Đối phó thảm họa thiên tai: Đặt niềm tin vào cộng đồng
Thiên tai, thảm hoạ không chỉ tác động xấu tới hoạt động giảm nghèo của Việt Nam, nó còn khiến tỷ lệ “nghèo hoá” diễn ra mạnh hơn cả trong nhóm người giàu. Trước thách thức to lớn này Việt Nam sẽ phải làm gì để ứng phó? Phóng viên Báo NTNN – Dân Việt trao đổi với ông Ngô Trường Thi (ảnh) – Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia giảm nghèo (Bộ LĐTBXH).
Đánh giá toàn diện thì biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai đang tác động thế nào tới hoạt động giảm nghèo, tình trạng “nghèo hoá”, thưa ông?
- Từ bao đời nay, Việt Nam đã luôn phải đối phó với thiên tai, không riêng người nghèo mà ngay cả người giàu cũng chịu tác động. Mỗi năm lĩnh vực bảo trợ xã hội đã phải dành hàng trăm tỷ đồng để thực hiện trợ cấp, cứu trợ khẩn cấp. Đáng buồn hơn, con số năm sau lại cao hơn năm trước, cả về số lượng lẫn mức độ. Có thể thấy BĐKH là vấn đề rất lớn, gây bất lợi cho sản xuất, kinh doanh từ đó tác động tiêu cực tới vấn đề giảm nghèo.
Bà Nguyễn Thị Hường (xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) thất thần bên vườn dó bầu tạo trầm hơn 30 năm tuổi bị ngã đổ do bão số 10. Ảnh: Nguyễn Duyên
“Để giảm nghèo bền vững, điều quan trọng nhất cần làm trước mắt là bảo đảm an ninh cho bà con sống ở những vùng thường xuyên chịu thiên tai, biến đổi khí hậu. Cùng với đó, hệ thống cảnh báo cần chủ động, chính xác. Tăng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người về thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai”. Ông Ngô Trường Thi
Có một con số nào có thể cụ thể hoá những thiệt hại, tác động của của thiên tai, BĐKH tới hoạt động giảm nghèo trong thời gian qua?
- Cứ 3 người thoát nghèo lại có một người tái nghèo, chủ yếu do hậu quả thiên tai. Như vậy rõ ràng, thiên tai, BĐKH đang tác động tiêu cực tới sự nghiệp giảm nghèo bền vững của chúng ta.
Như các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, bão lũ quá nhiều, liên tục khiến việc giảm nghèo gặp nhiều khó khăn. Nếu không có thiên tai, bão lũ chắc chắn tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm rất nhanh. Vừa qua, sau bão số 10 tôi đi thị sát cùng Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, có những nhà bay cả nóc, có nhà còn bị bão, lũ cuốn bay tất cả gia tài, cả rừng cao su… Bà con nỗ lực vươn lên thoát nghèo nhưng chỉ qua một trận bão là tất cả lại rơi vào tình trạng nghèo đói.
Với cương vị là lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp phụ trách lĩnh vực giảm nghèo, ông có đề xuất giải pháp nào để thực hiện công tác giảm nghèo trong điều kiện BĐKH, thiên tai?
Video đang HOT
- Có thể nói, trong những năm qua chương trình giảm nghèo đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người nghèo vượt lên thiên tai, giảm nghèo bền vững. Có thể kể tới như chương trình giúp người nghèo xây nhà thích ứng với BĐKH thiên tai, tránh bão ở miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long… Trước đây, việc hỗ trợ nhà cửa chỉ vài triệu đồng/hộ thôi, nhưng bây giờ thì khác, việc hỗ trợ nhà phải kiên cố, chắc chắn chịu được những cơn bão trung bình.
Về lâu dài, chúng tôi đã nghiên cứu và kiến nghị nên có thay đổi về cơ cấu cây trồng. Ví dụ ở các tỉnh miền Trung, nhiều nơi trồng cả rừng cây cao su, nhưng mới được 3-4 năm (7 năm mới thu hoạch) gặp bão thế là bị gãy hết cả rừng, thiệt hại vô cùng lớn. Người dân mất hàng trăm triệu đồng, nợ nần chồng chất, bỗng “nghèo hoá” chỉ sau một đêm.
Ngoài việc tính toán thay đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ theo hướng phù hợp với đất đai còn tính cả tới điều kiện khí hậu, bão lũ. Nếu không, chỉ vận động bà con chịu khó vươn lên giảm nghèo thì chỉ sau một trận bão hay đợt lũ lụt, nghèo lại hoàn nghèo. Tại ĐBSCLcũng vậy, đang có tình trạng xâm mặn, nên cần phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nếu không trồng được lúa phải chuyển sang trồng hoa màu. Cùng với đó, nhiều tỉnh Đông Nam Bộ cũng đang phải đối mặn với hạn hán nghiêm trọng như: Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ…
Sự hỗ trợ, hướng dẫn để thực hiện các giải pháp, kiến nghị nói trên như thế nào?
