Đời thường của những anh hùng
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vùng đất nghèo khó Củ Chi (TPHCM) là cái nôi nuôi dưỡng nhiều cán bộ, chiến sĩ kiên trung của dân tộc. Tháng Tư về đất thép Củ Chi, tôi may mắn gặp được hai người con ưu tú ở đất này mà cuộc đời và chiến tích của họ đã thành huyền thoại.
ANH HÙNG CHÂN ĐẤT
Chiều xuống, trời Nhuận Đức yên ả. Đi dọc theo mấy con đường ngoằn ngoèo dẫn vô ấp Xóm Bưng, hỏi nhà Anh hùng lực lượng vũ trang Tô Văn Đực, tôi toàn nhận được nụ cười kèm theo lời giải thích Gọi ổng là Út Đực thôi hà.
Người dong dỏng cao, mắt sáng, tóc đã điểm bạc nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, tháo vát. Bữa tôi đến, ông đang mặc quần cụt, áo cánh, đội nón lá lui cui ngoài vườn cao su. Ông nói rảnh tay rảnh chân không chịu được, cứ phải tìm việc để làm.
Ông Út Đực sinh năm 1942, trong một gia đình không thể nghèo hơn. Cha mẹ mất sớm, Út Đực hết hái cau, hái dừa mướn lại ngược xuống Đồng Nai cạo mủ cao su. Tháng 2-1962, vừa tròn 20 tuổi, Út Đực về lại quê hương Nhuận Đức tham gia dân quân, phụ trách công xưởng của xã.
Nói là công xưởng chớ chỗ chúng tôi chỉ có một cái ôtô, một cần khoan, một quạt lò rèn, mớ búa, đe với ba cái bàn bị thương đứng không vững…, ông Út Đực nhớ lại.
Không được đi học nhưng Út Đực rất sáng dạ. Chỉ với những dụng cụ thô sơ, ông đã mày mò, nghiên cứu và chế tạo thành công các loại súng trường, súng ngắn, đặc biệt là các loại mìn chống tăng hiệu quả.
Đầu năm 1965, địch ném bom đánh phá dữ dội Nhuận Đức, bỏ lại 13 quả bom chưa nổ. Giữa muôn trùng hiểm nguy, kinh nghiệm lại không có, nhưng Út Đực vẫn xung phong gỡ thử.
Ông nói, mỗi lần đối diện với quả bom đen trũi, hình ảnh người dân nghèo Nhuận Đức phải bỏ ấp, bỏ xóm đi tản cư vì bom, mìn địch lại ùa về trong tâm trí. Chính điều đó trở thành động lực để ông luôn tự nhắc nhở: Phải đào hết bom lên cho bà con mình về lại quê hương.
Tháo gỡ thành công quả bom đầu tiên, chàng kỹ sư bất đắc dĩ Út Đực tận tình hướng dẫn cánh thanh niên trong xã tháo hết 12 quả còn lại. Họ lấy thuốc nổ đem về nghĩ cách chế tạo mìn, giàn phóng lựu đạn, phóng bom bi đánh địch.
Năm 1966, Mỹ liên tục dùng xe cơ giới đánh phá vùng giải phóng. Bom, mìn, chất độc hóa học rải xuống Củ Chi cả ngày lẫn đêm. Một lần nữa, Út Đực lại cùng anh em dũng cảm chiến đấu, phá vỡ nhiều cuộc càn của địch. Trong quá trình đánh chặn xe cơ giới, Út Đực đã cải tiến thành công mìn chập điện thành mìn gài, mìn gạt có sức công phá lớn.
