Đôi vợ chồng già bán nhà nuôi con người khác… ăn học
Mấy chục năm qua, sau 16 lần phải chuyển chỗ ở nhưng đôi vợ chồng già vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc vì những người con nuôi và con đẻ của họ đều chăm ngoan, học giỏi.
Mặc dù gia đình mình đã có 4 người con nhưng chỉ vì tình thương người, sự cảm thông, lòng nhân ái, ông Nguyễn Minh Lý ngụ ở thị trấn Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu) đã không tiếc tiền của nhận nuôi, chăm sóc, chu cấp tiền cho những đứa trẻ là con người khác ăn học nên người.
Và, để những đứa trẻ có được những tấm bằng đại học, cao đẳng…vợ chồng ông đã phải làm thêmbao nhiêu công việc cực nhọc. Cuối cùng, khi không đủ tiền cho những người con nuôi ấy ăn học, ông bà đã quyết định bán luôn cả căn nhà mình đang ở lấy hơn 3 cây vàng, rồi cùng nhau đi ở đậu. Mấy chục năm qua, sau 16 lần phải chuyển chỗ ở nhưng ông vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc vì những người con nuôi và con đẻ của ông đều chăm ngoan, học giỏi.
Ông Lý và vợ là bà Kía
Người cựu binh nhân hậu
Chúng tôi tìm tới nhà ông Lý vào một ngày cuối năm nắng oi ả. Hỏi người dân thị trấn Đông Hải nhà của ông Tư Lý thì hầu như không ai là không biết, mặc dù ông liên tục… chuyển nhà. Trong căn nhà mới khá khang trang, ông Tư kéo chúng tôi vào nhà rồi giục vợ đi pha trà mời khách. Ông bảo, sau hơn 20 năm ở đậu (ở ké) nhiều nơi, cách đây đúng 1 năm, tôi mới có được căn nhà này. Mà cũng không phải do vợ chồng tôi xây dựng đâu, tất cả đều là tiền của chính quyền địa phương và bà con trong vùng quyên góp với mấy nhà hảo tâm ở trên Sài Gòn biết chuyện xây giúp đấy.
Rồi, vừa nhìn ra khoảng sân trước hiên nhà, người đàn ông có gương mặt rất nhân hậu ấy vừa kể: “Tôi sinh năm 1948 nhưng đã tham gia cách mạng từ khi mới 13 tuổi. Ngày ấy, tôi chủ yếu là dẫn đường, tiếp tế lương thực cho các đồng chí hoạt động cách mạng trong vùng mà thôi. Đến khi đất nước thống nhất, năm 1976, tôi được phong hàm trung úy và tham gia công tác tại Bệnh xá Công an Cà Mau rồi Bệnh xá Công an tỉnh Minh Hải (cũ). Đến năm 1979, tôi chuyển ngành sang công tác tại Bệnh viện huyện Giá Rai (Bạc Liêu) rồi từ năm 1980 tôi lại công tác ở Trạm Y tế thị trấn Gành Hào và Bệnh viện Đông Hải của tỉnh cho đến khi nghỉ hưu năm 2011″.
Trong quá trình gần như trọn vẹn cả đời công tác và tham gia cứu chữa cho hàng ngàn bệnh nhân, ông Lý luôn để lại những ấn tượng tốt đẹp, mẫu mực trong lòng bệnh nhân. Tuy nhiên, ở đời thường, ông còn làm được nhiều hơn thế khi đã dang rộng vòng tay nhân ái cưu mang, giúp đỡ, nuôi dưỡng hơn chục đứa trẻ nghèo nên người trong ánh mắt thương yêu của những người xung quanh.
Người con trai duy nhất ngày tốt nghiệp đại học.
