Đôi vịt gây ’sốt’ ở chợ Thiếc: Thích ăn nho, nước đá, theo chủ đi bán hàng
Bên hàng hoa, đôi vịt cỏ quấn lấy chân người chủ, cất tiếng kêu đòi ăn nước đá, nho tươi… Nhiều ngày qua, chúng đã trở thành niềm vui của tiểu thương, trẻ em ở một góc chợ Thiếc.
Đôi vịt gây ’sốt’ ở chợ Thiếc
Trời về trưa, khách mua hoa thưa dần, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (bán hoa tại chợ Thiếc, Quận 11, TP.HCM) có thời gian chơi đùa với đôi vịt đặc biệt của mình. Thấy chủ rảnh tay, con vịt mái cứ quấn lấy, cạp cạp vào đôi dép của chị.
Chị Tuyết hiểu “đôi bạn thân” của mình cần gì. Chị bốc vội nắm nước đá, thả xuống chiếc tô đặt sẵn trên vỉa hè. Đôi vịt lập tức chạy đến, dùng mỏ gắp đá ăn ngon lành. Chị Tuyết kể, cách đây 5 tháng, chị nhặt được một con vịt bé, rơi ra từ túi của một người đi đường nơi chị bán hoa tươi.
“Đôi bạn” đặc biệt của chị Tuyết và những tiểu thương ở chợ Thiếc, Quận 11, TP.HCM.
“Chị kia mua trứng vịt lộn về ăn mà để lâu quá, trứng nở thành vịt con. Thấy con vịt bé xíu, chị ấy định đem về quê cho người thân nuôi. Tuy nhiên, đi đến đoạn tôi bán, tự nhiên con vịt rơi ra, rớt xuống đường. Sợ nó bị xe cán chết, tôi chạy ra nhặt”, chị Tuyết kể.
Sau đó, chị trả lại vịt con cho khổ chủ. Tuy nhiên, thấy chị Tuyết ôm con vật trên tay một cách nâng niu, người này quyết định để lại vịt con cho chị nuôi. “Tôi nuôi nó từ lúc còn nhỏ xíu. Tôi bỏ vịt vào một cái thau lớn cho nó bơi, tắm rửa, cho ăn mỗi ngày”, chị Tuyết kể.
Sợ vịt con ở nhà buồn, mỗi ngày ra chợ Thiếc bán, chị đều mang “bé vịt” theo. Chị cho vịt ăn lúa, nho, nước đá và tép khô. Chị không đặt tên cho vịt mà gọi nó một cách trìu mến là con. Khi vịt con thành “thiếu nữ”, chị Tuyết vẫn giữ thói quen đem nó theo ra chợ mỗi ngày.
Vịt mái (bên trái) 5 tháng tuổi được chị Tuyết nhặt trên đường về nuôi. Trong khi đó, con vịt trống chị Tuyết được một người bạn cho để chúng thành cặp, thành đôi.
Ra đến chợ, chị để vịt đứng bán hàng chung với mình. Con vịt dường như cũng hiểu chuyện, không bao giờ đi xa, chỉ quanh quẩn ở hàng hoa của chủ. Dẫu vậy, thời điểm chợ đông, đường chật, chị vẫn phải dùng dây cột chân vịt lại vì sợ nó ra đường bị xe đâm trúng.
“Nó ngoan và biết nghe lời nên ai cũng thương. Bây giờ đường còn đông đúc, ồn ào nên tôi không dám thả dây cho nó đi. Trưa vắng, tôi thả ra, nó đi một đoạn, tôi gọi là quay về. Ở đây, ai cũng thích và chơi với nó được”, chị Tuyết nói thêm.
Gần đây, thấy vịt con đơn chiếc, một người phụ nữ khác ngỏ ý muốn tặng chị Tuyết một con vịt trống để chúng có cặp có đôi. Chị Tuyết đồng ý, nhận thêm con vịt trống đã hơn một tuổi về bầu bạn với vịt cưng của mình.
Video đang HOT
Chị Tuyết nói, từ ngày có đôi vịt bầu bạn, chị rất vui.
Về chung nhà, đôi vịt không những không ghét nhau mà còn rất hòa hợp. Đặc biệt, dù chỉ mới chung sống ít ngày, đôi vịt đã có những sở thích giống nhau. Chị Tuyết khẳng định, chúng đều thích ăn nho, nước đá và bơi trong thau lớn ở nhà.
Bao nhiêu tiền cũng không bán
Chị Tuyết kể: “Con vịt trống này vốn là “ thú cưng” của một chị khách quen. Trước khi về đây, nó được chủ nuôi trong nhà gạch, lầu cao. Khi về sống chung với con vịt của tôi, nó có phần bỡ ngỡ. Lớn tuổi hơn, to hơn nhưng nó hiền lắm, chỉ dám lẽo lẽo theo “vợ” mà thôi”.
