Đối thủ của Steve Jobs trở lại làng công nghệ với sản phẩm mới
Ngày 11.10.2011, khi thế giới tiếc thương Steve Jobs, một người đàn ông chi 16.000 USD mua cả trang quảng cáo trên báo Singapore, nhằm bày tỏ sự kính trọng với nhà sáng lập Apple.
Ông Sim Wong Hoo với tai nghe SXFI AIR – Ảnh: Bloomberg
Trang quảng cáo khi đó viết: “Cảm ơn ông vì những bài học tuyệt vời. Cảm ơn ông vì các sản phẩm tuyệt vời. Cảm ơn ông đã mang một chút của chúng tôi ra toàn thế giới”. Ký tên: “Sim Wong Hoo, Chủ tịch & CEO Creative Technology Ltd”.
Trang báo khiến nhiều người tò mò. Ông Sim từng là cái tên quen thuộc ở Singapore với thẻ Sound Blaster mang âm thanh đến hơn 400 triệu máy tính cá nhân. Ông từng bước vào cuộc chiến với Jobs vì máy nghe nhạc cầm tay. Khi hai bên căng thẳng vào năm 2006, Sim kiện Apple vì vi phạm bằng sáng chế với sản phẩm iPod.
Ứng dụng SXFI quét tai nghe trong quá trình lập bản đồ tai – Ảnh: Bloomberg
Doanh nhân Singapore kể lại rằng cuộc đàm phán với sếp Apple rất căng thẳng, và đối thủ người Mỹ của ông chủ yếu là người nói trong buổi đàm phán. Song cuối cùng, Sim “ra về” với 100 triệu USD tiền bồi thường. “Creative rất may mắn khi được cấp bằng sáng chế sớm này”, ông Jobs tuyên bố sau vụ việc.
Từ đó, hai doanh nghiệp Mỹ, Singapore chuyển vận mạnh mẽ. Khi iPod trở thành một phần của bước ngoặt kinh doanh Apple, nó hại chết máy nghe nhạc MP3 của ông Sim, vốn ra đời vào năm 1999, hai năm trước khi Apple tung iPod. Nó cũng đánh dấu sự lao dốc của Creative. Cổ phiếu hãng trên sàn chứng khoán Singapore hạ từ mức kỷ lục 64 đô la Singapore, tương đương 47 USD, hồi tháng 3.2000 xuống còn chỉ 1 đô la Singapore năm 2017. Công ty tự nguyện hủy niêm yết cổ phiếu khỏi sàn Nasdaq năm 2007.
Thay đổi cuộc chơi
Video đang HOT
Bộ khuếch đại tai nghe SXFI AMP – Ảnh: Bloomberg
Giờ đây, sau nhiều năm ẩn mình và hơn 100 triệu USD tiền đầu tư, Sim Wong Hoo quay trở lại với công nghệ âm thanh mới có tên Super X-Fi, sản phẩm được cho là sẽ thay đổi cuộc chơi. Công nghệ sẵn có trong tai nghe hoặc dưới dạng bộ khuếch đại tai nghe, giúp âm thanh có vẻ như đến từ nhiều loa đặt xa xung quanh người nghe thay vì đến từ chính tai nghe. Creative gọi đây là “âm thanh ba chiều”.
Người dùng chụp ảnh khuôn mặt và hình dạng tai của họ trên ứng dụng Super X-Fi để tạo trải nghiệm nghe phù hợp. Creative nghiên cứu cách hàng ngàn người cảm nhận âm thanh, và đưa kết quả vào công cụ trí tuệ nhân tạo để dự đoán người khác sẽ nghe âm thanh thế nào. Bộ khuếch đại tai nghe SXFI AMP của Creative có giá 150 USD, còn tai nghe SXFI AIR Bluetooth có giá 160 USD.
“Tôi chưa bao giờ hào hứng đến thế trong cuộc đời”, doanh nhân năm nay 63 tuổi chia sẻ. Cổ phiếu hãng Creative của ông tăng gấp bảy lần trong bảy ngày từ 22.2 đến 5.3 năm ngoái, thúc đẩy bởi thông tin rằng công nghệ Super X-Fi nhận giải Best of CES Award 2018 ở Las Vegas (Mỹ) và được giới phân tích đánh giá tích cực. Cổ phiếu từ đó đến nay giảm phần nào, song giá trị doanh nghiệp ổn định ở mức khoảng 365 triệu đô la Singapore, tương đương 270 triệu USD, tăng từ mức 80 triệu đô la Singapore năm 2017.
Cổ phiếu Creative tăng cao nhờ Super X-Fi – Ảnh: Bloomberg
“Đây có thể là sản phẩm lớn kế tiếp”, chuyên gia đứng đầu mảng nghiên cứu châu Á Justin Tang tại hãng nghiên cứu United First Partners cho hay. Creative có thể có cơ hội cấp phép công nghệ với các nhà sản xuất điện thoại, hãng game và thậm chí hãng xe và kiếm tiền từ đó. Nhà phân tích Marc Tan tại KGI Securities thì cho rằng âm thanh 3D là thị trường khổng lồ chưa được khai thác, và ông Sim có nhiều đối thủ, trong đó có Samsung Electronics cùng Harman.