Video đang HOT
Kể về chuyện này, ông bảo: “Chuyện ấy cũng tình cờ lắm. Đó là vào khoảng năm 1978, khi vợ chồng tôi mới có với nhau một đứa con gái đầu lòng là Thu Thảo. Một hôm, tôi đi khám bệnh dưới trạm y tế ở Hộ Phòng (huyện Giá Rai) thì gặp một đứa bé chừng 2-3 tuổi gì đó quần áo rách rưới, bị cha mẹ bỏ rơi, đang khóc lóc vì quá đói và khát. Nhìn cảnh ấy, thú thực tôi không đành lòng nên nảy ra ý định đưa cháu bé về nuôi. Bế cháu bé về nhà, vợ tôi, bà Kía cứ mắt tròn, mắt dẹt bảo có phải đây là… con rơi của tôi không. Tôi cười, kể lại câu chuyện và bà ấy đã đồng ý nhận nuôi, đặt tên nó là Bé Thảo với mong muốn, sau này lớn lên đứa bé sẽ hiếu thảo, biết giúp đỡ mọi người xung quanh. Có lẽ, để cứu giúp, nuôi nấng được gần hai mươi người con nên người, công lao lớn nhất phải là bà Kía vợ tôi chứ tôi chỉ biết đi kiếm tiền về mà thôi.
Sau đó, cứ lần lượt những đứa con nuôi thứ 2, thứ 3 cho tới thứ 14 đều được vợ chồng tôi nhận nuôi, bên cạnh 4 đứa con do mình sinh ra. Tất nhiên, khi có thêm con thì cuộc sống gia đình sẽ vất vả, khó khăn hơn. Mà đó lại là những năm tháng đất nước còn khó khăn, cuộc sống của mọi người đều vất vả, có được bữa cơm no mỗi ngày đã là niềm hạnh phúc rồi.
Thế nên, ngoài việc làm ban ngày ở bệnh viện, tôi phải mở thêm một phòng mạch ở nhà cũng như nhận khám chữa bệnh tận nhà cho những bệnh nhân trong vùng để có tiền nuôi các con và cho chúng ăn học nên người, dù đó là con đẻ hay con nuôi. Mặc dù rất cố gắng nhưng với sức làm việc của hai vợ chồng ông, việc nuôi nấng và cho cả 18 người con ăn học có vẻ là quá sức. Thế nên, từ một gia đình thuộc loại kinh tế khá giả, có thu nhập ổn định trong vùng, vợ chồng ông Lý-bà Kía dần dần trở nên túng quẫn vì con. Mặc dù vậy, ông không buồn, đổi lại ông cảm thấy rất hạnh phúc khi được nhìn những đứa con khôn lớn, đó là niềm vui vô bờ bến rồi.
Đến năm 1980 thì ông bà đành rứt ruột bán đi căn nhà đang ở để có tiền nuôi con chứ nhất định không chịu để bất cứ người con nào phải bỏ học giữa chừng. Thế nên, cả đại gia đình ông bà đành phải đến xin bà con lối xóm cho cất cái nhà tạm trên mảnh đất trống để ở, tránh mưa gió qua ngày.
Cứ thế, suốt quãng thời gian 24 năm, ông bà cùng các con đã phải chuyển nơi cư ngụ tới 16 lần, nhưng cũng vẫn là đi ở nhờ, ở đậu trên đất của người khác bởi làm được đồng tiền nào, ông bà cũng đều dành hết cho các con.
Chuyện đời 18 người con tên Thảo
Một trong những lý do khiến vợ chồng ông đặt tất cả 18 người con đều tên Thảo là vì muốn tất cả những người con ấy dù là con nuôi hay con đẻ khi đã về sống với vợ chồng ông, đều bình đẳng như nhau. Ngoài ra, ông bà cũng có ý mong muốn sau này lớn lên, tất cả các con đều hiếu thảo với cha mẹ, hàng xóm và những người xung quanh bởi ở đời, quan trọng nhất không phải là giàu hay nghèo mà là cái đức, cái tâm với những người xung quanh vậy.
Những người con tên Thảo của ông bà
Thế nên, ngoài một người con bị khiếm thị bẩm sinh, không có điều kiện đến trường mà chỉ ở nhà học chữ nổi thì tất cả những người còn lại đều được ăn học tử tế. Và, kết quả đã không phụ lòng cha mẹ vất vả, những người con của ông, từ lớn đến bé đều giúp đỡ, bảo ban nhau học giỏi, chăm ngoan. Hiện nay, ngoài người con trai tên Minh Thảo đỗ đại học, hiện đang sống và làm việc ở TP.HCM thì 3 người con khác của ông Lý, bà Kía cũng đậu cao đẳng, có người đã lập gia đình, đang sinh sống ở những địa phương lân cận. Những người con khác, tùy theo sức học của từng người mà có người đã tốt nghiệp phổ thông, đang đi học nghề, có người làm công nhân. Những ai chưa lập gia đình vẫn đều sống cùng ông bà.
