Đôi vợ chồng hiếm muộn vỡ òa khi con gái nặng 660 gram được cứu sống
12 năm lấy nhau không có con lại từng sẩy thai một lần nên khi biết tin mình tiếp tục mang bầu, chị T. vô cùng hạnh phúc. Nhưng khi cái thai chưa đầy 6 tháng tuổi, chị đã sinh đứa bé ra. Với trọng lượng quá nhỏ vì non tháng lại mắc đủ chứng bệnh, khả năng người mẹ mất con lần nữa đã chực chờ trước mắt.
Đó là trường hợp của chị T. (38 tuổi, quê Cà Mau). Lập gia đình đã 12 năm nhưng vẫn chưa có mụn con nào, vợ chồng chị tích cực chạy chữa khắp nơi. Gạt đi nỗi buồn lần sẩy thai đầu năm ngoái, sau bao nỗ lực, niềm hi vọng của hai vợ chồng cũng trở lại khi chị tiếp tục mang thai.
Gia cảnh nghèo khó nhưng để lo cho con đủ đầy, vợ chồng chị T. quyết định rời Cà Mau lên Lâm Đồng làm thuê, chờ ngày đứa bé ra đời.
Bé gái con sản phụ T. lúc mới sinh.
Niềm vui ngắn chẳn tày gang, khi cái thai mới 24 tuần tuổi (chưa đầy 6 tháng), chị T. đột ngột đau bụng, rồi sanh thường một bé gái nặng có 660 gram. Vì tuổi thai quá nhỏ nên sau sinh, bé bị suy hô hấp, cả bác sĩ và gia đình đều nghĩ sẽ mất trong nay mai. Đồng thời, gần như rất hiếm có bệnh viện (BV) nào tại Việt Nam có thể nuôi sống được những trẻ cực non như thế.
Bệnh viện Nhi Đồng 2, nơi tiếp nhận bé gái sau khi sinh.
Nhưng đến 24 giờ sau, thấy bé vẫn còn tự thở được, linh tính mách bảo rằng con có thể vượt qua, vợ chồng chị T. chuyển con đến BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM) để điều trị tiếp, với tâm lý còn nước còn tát.
Video đang HOT
Suốt 4 tháng điều trị, khoa Hồi sức Sơ sinh của BV đã kiên trì cứu chữa cho đứa trẻ.
Đoạn đường di chuyển từ Lâm Đồng đến TP.HCM khá xa nên khi đến BV, tình trạng khó thở của bé đã nặng hơn khiến bệnh nhi không tự thở được nữa, phải được đặt ống vào đường thở để giúp thở bằng máy.
Trước chẩn đoán suy hô hấp nặng, đã qua 24 giờ sau sinh và mới có 24 tuần tuổi thai, cân nặng rất bé, các bác sĩ tại khoa Hồi sức sơ sinh, BV Nhi Đồng 2 vẫn quyết định bơm chất hoạt động bề mặt của phổi cho bé, giúp phổi bé hô hấp dễ dàng hơn.
Kết quả sau đó tình trạng hô hấp của bé được cải thiện rõ rệt, tuy nhiên, bé nhiễm trùng ngày càng tăng, phải dùng nhiều loại kháng sinh. Các chức năng hoạt động của cơ thể còn non kém, khiến cho quá trình điều trị gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài suy hô hấp nặng, bé gái còn kèm bệnh tim bẩm sinh và nhiều biến chứng sau sinh khác.
BS.CK2 Nguyễn Thanh Thiện, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh BV Nhi Đồng 2 cho biết, ngoài bệnh lý ở phổi do trẻ non tháng, bệnh lý nhiễm trùng, rối loạn các chức năng, bé còn kèm thêm bệnh tim bẩm sinh làm cho việc ăn sữa và cai máy thở khó khăn. Bé phải trải qua phẫu thuật cột ống động mạch khi cân nặng chưa đầy 1kg sau nhiều lần hội chẩn. Dù vậy, bệnh nhi vẫn chưa cai được máy thở cho đến khi bé được điều trị loạn sản phổi.
“Hết biến chứng này đến biến chứng khác, khi đã tự thở được bằng khí trời thì cũng là lúc bé được phát hiện bệnh lý võng mạc ở trẻ sanh non. Do đó, bé lại trải qua phẫu thuật mắt sau khi hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa mắt” – BS Thiện kể lại.
Bằng nhiều nỗ lực, cuối cùng tình trạng bệnh nhi đã ổn định và đã được xuất viện.