Doanh nhân đảo quốc sư tử chia sẻ ông đặt mục tiêu có 50 triệu khách hàng Super X-Fi trong hai năm. Công ty hợp tác với nhiều bên, trong đó có nền tảng sản xuất video iVideoSmart với 75 triệu người dùng. Creative cũng khám phá nhiều cách để tăng độ sử dụng và kiếm tiền từ phát minh của hãng.
Hết mình với âm nhạc, công nghệ
Ông Sim và máy nghe nhạc Zen MP3 năm 2004 – Ảnh: Bloomberg
Dù vậy, các sản phẩm Super X-Fi không được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu doanh nghiệp trong quý kết thúc vào ngày 31.3 tới đây. Mức lỗ ròng trong quý cuối năm ngoái của công ty tăng từ 4,2 triệu USD trước đó một năm lên 4,9 triệu USD. Cổ phiếu Creative giảm 11% tuần trước.
Sim Wong Hoo và Steve Jobs có cùng năm sinh 1955. Khi Sim 10 tuổi, ông lấy kèn harmonica của anh cả và tự học cách chơi. Đam mê âm nhạc trọn đời của ông khởi đầu từ đó. Ông theo học Ngee Ann Polytechnic, có bằng cao đẳng kỹ thuật điện – điện tử năm 1975 nhưng không lấy bằng đại học. Năm 1981, Sim thành lập cửa hàng máy tính Creative Technology với một người bạn với 6.000 USD.
Hai người rất nỗ lực để duy trì hoạt động kinh doanh, từ việc mở lớp máy tính, sửa phần cứng đến phát triển phần mềm. Creative sau đó bắt đầu học làm bo mạch bổ trợ cho PC, bao gồm card đồ họa có thể hiển thị ký tự tiếng Hoa vào năm 1982. Năm 1986, công ty phát triển máy tính đa ngôn ngữ, đa phương tiện đầu tiên trên thế giới: Cubic CT. Giao diện âm thanh của Cubic CT là tiền đề phát triển Sound Blaster.
Sim Wong Hoo và ông hoàng nhạc pop Michael Jackson (trái) trong ảnh chụp năm 1989 – Ảnh: Bloomberg
Creative ra mắt Sound Blaster tại triển lãm thương mại máy vi tính ở Mỹ tháng 11.1989. Ông Sim còn nhớ rất rõ khoảnh khắc cố ca sĩ Michael Jackson bước vào gian hàng của mình, vì đây là nơi duy nhất ồn ào âm thanh. Những ngày ấy, PC rất yên tĩnh. Mê hoặc bởi âm thanh phát ra từ PC, ông hoàng nhạc pop đứng ở gian hàng trong nửa tiếng. “Đó là điềm lành”, ông Sim kể.
Đến năm 1992, Creative trở thành doanh nghiệp Singapore đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên Nasdaq. Hãng niêm yết tại cả Singapore và Mỹ hai năm sau đó. Năm 2000, Sim trở thành tỉ phú trẻ nhất quốc gia Đông Nam Á. Creative thống trị thị trường âm thanh PC cho đến khi hãng thất thế với các OEM PC được xây dựng với card âm thanh tích hợp.
Từ năm 2000 trở đi, Creative không còn bắt kịp những cái tên lớn như Apple. “Qua những ngày đen tối nhất của Creative, tôi được khai sáng. Tôi quyết định rằng không gì có thể làm tổn thương tôi. Từ đó, tôi đi lên mạnh mẽ giữa nghịch cảnh”, ông Sim nói. Ông bắt đầu chạy bộ từ năm 2007, thói quen giúp ông khỏe mạnh, tập trung hơn và vượt qua khó khăn tâm lý. “Chúng ta hiếm khi thấy một doanh nhân như Sim. Liệu ông ấy có thể trở lại tốt với Super X-Fi hay không? Ông ấy có cơ hội tương đối”, Chua Kee Lock, đối tác quản lý Vertex Ventures nhận định.
Theo thanh niên
Apple đặt pa-nô quảng cáo siêu bự tại CES để troll các đối thủ về vấn đề quyền riêng tư
Thân xác Apple có thể không hiện diện tại CES, nhưng tinh thần của họ ở khắp mọi nơi!
Trong lịch sử của mình, Apple chưa từng tham dự chính thức một kỳ CES nào. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, khi mà công ty hoàn toàn có khả năng và sự thực đã tự mình tổ chức rất nhiều sự kiện ra mắt sản phẩm cực kỳ thành công, tạo nên sự hào hứng cực lớn, từ rất lâu trước cả khi iPod và iPhone xuất hiện - và đó chính là thứ đã góp phần đưa Apple lên đỉnh của "ngọn núi công nghệ". Bên cạnh những bài thuyết trình luôn được xếp vào danh mục "không thể bỏ qua" của Steve Jobs, Táo khuyết còn có những chiến dịch marketing với ý đồ thâm sâu. Khi bạn thấy những pa-nô quảng cáo của Apple, bạn sẽ phải thừa nhận rằng chúng tập trung vào cận cảnh những sản phẩm mới mà không cần tốn nhiều câu từ.