Kể về cuộc sống hiện nay, bà Kía cười bảo: “Bây giờ, sau mấy chục năm vất vả nuôi nấng, vợ chồng tôi tự hào là các con đều đã khôn lớn nên người. Mặc dù chúng đều có cuộc sống riêng và đi xa nhưng cứ đến dịp cuối năm, gần tết như hiện nay, đứa nào cũng chuẩn bị để về thăm cha mẹ. Mới tết năm ngoái, khi được mấy nhà hảo tâm ở trên Sài Gòn góp tiền xây cho căn nhà này, cả đại gia đình tôi mừng rơi nước mắt. Hy vọng tết năm nay các con sẽ về đông đủ để mọi người quây quần bên nhau”.
Ngoài căn nhà mà gia đình ông bà đang sinh sống do những nhà hảo tâm khắp nơi quyên góp dựng nên thì vừa rồi, ông Nguyễn Minh Lý cũng vinh dự được nhận bằng khen về phong trào thi đua người tốt, việc tốt và gia đình khuyến học toàn quốc bởi có thể nói, gia đình ông chính là một trong những hình mẫu về tấm gương vượt khó, yêu thương nhau hiếm có, xứng đáng cho những gia đình khác noi theo, học tập.
Theo Hoàng Giang
Người cựu sỹ quan Công an bán nhà lấy tiền nuôi 5 trẻ bị bỏ rơi ăn học
Nhà nghèo nhưng vợ chồng ông đã nuôi dạy 9 người con ăn học thành tài, trong đó có 5 người con nuôi. Đó chính là ông Nguyễn Minh Lý ở ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.
Trong Lễ tuyên dương Gia đình hiếu học tại Đại hội thi đua và biểu dương phong trào xây dựng Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học - Cộng đồng khuyến học toàn quốc lần thứ III tại Hà Nội có một điển hình Gia đình hiếu học gây xúc động với những người có mặt.
Ông Nguyễn Minh Lý, nguyên cán bộ Công an tỉnh Cà Mau.
Gương mặt khắc khổ, ông Nguyễn Minh Lý già hơn rất nhiều so với cái tuổi 66 của mình. Ông cho biết, đây là lần đầu tiên ông ra Hà Nội, được vinh danh Gia đình hiếu học ở Thủ đô là niềm hạnh phúc lớn động viên ông và gia đình.
Ông cho biết, gia đình ông có 9 người con trong đó có 4 người con ruột và 5 người con nuôi (1 em bị khuyết tật mù bẩm sinh). Đông con nên nhà ông nghèo lắm, nhưng lại là gia đình có truyền thống hiếu học nổi tiếng ở trong vùng.
13 tuổi ông đã đi kháng chiến, năm 1976 ông được phong quân hàm Trung úy và ông làm Trưởng bệnh xá Công an Cà Mau và Phó bệnh xá Công an tỉnh Minh Hải. Sau này, đến năm 1979 ông chuyển ngành sang bệnh viện huyện Giá Rai. Cuộc sống vất vả với bầy con thơ dại ông xin nghỉ việc đi học chuyên khoa đông y và hành nghề bốc thuốc và châm cứu ở địa phương.
Ông kể rằng, trong khoảng thời gian từ năm 1978 - 1990, ông đã nhận nuôi 14 trẻ bị bỏ rơi. 14 người con nuôi và bốn người con ruột sống chung một mái nhà và cùng mang họ của ông Lý. Trong 18 người con, trừ người con gái đầu, còn lại đều tên Thảo, dù là trai hay gái, chỉ khác nhau tên đệm.
Ông lý giải: "Đặt tên Thảo là để các con sống phải biết chia sẻ những gì mình có cho mọi người". Về sau có trẻ được gia đình đón về nuôi, có trẻ ông gửi lên chùa Kỳ Quang II ở TP Hồ Chí Minh để các cháu có điều kiện học hành tốt hơn. Trải lòng về những tháng ngày đã qua, ông không khỏi bùi ngùi bởi hồi đó, gia đình ông không những thiếu tiền mà còn thiếu nơi ăn ở, sinh hoạt.
