“Đội quân tên lửa” kề vai sát cánh cùng ông Kim Jong-un
“Bộ đôi hạt nhân” hay “bộ tứ tên lửa” là những chuyên gia đầu ngành đứng sau sự phát triển của chương trình vũ khí Triều Tiên và là cánh tay phải đắc lực của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
“Bộ tứ tên lửa” Kim Jong-sik, Ri Pyong-chol, Jon Il-ho và Jang Chang-ha đứng cạnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong một vụ phóng thử tên lửa (Ảnh: KCNA)
Hồi tháng 11, khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un ăn mừng vụ phóng tên lửa Hwasong-15 được đánh giá là mạnh nhất từ trước đến nay của Triều Tiên, vây quanh ông là một nhóm các quan chức và nhà khoa học hàng đầu. Mặc dù truyền thông nhà nước Triều Tiên không nêu rõ họ là ai, nhưng những gương mặt này đều từng được nhìn thấy đứng cạnh ông Kim Jong-un trong các sự kiện trước đó.
Họ, những người được gọi bằng các biệt danh như “bộ đôi hạt nhân” hay “bộ tứ tên lửa”, đã cùng nhau chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng tấn công bất kỳ thành phố nào của Mỹ và làm nên thành tựu khoa học vĩ đại tại quốc gia bí ẩn nhất thế giới.
3 trong số 4 thành viên của “bộ tứ tên lửa” Triều Tiên ăn mừng cùng ông Kim Jong-un khi theo dõi một vụ phóng tên lửa (Ảnh: KCNA)
Các nhà phân tích đã nhận diện 6 gương mặt thường xuyên xuất hiện bên cạnh ông Kim Jong-un trong những sự kiện quan trọng, trong đó có 4 người gắn bó với chương trình phát triển tên lửa và hai người phụ trách các vụ thử hạt nhân.
Hai thành viên trong “bộ tứ tên lửa” của Triều Tiên là các nhà khoa học. Đó là Giám đốc Học viện Khoa học Quốc phòng Jang Chang-ha, 53 tuổi và Jon Il-ho, 61 tuổi, người thường được truyền thông nhà nước Triều Tiên mô tả là “quan chức trong lĩnh vực nghiên cứu quốc phòng”.
Ông Jang Chang-ha và ông Jon Il-ho (Ảnh: AFP)
Người được cho là thành viên cấp cao nhất trong “bộ tứ tên lửa” là Ri Pyong-chol. Là cựu tư lệnh không quân, ông Ri hiện là Phó Giám đốc Cơ quan Công nghiệp Quốc phòng thuộc đảng Lao động Triều Tiên.
Ông Ri Pyong-chol (Ảnh: KRT)
Thành viên tiếp theo trong “bộ tứ tên lửa” sát cánh cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un là Kim Jong-sik, 49 tuổi. Với nền tảng là một kỹ sư, ông Kim Jong-sik bắt đầu xuất hiện bên cạnh ông Kim Jong-un từ tháng 2/2016. Sự thăng tiến của ông gắn liền với thời kỳ Triều Tiên tiến hành liên tiếp các vụ phóng thử tên lửa. Mặc dù vậy, ông Kim Jong-sik và ông Ri không xuất hiện trong vụ thử tên lửa hồi tháng trước của Triều Tiên.
Video đang HOT
Ông Kim Jong-sik (Ảnh: KCNA)
Ri Hong-sop, Giám đốc Viện Vũ khí hạt nhân Triều Tiên, được cho là nhân vật số một trong chương trình hạt nhân của nước này. Ông từng bị liệt vào danh sách trừng phạt của Liên Hợp Quốc từ năm 2009.
Ông Ri Hong-sop (Ảnh: KCNA)
Thành viên còn lại trong “bộ đôi hạt nhân” của Triều Tiên là Hong Sung-mu. Ông từng là kỹ sư trưởng tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon – nơi “thai nghén” chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ông Hong Sung-mu (Ảnh: KCNA)
Các nhà khoa học và kỹ sư tại Triều Tiên luôn là những đối tượng được hưởng đặc ân từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Hình ảnh chụp các vụ thử tên lửa hoặc hạt nhân của Triều Tiên do truyền thông nhà nước công bố cho thấy ông Kim Jong-un thường vui mừng ôm chầm các chuyên gia hoặc các nhà khoa học đứng cạnh ông.
Các nhà khoa học tên lửa hút thuốc cùng ông Kim Jong-un khi theo dõi một vụ phóng tên lửa (Ảnh: KCNA)
Trong bức ảnh chụp vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên hôm 29/11, ông Kim Jong-un được nhìn thấy mời thuốc các chuyên gia trong “bộ tứ tên lửa” của Triều Tiên. Đây được xem là sự đối đãi đặc biệt hiếm có tại một đất nước mà ông Kim Jong-un được tôn thờ như một đấng tối cao.
Các nhà khoa học đứng cạnh ông Kim Jong-un khi tới viếng lăng cố lãnh đạo Kim Nhật Thành (Ảnh: KCNA)
Theo New York Times, việc ông Kim Jong-un hàng năm đến thăm lăng cố lãnh đạo Kim Nhật Thành được xem như nghi thức quan trọng nhất của chính quyền Triều Tiên. Theo đó, sự xuất hiện của “bộ tứ tên lửa” cạnh ông Kim Jong-un trong chuyến đi này hồi tháng 7 là dấu hiệu cho thấy địa vị cấp cao của họ tại nước này.
Thành Đạt
Theo Dantri
Tên lửa Triều Tiên mạnh cỡ nào?
Triều Tiên đang đẩy nhanh tốc độ phát triển tên lửa dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un và đã đạt được những tiến bộ nhất định thông qua hàng loạt vụ thử nghiệm.