- Hiện nay, để thực hiện các giải pháp, kiến nghị trên, Văn phòng giảm nghèo cũng đã thông qua những mô hình chuyển giao cộng đồng nhằm phát huy năng lực của người nghèo. Hiện nay chương trình giảm nghèo thay đổi cách tiếp cận, theo hướng từ dưới lên, lấy người nghèo làm trọng tâm, để người nghèo tự quyết định các mô hình giảm nghèo phù hợp với điều kiện kinh tế – văn hoá của từng vùng miền.
Năm 2016, chúng tôi tổ chức cuộc thi sáng kiến phát huy vai trò của cộng đồng. Mô hình chứng tỏ sức mạnh của cộng đồng, chỉ cần đặt niềm tin và có phương pháp hướng dẫn tăng năng lực cho người nghèo thì họ sẽ làm được. Đây là cách làm hay mang lại hiệu quả trong bối cảnh phong trào khởi nghiệp đang lan rộng.
Song song với việc trao quyền cho cộng đồng, tăng cường năng lực cho người nghèo, chúng tôi cũng đẩy mạnh việc phối hợp với các đối tác phát triển và tổ chức quốc tế. Đáng mừng, tất cả những đề xuất như vấn đề phân cấp trao quyền, phát huy vai trò cộng đồng, phát huy bản sắc cộng đồng… đều đã được đưa vào thể chế, luật pháp của Việt Nam. Vấn đề còn lại chỉ là đưa những vấn đề này vào cuộc sống, thực hiện.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta chưa có những giải pháp vĩ mô, lồng ghép vấn đề BĐKH vào trong chính sách giảm nghèo. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Tôi không đồng ý với ý kiến đó, vì nếu nhìn như vậy là chúng ta đang đổi lỗi cho chính sách. Theo tôi, lâu nay chúng ta thực hiện chính sách, đổi mới qua từng bước phát triển chứ không đợi sự phát triển xong mới làm. Chúng ta cũng không đợi tới lúc có khuôn khổ pháp lý xong mới làm, chính sách muốn đi vào cuộc sống thì cũng cần phải có thời gian.
Theo tôi, trong từng chính sách một, từng địa phương cần phải chủ động đưa ra những chính sách cụ thể. Luật cũng phải đi từ những chính sách cụ thể trong cuộc sóng thì mới khả thi, đạt hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Quản lý thiên tai và giảm nghèo bền vững
Những năm gần đây công cuộc giảm nghèo của Việt Nam đang đối mặt với những thách thức mới: Tác động tiêu cực của thiên tai; biến đổi khí hậu; sự suy giảm nhanh chóng các nguồn tài nguyên thiên nhiên do sự phát triển nhanh chóng nhưng rời rạc và thiếu đồng bộ về sở hạ tầng lẫn dân sinh.
Nông dân - đối tượng dễ bị đói nghèo vì thiên tai
Báo cáo của Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc (FAO, 2016) cho thấy các hiểm họa về khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với những người nghèo trên toàn thế giới, với khả năng đẩy hàng triệu người trở lại đói nghèo trong vòng 15 năm tới. Nông dân là nhóm người đặc biệt rất dễ rơi vào đói nghèo, vậy bao nhiêu trong số hàng triệu người đó sẽ là nông dân Việt Nam? Nếu chúng ta không đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai hôm nay, Việt Nam sẽ bỏ lỡ đi cơ hội tăng trưởng và tiến bộ về xã hội, kinh tế và môi trường cho nhiều năm tới.
Nhà bị nước lũ ngập sâu, người dân Tam Kỳ (Quảng Nam) dùng thuyền di dời tài sản và đi lại, tháng 11.2017. Ảnh: T.H
Luật Ngân sách nhà nước yêu cầu phải bố trí dự phòng 2-4% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm cho trường hợp khẩn cấp, bao gồm ứng phó với thiên tai. Bên cạnh đó, Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg quy định có khoản hỗ trợ một lần cho nông dân và hộ gia đình có mùa màng, gia súc, cây cối, và thủy sản bị ảnh hưởng bởi thiên tai hay dịch bệnh.
Có thể thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có nguy cơ chịu ảnh hưởng thiên tai cao nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương và đứng thứ bảy trong những quốc gia có nguy cơ dễ bị thiên tai nhất trên thế giới. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, trung bình hàng năm thiên tai làm hơn 300 người chết và gây ra thiệt hại về kinh tế chiếm khoảng 1 - 1,5% GDP. Theo báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể thiệt hại về kinh tế vào khoảng trên 4% GDP trong trường hợp bị thiên tai lớn. Trong khoảng 50 năm tới, xác suất xảy ra thiên tai lớn tại Việt Nam là 40% với thiệt hại về kinh tế có khả năng ở mức 141.000 tỷ đồng.
