Đời phiêu bạt của cô gái miền Tây nghiện ma túy
Từng bị dụ đi tiếp thị với chiếc váy không thể nào ngắn và mỏng hơn, từng lang thang vào nghĩa địa hít heroin, Mộng Linh tưởng chừng như không bao giờ thoát khỏi cuộc sống vô định.
Có những chiếc váy không thể nào mỏng hơn
Tôi gặp Ngô Mộng Linh vào một buổi chiều oi bức ở Hà Nội. Cô ra tham dự triển lãm Đối mặt với ma túy của nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh, đồng thời có một số hội nghị khác của trung tâm SCDI (Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng – Supporting Community Development Initiatives).
Đó là một người phụ nữ có gương mặt trẻ hơn nhiều so với tuổi thực của mình. Nhìn cô, tôi không nghĩ rằng cô đã có một đứa con 10 tuổi, và cũng khó đoán được rằng đằng sau nụ cười tươi tắn đó là cả một hành trình trượt dài với ma túy.
Linh sinh năm 1979, người Vĩnh Long. 17 tuổi, cô bỏ nhà lên Sài Gòn sống. Thời mới lên, cô ở trọ nhà họ hàng, rồi khi xin được việc làm thêm ở quán cà phê thì cô ra ở ngoài với bạn bè.
Thời gian đầu ở quán cà phê, Linh được chủ quán (sau này cô mới biết là môi giới gái gọi) giới thiệu cho khá nhiều công việc.
“Đầu tiên chị ấy khuyên mình buổi tối đi làm tiếp thị ở các quán bar, nhiều tiền hơn và nhàn hơn. Mình nghe thế thì cũng đi. Hôm đầu, chị ấy đưa cho bộ đồ mỏng lắm, mỏng mà không thể mỏng hơn ấy, rồi còn ngắn cũn cỡn nữa. Nhưng mình còn trẻ mà, cứ nghĩ đến việc có nhiều tiền là mặc thôi. Cho đến khi tối vào bar, đi làm, thấy cảnh sờ soạng ghê quá thì mình sợ, hôm sau thì bỏ luôn”- Hơn 10 năm sau đêm đầu tiên lạc bước vào thế giới nhập nhèm đó, Linh vẫn thể hiện rất rõ sự bàng hoàng của một cô gái trước ngưỡng cửa lầm lạc.
Giã từ đời “gái tiếp thị” sau một đêm, Linh lại được giới thiệu cho một người đàn ông giàu có vì cô lỡ tiết lộ với cô gái môi giới rằng mình vẫn còn con gái. Tuy nhiên, khi người đàn ông sau một thời gian dài chở chị đi mua sắm, ăn uống rồi mang về khách sạn thì Linh đã hốt hoảng bỏ chạy.
Video đang HOT
Mộng Linh dưới ống kính của nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh. Ảnh trưng bày tại triển lãm Đối mặt với ma túy, tháng 6, 29 Hàng Bài, Hà Nội.
Sau cuộc chạy trốn đó, Linh không còn làm ở quán cà phê của cô chủ môi giới nữa, cô đi tìm việc ở một nơi khác và ở chung với rất nhiều người.
“Thời đó bọn mình còn trẻ lắm, thuê một cái nhà và ở chung với nhau. Thế rồi, trong nhà có một nhóm thường mua thuốc về “chơi”, trong đó có cô bạn thân của mình. Thấy mọi người phê, mình cũng tò mò lắm, cứ lân la xin thử nhưng con bạn không cho, nó bảo tao đang lỡ dính rồi thì có chết cũng không cho mày theo đường” – Linh kể.
Quyết liệt ngăn cản là thế, nhưng “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, một lần Linh “mon men” lại gần khu vực hít ma túy trong nhà thì nhặt được một một mẩu còn sót lại, thế là cô thử.
“Một hai lần đầu, mình thấy nó có gì đặc biệt đâu mà mọi người nói ghê thế. Nhưng riết rồi, mình nghiện lúc nào không hay” – Linh kể về hành trình nghiện bắt đầu một cách rất nhẹ nhàng của mình.
Mộng Linh rất thích chụp ảnh.
Trước đêm tân hôn vẫn hít
Linh cho biết, ai đã từng nghiện thì dứt ra là điều vô cùng khó, cho nên mới có cảnh người ta cứ tái đi tái lại, tái hoài mãi không dứt. Sau khi nghiện được một năm, thấy cùng cực quá, cô bỏ Sài Gòn về Vĩnh Long ở với ba mẹ.
