Đội mưa dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ
Nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2015), khắp mọi miền Tổ quốc, hàng vạn đoàn viên thanh niên, người dân đã tới các nghĩa trang liệt sĩ dâng hương, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM là nơi yên nghỉ của hơn 15 ngàn anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước. Dưới tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh chị đã yên nghỉ trong niềm thương nhớ của đồng đội và đồng bào.
Chiều 26/7, trời mưa to dữ dội nhưng nhiều bạn trẻ vẫn đến Nghĩa trang Thành phố thật sớm thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ. Bất chấp cơn mưa nặng hạt, những bạn trẻ khoác áo mưa thành kính nâng hương bước từng bước chậm rãi đến chân tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng để dâng hương.
Một bạn trẻ đến sớm, đội mưa dâng hương trước buổi lễ
Hàng ngàn thanh niên đội mưa chờ đến lễ
Từ 18h, buổi lễ bắt đầu. Đại diện các ban ngành, lãnh đạo của Thành phố đã đặt vòng hoa, dâng hương, thắp nến tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ. Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, hàng ngàn thanh niên kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm và tri ân trước anh linh các bậc tiền nhân đã đổ xương máu cho đất nước độc lập, thống nhất.
Đúng 18h, buổi lễ bắt đầu
Đại diện giới trẻ, các ban ngành, lãnh đạo TP chuẩn bị dâng hương
Bất chấp cơn mưa, hàng ngàn người vẫn nhớ đến các anh hùng liệt sĩ
Khoảng 7h30, lễ thắp nến và dâng hương kết thúc. Tuy nhiên, trong khuôn viên nghĩa trang bao la vẫn còn hàng trăm bạn trẻ nán lại để thắp hương lên từng phần mộ liệt sĩ bất chấp trời đang đổ mưa to. Nhiều bạn trẻ đến muộn vẫn đội áo mưa nghiêm trang dâng hương cúi đầu thành kính bái vọng các anh hùng liệt sĩ.
Những ngọn nến được xếp thành hình cờ Đảng và tổ quốc được thắp lên cho các anh
Hàng vạn ngôi mộ của các anh hùng liệt sĩ lung linh dưới ánh nến
Sinh viên Trần Văn Thanh, người cầm đuốc trong buổi lễ, chia sẻ: “Đây là lần thứ hai mình tham gia lễ dâng hương kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ. Được sinh ra trong thời bình, mình biết ơn sâu sắc anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để có hòa bình hôm nay”.
Cũng trong chiều ngày 26/7, trong cơn mưa phùn rả rích ở Anh Sơn (Nghệ An), hàng nghìn người dân là thân nhân các anh hùng liệt sĩ, các tổ chức chính trị xã hội, người dân địa phương, đoàn viên thành viên các cơ quan đơn vị đã hướng về Nghĩa trang liệt sỹ Việt Lào. Đây là nơi an nghỉ của gần 10.500 hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện Việt Nam và các chuyên gia hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và nhiệm vụ quốc tế cao cả. Trong hơn 1 vạn liệt sĩ được an táng tại đây chỉ có hơn 3.500 phần mộ có tên tuổi, quê quán. Gần 7.000 phần mộ còn lại mang chung một tấm bia buốt nhói tâm can: Liệt sĩ chưa biết tên.
Video đang HOT
Nghĩa trang liệt sĩ Việt – Lào (Anh Sơn, Nghệ An) trong hàng nghìn ngọn nến tri ân.
Trước những phần mộ, những ngọn nến được thắp lên. Cả nghĩa trang lung linh trong ánh nến thành kính. Mưa vẫn rơi, dòng người vẫn lặng lẽ tri ân các anh hùng liệt sĩ. Những bông hoa cúc, hoa sen được đặt lên những phần mộ có tên hay chưa biết tên. Cả khu vực nghĩa trang rộng lớn thơm mùi hương và lặng đi trong tiếng trầm hùng của những hành khúc.
