Đối phó Trung Quốc ở Biển Đông, Hillary Clinton sẽ rắn hơn Obama
Bà Clinton được dự đoán sẽ tiếp nối chính sách của ông Obama trong vấn đề Biển Đông và có thể còn cứng rắn hơn.
Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ảnh: Reuters
Theo Forbes, giới chức Trung Quốc đã lo ngại trong vài năm qua rằng Tổng thống Barack Obama muốn kìm hãm Trung Quốc. Cây bút chuyên về châu Á Ralph Jennings cho rằng Trung Quốc sẽ còn lo ngại hơn nếu ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton được bầu làm tổng thống Mỹ vào cuối năm nay.
Video đang HOT
Bà Clinton từng giữ chức ngoại trưởng Mỹ năm 2009 – 2013. Bà ít nhất sẽ tiếp nối các chính sách của Tổng thống Obama về vấn đề Biển Đông và có lẽ sẽ có lập trường cứng rắn hơn, các nhà phân tích chuyên về chính sách Mỹ ở châu Á nhận định.
Nếu trở thành tổng thống, bà Clinton sẽ là Obama “cộng” trong vấn đề Biển Đông, thậm chí còn cứng rắn hơn, ông Sean King, phó chủ tịch cao cấp của hãng tư vấn Park Strategies ở New York, nhận xét. “Bắc Kinh hẳn là lo lắng trước khả năng bà ấy tiến vào Nhà Trắng”.
Nước Mỹ dưới sự dẫn dắt của bà Clinton sẽ không bắt đầu một cuộc đối đầu thực sự ở Biển Đông. Họ sẽ tiếp tục thúc đẩy mục tiêu của ông Obama là duy trì tự do hàng hải và phát huy hợp tác quân sự với các chính phủ Đông Nam Á đang lo lắng về sự bành trướng của Trung Quốc.
Chính quyền Clinton còn có thể đi xa hơn bằng cách kiềm chế Trung Quốc thông qua các cơ quan quốc tế hoặc các hiệp định mà cả hai bên đều thuộc hoặc mong muốn tham gia. Mỹ cũng có thể làm sâu sắc thêm quan hệ với Việt Nam và Philippines, hai nước đã lên tiếng nhiều nhất về tranh chấp ở Biển Đông.
“Những việc bà Clinton đã làm cho thấy nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của bà sẽ có phản ứng quyết đoán hơn”, Ben Reilly, hiệu trưởng trường chính sách công và các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Murdoch ở Australia nói. “Mỹ sẽ không lâm vào xung đột vì các đá và rạn san hô, mà sẽ làm tăng những tổn thất Trung Quốc có thể phải chịu trong việc tham gia vào các tổ chức quốc tế và các vấn đề toàn cầu nói chung”.
Bà Clinton đã giữ chức ngoại trưởng Mỹ khi ông Obama tuyên bố chính sách xoay trục tới châu Á. Bà đã lên tiếng ủng hộ việc lấy luật pháp quốc tế làm cơ sở cho các tuyên bố chủ quyền trên biển, trong cuộc họp với các ngoại trưởng nước khác tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội năm 2010. Đây được cho là một “cú giáng” vào Trung Quốc, nước đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông.
James Mann, tác giả của nhiều cuốn sách về Trung Quốc và chính sách đối ngoại của Mỹ, cho rằng Bắc Kinh không thích xu hướng hành động chuẩn xác như một luật sư của bà Clinton, cũng như bề dày kinh nghiệm nhiều thập kỷ xử lý chính sách đối ngoại nói chung và Trung Quốc nói riêng của cựu ngoại trưởng. Những yếu tố này khiến bà trở thành một đối thủ đáng gờm.
“Bà Hillary có cá tính khá cứng rắn và biết rõ mình muốn gì. Trung Quốc luôn thấy khó ứng phó với các luật sư. Bản năng của luật sư là đề ra các nguyên tắc. Và bà ấy nhiều khả năng sẽ không chấp nhận lập luận rằng Trung Quốc là trường hợp đặc biệt, cần được đối xử khác với các quốc gia khác”, ông Mann bình luận.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng sự khó lường của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump nhiều khả năng làm Trung Quốc bối rối hơn.
“Người Trung Quốc quan ngại về thái độ của bà Clinton đối với họ”, Alan Romberg, giám đốc chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson, Mỹ, nói. “Tuy nhiên, họ biết bà ấy có nhiều kinh nghiệm và dễ đoán hơn Donald Trump. Xét về mặt đó thì có khi họ lại an tâm khi thấy bà ấy chiến thắng”.
Phương Vũ
Theo VNE