Nhờ quá trình nuôi ăn bằng sữa mẹ sớm cùng quá trình ấp da kề da không quản ngày đêm của ba mẹ, đặc biệt là sự chăm sóc tận tình của các y BS, điều dưỡng tại BV, sau gần 4 tháng điều trị, gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm của trẻ sinh non, cuối cùng bé đã khỏe mạnh. Cân nặng bệnh nhi tăng gấp 3 lần lúc sinh, lên 2,1kg, chiều cao được 42cm, vòng đầu 29cm, gần bắt kịp trẻ bình thường.
Vừa qua, bé đã được xuất viện trong niềm hân hoan của tập thể nhân viên khoa Hồi sức sơ sinh bệnh viện Nhi Đồng 2 và sự vỡ òa, xúc động của vợ chồng chị T. Cuối cùng sau bao nhiêu năm kiên trì, vợ chồng chị cũng đón được quả ngọt hạnh phúc với đứa con gái đầu lòng.
Theo Hoàng Lê (Trí Thức Trẻ)
Săn đuổi tinh trùng
Có một nhóm Facebook dành cho các cặp hiếm muộn mà nguyên nhân đến từ đấng mày râu. Đây là nơi người ta chia sẻ tin tức điều trị và động viên nhau đi tới, vì biết rằng hành trình tìm con đầy gian nan và thử thách.
Chiều cuối tuần, trong một quán càphê tại Q.1, TP.HCM, H. 29 tuổi, xinh xắn, chủ nhân của Facebook, đến từ TP Hạ Long kể cho tôi hành trình chữa hiếm muộn và lý do chị lập ra Facebook. "Cách đây ba năm, khi đi khám biết chồng không có tinh trùng vì tinh hoàn ẩn, tôi thật sự chới với và suy sụp. Khám bệnh viện tỉnh, rồi lên bệnh viện trung ương, chữa thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc, mất bao công sức và tiền bạc, nhưng tất cả đều vô ích". "Rồi tôi lên mạng tìm kiếm thông tin, nhắn hết người này người kia, tưởng như vô vọng thì có người quen mách có một bệnh viện chữa vô sinh nam bằng kỹ thuật mới, thế là vợ chồng tôi khăn gói vào thành phố chữa bệnh", chị H. nói.
Điều trị hiếm muộn vẫn tràn đầy hy vọng thành công nếu những người cùng hoàn cảnh biết đi cùng nhau. Ảnh: xét nghiệm chẩn đoán bệnh (ảnh có tính minh họa).
Từ kinh nghiệm bản thân trải qua những tháng ngày vất vả, chị H. quyết định lập một Facebook để làm nơi chia sẻ thông tin, giúp người cùng cảnh ngộ không phải đi lòng vòng, mất thời gian, bỏ lỡ cơ hội chữa trị. Ba năm qua, chồng chị H. đã hai lần vào TP.HCM mổ Micro Tese, một kỹ thuật mổ vi phẫu hiện đại tìm tinh trùng rồi tiêm tinh trùng vào trứng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Lần này chị vào thành phố chuyển phôi, lần chuyển phôi đầu tiên với biết bao hồi hộp.
Chị cười: "Chồng tôi là con trai cả, nhưng do bố mẹ chồng hiểu chuyện, biết nguyên nhân hiếm muộn do con trai nên không gây áp lực cho tôi. Con cái là duyên số cả, thôi mình cứ làm hết sức, biết sao bây giờ". Không như H. X, một thành viên trong hội lại tuyệt vọng khi gia đình chồng không cho con trai điều trị. Chị than thở: "Mẹ chồng mình nói &'Con không thương chồng hay sao mà bắt chồng đi mổ. Con muốn có con thì đi xin tinh trùng rồi cấy chứ đừng bắt chồng đi mổ. Đã vô sinh thì có mổ cũng vô sinh (!?). Giờ ăn uống tẩm bổ nghỉ ngơi thoải mái rồi tự nhiên có bầu thôi, con cái là trời cho đừng vội vàng'. Em buông xuôi luôn các chị ạ".
Theo BS Nguyễn Thành Như, cứ 100 cặp vợ chồng có 10 - 15 cặp bị vô sinh, hiếm muộn. Trong những nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn người ta thấy 50% đến từ vợ, 30% đến từ chồng và 20% do hai người có vấn đề. Tính ra, nhu cầu điều trị vô sinh nam rất lớn.
Bởi thế, trên Facebook kín của nhóm điều trị vô sinh nam này, người ta đọc thấy nhiều hoàn cảnh khác nhau, có cặp hiếm muộn vì chồng viêm tinh hoàn hay tinh hoàn ẩn, có ông chồng lại mắc một bệnh nào đó như giãn tĩnh mạch tinh làm tinh trùng ít và yếu, hoặc có người tắc ống dẫn tinh, tắc mào tinh nên không có tinh trùng trong tinh dịch. Nhưng cũng có trường hợp vô sinh nam do yếu tố di truyền như bất thường nhiễm sắc thể.
