Đôi nét về Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ
Để giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về sản phẩm Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ sắp ra mắt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giới thiệu sơ bộ về sản phẩm này.
Quy mô hợp đồng càng lớn thì khả năng nhà đầu tư có thể mua đủ tài sản cơ sở để chuyển giao trong trường hợp thanh toán chuyển giao vật chất sẽ càng nhỏ.
Có những đặc điểm tương tự một trái phiếu Chính phủ
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ là một loại chứng khoán phái sinh niêm yết, có tài sản cơ sở là một trái phiếu Chính phủ.
Giống như các sản phẩm Hợp đồng tương lai khác, Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ là công cụ được giao dịch trên một sở giao dịch tập trung với những điều khoản được chuẩn hóa. Các yếu tố chuẩn hóa về cơ bản được nêu chi tiết trong bản mô tả đặc tính của hợp đồng.
Trên cơ sở đánh giá nhu cầu thị trường, điều kiện thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm phát triển Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ thành công tại một số nước trong khu vực, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã thiết kế mẫu Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Theo đó, Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm tại Việt Nam có tài sản cơ sở là trái phiếu giả định có những đặc điểm tương tự một trái phiếu Chính phủ với mệnh giá 100.000 đồng, kỳ hạn 5 năm, lãi suất danh nghĩa 5%/năm, trả lãi định kỳ 12 tháng/lần, trả gốc một lần khi đáo hạn.
Việc lựa chọn kỳ hạn của trái phiếu giả định là 5 năm đã được cân nhắc, tính toán dựa trên thanh khoản cũng như tỷ trọng của loại kỳ hạn này trong cơ cấu kỳ hạn phát hành trên thị trường giao ngay.
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm được Kho bạc Nhà nước phát hành nhiều nhất trên thị trường sơ cấp và có thanh khoản tốt trên thị trường thứ cấp.
Việc lựa chọn trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm làm tài sản cơ sở của Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ được kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt nhất nhu cầu đầu tư và phòng ngừa rủi ro của các nhà đầu tư.
Cùng với đó, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, quy mô hợp đồng là 1 tỷ đồng được xem xét lựa chọn trên cơ sở tham vấn ý kiến của thành viên thị trường và phù hợp với điều kiện thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam trong giai đoạn đầu phát triển với số lượng nhà đầu tư có hạn, thanh khoản còn hạn chế.
Quy mô hợp đồng quá lớn sẽ làm giảm số lượng nhà đầu tư có khả năng tham gia giao dịch, hạn chế thanh khoản, dễ thao túng giá khiến thị trường dễ xảy ra những biến động mạnh. Ngoài ra, quy mô hợp đồng càng lớn thì khả năng nhà đầu tư có thể mua đủ tài sản cơ sở để chuyển giao trong trường hợp thanh toán chuyển giao vật chất sẽ càng nhỏ, làm tăng rủi ro mất khả năng thanh toán.
Theo quy định, đơn vị giao dịch hay khối lượng giao dịch Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ tối thiểu là 1 hợp đồng, tương đương 1 tỷ đồng giá trị danh nghĩa. Như vậy, nhà đầu tư có thể đặt các lệnh giao dịch với khối lượng là 1, 2, 3… hợp đồng. Tuy nhiên, số tiền thực tế nhà đầu tư bỏ ra để giao dịch một Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ chỉ bằng quy mô hợp đồng nhân với tỷ lệ ký quỹ theo yêu cầu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (TTLKCK). Vì vậy, các công cụ phái sinh nói chung và Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ nói riêng là các công cụ sử dụng đòn bẩy tài chính.
Về tháng đáo hạn, Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ có 3 tháng đáo hạn theo chu kỳ quý gần nhất. Ví dụ: vào thời điểm tháng 2, Sở Giao dịch Chứng khoán niêm yết Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ đáo hạn vào các tháng 3, 6, 9.