Đó là lý do tại sao tấm pa-nô quảng cáo khổng lồ mà Apple vừa dựng nên tại CES 2019 đang diễn ra ở Las Vegas lại thu hút sự chú ý đến vậy. Được đặt không xa từ trung tâm hội nghị nơi diễn ra CES, nội dung quảng cáo nhại lại một câu nói "xưa như Trái Đất": Điều gì diễn ra ở Vegas sẽ ở lại Vegas - và chỉ với một vài từ ngắn ngủi như vậy, cả CES 2019 đã bị cái bóng của Apple bao trùm lên.
"Điều gì diễn ra trên iPhone của bạn sẽ ở lại trên iPhone của bạn"
Việc Apple chú trọng vào quyền riêng tư không có gì mới mẻ - từ lâu công ty đã tuyên bố chắc nịch rằng họ không kiếm tiền từ việc bán thông tin cá nhân của mọi người, mà từ việc bán phần cứng và phần mềm. Sự ưu tiên về quyền riêng tư đó thể hiện rõ ràng nhất vào 3 năm trước, khi Apple từ chối hỗ trợ FBI mở khóa một chiếc iPhone thuộc về một nghi can khủng bố ở San Bernardino, California. Trong suốt năm 2018, những scandal bảo mật mới bị bóc mẽ mỗi tuần (dẫn đầu danh sách này là Facebook), và chính phủ đã bắt đầu chú ý mạnh mẽ đến những gì những gã khổng lồ công nghệ như Apple đang làm với dữ liệu cá nhân của chúng ta.
Trong một thế giới nơi quyền riêng tư luôn hiện ra trong tâm trí mọi người, Apple đưa ra một tuyên bố với cả ngành công nghiệp công nghệ rằng họ đi theo con đường của riêng mình. " Cứ làm bất kỳ thứ gì các anh muốn trong thành phố tội lỗi, chúng tôi chẳng bao giờ biết đâu" - có thể hiểu hàm ý của tấm pa-nô quảng cáo trên như vậy.
Vị trí đặt tấm pa-nô này còn đậm tính mỉa mai hơn, khi bạn chú ý rằng năm nay, Google xuất hiện tại CES thậm chí còn hoành tráng hơn nhiều so với năm ngoái - gã khổng lồ tìm kiếm một lần nữa dán kín con tàu cao tốc chạy quanh Las Vegas bằng các áp-phích quảng cáo "Hey Google", và một lần nữa dựng nên một căn nhà cực lớn trong bãi để xe của trung tâm hội nghị. Trong năm thứ 2 liên tiếp này, Google hiện diện rõ ràng đến mức bạn sẽ không thể không thấy quảng cáo của họ được, dù cho có lẽ họ sẽ chẳng tung ra bất kỳ sản phẩm mới nào dưới nhãn hiệu của chính mình. Nhưng năm nay, Apple theo đúng nghĩa đen sẽ nhắc nhở mọi người về những scandal quyền riêng tư của năm 2018, hỏi han các vị khách ghé thăm CES họ cảm thấy thoải mái ra sao khi nói "hey Google" với một loạt các sản phẩm của đối thủ.
Quảng cáo thú vị này còn giúp Apple thay đổi chủ đề đôi chút sau một tuần căng thẳng. Đúng là doanh số iPhone đang chậm lại - nhưng nếu bạn muốn một chiếc điện thoại bảo mật dành riêng cho những chuyến ăn chơi sa đọa như ở Vegas, Apple sẵn sàng bán cho bạn một chiếc.
Cuối cùng, đây chỉ là một quảng cáo (chưa từng xuất hiện ở đâu ngoài Vegas) được dựng nên trên một thông điệp mà Apple đã đặt ra trong nhiều năm. Nhưng công ty sẽ không là gì nếu không cố gắng thực hiện thông điệp đó. Đây có lẽ không phải là mở màn cho một chiến dịch quy mô rộng trên toàn nước Mỹ, nhưng với việc quảng cáo về việc công ty tập trung vào quyền riêng tư để cả ngành công nghiệp công nghệ thấy được, Apple đã đưa ra một tuyên bố có tầm vóc vượt hẳn một bảng hiệu quảng cáo thông thường.
Tham khảo: Engadget
Steve Jobs, kẻ trì hoãn vĩ đại Chỉ cần gõ hai chữ "trì hoãn" vào khung tìm kiếm google, các bạn dễ dàng tìm thấy hàng loạt bài viết về vấn đề này. Các bài viết đa số đều nhằm cố hạn chế và ngăn chặn thói quen này. Họ cho rằng đó là một thói quen xấu sẽ ngăn cản sự thành công. Tuy nhiên Adam Grant, một giáo...