Lần thứ nhất, cô ở dưới quê gần 3 tháng, không nói nhưng nhìn biểu hiện thì ba mẹ cũng biết. Ở quê, người ta gọi là nghiện xì ke chứ không biết đến heroin hay ma túy và cũng không rõ tác hại nó như thế nào nên ba mẹ cũng không quá căng thẳng.
Những ngày sống về quê, nhà nghèo, lại không có nguồn cung cấp nên cô luôn ở tình trạng vật vã mỗi khi lên cơn. Và rồi, không chịu được, cô trở lại Sài Gòn, kiếm việc làm thêm, tìm lại người bạn thân và cả hai cùng hít.
Lần thứ 2, một năm sau đó, cô lại bỏ thành phố về quê, lại nhốt mình trong nhà nhưng cũng bất thành. Đó là những ngày tháng cả đôi bạn thân trượt dài trên con đường nghiện. Ngày đi làm, đêm về rủ nhau ra ngoại thành hoặc lang thang ở các nghĩa địa để “phê”. Toàn bộ tiền kiếm được, cùng với cô bạn thân giàu có, Linh cứ tiếp tục, nhưng cô chỉ hít chứ không chích như những người khác, và cô cũng không quan hệ bừa bãi, thậm chí, cô cho biết đến lúc lấy chồng, Linh vẫn còn nguyên vẹn.
Thêm một cái Tết nữa cô về nhà với gia đình và ở lại trong thời gian dài, lần thứ 3 ý định cai nghiện của cô cũng thất bại và lại quay về với thành phố. Cho đến Giáng sinh năm 2000, cô gặp người đàn ông rất yêu mình và hai người kết hôn.
“Nói ra thì nhiều người cười, chứ đêm trước khi tổ chức đám cưới, cô bạn thân xuống nhà mình. Lúc đó chồng ngủ ở phòng bên, nhưng bên này, cô dâu tương lai và bạn thân vẫn hít, bảo là “coi như lần cuối” – Linh kể.
Sau đám cưới, cuộc sống bình yên bên chồng là động lực đểLinh quyết tâm rời xa ma túy, thế nhưng, để làm được điều đó là không đơn giản, thỉnh thoảng cô vẫn len lén đến với thế giới riêng của mình.
Tái nghiện nhiều lần và chỉ khi có con cô mới đủ sức mạnh để vượt qua những cơn nghiện.
Sức mạnh của tình mẫu tử
Trước khi có em bé, Linh gặp một cú sốc. Đó là trong một lần tụ tập chơi ma túy, một người trong nhóm đã bị sốc thuốc và tử vong. “Lúc đó mạnh ai nấy chạy vì biết chắc là không thể qua khỏi. Và mình sợ run rẩy, về đến nhà mình vẫn bàng hoàng và sau đó thì tự nhốt trong nhà suốt mấy tháng liền, mình kiên quyết từ bỏ” – cô nhớ lại.
Cũng trong những tháng ngày tự nhốt mình trong nhà đó, Linh có thai. Ngày nhận được thông tin chính xác mình đang mang trong mình một đứa bé, cô thêm quyết tâm tránh xa ma túy.
Những cơn nghiện vẫn tiếp tục kéo đến khiến cô vật vã, khổ sở, quay cuồng… Thời gian này, người bạn thân đời thường cũng như đời nghiện của cô vì muốn cô sống yên bình nên cũng không tìm đến nữa. Và thế là, cho đến lúc sinh con, Linh đã “dứt tình” được với “cái chết trắng”.
Cuộc sống của Linh từ đó đến nay khá yên bình. 3 năm nay, cô là thành viên của nhóm Bạn tôi và chúng ta, là đồng đẳng viên của Quận 3 trong lĩnh vực tuyên truyền phòng chống HIV. Và trước khi vội vã chạy sang hội nghị về người phụ nữ bị bỏ rơi, cô tâm sự: “Ngày trước mình làm ở một công ty giầy dép, nhưng sau đó bị cho nghỉ vì quản lý bên đó có cái nhìn không cởi mở với những người như mình. Điều đó khiến mình rất thất vọng, và rồi nó trở thành động lực để làm việc, để giúp đỡ những người đang có hoàn cảnh giống như mình trước đây. Mình cũng muốn chứng tỏ rằng, dù không dễ dàng nhưng chúng ta vẫn sẽ từ bỏ được ma túy và làm nhiều điều có ích cho xã hội”.
Theo VietNamNet