Sau đó, sáng chế của ông được truyền lại cho du kích khắp vùng Củ Chi. Không chỉ chế tạo vũ khí, Út Đực còn trực tiếp diệt được 13 xe tăng. Ngày 17-9-1967, Út Đực vinh dự được nữ tướng Nguyễn Thị Định trao danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Video đang HOT
Anh hùng Tô Văn Đực hôm nay
Sau ngày thống nhất đất nước, Út Đực tiếp tục công tác trong quân đội, đến năm 1992 thì về hưu với quân hàm trung tá. Ông mở một tiệm cơ khí nhỏ, sửa chữa ôtô ở huyện Hóc Môn.
Năm 2000, ông về lại Nhuận Đức. Trên mảnh đất của ông cha, nơi mà bom bi cày xới nát bươm những năm xưa cũ, vợ chồng Út Đực trồng nhãn, chôm chôm, đào ao nuôi cá. Ông nuôi thêm nhím, heo rừng, nai, dê, khỉ cứ y như cánh rừng xanh thuở xưa. Sức khỏe yếu, trong người vẫn còn vài mảnh đạn, nhưng ông vẫn tâm niệm hưu mà không nghỉ. Ba năm nay, ông ngưng trồng trái cây, thay vào đó một vườn cao su hơn 2.000 cây đã thành hình.
Út Đực được bà con Nhuận Đức thương, quý không chỉ vì cái tính can trường, quả cảm trong thời chiến, làm kinh tế giỏi, mà hơn hết là vì tấm lòng của ông dành cho quê hương. Những năm qua, ông đã hỗ trợ kinh phí xây tặng nhiều nhà tình thương cho hộ nghèo trong xã, ấp.
Đối với những gia đình đã chở che, bảo bọc ông và đồng đội năm xưa, ông ghi lòng tạc dạ. Nay thấy dì, chị nào khó khăn, ông tận tình thăm hỏi, giúp tiền, giúp gạo. Thế nhưng, ai hỏi ông cũng cười hiền, nói chuyện mình có gì đâu mà kể.
BÀNG BẠC CHẤT LÍNH
Trời nhá nhem tối, ông Tám Đu (Phan Văn Đu, SN 1956, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Thái Mỹ) tất tả ra sau nhà gom mớ cỏ cho bò ăn. Được một lúc, ông quay qua dội chuồng, tắm heo.
Ăn cơm tối xong, ông lại cùng anh em trong Hội CCB xã Thái Mỹ chia thành từng tốp đi tuần tra, nhắc nhở bà con cẩn thận củi lửa, cảnh giác với các loại tội phạm. Ông làm tất cả những việc này bằng trái tim và ý chí, bởi hai cánh tay đã cụt quá nửa, mắt phải hư hoàn toàn.
Chỉ còn hai cùi tay nhưng ông Tám Đu vẫn luôn kiên trì khắc phục khó khăn, làm nhiều việc có ích
Trên quê hương Thái Mỹ hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng thời đánh Mỹ và thời đổi mới, người dân nào cũng biết, cũng thương Tám Đu. Cả đời ông trĩu nặng đau thương, mất mát. Thế nhưng, từ lời nói đến hành động của ông đều bàng bạc chất lính với chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Tám Đu là con trai của Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Nắm, ở ấp Bình Thượng 1, xã Thái Mỹ. Năm 1971, ông thoát ly gia đình, tham gia du kích xã. Năm 1972, Huyện đội Củ Chi cử Tám Đu đi học một khóa trinh sát đặc công tại Trung ương Cục miền Nam. Đến năm 1973, ông về lại Thái Mỹ tham gia chiến đấu bảo vệ từng tấc đất, từng mái nhà cho người dân đến ngày 30-4-1975.
Hòa bình, Tám Đu lại dấn thân trên mặt trận tháo, gỡ bom mìn. Nhiệm vụ gian nguy, có thể hy sinh bất cứ lúc nào, nhưng chàng trai 20 tuổi Tám Đu khi đó vẫn không sờn lòng. Ông là một trong số 63 chiến sĩ của Đại đội công binh tháo gỡ bom mìn huyện Củ Chi lúc bấy giờ.