Việt Nam có 2/3 dân số sống ở nông thôn - nơi có tỷ lệ đói nghèo cao nhất và chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp - thường là những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các tác động cực đoan của thời tiết. Một mặt, do kế sinh nhai bị mất hoặc thiệt hại nghiêm trọng. Mặt khác, thiên tai làm thay đổi tiêu cực về nguồn cung lương thực và có thể bóp méo giá cả hàng hóa và cản trở phân phối lương thực, gây ảnh hưởng bất lợi đến khả năng phục hồi sau thiên tai - vốn đã rất thấp - của người nghèo, cuối cùng là gia tăng đói nghèo. Rất nhiều hộ gia đình nông thôn đã bị tái nghèo sau mỗi đợt thiên tai.
Ông Nguyễn Huy Dũng - chuyên gia cao cấp về quản lý thiên tai.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia trên thế giới có năng lực tốt trong ứng phó khẩn cấp với thiên tai, đặc biệt là với loại hình thiên tai như lũ, bão, sạt lở đất... Hệ thống phòng chống thiên tai đã được thành lập từ năm 1946 và liên tục được củng cố, hoàn chỉnh từ cấp trung ương đến địa phương. Chính phủ Việt Nam cũng ban hành một loạt các chiến lược, chương trình và kế hoạch quan trọng nhằm đầu tư thực hiện công tác giảm thiểu thiên tai và xóa đói giảm nghèo, như: Chiến lược phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; chiến lược phòng chống biến đổi khí hậu; chương trình giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRM); chương trình xây dựng nâng cấp đê sông, đê biển; chương trình 135; chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo; chương trình nông thôn mới...
Cùng với nguồn lực trong nước và các nguồn lực hỗ trợ từ các quốc gia bè bạn và các tổ chức quốc tế, Chính phủ Việt Nam và người dân đã giảm tỷ lệ nghèo đói từ 60% hồi đầu những năm 1990 xuống 21% vào năm 2010 và còn 14% vào năm 2014 (Ngân hàng Thế giới, 2016).
Cần chuyển đổi phương thức phòng chống và giảm nhẹ thiên tai
Về lâu dài, Việt Nam cần phổ biến các cơ chế phối hợp, giám sát việc lập và thực hiện kế hoạch trong công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và sử dụng đất cho tất cả các ngành nhạy cảm với khí hậu. Các chính sách nên tăng cường sự tham gia của cộng đồng và khối kinh tế tư nhân, tìm cách giảm thiểu tác động của các sự kiện thời tiết cực đoan vào các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội trong đó đặc biệt là vấn đề giảm nghèo.
Việt Nam cần có sự chuyển đổi cách tiếp cận trong công tác phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai từ tập trung vào ứng phó khẩn cấp truyền thống như hiện nay sang chủ động, lồng ghép tổng thể và toàn diện, bao gồm lồng ghép nâng cao năng lực phòng chống thiên tai vào các chính sách và chương trình, dự án giảm nghèo.
Ví dụ, Việt Nam cần xem xét thống nhất các chương trình hiện tại (như chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông nghiệp, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, Chương trình xây dựng nông thôn mới...) thành một chương trình mục tiêu quốc gia thống nhất, có cơ chế thực hiện và tài chính rõ ràng cho từng bộ/ngành thực hiện. Đồng thời, cần thiết lập ngay cơ chế hướng dẫn và giám sát việc thực hiện Thông tư số 05/2016 ngày 6.6.2016 của Bộ KHĐT về việc thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế-xã hội, đặc biệt là tại các xã đang thực hiện chương trình giảm nghèo.
Trong ngắn hạn, Việt Nam cần khẩn trương đánh giá chi tiết về về thể chế, tổ chức bộ máy và các thách thức trong việc phối hợp và thực hiện đa ngành nhằm xây dựng hướng dẫn chung để nâng cao hiệu quả và sự phối hợp theo chiều ngang giữa các ngành cũng như theo chiều dọc ở các cấp từ quốc gia, vùng và tỉnh/thành phố.
Về trung hạn, Việt Nam cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai để hỗ trợ việc phối hợp liên bộ và đóng vai trò tư vấn cho công tác quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp.
(Bài viết tóm tắt bản Báo cáo "Hướng tới quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp ở Việt Nam" (tháng 9.2017), do bà Abigail Baca và ông Nguyễn Huy Dũng chủ trì cùng các đồng nghiệp tại WB thực hiện)
Theo Danviet
Xã hội chung tay hỗ trợ, người nghèo bớt khó khăn Tại thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), sau cơn bão số 10, gia đình chị Trương Thị Lĩnh vốn đã khó khăn nay còn khó khăn hơn bởi bão, lũ đã cuốn sạch sành sanh mọi tài sản gia đình chị. Căn nhà là tài sản lớn nhất cũng bị thổi bay mái. Gần 1 tháng sau cơn...