Nghiệp vụ thanh toán đều được thực hiện thông qua TTLKCK
Video đang HOT
Phương thức chuyển giao Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ là phương thức chuyển giao vật chất (physical delivery) với ngày thanh toán cuối cùng là ngày làm việc thứ ba sau ngày giao dịch cuối cùng. Người bán lựa chọn và quyết định chuyển giao trái phiếu trong rổ trái phiếu giao hàng để thực hiện nghĩa vụ thanh toán trái phiếu cho người mua. Đổi lại, người mua thanh toán tiền khi nhận được trái phiếu tại ngày thanh toán cuối cùng.
Tất cả các nghiệp vụ thanh toán này đều được thực hiện thông qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (TTLKCK) với tư cách là đối tác bù trừ trung tâm (CCP): là người mua đối với tất cả các người bán và là người bán đối với tất cả các người mua. Trong một số trường hợp, khi bên bán mất khả năng thanh toán, không có đủ trái phiếu để chuyển giao thì có thể sẽ chuyển sang hình thức thanh toán bằng tiền và bên bán sẽ chịu các chi phí có liên quan cũng như chịu một mức phạt nhất định theo quy định tại Thông tư 23/2017/TT-BTC ngày 19/3/2017 của Bộ Tài chính.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong thực tế tại các thị trường phái sinh trên thế giới, chỉ 2-3% Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ được giữ đến khi đáo hạn để thực hiện thanh toán đáo hạn. Phần lớn các Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ thường được tất toán (offset) trong tháng đáo hạn hoặc được quay vòng (roll-over). Ví dụ như tại Nhật Bản, tỷ lệ các Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ được quay vòng trước hạn lên đến 99%; còn tại thị trường Mỹ, tỷ lệ Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ được nắm giữ đến khi đáo hạn chỉ khoảng 2,6%.
Cùng với đó, tỷ lệ ký quỹ của Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ do TTLKCK quyết định trên cơ sở tính toán mức độ rủi ro và được cơ quan quản lý là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Tỷ lệ ký quỹ có thể thay đổi theo điều kiện diễn biến thị trường.
Hiện nay, đối với Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, TTLKCK dự kiến áp dụng 2 loại ký quỹ là: ký quỹ ban đầu và ký quỹ thực hiện hợp đồng. Trong đó, mức ký quỹ ban đầu tối thiếu dự kiến là 2,5% và mức ký quỹ thực hiện hợp đồng tối thiểu dự kiến là 5%. Các công ty chứng khoán có thể áp dụng các mức ký quỹ này bằng hoặc cao hơn mức ký quỹ tối thiểu do TTLKCK công bố.
Theo quy định, giới hạn lệnh theo quy định tại Nghị định 42/2015/NĐ-CP là số lượng chứng khoán phái sinh tối đa có thể đặt trên một lệnh giao dịch. Đối với Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, giới hạn lệnh tối đa được thực hiện trên một lệnh là 500 hợp đồng.
Giới hạn vị thế theo quy định tại mẫu Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ do TTLKCK quyết định, được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận theo Công văn số 2620/UBCK-PTTT ngày 02/5/2019 cụ thể như sau: giới hạn vị thế áp dụng đối với loại hình nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là 10.000 hợp đồng/tài khoản; nhà đầu tư tổ chức là 5.000 hợp đồng/tài khoản.
Trước mắt chưa áp dụng giới hạn vị thế đối với nhà đầu tư cá nhân vì trong giai đoạn đầu, Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ được định hướng là các nhà đầu tư tổ chức, chưa thực hiện đối với nhà đầu tư cá nhân nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ (do nhà đầu tư cá nhân không nắm giữ các trái phiếu Chính phủ trên thị trường cơ sở). Về lâu dài, có thể xem xét cho phép các nhà đầu tư cá nhân tham gia để thúc đẩy thanh khoản cho thị trường cũng như đa dạng hóa các đối tượng đầu tư.
Thùy Linh
Theo baohaiquan.vn
Kỳ vọng gì từ Luật Chứng khoán sửa đổi?