Là A trưởng phụ trách 5 anh em, ông cùng đồng đội kiên trì rà, phá, tháo gỡ hàng ngàn quả bom, mìn giăng mắc trong lòng đất. Riêng bản thân ông đã tháo gỡ thành công 222 trái mìn, trả lại một vùng đất rộng lớn yên bình cho bà con nông dân cày cấy, trồng trọt.
Khoảng 10 giờ sáng 3-4-1976, đang gỡ trái thứ 223 thì mìn phát nổ trên tay Tám Đu. Bữa đó chỉ còn 16 ngày nữa là anh làm lễ nên duyên vợ chồng với chị Năm Triến (Nguyễn Thị Triến). Sau bốn tháng nằm viện, bốn tháng mê – tỉnh, Tám Đu ngồi dậy trân trân ngó bộ dạng mình, một thương binh nặng hạng 1/4, tỷ lệ thương tật 93%.
Hôm gặp tôi, ông thổ lộ: Ban đầu, cứ nghĩ mình coi như kết thúc rồi. Nhưng trong suốt thời gian tôi nằm viện, vợ sắp cưới luôn ân cần chăm sóc. Cô ấy nói đám cưới vẫn sẽ được cử hành khi tôi lành vết thương. Ngày về, các anh bên xã, bà con xóm làng hết lòng động viên, khích lệ, dần dần tôi cũng quên đi khiếm khuyết cơ thể mình.
Sau đám cưới, vợ chồng Tám Đu sống trong căn chòi tranh lụp xụp. Ba đứa con lần lượt chào đời. Bà Năm Triến đan rổ rá bán. Tám Đu bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như tập chải đầu, mặc quần áo, cầm chổi quét nhà đến cuốc đất, chạy xe đạp.
Khi đã thành thạo, hết mùa rau, mùa đậu ở quê, ông mua mít chở lên Bình Dương, Tây Ninh bán. Hết mùa mít, ông lại ngược về Vũng Tàu, Đồng Nai cùng những cuốc xe đạp có treo cồng kềnh rổ, rá do vợ đan. Chính quyền địa phương xây tặng căn nhà tình nghĩa, có chỗ che mưa che nắng, ông tính chuyện làm kinh tế thoát nghèo.
Được vay vốn xóa đói giảm nghèo 1 triệu đồng, cùng 1.000 viên gạch do Hội CCB xã Thái Mỹ hỗ trợ, Tám Đu đánh liều làm chuồng, mua heo về nuôi. Có vốn, ông nuôi thêm bò ta. Khi kinh tế gia đình khá dần lên, ông nhớ đến anh em CCB khó khăn, mong muốn giúp họ thoát nghèo.
Vậy là Tám Đu nghĩ ra một hình thức tương trợ đặc biệt: cho mượn heo con. Hàng năm, ông cho anh em CCB và người dân mượn cả chục cặp heo con, nuôi chừng nào bán rồi mới trả vốn.
Là Phó chủ tịch Hội CCB xã, ông sâu sát đời sống anh em, đi vận động xây dựng nhà tình nghĩa, học bổng cho các cháu là con, cháu CCB. Năm 2014, công an xã tín nhiệm giao ông quản lý 12 thanh niên có hành vi đua xe, lạng lách gây mất trật tự.
Ông ân cần thăm hỏi, trò chuyện với từng người, kể lại những tháng năm tuổi trẻ chiến đấu của mình cho các cháu nghe. Tấm chân tình của ông lay động họ. Giờ, có hai thanh niên đã lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, những người khác thì chí thú làm ăn, học hành không còn đua xe nữa.
Với những đóng góp của mình, ông được trao tặng Huân chương Chiến công hạng 2, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng 3. Từ năm 2009 đến nay, năm nào ông cũng được tuyên dương Người tốt việc tốt. Năm 2014, UBND TPHCM tặng Bằng khen gương Dân vận khéo cho ông.
Theo CATP
Đồng Tháp kỷ niệm 40 năm Ngày thống nhất đất...
