Đòi tăng thuế VAT – nên đặt mình vào vị trí nhân dân
Thay vì cứ lăm le tăng thuế, có lẽ Bộ Tài chính và lãnh đạo Bộ này nên đặt mình vào vị trí nhân dân để có biện pháp nâng cao năng lực quản lý chống thất thu thuế.
Liên quan tới đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 12%, ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) nói với báo chí rằng “người nghèo mua rau dưa ở chợ không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) nên tăng thuế lên 12% thì người nghèo không bị ảnh hưởng”.
Ở vị trí cao hơn ông Thi là bà Vũ Thị Mai – Thứ trưởng Bộ này tại họp báo Chính phủ thường kỳ giữ quan điểm rất “nhất quán” của Bộ: “ tăng thuế VAT tác động lên người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp không nhiều”.
Có thực tăng thuế VAT, người nông dân là ra mớ rau, con cá không ảnh hưởng?
Cách nói của ông Thi và bà Mai đúng và “tròn vai” của một nhà quản lý nhưng lại chưa đặt mình vào vị trí nhân dân.
Nếu đặt mình vào vị trí người dân đặc biệt là những nông dân, người lao động chân chính thì đó là cách nhìn “thiển cận” và đôi phần nguỵ biện.
Cách trấn an của bà Mai hay ông Thi trước dư luận có lẽ sẽ hiệu quả nếu cách đây 10-15 năm khi mà có thể một số người tiêu dùng chưa hiểu hết bản chất về thuế giá trị gia tăng (VAT).
Còn giờ đây, đến cả anh bạn tôi là nông dân ở một xã xa tít tắp ở vùng miền Tây xứ Nghệ còn gọi điện chia sẻ trong bức xúc: Phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản… thì không ảnh hưởng bởi thuế VAT chắc? Rau, cá không dùng phân bón, thức ăn thủy sản và thuốc bảo vệ thực vật thì dùng bằng gì?
Đúng là thuế VAT tăng không trực tiếp làm “mớ rau, con cá” tăng giá nhưng những yếu tố đầu vào như trên và chưa kể chi phí nhân công, vận chuyển từ nơi sản xuất tới tiêu thụ tăng do giá xăng, dầu tăng rồi sẽ “đổ” hết lên người tiêu dùng khi bị dồn hết vào giá bán.
Không ít chuyên gia tài chính cũng đã khẳng định tăng thuế VAT sẽ khiến giá cả tăng theo hiệu ứng dây chuyền.
Video đang HOT
Thuế VAT tăng giá không những “không tác động tới người nghèo” mà trái lại tác động nặng nề theo cấp số nhân.
Có một vấn đề dù không muốn cũng phải nhắc đấy là tình trạng để xảy ra thất thu thuế khá phức tạp như hiện nay.
Giám đốc một công ty cồn, rượu móc ngoặc với nhiều cán bộ hải quan, ngân hàng trốn thuế 10 tỉ đồng. Ảnh: CA
Theo thông tin báo chí của chính Bộ Tài chính, đợt gần đây nhất, ngành Thuế đã thực hiện kiểm tra 33.633 đối tượng là doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Cụ thể, gồm 19.281doanh nghiệp và 14.352 hộ kinh doanh.
Đã có 83,2% số doanh nghiệp đã được kiểm tra chống thất thu có số thuế tăng thêm sau kiểm tra, với tổng số thuế tăng thêm là 4.891,4 tỷ đồng.
Trong đó, số thuế truy thu và phạt đối với doanh nghiệp là 1.946,1 tỷ đồng; giảm lỗ, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp là 2.913,1 tỷ đồng.
Đây mới chỉ là cuộc kiểm tra với trên 30.000 doanh nghiệp mà số thuế phải truy thu đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Với trên 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động thì số thuế thất thu nếu có sẽ còn khủng khiếp cỡ nào?
Thế nên, thay vì cứ lăm le tăng thuế, có lẽ chính cơ quan có trách nhiệm soạn thảo hay đề xuất những chính sách liên quan về thuế như Bộ Tài chính và lãnh đạo Bộ nên đặt mình vào vị trí nhân dân để hiểu và có biện pháp nâng cao năng lực quản lý để chống thất thoát về thuế và viện dẫn lý lẽ “tăng không ảnh hưởng tới người nghèo”!