3 người phụ nữ ngồi xuống bên phần mộ liệt sĩ, khe khẽ gọi tên “Thanh ơi, em ơi”. Giọt nước mắt nhòe trên khuôn mặt đầy những nếp nhăn. Họ là những người chị gái, chị dâu của của liệt sĩ Nguyễn Văn Thanh (quê xã Hưng Thái, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). Những bông huệ trắng được đặt lên mộ chí, anh ngã xuống khi chưa có một mái ấm cho riêng mình. Trong khói hương trầm mặc, những tiếng gọi tha thiết như vọng vào lòng đất…
Phủ phục bên nấm mồ của liệt sĩ Nguyễn Văn Ninh, bà Đậu Thị Bình không còn nước mắt để khóc thương chồng. Từ huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), bà Bình cùng cô con gái duy nhất của liệt sĩ Ninh bắt xe khách từ sớm để đến đây. “Hồi ông ấy đi, con Bình (chị Nguyễn Thị Bình – SN 1965) mới được 7 tháng tuổi. Ông ấy đi, đi mãi… Giải phóng, tôi nhận được giấy báo tử của chồng. Anh Ninh ơi…”, bà như nghẹn lại bởi nỗi đau quá lớn, nỗi đau của người vợ mất chồng, nỗi đau của người phụ nữ vò võ hàng chục năm trời thờ chồng nuôi con trong bộn bề khốn khó.
Mưa vẫn rơi nhưng những ngọn nến trước các phần mộ vẫn lung linh tỏa sáng. Những ngọn nến được những đoàn viên thanh niên thắp lên, trang nghiêm và thành kính đặt trước các phần mộ. Ngọn nến của lòng tri ân, ngọn lửa của tình yêu nước được tiếp nối từ những người đã ngã xuống đến thế hệ trẻ hôm nay…
Một số hìhh ảnh PV Dân trí ghi lại trong đêm thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sỹ Việt – Lào tối 26/7:
Đoàn viên thanh niên thắp nến tri ân những người anh hùng.
Một cháu bé thắp hương trước phần mộ liệt sĩ.
Các phần mộ được chăm sóc, hương khói trong ngày lễ tri ân.
Hàng nghìn người dân đội mưa dự buổi lễ thắp nến tri ân
Nhũng bông hoa sen cài trên phần mộ liệt sĩ chưa biết tên.
Cả gia đhnh quây quần bên phần mộ cha, ông.
Tối 26/7, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội và tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9.
Trong những năm chiến tranh, mảnh đất nằm giữa khúc ruột miền Trung – Quảng Trị là chiến trường khốc liệt với biết bao mất mát, đau thương. Quảng Trị đã trở thành “đất thiêng”, với mỗi tấc đất, mỗi dòng sông, gốc cây, ngọn cỏ đã in dấu bao người con ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Lực lượng đoàn viên, thanh niên thắp nến lên phần mộ các liệt sĩ
Không ở nơi đâu trên đất nước này lại có nhiều nghĩa trang, nhiều mộ phần liệt sĩ như Quảng Trị, với 72 nghĩa trang cùng hơn 54 ngàn mộ liệt sĩ; trong đó có hai nghĩa trang quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9
Trong không khí trang nghiêm, đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương đã kính cẩn dâng hương, dâng hoa lên đài tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.
Tiếp đó, những ca khúc mang chủ đề “Đường 9 – Bản anh hùng ca bất tử” được cất lên nhằm ca ngợi một thời hào hùng chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến.
Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đoàn, ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã kêu gọi tuổi trẻ cả nước tiếp tục nêu cao tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” bằng tình cảm sâu sắc và những việc làm thiết thực, tích cực thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước…
Tặng quà cho các mẹ Việt Nam anh hùng
Trong dịp này, ban tổ chức đã tiến hành tặng 9 suất quà, mỗi suất quà trị giá 5 triệu đồng cho các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ; 10 suất quà, mỗi suất 2 triệu đồng cho Mẹ Việt Nam anh hùng; 2 suất quà, mỗi suất 5 triệu đồng cho Ban Quản lý nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9.
Nhằm ghi nhớ công ơn của các vị anh hùng, liệt sĩ, trong khoảnh khắc linh thiêng đầy xúc động, các đoàn viên, thanh niên đã tổ chức thắp nến tại phần mộ của 10.500 liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9.