Tuy nhiên, biết được nguyên nhân là một chuyện, điều trị thành công lại là chuyện khác. BS Như nêu thí dụ: "Đối với giãn tĩnh mạch tinh, nếu được phẫu thuật thì tỷ lệ tinh trùng cải thiện là 60 - 70%, tỷ lệ có thai là 45 - 50% sau mổ một năm. Tắc ống dẫn tinh, nếu điều trị sớm thành công lên đến 90%. Riêng tinh hoàn ẩn thành công chỉ là 10 - 15%, nếu điều trị quá trễ thì không còn hy vọng".
Và như thế, việc tìm con của những cặp vợ chồng hiếm muộn thường là một hành trình dài, không khác gì tạo hoá muốn thách thức lòng kiên nhẫn của họ. Trên Facebook đó, người ta đọc thấy những tia hy vọng loé lên rồi lại tắt ngúm.
Cuối tháng qua, L., một thành viên trong hội buồn bã: "Một vạch rồi các mẹ ạ. Một nỗi buồn không hề nhẹ". Lập gia đình nhiều năm không có con, chữa hiếm muộn đủ kiểu không kết quả, cuối cùng L. mới biết được nguyên nhân từ chồng.
Tháng qua L. khấp khởi đi chuyển phôi sau khi bác sĩ tìm được tinh trùng rồi mang đi thụ tinh trong ống nghiệm. Nhưng 11 ngày sau đó, kết quả thử que lại âm tính. Chị than thở: "Mình vẫn còn ba phôi, nhưng sợ lắm rồi. Mấy năm qua mình toàn bị stress, thất bại thảm hại trong công việc lẫn gia đình".
Có ai nói Facebook là ngôi nhà ảo, nhưng Facebook của hội vô sinh hiếm muộn này dường như là một ngôi nhà thật. Cùng cảnh ngộ, nên người ta dễ chia sẻ, an ủi và động viên nhau.
"Thua keo này bày keo khác, đừng buồn nữa chị ạ!", "Cố lên chị, em cũng chuẩn bị vào làm từ bước đầu tiên đây. Chị như thế, bọn em rối trí lắm. Em nghĩ chỉ cần tin tưởng và hy vọng thì con yêu sẽ về chị ạ", những ý kiến động viên L.
Nhưng ở ngôi nhà thật đó, người ta cũng đọc thấy tâm sự buồn của những phụ nữ, buồn như không thể buồn hơn. Một chia sẻ trong hội: "Mọi người nói sao với tớ bây giờ? Ngày chọc hút trứng, sáng mình chọc, chiều về chồng đi nhậu say bí tỉ, tối về nôn hết ra chăn chiếu, việc nhà không chịu làm. Kỳ cọ xong hai cái nhà tắm mình lại phải rửa hết đống bát. Thế này là quan tâm và cần có con ư? Phải chăng chỉ mình là người cần con?".
Cuộc sống vốn không hoàn hảo, và như ai đó đã nói, không có con được coi là một trong những nỗi buồn lớn nhất trong cuộc sống vợ chồng. Thế nhưng chẳng có nỗi buồn nào là lớn nếu người ta biết nói ra và có những người bạn để chia sẻ.
Trong cuộc "săn đuổi tinh trùng" của các thành viên trên Facebook này, vài ngày người ta vẫn thấy những dòng trạng thái nho nhỏ dễ thương như thắp lên hy vọng cho cả hội: "Hôm nay vợ chồng em lên "thớt", em chọc được 15 quả ("tế bào trứng" - PV), chồng em chọc cũng có tinh trùng, dù không nhiều lắm, nhưng cũng hy vọng so với cách đây vài năm. Hồi hộp quá, đây mới chỉ là bước đầu, còn nhiều khó khăn phía trước nhưng các mẹ cùng cố gắng nhé".
Theo Bài, ảnh Vô Thường (Thế Giới Tiếp Thị)
Thức ăn bẩn - thủ phạm gây vô sinh Tại Hội nghị Sản phụ khoa hỗ trợ sinh sản ngày 17.5, PGS-TS Phạm Bá Nha - Trưởng khoa Phụ sản (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, tình trạng vô sinh ngày càng gia tăng trong đó có nhiều nguyên nhân do yếu tố xã hội như môi trường ô nhiễm, công việc căng thẳng, thức ăn không đảm bảo vệ sinh, viêm...