Theo Danviet
Tăng thuế VAT: "Ông làm tài chính mà nói vậy nghe buồn cười quá"
"Lấy ví dụ một người nghèo mỗi tháng có 3 triệu đồng thì phải bỏ 50% chịu thuế VAT, tức 1,5 triệu đồng mà chỉ cần nhân 2% thì mất thêm 30 nghìn đồng. Đối với một người nghèo như thế là rất đáng kể", chuyên gia kinh tế bình luận.
Liên quan tới đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12%, một số lãnh đạo Bộ Tài chính mới đây khẳng định, sẽ không tác động nhiều tới người nghèo và người thu nhập thấp.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai: "Nhóm thu nhập thấp nhất dành tới 59,6% thu nhập để chi mua lương thực, thực phẩm, y tế và giáo dục. Y tế và giáo dục thuộc đối tượng không chịu thuế, nhóm lương, thực thực phẩm thì người bán trực tiếp bán ra không chịu thuế mà chỉ thương mại bán ra mới phải chịu thuế ở mức thấp 5%. Nếu dự kiến tác động đối với người dân, đặc biệt người nghèo và thu nhập thấp là không nhiều".
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cũng cho rằng: "Thông tin nói mớ rau 500 đồng, nếu tăng thuế thì làm rau tăng giá. Rau, thịt có chịu thuế GTGT đâu. Như vậy những mặt hàng không chịu thuế VAT dù VAT tăng bao nhiêu cũng không ảnh hưởng gì. Về lý thuyết, thuế gián thu đều có tính chất lũy thoái so với thu nhập. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng này còn phụ thuộc là hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng sử dụng".
"Lãnh đạo nói vậy nghe buồn cười quá"
Ý kiến này của các quan chức Bộ Tài chính đã vấp phải phản ứng lớn từ dư luận. Nhiều ý kiến chỉ ra rằng, lý lẽ do lãnh đạo Bộ Tài chính đưa ra chưa thực sự hợp lý bởi thuế VAT là loại thuế gián thu, khi tăng nhất định sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng (hay còn được gọi là dân).
Trong hàng trăm bình luận gửi về Dân trí, một độc giả là Nguyễn Thanh Sơn bình luận: "Ông nói thế nào chứ, dân mua thịt, mua rau không chịu thuế, nhưng muốn có thịt thì phải nuôi, muốn có rau thì phải trồng. Thức ăn chăn nuôi tăng thuế, thuốc thú y tăng thuế, phân bón tăng thuế, thuốc bảo vệ thực vật tăng thuế... thì giá thịt, giá rau có tăng không, người nghèo có phải móc thêm túi không hả ông, bà Thứ trưởng?".
Độc giả Nông Dân Việt cho rằng: "Bó tay giải thích giống cho qua chuyện, tôi ví dụ nhé nếu người nghèo họ mua một món gì đó cho gia đình sử dụng khi thuế tăng giá bán tăng vậy người nghèo có thiệt không? Ai nói không ảnh hưởng thì nên xem lại nhé. Khi tăng bất cứ thuế gì người thiệt hại vẫn là người dân thôi. Tiền thuế doanh nghiệp đã cộng vào khi bán họ đã khấu trừ. Nếu tăng thuế họ sẽ cộng vào giá bán".
Độc giả Nguyentuan thẳng thắn: "Ông nói "thông tin nói mớ rau 500 đồng, nếu tăng thuế thì làm rau tăng giá. Rau, thịt có chịu thuế GTGT đâu". Nhưng xin thưa ông thế này rau thịt không có chân để chạy từ chỗ này đến chỗ khác mà phải có phương tiện vận chuyển. Mặt khác cây rau, miếng thịt cũng không phải có được bằng khí trời mà phải có nguyên liệu đầu vào để chăn nuôi mới có, ông làm tài chính mà nói vậy nghe buồn cười quá".
Một độc giả bình luận: "Mớ rau và thịt không chịu thuế là đúng. Tuy nhiên, khi tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến giá của rau và thịt đấy ông Thi! Cần nghĩ xa và rộng cho dân!".