Việc sửa đổi Luật Chứng khoán ở thời điểm hiện nay được Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của TTCK
Việc sửa đổi Luật Chứng khoán ở thời điểm hiện nay được Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá là hết sức cần thiết
Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12 (Luật chứng khoán 2006), thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã phát triển nhanh và khá ổn định, quy mô TTCK ngày càng phát triển, TTCK đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
Quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thực hiện thuận lợi hơn và ngày càng công khai, minh bạch, hiệu quả hoạt động, chất lượng quản trị của các DNNN cổ phần hóa thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK nâng cao rõ rệt.
Thị trường đã hình thành các khu vực bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và TTCK phái sinh. Tính thanh khoản thị trường được cải thiện rõ rệt. Các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán đã có sự phát triển cả về năng lực chuyên môn nghiệp vụ và năng lực tài chính.
Cơ cấu nhà đầu tư được đa dạng hóa, phát triển hệ thống nhà đầu tư có tổ chức, thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Hiệu quả quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK ngày càng được nâng cao. Về cơ bản TTCK Việt Nam hoạt động lành mạnh và an toàn, bám sát mục tiêu, chính sách của Chính phủ, hỗ trợ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn sau hơn 10 năm thi hành Luật Chứng khoán 2006 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Một số điều khoản của Luật chưa đủ rõ ràng và cụ thể gây khó khăn trong áp dụng. Một số không còn phù hợp với thực tiễn thay đổi hiện nay về thị trường vốn.
Luật chưa quy định một số vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi cần phải thể chế hóa bằng luật; một số điều khoản chưa tương thích với thông lệ quốc tế, hầu như tất cả các nội dung chính sách của Luật đều cần phải sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán 2006 chưa thống nhất, đồng bộ với một số luật khác mới được ban hành thời gian gần đây như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống rửa tiền...
Sự phát triển mạnh mẽ của TTCK các nước trên thế giới cũng như tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực đã đặt ra yêu cầu cải cách với TTCK Việt Nam, đặc biệt là hệ thống pháp luật về chứng khoán và TTCK để phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đồng thời tạo ra cơ hội để hội nhập với TTCK trong khu vực.
Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hoạt động trên TTCK còn hạn chế, không đồng đều, ảnh hưởng tới hiệu quả thi hành Luật.
Từ những bất cập nảy sinh nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức xây dựng dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đến nay dự thảo Luật Chứng khoán đã hoàn chỉnh và báo cáo Chính phủ để đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5/2019 và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp vào cuối năm để có hiệu lực từ năm 2020.
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) bao gồm 10 chương, 135 điều. So với Luật Chứng khoán 2006, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện và bao gồm nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu sau đây:
Về phạm vi điều chỉnh: được sửa đổi, bổ sung bảo đảm bao quát các nội dung cần điều chỉnh. Theo đó, Luật này quy định các hoạt động về chứng khoán và TTCK; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức TTCK; quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK.
Về giải thích từ ngữ: bổ sung, luật hóa 14 thuật ngữ; sửa đổi, chuẩn hóa 18 thuật ngữ, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm phù hợp hơn với thực tiễn và pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm thống nhất trong thực tiễn áp dụng.
Về chào bán chứng khoán: được sửa đổi, bổ sung, chuẩn hóa theo hướng chặt chẽ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Về công ty đại chúng (CTĐC): Với mục tiêu nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK, bảo đảm quy mô, tính đại chúng của công ty, tính khả thi trong thực hiện, không gây xáo trộn thị trường, dự thảo Luật nâng điều kiện CTĐC có vốn điều lệ đã góp tối thiểu từ 10 tỷ đồng lên từ 30 tỷ đồng (tương ứng với việc nâng điều kiện về vốn điều lệ trong chào bán chứng khoán ra công chúng). Dự luật đồng thời sửa đổi, bổ sung điều kiện về cơ cấu cổ đông cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.
Về quản trị CTĐC: sửa đổi một số quy định về nguyên tắc quản trị công ty áp dụng đối với CTĐC, phù hợp với nguyên tắc quản trị công ty của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD/G20 năm 2015); quy định một số nội dung chủ yếu về quản trị CTĐC và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Về thị trường giao dịch chứng khoán: Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) tổ chức thị trường giao dịch cho các cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch tại SGDCK, của doanh nghiệp nhà nước, công ty TNHH một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ chuyển đổi thành công ty cổ phần, chứng khoán của các doanh nghiệp khác chưa đủ điều kiện niêm yết, chứng khoán của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác tại SGDCK theo quy định của Chính phủ.
