có việc làm, thì hiện nay, tỷ lệ này đã đạt 96%.
Huyện ủy và UBND huyện Cần Giờ xác định nhiệm vụ giảm nghèo với 2 giai đoạn: Giảm nghèo tăng hộ khá và giảm nghèo bền vững gắn với công tác đào tạo, giải quyết việc làm và xây dựng NTM. Theo đó, huyện đẩy nhanh tuyên truyền, phổ biến về chế độ, chính sách học nghề, thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị trong và ngoài huyện. Riêng trong giai đoạn 2016 - 2018, huyện đã giải quyết việc làm cho 17.252 lao động, lao động tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có 17 lao động/năm.
Ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm trên địa bàn huyện đạt 96,4% (34.923 lao động có việc làm/36.218 lao động trong độ tuổi), riêng tại 6 xã đạt hơn 96% (28.356/29.495).
Mô hình trồng rau công nghệ cao của nông dân huyện Hóc Môn. Ảnh: T.L
Trong khi đó, tại huyện Củ Chi, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hoài Phú thông tin, giai đoạn 2016 - 2018, huyện đã thực hiện giải quyết việc làm cho 34.137 lao động, nâng tổng số lao động nông thôn có việc làm trên toàn huyện lên 179.844/181.866. "Thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM (năm 2011), huyện có 7 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm. Kết thúc giai đoạn 1 (năm 2011 - 2015) huyện có 20 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm. Theo bộ tiêu chí về NTM theo đặc thù vùng nông thôn TP.HCM (giai đoạn 2016 - 2020), hiện nay huyện có 20 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm" - ông Phú cho biết.
Theo bà Lê Ngọc Sương - Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ (Củ Chi), thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình NTM, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn xã đạt 60%. Hiện dân số có khả năng tham gia lao động trên địa bàn xã là 7.479 người, trong đó lao động đã qua đào tạo, có việc làm là 6.829 người.
Ông Trần Tử Bình (xã Long Thới, huyện Nhà Bè) - nông dân đang trồng 800m2 hoa lan cắt cành cho biết, ông được Trung tâm Khuyến nông TP.HCM chuyển giao kỹ thuật và cây giống nhằm thực hiện xây dựng mô hình sản xuất hoa lan cắt cành. Sau hơn một năm đưa vào trồng các giống lan như mokara, dendro, vũ nữ, cattleya... đã cho thấy những tín hiệu kinh tế khá tích cực. Hiện ông Bình có lãi hơn 200 triệu đồng/năm - con số mà trước đây, "trong mơ ông cũng không dám nghĩ tới".
Đồng bộ nhiều chính sách, chương trình
Theo Ban chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM về Chương trình xây dựng NTM, từ năm 2010 đến nay, tổng số lao động có việc làm thường xuyên tại 5 huyện là 1.790.520 lao động, chiếm tỷ lệ 95,4% so với tổng số lao động trong độ tuổi lao động (1.790.520/1.876.259).
Trong giai đoạn 2010-2015, tổng số lao động có việc làm thường xuyên tại 5 huyện của TP.HCM là hơn 931.000 (trong tổng số lao động trong độ tuổi lao động là 994.754). Giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên lực lượng lao động tại các xã xây dựng NTM đạt 97,5%. Đến nay, 56/56 xã xây dựng NTM đều hoàn thành đạt tiêu chí từ 95% trở lên.
Ông Thái Quốc Dân - Phó Chánh văn phòng điều phối NTM thành phố đánh giá, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố và các sở, ngành trong công tác triển khai chương trình, đề án, kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Các hội đoàn thể đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền, vận động người lao động, đoàn viên, hội viên tham gia học nghề, giới thiệu việc làm sau học nghề cho người lao động. Đồng thời, thông tin rộng rãi các cơ chế chính sách của thành phố và T.Ư, hỗ trợ pháp lý nhằm giúp người lao động tiếp cận được các chính sách xã hội, vốn vay để mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập. Ngoài ra, Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố cũng tổ chức thành công sàn giao dịch việc làm nhằm kết nối cung cầu lao động. Qua đó, người lao động đã tìm kiếm được việc làm phù hợp, có việc làm ổn định, đảm bảo tiền lương, thu nhập và đời sống.
Sau 3 năm triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của TP.HCM đã giảm đạt so với mục tiêu của Nghị quyết số 15 mà Hội đồng nhân dân thành phố đề ra. Cụ thể, số hộ nghèo, cận nghèo toàn thành phố tính đến cuối năm 2018 là: 3.767 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,19% tổng dân số thành phố (Năm 2016 là 67.090 hộ, chiếm tỷ lệ 3,36%; hộ cận nghèo toàn thành phố là 22.882 hộ, chiếm tỷ lệ 1,15% (năm 2016 là 48.154 hộ, chiếm tỷ lệ 2,41%).
Về hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn Quốc gia: Thành phố không còn hộ nghèo có thu nhập trong chuẩn nghèo Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 (vào cuối năm 2016); cuối năm 2018, còn 94 hộ nghèo có thu nhập trong chuẩn cận nghèo Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, chiếm 0,005% tổng hộ dân thành phố.
Theo Danviet
Xã Yên Lễ (Như Xuân) đón Quyết định đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Sáng 30-11, huyện Như Xuân long trọng tổ chức lễ công bố quyết định xã Yên Lễ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2019 và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Yên Lễ là xã miền núi, xã có 4 dân tộc sinh sống, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 70%, chủ yếu...