Từ ngày có đôi vịt, chị Tuyết cảm thấy đời tươi vui hơn. Chị nói rằng, chưa bao giờ chị thấy cực, mệt mỏi khi phải sáng chở vịt ra chợ, chiều lại bỏ vào giỏ đem về nhà tắm rửa, lo cho chúng ăn…
Nhiều phụ huynh có nhà gần chợ Thiếc thường đưa con sang chơi với 2 con vịt.
Chị chia sẻ: “Nuôi con gì rồi cũng có cảm tình. Con vật cũng có tình cảm. Khi còn nhỏ, nó cứ rúc vào người tôi, quấn quýt dưới chân. Lớn lên một chút nó biết cạp cạp vào chân tôi đòi ăn. Những lúc buồn, tôi ra chơi với nó, trò chuyện cùng nó là hết buồn phiền”.
Không chỉ chị Tuyết, các tiểu thương xung quanh cũng yêu quý đôi vịt này. Những lúc thưa khách, họ thường đến tìm, cho đôi vịt ăn nho, nước đá. “Hai con vịt thông minh, rất sạch sẽ và tình cảm. Mình cho ăn vậy chứ chủ đi vắng tí là nó la làng, đi tìm, cứ ngóc đầu lên kêu cạp cạp suốt”, người bán thức ăn nhanh bên cạnh sạp hoa chị Tuyết kể.
Thấy đôi vịt thông minh, dễ gần, nhiều phụ huynh có nhà gần chợ cũng cho con sang chơi với 2 con vịt lúc chợ tan, thưa người. Mỗi khi đến, các bé thường mang trái cây, rau cải…cho vịt ăn. Mỗi lúc như vậy, đôi vịt dạn dĩ đến nhận thức ăn, thậm chí ủi ủi đầu vào chân các bé, khiến các em vui cười, thích thú.
Mỗi khi chợ thưa vắng, chị Tuyết cho đôi vịt ra lề đường chơi với mọi người.
Chị Tuyết kể, nhiều người thấy đôi vịt thông minh cũng ngỏ lời hỏi mua đem về làm thú cưng. Tuy nhiên, chị đều từ chối. Chị nói: “Bao nhiêu tiền tôi cũng không bán. Tôi thương tụi nó lắm, bán sao được”.
Mỗi lần nghe khách đùa “đem chúng đi kho gừng, trộn gỏi, làm vịt tiềm…”, chị thoáng buồn rồi cười cho qua. “Làm sao mà làm như thế được. Đến trứng của nó, tôi còn không nỡ ăn”, chị nói Tuyết nói.
Chị Tuyết nói dù giá nào chị cũng không bán đôi vịt này.
Sợ mẹ cực khổ, các con của chị Tuyết khuyên chị đem đôi vịt về quê cho người thân nuôi. Chị đem đôi vịt về nhờ người thân thả chung vào đàn vịt sẵn có. Thế nhưng, đôi vịt không hòa hợp được với đồng loại, chúng đuổi đánh đàn vịt ở quê.
Chị Tuyết dí dỏm chia sẻ: “Tụi nó có hai đứa mà dám đuổi cắn cả đàn vịt của người ta, không chịu ở chung. Hơn nữa, chúng không không biết hoặc không chịu bơi dưới sông, kênh rạch như đàn vịt ở quê. Chắc nó sống với con người, tắm nước máy, bơi trong thau quen rồi. Thấy vậy, tôi lại đem nó về thành phố. Với lại, xa tụi nó, chắc tôi buồn lắm”.
Nơi chuyên nuôi vịt đẻ trứng 2 lòng đỏ, thành món ăn trứ danh
Những con vịt ở đây đã được chọn lọc nhân tạo để chuyên đẻ ra những quả trứng 2 lòng đỏ phục vụ món trứng vịt muối trứ danh.
Đặc trưng sông nước giúp khu vực Gaoyou phát triển nghề nuôi vịt.
Trong một chuyến du lịch đến Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, tôi ghé vào một quán ăn nhỏ để ăn sáng. Tôi gọi cháo và rau muối.
Người đầu bếp hỏi: "Anh có muốn ăn cùng trứng vịt muối không?".
Trước khi tôi kịp trả lời, anh ta đã biến mất trong căn bếp của mình, rồi quay lại tay cầm một quả trứng màu xanh xám.
"Chắc chắn rồi" - tôi gật đầu.
Theo những gì tôi biết, hương vị đặc trưng của trứng vịt muối là lòng trắng mặn và lòng đỏ béo ngậy vì đã được ngâm trong nước muối.
Khi suất ăn được mang ra, tôi cắt đôi quả trứng và vô cùng ngạc nhiên khi bên trong có tận 2 lòng đỏ. Tôi vẫy đầu bếp lại để cho anh ta thấy điều hiếm có này. Nhưng anh cười khúc khích rồi giải thích rằng hầu hết trứng vịt muối trong bếp của họ đều có 2 lòng đỏ. Chúng có nguồn gốc từ một địa phương ở Dương Châu, được gọi là Gaoyou. Ở đó, thứ mà hầu hết các nơi đều coi là hiếm thì nơi đây lại có rất nhiều, đó là món trứng vịt muối 2 lòng đỏ.