Đồng thời để thúc đẩy việc chào bán chứng khoán ra công chúng gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK, dự thảo Luật quy định rõ: chứng khoán đã chào bán ra công chúng phải được niêm yết, đăng ký giao dịch tại SGDCK.
Tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam: nhằm triển khai việc mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện từng bước theo lộ trình, bảo đảm dư địa cho các bộ ngành trong đàm phán, thương lượng và ký kết các thỏa ước quốc tế, dự thảo Luật quy định nguyên tắc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư, hoạt động trên TTCK Việt Nam tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về chứng khoán và TTCK và giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể về quy định này.
Về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán: Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, bổ sung quy định về thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm đối với chứng khoán sử dụng làm tài sản bảo đảm trong các giao dịch bảo đảm theo yêu cầu của khách hàng; sửa đổi, bổ sung các quy định về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán nhằm bảo đảm bao quát hết các nguyên tắc của các thị trường; làm rõ vai trò của tổ chức tham gia thanh toán giao dịch chứng khoán; bổ sung quy định về hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh.
Ngoài ra, các quy định về Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; Quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán; công bố thông tin trên TTCK; về thanh tra, xử lý vi phạm đều có những sửa đổi, bổ sung đầy đủ, phù hợp với thực tiễn.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM
Sự kỳ vọng vào sự thay đổi đối với TTCK Luật Chứng khoán (sửa đổi)
Việc sửa đổi Luật Chứng khoán ở thời điểm hiện nay được Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của TTCK, đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế. Cụ thể:
Một là, để thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, trong đó có việc phát triển thị trường vốn và TTCK như: Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về việc thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...
Hai là, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, trong đó có cải cách thể chế là một nội dung quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch được xác định tại Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ.
Thể chế hoá được chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc hoàn thiện và phát triển đồng bộ các thể chế kinh tế thị trường, xây dựng TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển, từng bước cân đối cấu trúc hệ thống tài chính trên cơ sở giảm thiểu cung cấp vốn dài hạn qua các ngân hàng thương mại.
Ba là, nhằm tiếp cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần triển khai hiệu quả các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Từng bước chuẩn hoá các quy định pháp luật về TTCK theo thông lệ quốc tế (công bố thông tin; quản trị công ty; cơ chế giao dịch thanh toán, bù trừ; chuẩn mực kế toán, kiểm toán các báo cáo tài chính...), góp phần vào việc nâng hạng cho TTCK Việt Nam để thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Bốn là, khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 10 năm thi hành Luật Chứng khoán và bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan như Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh phát triển của cách mạng công nghệ 4.0.
Với việc ban hành các quy định mới trên cơ sở kế thừa những quy định pháp luật còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đối với sự phát triển của TTCK, bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh như thẩm quyền của UBCKNN trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; cơ chế cho việc huy động vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; nâng cao vị thế quản lý, giám sát TTCK.
Năm là, với việc hoàn thiện đồng bộ Luật Chứng khoán (sửa đổi) và Chính phủ đẩy nhanh quá trình sửa đổi các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và một số bộ luật liên quan, chúng ta kỳ vọng sẽ tạo lập được khung pháp lý, thể chế, chính sách nhất quán, ổn định cho sự phát triển của thị trường vốn nói chung và TTCK ở Việt Nam.
Theo vietnamfinance.vn
4 điểm cần lưu ý khi giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ Sản phẩm HĐTL TPCP do Sở GDCK Hà Nội thiết kế sẽ có ba mã hợp đồng có thời điểm đáo hạn của ba tháng cuối ba quý gần nhất. Thị trường chứng khoán phái sinh sau gần 2 năm hoạt động đã có thêm sản phẩm mới là sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính,...