Các đại biểu và lực lượng đoàn viên, thanh niên thắp nến trên phần mộ các liệt sĩ
Lễ thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ có sự tham gia của hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên, sinh viên tỉnh Quảng Trị và các tỉnh Bắc Trung bộ, Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương sẽ dâng hương, thắp nến tại 10.500 phần mộ liệt sĩ.
Cùng thời điểm trên, tại 72 nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói riêng và 2.861 nghĩa trang trên khắp mọi miền Tổ quốc đều đồng loạt được các đoàn viên, thanh niên thắp nến và dâng hương tri ân.
Thông qua hoạt động này cũng nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh bất khuất, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của tuổi trẻ trong thời đại mới.
Tối ngày 26/7, tại Nghĩa trang Liệt sỹ Núi Nài (phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) Thành đoàn TP Hà Tĩnh phối hợp với Trường Đại học Hà Tĩnh, Công an tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đêm thắp nến tri ân. Tham dự buổi lễ thắp nến tri ân có gần 1.000 đoàn viên thanh niên đến từ Thành đoàn TP Hà Tĩnh, Công an tỉnh Hà Tĩnh và Trường Đại học Hà Tĩnh cùng hàng trăm thân nhân của các anh hùng liệt sỹ và người dân địa phương
Thắp nén nhang thơm để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc, lòng biết ơn, ghi nhớ công lao to lớn của các liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, mọi người kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các anh hùng liệt sỹ và thắp nén nhang thơm để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc, lòng biết ơn, ghi nhớ công lao to lớn của các liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc.
Mẹ Trương Thị Phương lặng lẽ bên nấm mồ của con là liệt sỹ Hồ Viết Lân
Cũng trong chương trình, thành đoàn TP Hà Tĩnh đã trao tặng những phần quà cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương bệnh binh, thân nhân các gia đình liệt sỹ.
Trước đó vào sáng cùng ngày (26/7), tại Khu di tich lich sư quốc gia đặc biệt Ngã ba Đông Lôc, huyên Can Lôc, tinh Ha Tinh đã diễn ra lễ trồng cây xanh.
Chương trình có sự tham dự của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình; Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai Bộ Trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang, lãnh đạo Bộ Lao động Thương Binh va Xa hôi, Tổng Cục Môi Trường, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn, lãnh đạo các ban ngành cùng đông đảo các đoàn viên thanh niên, nhân dân xã Đồng Lộc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (áo đen ở giữa) cùng các đại biểu trồng cây tại Ngã ba Đồng Lộc
Tại đây, các đại biểu, hàng trăm đoàn viên thanh niên, học sinh cùng người dân xã Đồng Lộc đã tham gia trồng 5.612 cây sao đen, cây keo tại Khu di tich lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, với trị giá hơn 300 triệu đồng.
Xuân Duy – Hoàng Lam – Đăng Đức – Xuân Sinh
Theo Dantri
Ấm lòng bên tượng đài, nghĩa trang liệt sĩ
Nhiều năm trở lại đây, tháng Bảy đã trở thành tháng cao điểm với những hoạt động tri ân các Anh hùng liệt sĩ. Bên các tượng đài, trong các nghĩa trang liệt sĩ, dịp này trở thành những điểm hẹn kết nối tâm linh, kết nối tình người.
Gặp lại tình quê nơi Đảo Yến
Tôi cùng cha và con trai lên chuyến xe đêm vào Vũng Chùa, Đảo Yến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày đẹp trời, biển xanh, cát trắng, những vách đá hùng vĩ ửng hồng trong ánh ban mai. Xúc cảm bồi hồi. Mỗi lần nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp là giọng cha tôi như nghèn nghẹn, hốc mắt ầng ậng nước. Cha tôi (họa sĩ Lê Duy Ứng) là một thương binh hỏng hai mắt, ông có may mắn được gặp Đại tướng nhiều lần. Một trong những lần gặp ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với cha tôi thế này: "Chiều nào mình cũng nghe nhạc. Mình thích nhất là nhạc Bét-thô-ven. Ứng có biết Bét-thô-ven sáng tác những bản nhạc hay nhất trong giai đoạn nào không? Đó là khi nhạc sĩ điếc hai tai. Một nhạc sĩ cần nhất là âm thanh mà lại bị điếc cả hai tai, cũng như một họa sĩ cần đường nét, ánh sáng mà lại không nhìn thấy. Đồng chí hãy lấy tấm gương đó mà phấn đấu". Câu nói ấy đã thay đổi cuộc đời cha tôi, tiếp cho ông nghị lực để trở thành một nhà điêu khắc khiếm thị có tiếng sau này. Hôm nay về thăm Vũng Chùa, viếng mộ Đại tướng, mắt cha tôi chỉ còn phân biệt được sáng-tối, nhưng dường như có sợi dây đồng cảm vô hình nào đó khiến cha tôi cảm nhận được phong cảnh, tình người.