"Khi nói đến trứng 2 lòng đỏ, chúng tôi nghĩ đến Gaoyou" - David Yan, hướng dẫn viên du lịch, cũng là một người dân bản xứ cho hay. "Nơi đây nổi tiếng nổi tiếng với loại trứng này".
Món trứng vịt muối 2 lòng đỏ là một đặc sản ẩm thực của Gaoyou.
Hoá ra vị trí địa lý của Gaoyou đã giúp ích cho họ rất nhiều trong việc sản xuất trứng vịt muối.
Quận này nằm trong một khu vực có nhiều sông hồ, ví dụ như hồ Gaoyou - hồ nước ngọt lớn thứ 3 của tỉnh. Trong nhiều thế kỷ, Gaoyou đã nổi tiếng với việc nuôi vịt.
Thêm nữa, muối cũng là một gia vị cần thiết cho món trứng vịt muối và có rất nhiều ở đây.
Các đầm muối ở phía bắc tỉnh Giang Tô hiện là một phần của khu dự trữ sinh quyển, nơi du khách có thể ngắm chim và đi bộ đường dài. Trước đây, khu vực này cũng được biết đến là nguồn cung cấp muối chủ yếu của Trung Quốc.
Những thuận lợi từ tự nhiên ấy giúp Gaoyou trở thành nơi sản xuất món trứng vịt muối nổi tiếng cả nước.
Meng Wen, người đầu bếp đầu tiên giới thiệu cho tôi về món trứng vịt muối 2 lòng đỏ ở Dương Châu, cho biết: "Những người nuôi vịt ở Gaoyou đã nhận ra rằng, sẽ tốt hơn cho việc kinh doanh nếu nuôi được những con vịt đẻ được trứng có nhiều lòng đỏ".
Những người nông dân thích việc người ta coi lòng đỏ đôi là biểu tượng của sự may mắn vì chúng rất hiếm gặp. Hơn nữa, 2 lòng đỏ cũng có nghĩa là hàm lượng chất dinh dưỡng gấp đôi.
Để tăng tần suất vịt đẻ trứng 2 lòng đỏ, những người lai tạo đã chọn lọc nhân tạo những con vịt có dị tật di truyền.
Trong một bài báo khoa học năm 2011 sau khi kiểm tra những quả trứng 2 lòng đỏ ở Gaoyou, các nhà nghiên cứu viết: "Thông thường, một quả trứng 2 lòng đỏ thậm chí sẽ không thể sống sót để có thể nở ra vịt con. Nếu nó nở, những con vịt tội nghiệp sẽ bị biến dạng nghiêm trọng, dính liền với nhau... Tuy nhiên, vì những con vịt này đã phải chịu sự chọn lọc nhân tạo chứ không phải chọn lọc tự nhiên trong nhiều thế hệ nên khuyết tật này đã lan rộng trong quần thể".
Cũng theo nghiên cứu này, hiện tượng trứng 2 lòng đỏ xảy ra ở khoảng 2-10% số trứng vịt ở Gaoyou.
Người nông dân chọn ra trứng vịt 2 lòng đỏ bằng cách đặt quả trứng dưới ánh đèn.
Ông Hu Ruixi, đồng sáng lập công ty du lịch ẩm thực Lost Plate, giải thích: "Họ đặt tất cả trứng vịt trong một căn phòng, sau đó soi dưới ánh đèn để xem đó là trứng 1 lòng đỏ hay 2 lòng đỏ trước khi họ muối trứng".
Hiện nay, trứng muối 2 lòng đỏ mang thương hiệu Gaoyou đã được bán rộng rãi ở khắp mọi nơi và thường được bán với giá cao hơn nhiều lần so với trứng 1 lòng đỏ.
Yan giải thích rằng, một số người không ăn nhiều phần lòng trắng vì nó mặn, trong khi lòng đỏ thực sự mịn như kem.
Nhưng cách thưởng thức món trứng vịt muối 2 lòng đỏ đúng cách phải là ăn cả hai bởi vì nếu không, hương vị sẽ không hoàn chỉnh. Và việc ăn trứng 2 lòng đỏ thay vì ăn 2 quả trứng 1 lòng đỏ sẽ giúp người nông dân phát triển ngành công nghiệp đặc biệt này.
Có gì bên trong tiệm dừa 7 món 'mẹ truyền con nối' lâu năm ở chợ Thiếc? Dù chỉ nằm gọn trong một góc nhỏ ở khu chợ Thiếc sầm uất nhưng quán nước dừa của bà Kiết Trân suốt gần 50 năm nay vẫn luôn nườm nượp khách. Nằm khiêm tốn một góc trong khu chợ Thiếc, ít ai biết rằng, tiệm dừa 7 món của bà Kiết Trân đã có tuổi đời gần 50 năm ẢNH: QUYỀN TRÂN...