"Tăng thuế GTGT là cả một vấn đề lớn nên các ngài nghiên cứu cho kỹ! Hãy lấy lợi ích của nhân dân lên hàng đầu! Việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì không có lợi cho dân thì đừng làm!", một độc giả bình luận.
"30 nghìn đồng đối với một người nghèo cũng đáng kể"
Bình luận về những phát ngôn này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu tiếp tục bảo lưu quan điểm "nói chung người nghèo vẫn phải chịu thuế nhiều".
Ông Hiếu phân tích: "Có thể đúng ở cái ví dụ đi chợ mua vài miếng thịt, mua rau có ai đánh thuế VAT đâu bởi người đi chợ trả bằng tiền mặt, người bán không hóa đơn. Nhưng nói chung, một sản phẩm phải đi qua nhiều quy trình, mặt hàng này là đầu vào của mặt hàng kia, và đã bị đánh thuế từ trước rồi nên cuối cùng, người mua vẫn phải chịu thuế của cả công đoạn giữa. Thuế VAT nó đã tồn tại ở trong quy trình chuyển dịch qua các công đoạn của hàng hóa rồi".
"Lấy ví dụ một người nghèo mỗi tháng có 3 triệu thì phải bỏ 50% chịu thuế VAT, tức 1,5 triệu đồng mà chỉ cần nhân 2% thì mất thêm 30 nghìn đồng. Đối với một người nghèo như thế là rất đáng kể. Với người giàu 1 tháng có 100 triệu đồng thì tiền còn lại sau đóng thuế vẫn rất nhiều, trong khi người dân nghèo sau khi trừ thuế đi, số tiền còn lại đã ít ỏi rồi lại càng ít ỏi", ông Hiếu nói thêm.
Đồng quan điểm, trao đổi với báo chí, TS Lưu Bích Hồ cũng cho rằng: "Thứ trưởng Bộ Tài chính nói là tác động không nhiều nhưng tôi nói là còn tùy đối tượng cụ thể. Thế nhưng với người nghèo, tác động là khá đấy chứ không ít đâu. Tất nhiên rau, thực phẩm bán lẻ ở chợ thì không có VAT nhưng những mặt hàng, dịch vụ quan trọng thì vẫn có như xăng, dầu, điện hay nhiều hàng hóa tiêu dùng khác".
"Đừng nói tác động không nhiều một cách chung chung. Phải tính xem người ta có chịu được không, chấp nhận được không. Tỷ lệ chi cho những nhu cầu thiết yếu chiếm phần lớn thu nhập người ta rồi, người ta không còn để dành nữa, chưa kể còn bao nhiêu khoản chi tiêu khác. Mình đánh thêm thuế, từ 5% lên 6% với một số mặt hàng hay 10% lên 12% đáng kể lắm chứ. Thu nhập của người dân còn thấp, tăng 1-2% là đáng kể rồi", ông Hồ nói thêm.
Cho rằng, thuế VAT của Việt Nam hiện đúng là thấp hơn so với nhiều nước, nhưng chuyên gia cũng lưu ý, nếu so sánh với quốc tế thì phải tính tỷ lệ thu thuế VAT trong tổng thu. Với nước ta, tỷ lệ này khoảng gần 28% còn các nước cao nhất như EU thì chỉ trung bình 21%, thậm chí nhiều nước dưới mức này.
"Thế nên, đừng nghĩ ta mới áp thuế 10% còn thấp mà phải tính tỷ lệ đó là cao trong tổng thu ngân sách rồi. Ta tăng thêm thuế thì tỷ lệ đó lại càng cao hơn. Mỗi nước có bối cảnh khác nhau chứ không phải mức thuế của mình thấp thì tăng lên", ông nói thêm.
Theo Phương Dung (Dân Trí)
Tổng cục Thuế biết thu thuế kinh doanh trên Facebook sẽ bị phản ứng Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng thu thuế qua các website thương mại điện tử như Facebook hoàn toàn có cơ sở nhưng chắc chắn sẽ có phản ứng từ dư luận, nhất là loại hình kinh doanh này mang tính thời vụ. Thu nhập trên 100 triệu phải nộp thuế Ông Nguyễn Quý Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách,...