Ngày 27/4, tỉnh Đồng Tháp trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015). Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, phát biểu tại Lễ kỷ niệm - Ảnh: CAND
Tham dự còn có đồng chí Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Trung tướng Võ Thái Hòa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp qua các thời kỳ; Mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng LLVTND; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và hàng ngàn người dân TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Tại lễ kỷ niệm, ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, đã ôn lại những năm tháng hào hùng của đất nước nói chung, Đồng Tháp nói riêng. Vào những ngày này cách đây 40 năm, nhân dân Đồng Tháp cùng cả dân tộc Việt Nam tràn ngập niềm vui kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, gian khổ và khốc liệt...
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: "Kỷ niệm sự kiện trọng đại này, chúng ta thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới; tưởng nhớ các vị lãnh đạo tiền bối của Đảng, của dân tộc, các Anh hùng liệt sỹ và biết bao người con đất Việt đã hiến dâng xương máu và cuộc đời mình để Tổ quốc Việt Nam mãi mãi trường tồn".
Trong suốt chặng đường đấu tranh cách mạng vẻ vang cũng như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần cách mạng tiến công, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Tháp đã cùng nhân dân cả nước tự lực, tự cường, kiên trì bám trụ, bất khuất, dũng cảm làm nên những chiến công huyền thoại giữa bưng biền Đồng Tháp; bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể.
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thắp hương các phần mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: CAND
Với trận thắng vang dội Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung, khơi ngòi cho phong trào đồng khởi rộng khắp của cách mạng miền Nam vùng lên diệt ác, phá kìm, góp phần làm thất bại kế hoạch Staley Taylor - bình định miền Nam trong 18 tháng của địch; trận đánh chìm 37 tàu Mỹ trên kinh Nguyễn Văn Tiếp làm phá sản chiến thuật "Hạm đội nhỏ trên sông" mà lần đầu tiên địch thi thố ở chiến trường Đồng Tháp Mười; 16.000 trận đánh lớn nhỏ,... chiến công nối tiếp chiến công, quân và dân tỉnh Đồng Tháp đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu: "Kiên cường bám trụ, giữ đất giành dân", "Anh hùng LLVTND" và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mặc dù ở điểm xuất phát thấp so với các tỉnh ĐBSCL nói riêng, Nam Bộ nói chung, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Tháp không ngừng nỗ lực vươn lên về mọi mặt, làm thay đổi diện mạo của một tỉnh vốn thuần nông, biến vùng đất hoang hoá, nhiễm phèn nặng thành những cánh đồng lúa bát ngát cho năng suất cao, đưa Đồng Tháp trở thành vựa lúa trọng điểm của cả nước; tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ khá, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao; quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Những thành tựu to lớn, toàn diện mà Đảng bộ, nhân dân tỉnh Đồng Tháp đạt được sau 40 năm giải phóng là rất đáng trân trọng, tự hào, thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, nỗ lực phấn đấu vươn lên "cùng cả nước và vì cả nước".
Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh Đồng Tháp, cũng là ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Trần Đại Quang ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương và chúc mừng những thành tựu to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Trần Đại Quang, cùng lãnh đạo tỉnh; các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã đến dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ, tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Đồng Tháp. Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng có buổi gặp mặt, trò chuyện thân mật với lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp qua các thời kỳ; các Mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng LLVTND; các cựu chiến binh... tỉnh Đồng Tháp.
An Bình
Theo_Báo Chính Phủ
Tìm thấy thi thể thanh niên chết bất thường giữa đám... Chiều 25-4, Công an huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cho biết đã tìm thấy thi thể anh Trần Quốc Hùng (SN 1976, ngụ thôn Hòa Đa, xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) sau 5 ngày mất tích. Rẫy sắn Ảnh minh họa Sáng cùng ngày, một người dân xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa trong khi đi làm rẫy đã...