‘Đội quân’ thồ hàng tiếp tế lính Ấn Độ gần biên giới Trung Quốc
Ở độ cao gần 4.600 mét, người làng Chushul băng qua những sườn đồi hoang vắng ở bang Ladakh, vận chuyển đồ tiếp tế cho lính Ấn Độ ở biên giới.
Khoác những túi vải thô chứa bao gạo, can xăng nặng cùng chiếc gậy tre buộc sau lưng, họ lê bước lên Đỉnh Đen, một đỉnh núi trên dãy Himalaya, nơi có hàng trăm căn lều của quân đội Ấn Độ đóng quân ở phía chân trời.
Đoàn người hơn 100 đàn ông, phụ nữ và các cậu bé thực hiện cuộc hành trình gian khổ này không chỉ vì lòng tốt. Trong những tháng mùa đông tới, nhiệt độ ở đây sẽ giảm xuống -40 độ C. Dân làng lo ngại rằng nếu họ không giúp binh sĩ Ấn Độ có đủ đồ tiếp tế cho mùa đông khắc nghiệt phía trước để bảo vệ biên giới, ngôi làng của họ có thể nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.
“Chúng tôi muốn giúp quân đội Ấn Độ canh giữ vị trí của họ ngay lập tức”, Tsering, một tình nguyện viện 28 tuổi từ Chushul, nói. “Chúng tôi đang thồ hàng lên cho họ, đi nhiều vòng một ngày, để đảm bảo quân đội không gặp nhiều khó khăn”.
Dân làng Chushul thồ hàng tiếp tế lên cho quân đội Ấn Độ trên Đỉnh Đen hồi đầu tháng 9. Ảnh: Twitter/JithureddyReddy.
Chushul, ngôi làng với khoảng 150 hộ gia đình, là một trong những khu dân cư gần nhất với biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ với Trung Quốc ở phía đông Ladakh. Từ tháng 5, binh lính Ấn Độ và Trung Quốc đã nhiều lần va chạm ở đường kiểm soát thực tế (LAC), biên giới chưa được phân định rõ ràng giữa hai nước trên dãy Himalaya.
Hồi tháng 6, tình hình leo thang thành một cuộc đụng độ đẫm máu, trong đó 20 binh sĩ Ấn Độ và một số binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Đây là cuộc đụng độ khiến nhiều người chết nhất ở LAC trong hơn 4 thập kỷ qua.
Hôm 29/8, chỉ cách Chushul vài km, một cuộc đối đầu khác lại nổ ra giữa quân đội Ấn – Trung. Không có thương vong vào đêm đó, nhưng những tiếng súng chỉ thiên đã vang lên ở biên giới lần đầu tiên trong 45 năm.
Tại một cuộc họp ở Moskva tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ra tuyên bố chung nhất trí “rút quân càng sớm càng tốt” dọc biên giới hai bên. Tuyên bố được đưa ra sau ít nhất 5 vòng đàm phàn quân sự cấp cao không đạt kết quả, khi hai bên tiếp tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm chủ quyền.
Tuy nhiên, theo dân làng Chushul, có rất ít bằng chứng cho thấy quân đội hai nước đã rút quân ở khu vực tranh chấp. Trong tuần qua, binh sĩ Ấn Độ tiếp tục được tăng cường dọc biên giới. Một đoàn xe quân sự mang hàng hóa và đạn dược lên cho binh sĩ đóng quân ở các đồn bốt dọc biên giới và khoảng 100 công nhân cũng được điều tới để xây dựng đường sá và các tòa nhà nhằm củng cố vị trí của Ấn Độ.
Video đang HOT
“Rõ ràng cả hai bên đang lên kế hoạch đồn trú ở đây vào mùa đông, họ dường như dự đoán rằng sẽ không có thành quả ngoại giao nào”, Manoj Joshi, chuyên gia an ninh tại Quỹ Nghiên cứu Giám sát, nói.
Joshi cho rằng với việc khiến Ấn Độ phải chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự tốn kém, vượt xa khả năng trên dãy Himalaya, Bắc Kinh đang khiến cho New Delhi “bất an và suy yếu”.
Đoàn xe quân sự chở hàng hóa lên khu vực Ladakh, Ấn Độ, hôm 15/9. Ảnh: Reuters.
Tuần này, người làng Chusul tiếp tục những nỗ lực không ngừng nghỉ để mang hàng tiếp tế lên cho quân đội ở Đỉnh Đen. Không có con đường nào dẫn lên các rặng núi, nơi đã trở thành “chiến tuyến” mới. Họ bày tỏ lo lắng bởi trong 5 tháng mùa đông tới, cả khu vực này gần như bị cô lập bởi tuyết, băng và các vụ lở tuyết gây chết người.
“Khu vực này chưa có đường đi, chưa nói đến cơ sở hạ tầng”, Tsering cho biết. “Quân đội sẽ được tiếp tế thế này bao lâu nữa?”.
Konchak Tsepel, một người làng khác, đồng quan điểm: “Những địa điểm mới mà Trung Quốc đối đầu với quân đội Ấn Độ không đảm bảo điều kiện sống. Quân đội đang ở trong lều bạt dã chiến. Tôi không biết họ sẽ xây nhà đủ tốt để sống bằng cách nào khi không có đường lên”.
Các chuyên gia nhận định Ấn Độ chưa sẵn sàng cho nguy cơ một cuộc chiến tổng lực dọc biên giới, nơi căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Họ chỉ còn 4 tuần để đảm bảo hậu cần cho 4 sư đoàn với khoảng 40.000 quân được triển khai ở Ladakh trong suốt mùa đông.
Quân đội Ấn Độ đã chi hàng tỷ USD cho quốc phòng dọc biên giới Trung Quốc, trong đó có 400 triệu USD xây một đường hầm mới qua núi ở Himachal Pradesh, nhưng việc triển khai hàng chục nghìn binh sĩ ở vùng hoang mạc trên núi cao này là một nhiệm vụ khó khăn và tốn kém. Vùng này chưa có có hệ thống liên lạc và điện lưới vẫn chưa được kéo tới nhiều làng. Trong khi đó, ngân sách quốc phòng Trung Quốc cao gấp ba lần Ấn Độ.
Một trực thăng Chinook của Không quân Ấn Độ chuẩn bị cất cánh từ một căn cứ ở Leh, vùng Ladakh hôm 15/9. Ảnh: Reuters.
Tashi Chhepal, 60 tuổi, một đại úy quân đội Ấn Độ nghỉ hưu từng phục vụ ở khu vực này hơn ba thập kỷ, mô tả rằng vào mùa đông, “một số đồn bốt sẽ bị cắt liên lạc với thế giới bên ngoài tới 5 tháng”.
“Mọi thứ sẽ đóng băng như đá và chúng tôi sẽ trữ hàng hóa cho cả mùa đông. Trong những tháng này, chúng tôi sẽ dựa vào thực phẩm đóng hộp. Đến nay, thông tin liên lạc vẫn kém y như vậy. Không có thay đổi gì nhiều sau nhiều năm”, ông nói.
Pravin Sawhney, một cựu sĩ quan quân đội Ấn Độ, cho hay nước này đã bị “bất ngờ hoàn toàn” trước những hành động quyết liệt gần đây của Trung Quốc dọc biên giới và đang ở thế yếu.
“Trung Quốc vượt trội hơn nhiều”, Sawhney nói thêm. “Họ đã kéo Internet cáp quang đến tận rìa trận địa”.
Amrit Pal Singh, một thiếu tướng Ấn Độ, cựu giám đốc hậu cần của vùng Leh, cho biết công tác hậu cần chuyển quân và hàng tiếp tế tới khu vực này khi mùa đông bắt đầu là một thách thức không giống bất kỳ thách thức nào quân đội Ấn Độ từng đối mặt.
“Đây là chiến trường bị cô lập nhất trên thế giới”, ông nói.
Nga – Mỹ chạy đua bán vũ khí cho Ấn Độ Nam Á kẹt giữa làn đạn Ấn – Trung ‘Chơi rắn’ với Ấn Độ, Trung Quốc có thể nếm trái đắng Putin khó xử giữa cuộc so kè Ấn – Trung Ba lý do Ấn Độ khó đoạn tuyệt Trung Quốc
Tung hỏa mù ở hồ Pangong, TQ chiếm trọn vùng đất chiến lược khác từ Ấn Độ?