Năm 1985 ông đã phải bán nhà lấy 3 lượng vàng để lấy tiền nuôi đàn con ăn học, từ đó gia đình ông đã ở đậu trong suốt 24 năm trên đất của người khác và phải dời nhà đến 16 lần.
Gia đình ông thuộc vào diện khó khăn nhất xã, lại không có đất canh tác, ông hành nghề đông y chủ yếu là làm việc thiện, thu nhập từ đồng lương hành chính của vợ không đủ để trang trải cuộc sống với 9 người con. Việc lo cái ăn, cái mặc đã khó, nhưng ông bà Lý quyết không để người con nào thất học hay bỏ học giữa chừng.
"Con cái cơm không đủ no, thường xuyên phải ăn cháo, nhiều đứa hồi ấy bị suy dinh dưỡng. Mỗi lần nhận nuôi 1 đứa trẻ còn đỏ hỏn, vợ chồng thay nhau đi xin sữa, nước cơm, nước cháo cho con. Cực nhọc là vậy nhưng sợ nhất là các con đau ốm nặng phải đi lên tuyến trên là cả nhà lại đói dài theo", ông Lý chia sẻ.
Nuôi một đứa trẻ đã khó, nhưng với ông bà Lý nuôi đến mười mấy người con trong một hoàn cảnh khó khăn là cả một hành trình đáng khâm phục. Mấy chục năm qua, ông Lý không một lần dám ngồi quán cà phê. Không ra tiệm cắt tóc. Tóc dài thì nhờ vợ con hớt. Bao nhiêu tiền kiếm được ông đều dành cho con cái. Vợ chồng ông có thể đói, nhưng các con phải có cái ăn và được đi học đến nơi đến chốn.
"Tuy khó khăn nhưng vợ chồng tôi rất sợ các con trẻ thất học nên tìm mọi cách cho các con được đến trường học tập có kiến thức để sau này tương lai tươi sáng hơn. Tôi luôn động viên các con phải học tập thường xuyên, học tập suốt đời, giữ vững truyền thống hiếu học của gia đình, trở thành người công dân tốt, có ích cho xã hội", ông Lý bộc bạch.
Đến nay, 2 con ông đã tốt nghiệp Đại học, 3 con tốt nghiệp Cao đẳng, 3 con tốt nghiệp THPT, 1 con có bằng cấp II chữ Braille (chữ nổi dành cho người khiếm thị). Các con của ông Lý như cháu Nguyễn Phước Thảo, Nguyễn Ngọc Thảo, Nguyễn Loan Thảo đều đã có việc làm ổn định.
Không chỉ lo cho các con của mình, vợ chồng ông Lý còn giúp đỡ các gia đình ở địa phương có con bị khuyết tật học tập và công ăn việc làm. Trong niềm vui ngày tuyên dương ông cho biết thêm là gia đình ông vừa có căn nhà mới, đây là món quà của một bác sĩ ở Sài Gòn đã cùng vợ lặn lội về Gành Hào mua một nền đất tặng gia đình ông cùng 50 triệu đồng để cất nhà.
Nhiều người dân ở Gành Hào đã giúp ông vật liệu xây dựng, góp tiền, góp công gần 200 triệu xây cất cho ông ngôi nhà mới. Điều trăn trở nhất hiện nay là ước mơ học ngành thiết kế thời trang của Diệu Thảo. Diệu Thảo khéo may vá, thích theo ngành này nhưng ngặt nỗi cha mẹ không lo nổi tiền cho em học đại học, nên sau một năm tốt nghiệp THPT, em vẫn ở nhà giúp mẹ
Theo Lưu Hiệp
Công an nhân dân
Vụ ngộ độc khí hầm cá: Công nhân bốc vác không dám trở lại làm việc Vụ tai nạn ngộ độc khí hầm cá ở cảng cá Gành Hào (Bạc Liêu) đã qua 1 tuần nhưng các công nhân bốc vác thuê vẫn còn bàng hoàng, lo lắng. Trong khi nguyên nhân vụ tai nạn chưa được làm rõ, công việc này khiến họ thấy bất an. Ngày 4/10, PV Dân trí tìm đến cảng cá Gành Hào (thị...