Bến thả hoa bên bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị.
Ba chúng tôi dắt díu nhau đi lên dốc. Giọng người miền Trung trầm ấm rộn ràng trong tiếng gió biển lao xao, chợt có người xăng xái đến xốc nách giúp cha tôi. Chỉ sau một câu chào hỏi thân mật, cha tôi đã òa lên sung sướng vì gặp lại người bạn học cũ là ông Lê Đình Ban, cũng ở xã Hiền Ninh. Người Hiền Ninh thường có một niềm tự hào hơi thái quá, đó là đi đâu cũng nhận "đồng hương huyện" với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nguyên do, xã Hiền Ninh từng có một thời thuộc huyện Lệ Ninh, sau này huyện Lệ Ninh lại tách ra thành hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Không hiểu người vùng khác cảm nhận thế nào, còn ở quê tôi, người ta cảm thấy rất tự hào khi nhận mình là đồng hương với Đại tướng. Chỉ nội điều đó thôi cũng đã thấy người quê kính yêu Đại tướng đến mức nào. Thế nên, ra đến Vũng Chùa, Đảo Yến của huyện Quảng Trạch này vừa đúng một trăm cây số, nhưng có rất nhiều người quê tôi tuần nào cũng ra viếng Đại tướng.
Qua câu chuyện với nhiều người, tôi cảm nhận được tình cảm của người dân quê tôi khi ra viếng mộ Đại tướng. Đó không chỉ là tình cảm tri ân, kính trọng, mà hơn thế đó là một mệnh lệnh xuất phát từ trái tim. Nên dù có mưa bão, gió rét, dù nắng cháy... họ vẫn ra để được gần với Đại tướng. Câu chuyện mà những người đi viếng mộ đem về quê đôi khi chỉ là một câu thông báo rằng có những ai đặc biệt đến viếng thăm. Người quê lắng nghe kỹ càng những thông tin đó như thể chính mình cũng có trách nhiệm chăm nom phần mộ của Người.
Quê tôi ở làng Cổ Hiền, mũi đất nơi hai con sông Kiến Giang và Long Đại hợp lại thành dòng Đại Giang đổ ra cửa biển Nhật Lệ, là vùng đất đã có lịch sử 517 năm tuổi. Trong làng có đình, có miếu, có mộ tổ tiên, có đài liệt sĩ, tượng đài người đi mở cõi, giờ có thêm mộ phần Đại tướng, một chốn linh thiêng mà dù có cách xa mấy vẫn như gần.
Nghĩa trang liệt sĩ - điểm hội tụ lòng tri ân
Trường hợp ở làng quê tôi không phải là cá biệt, mà gần như mỗi làng quê trên nước Việt Nam mình đều có những hành động tri ân thiết thực với người đã hy sinh cho Tổ quốc. Tôi gọi điện cho bác Hồ Tất Ái, Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và được bác cho biết: "Sáu mươi ba tỉnh trên đất nước ta đều có những người con thân thiết nằm lại chiến trường, được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn này. Hằng năm, gần như tất cả các tỉnh, thành phố đều có đoàn đến thăm viếng, đóng góp sức người, sức của tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ. Tôi cùng anh em trong ban quản lý rất xúc động trước tình cảm này. Ngoài ra, còn phải kể đến rất nhiều trường học, cơ quan, ban, ngành ở Quảng Trị đã thường xuyên trợ giúp, tham gia chăm nom nghĩa trang cùng với chúng tôi bằng những việc làm như: Vệ sinh, quét dọn nghĩa trang, lau bia mộ, trồng cây xanh, dâng hương, hoa. Chúng tôi cảm thấy Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn như một điểm hội tụ của những tấm lòng tri ân, những nghĩa cử cao đẹp". Được biết, ngày 25-7 tới đây, Đoàn Thanh niên tỉnh Quảng Trị lại tổ chức một đợt hành động cao điểm tri ân các liệt sĩ. Tôi hình dung tới hàng ngàn, hàng vạn những ngọn nến, nén nhang sẽ được thắp trên những ngôi mộ liệt sĩ, ánh sáng hắt vào đêm sâu, vào ánh mắt rưng rưng dòng lệ biết ơn của bao người. Ai đã từng hòa mình trong khung cảnh đó hẳn sẽ còn lưu giữ những tình cảm khôn nguôi.