Các tên lửa của Triều Tiên (Đồ họa: BBC)
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM)
Triều Tiên được đánh giá là sở hữu kho tên lửa đạn đạo tầm ngắn đáng kể. Dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên đã thử tên lửa tầm ngắn tổng cộng 50 lần và chỉ có duy nhất một lần thất bại. Điều này cho thấy các tên lửa tầm ngắn Triều Tiên có độ tin cậy cao và luôn sẵn sàng hoạt động.
Trong kho tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên, tên lửa có khả năng bắn xa nhất là ER Scud với tầm phóng lên tới 1.000 km. Như vậy, toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc, cùng Osaka, thành phố lớn thứ hai Nhật Bản, có thể nằm trong tầm "phủ sóng" của tên lửa ER Scud.
Xét về tên lửa tầm ngắn Triều Tiên, mối đe dọa lớn nhất đối với Hàn Quốc là các tên lửa Scud-C MaRV và Scud-B MaRV. Những tên lửa này được trang bị công nghệ có thể cho phép chúng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM)
Tầm phóng tối đa của các tên lửa đạn đạo tầm trung Triều Tiên vào khoảng 2.000 km. Độ tin cậy của các tên lửa này cũng đã được kiểm chứng vì tính đến nay, Triều Tiên mới chỉ thất bại 2 trong số 9 lần phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Với tầm phóng này, toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản sẽ nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo tầm trung Triều Tiên, bao gồm cả thủ đô Tokyo - một trong những thành phố sầm uất nhất thế giới.
Tên lửa phóng từ tàu ngầm (SLBM)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm (Ảnh: KCNA)
Triều Tiên cũng đang phát triển năng lực phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, tuy nhiên Bình Nhưỡng có lẽ sẽ phải mất thêm một thời gian nữa mới có thể hoàn thiện công nghệ này. Từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền, mới chỉ có 3 trong số 6 vụ thử tên lửa phóng từ tầm ngầm của Triều Tiên thành công.
Hiện tại, các tên lửa phóng từ tàu ngầm Triều Tiên có tầm bắn vào khoảng 1.200 km. Tàu ngầm Sinpo của Bình Nhưỡng được cho là có khả năng hoạt động cách căn cứ khoảng 2.800 km, do vậy mối đe dọa từ tàu ngầm này chủ yếu ở khu vực Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm thường khó dự đoán hơn so với phóng từ đất liền.
Tên lửa đạn đạo tầm xa (IRBM)
Các tên lửa IRBM của Triều Tiên có tầm phóng tối đa lên tới 4.500 km. Theo đó, tên lửa này có thể đặt các căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam và phần lớn khu vực Đông Nam Á trong tầm bắn. Độ tin cậy của các tên lửa này vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi vì mới chỉ có 3 trong số 14 vụ phóng tên lửa IRBM thành công dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tính riêng trong năm nay, Triều Tiên đã thực hiện 6 vụ thử tên lửa IRBM và tên lửa Hwasong-12 của Bình Nhưỡng đang được coi là mối đe dọa đối với nhiều nước. 3 vụ thử tên lửa đầu tiên của Triều Tiên bị thất bại, song ít nhất 2 trong số 3 vụ thử gần đây đã thành công.
Hai tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên đã bay qua Nhật Bản trong 2 vụ thử. Một số chuyên gia tin rằng vụ thử tên lửa Hwasong-12 thành công gần đây vào ngày 15/9 là dấu hiệu cho thấy các tên lửa IRBM của Bình Nhưỡng đã sẵn sàng hoạt động.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM)
Một vụ phóng tên lửa ICBM của Triều Tiên (Ảnh: KCNA)
Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 thành công trong năm nay. Trong vụ thử đầu tiên, giới chuyên gia ước tính tầm phóng của tên lửa này vào khoảng 8.500 km, tức là đặt bang Alaska của Mỹ vào tầm kiểm soát. Ngoài ra, nhiều khu vực ở Australia cũng nằm trong tầm phóng của tên lửa này.
Tuy nhiên, vụ phóng gần đây nhất thậm chí còn cho thấy tầm bắn xa hơn của tên lửa đạn đạo liên lục địa Triều Tiên, lên tới 10.000 km. Với tầm phóng này, toàn bộ lãnh thổ Australia nằm trong tầm tấn công của tên lửa Triều Tiên. Ngoài ra, ICBM Triều Tiên cũng có thể vươn tới khu vực Los Angeles của Mỹ và hầu hết khu vực châu Âu, thậm chí cả lãnh thổ New Zealand.
Tính theo đường chim bay, các thành phố New York và Washington của Mỹ dường như nằm ngoài tầm phóng của ICBM Triều Tiên. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng vòng quay của Trái Đất sẽ làm tăng tầm phóng của các tên lửa được bắn theo hướng đông.
Hiện chưa rõ Triều Tiên đã đạt được công nghệ hồi quyển cho tên lửa hay chưa. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng Bình Nhưỡng sẽ sớm thành công trong việc này. Ngoài ra, nhiều câu hỏi cũng được đặt ra xung quanh nghi vấn Triều Tiên có thể thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân để gắn trên tên lửa tầm xa.
Mặc dù chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn, song giới chuyên gia nhận định Triều Tiên sẽ phải mất thêm một thời gian nữa mới có thể làm chủ được công nghệ này.
Thành Đạt
Theo ABC
Triều Tiên có thể sắp thử tên lửa mới Các chuyên gia nhận định Triều Tiên có thể sẽ phóng thử một tên lửa mới vào cuối tuần này để tưởng niệm ngày mất của cố lãnh đạo Kim Jong-il. Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên rời bệ phóng ngày 29/11 (Ảnh: Reuters) Các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, Mỹ...