Có những mối lo ngại rằng Trung Quốc đang cố tình thu hút sự chú ý của Ấn Độ trong tranh chấp lãnh thổ quanh hồ Pangong Tso để âm thầm củng cố quyền kiểm soát vùng đất tranh chấp khác rộng 972km2.
Quân đội Ấn Độ hiện không thể tiếp cận khu vực rộng 972km2 ở thung lũng Depsang, do bị lính Trung Quốc chặn đường.
Theo tờ Times of India, tình hình khu vực chiến lược ở thung lũng Depsang không được Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nhắc đến trong tuyên bố trước Quốc hội, dù rằng binh sĩ Trung Quốc đã chặn tuyến đường tuần tra duy nhất của Án Độ tới khu vực kể từ tháng 4 năm nay.
Một quan chức quốc phòng Ấn Độ nói Depsang là "một vấn đề cũ" không nên "đánh đồng hoặc gán ghép" nó với các "điểm nóng" mới như hồ Pangong Tso, suối nước nóng Gogra hay Thung lũng Galwan.
"Không có đối đầu quân sự cấp bách tại Depsang, nơi Ấn Độ và Trung Quốc cũng có tranh chấp chủ quyền", quan chức Ấn Độ cho biết.
Nhưng các nhà phân tích đang lo ngại rằng thông qua "các hoạt động liên tục" tại hồ Pangong Tso, Bắc Kinh đang tung hỏa mù", khiến Ấn Độ lơ là cảnh giác ở thung lũng Depsang.
Trong 5 tháng qua, quân đội Trung Quốc đã liên tục ngăn chặn các binh sĩ Ấn Độ đến các chốt tuần tra ở thung lũng Depsang. Binh sĩ Trung Quốc được cho là đã lập các tiền đồn dã chiến gần khu vực "Nút thắt cổ chai" và "Ngã ba chữ Y" ở Depsang.
Binh sĩ quân đội Trung Quốc.
Bị chặn ở hai khu vực này, binh sĩ Ấn Độ không thể tiến sâu vào bên trong thung lũng. Nói cách khác, khu vực rộng 972km2 đang bị chia cắt khỏi lãnh thổ Ấn Độ. "Chúng tôi thường đến các điểm tuần tra xa nhất dọc theo đường ranh giới, nhưng quân đội Trung Quốc đã chặn các đường huyết mạch. Chúng tôi bị tổn thất trong những lần chạm trán này", một sĩ quan Ấn Độ cho biết.
Một khi nắm quyền kiểm soát thung lũng Depsang và vùng Daulat Beg Oldie, Trung Quốc sẽ gia cố lực lượng bảo vệ đường cao tốc G-219. Đây là tuyến đường huyết mạch kết nối Tây Tạng với Tân Cương.
Trung Quốc đã huy động hơn 12.000 binh sĩ, xe tăng và pháo binh đến điểm nóng này. Kể từ tháng 5.2020, Ấn Độ đáp trả bằng hai lữ đoàn bộ binh cơ giới, mỗi đơn vị có khoảng 3.000 người.
"Ấn Độ có thể đang rơi vào bẫy, khi Trung Quốc tách thung lũng Depsang khỏi các điểm nóng tranh chấp hiện nay", một sĩ quan Ấn Độ nhận định.
"Không giống như đường biên giới với Pakistan, vốn đã được cố định về mặt vật lý, cách duy nhất để đảm bảo chủ quyền lãnh thổ giáp Trung Quốc là phải tích cực tuần tra", sĩ quan này nói. "Nhưng đã 5 tháng trôi qua, các binh sĩ Ấn Độ đã không thể tuần tra tới thung lũng Depsang. 7 năm trước, thung lũng này từng xảy ra tranh chấp lãnh thổ căng thẳng".
Trung Quốc tìm thấy 5 công dân Ấn Độ mất tích Ấn Độ cho biết 5 công dân mất tích ở khu vực biên giới phía đông nước này vài ngày trước đã được tìm thấy ở Trung Quốc. "Quân đội Trung Quốc đã phản hồi thông báo mà quân đội Ấn Độ gửi qua đường dây nóng. Họ xác nhận rằng các thanh niên mất tích ở bang Arunachal Pradesh đã được tìm...