Tôi đã đọc được thông tin ở nhiều nơi trên đất nước mình, từ Tuyên Quang, Cao Bằng cho tới Trà Vinh, Vĩnh Long, Sông Bé, ở mỗi làng, mỗi huyện đều đang có biết bao hoạt động "Uống nước nhớ nguồn", thành kính tri ân. Từ một huyện nhỏ như huyện Càng Long ở tỉnh Trà Vinh đang nở rộ phong trào "Đặt hoa lên mộ liệt sĩ". Mỗi bình cắm hoa, mỗi nhành hoa đều được người dân thành kính dâng lên. Họ giữ hoa tươi mỗi ngày, để qua đó giáo dục đạo nghĩa tri ân, nhớ nguồn, nhớ truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc, của những người đã hy sinh vì Tổ quốc.
Những ngày tháng Bảy trôi qua chầm chậm, có lẽ bởi tình thương nhớ những người đã hy sinh vì Tổ quốc vẫn còn day dứt, đậm sâu trong lòng mọi người. Tháng Bảy tri ân đồng đội, tháng Bảy khôn nguôi nỗi nhớ. Từ thành phố "Hoa phượng đỏ" Hải Phòng, ông Trịnh Đức Thành, một cựu chiến binh (CCB) Thành cổ Quảng Trị năm xưa, lại chuẩn bị hành trang cho chuyến về chiến trường xưa thăm những đồng đội đã hy sinh. Mấy năm gần đây, những CCB trong Sư đoàn 325 của ông đã tổ chức nhiều chuyến về thăm chiến trường xưa và đồng đội. Điểm đến thường là những nơi đã diễn các trận đánh và cuối cùng là Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Trong các chuyến đi ấy, nhiều CCB cũng được lời gửi gắm của thân nhân các liệt sĩ nhờ tìm phần mộ người thân và không ít lần các CCB cũng đã quy tập được mộ liệt sĩ về với gia đình. Có chuyện kể rằng, trong những chuyến đi như vậy thường có một sức hút tâm linh mạnh mẽ, các CCB thường bỏ trống nửa số ghế trên xe để hương hồn đồng đội mình có chỗ ngồi. Mỗi lần đến địa điểm tập kết, không ai bảo ai, mọi người xuống xe theo hàng lối rồi để cửa mở thật lâu mới đóng lại. Đoàn CCB lặng lẽ chia nhau những nén nhang thắp lên thật nhiều mộ. CCB Trịnh Đức Thành kể lại: "Lạ lắm, những lúc chúng tôi đi thắp nhang dường có bóng mây che đầu. Nắng Quảng Trị khủng khiếp là thế nhưng đi mấy chục vòng quanh nghĩa trang chẳng ai chảy giọt mồ hôi". Năm nay, trong chuyến về thăm Thành cổ Quảng Trị, CCB Trịnh Đức Thành đã có thêm người con trai cả đi cùng.
Tình cảm biết ơn người đã ngã xuống vì Tổ quốc đã "thấm đều" qua từng thế hệ và sẽ nối dài mãi trong mỗi con người, mỗi gia đình, làng quê, góc phố Việt Nam.
Theo Lê Đông Hà
Quân đội Nhân dân
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Tông Bi thư Nguyên Phu Trong dân đâu đoan đai biêu câp cao Đang, Nha nươc đên viêng nghia trang Liêt si thành phố nhân dip ky niêm 40 năm Giai phong miên Nam, thông nhât đât nươc. Chiêu 29/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ...