Đối mặt với trộm, cướp phải làm thế nào?
Phải xử lý như thế nào khi đối mặt với những tên trộm, cướp đặc biệt là những tên trộm, cướp có mang theo hung khí là câu hỏi được nhiều người đặt ra bởi nó là một tình huống có thật và có thể sẽ xảy đến với bất kỳ ai trong cuộc sống.
Những hậu quả khó lường
Mới đây, thông tin về việc vợ chồng anh Nguyễn Đức Long (SN 1976), chủ cửa hàng điện thoại ở 167C, Nghiêm Xuân Yêm, thôn Thượng, Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội vật lộn và thoát khỏi sự uy hiếp của 4 tên cướp có cả vũ khí nóng đã được nhiều người biết đến và cảm phục. Tuy nhiên tâm lý của các đối tượng phạm tội thường rất manh động, có ý chí phạm tội đến cùng để thoát thân nên việc chống trả đối tượng đôi khi lại rất nguy hiểm. Trong câu chuyện của vợ chồng anh Nguyễn Đức Long, không ít người cho rằng vợ chồng anh đã quá may mắn khi các đối tượng không kịp nổ súng. Bởi theo một điều tra viên, khẩu súng chúng dùng để khống chế anh Long mà cơ quan công an thu giữ được tuy là súng tự tạo nhưng có khả năng sát thương rất cao. Nếu trong buổi tối hôm đó, tình huống không may mắn xảy đến thì rất có thể thứ vũ khi này đã gây sát thương cho nạn nhân.
Không được may mắn như trường hợp của anh Long, trong rất nhiều vụ án do nạn nhân không thực hiện theo yêu cầu của bọn cướp hoặc có ý định chống đối nên xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ tới vụ trọng án xảy ra tại cửa hàng vàng Vững Bắc (Thường Tín – Hà Nội) cách đây chưa lâu. Từ những hình ảnh của camera quan sát đặt tại hiện trường ghi lại có thể thấy khi tên cướp Nguyễn Hữu Dưỡng khống chế chủ tiệm vàng là bà Nguyễn Thị Bắc rồi yêu cầu mở tủ lấy tiền, vàng. Do bà Bắc đã chống lại khiến tên cướp phải dùng súng bắn điện và dao tấn công. Sau đó chủ tiệm vàng tiếp tục lết ra ngoài kêu cứu khiến tên cướp đuổi theo đâm liên tiếp rồi cứa cổ nạn nhân đến chết và giấu sau tủ hàng.
Tương tự là trường hợp của gia đình anh Hà Trung Huấn (SN 1980 trú tại thôn 16, xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng – Phú Thọ). Tối ngày 12-3-2012, trong lúc anh đang cùng vợ và con trai ngồi xem ti vi tại phòng khách của gia đình thì bất ngờ bị hai đối tượng mặc áo mưa, đầu đội mũ bảo hiểm kín mặt xông vào. Mỗi tên sử dụng một khẩu súng ngắn gí vào đầu vợ chồng anh Huấn khống chế, đe dọa, yêu cầu vợ chồng anh Huấn phải đưa tiền cho chúng. Sẵn có con doa gọt hoa quả để dưới gầm bàn, anh Huấn đã dùng dao kháng cự lại nhưng bị đối tượng bắn trúng tay. Thấy đối tượng manh động, anh Huấn đã bỏ chạy xuống bếp rồi tri hô. Nghe tiếng kêu cướp của anh Huấn, anh Nguyễn Văn Dũng (SN 1990, là hàng xóm của anh Dũng) đã đuổi theo 2 tên cướp. Tuy nhiên trong lúc vật lộn, anh Dũng bị đối tượng bắn trọng thương thủng phổi và thủng ruột.
Trong những ngày qua dư luận còn chưa hết ồn ào về một clip được các báo điện tử đăng tải ghi lại cảnh một cô gái đi xe máy trên đường bị 2 đối tượng bám theo áp sát và giật chiếc túi xách khiến cô bị ngã ra đường. Đoạn clip này khiến độc giả nhớ lại một câu chuyện buồn xảy ra cách đây chưa lâu. Sáng 17-9-2102, anh Hoàng Ngọc Tri (Vĩnh Lộc A – Bình Chánh – TP HCM) chở vợ sắp cưới trên đường thì bị một đối tượng giật chiếc máy tính xách tay anh mang theo. Anh Tri lập tức tri hô và đuổi theo tên cướp, đâm thẳng xe vào đối tượng và lao vào giằng lại chiếc máy tính. Tên cướp sau đó đã dùng dao thủ sẵn trong người đâm anh Tri 2 nhát vào ngực và hông rồi bỏ chạy. Tên cướp đã bị người dân truy bắt sau đó nhưng anh Tri do vết thương quá nặng và mất nhiều máu nên đã bị tử vong.
Tuy chưa vấp phải sự chống đối của các tên cướp song việc phóng xe đuổi theo chúng trên đường cũng là một việc làm nguy hiểm của người bị hại. Trường hợp của chị Lê Thị Ngọc Thảo (Khánh Hòa) là một điển hình. Ngày 13-8-2012, khi đi qua đoạn Ấp Bắc, (Long Hòa – Bà Rịa) bất ngờ có 2 thanh niên điều khiển xe máy rồ ga áp sát xe của chị Thảo và giật chiếc túi xách. Chị Thảo tăng tốc đuổi theo khoảng 100m thì bất ngờ mất lái, ngã xuống đường và bị chiếc xe tải chạy ngược chiều cán phải khiến chị bị chết ngay tại chỗ. Không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân, một số trường hợp còn ảnh hưởng tới cả những người xung quanh. Cách đây chưa lâu có một vụ việc xảy ra tại TP HCM, trong lúc đỗ xe trước cửa công ty để đi ăn cơm bị 2 tên trộm bẻ gương chiếu hậu của xe rồi chở nhau bỏ chạy. Chủ xe đã lái ô tô đuổi theo trên đường. Cuộc truy bắt kéo dài trên chặng đường khoảng 2km thì chiếc xe đâm phải một người đàn ông đang đạp xích lô chở hàng. Cú đâm mạnh khiến người đạp xích lô bị thương nặng. Chưa dừng lại ở đó. Chiếc xe ô tô còn lao vào phía sau xe tải chở nước và một chiếc “xe ôm” trên hiện trường trước khi đâm trực diện vào một gốc cây ven đường. Tai nạn còn khiến cho chiếc xe ô tô này bị hư hỏng nặng nề.
Phải đối phó thế nào khi gặp trộm, cướp?
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc hô hoán hay chống cự khi tên cướp đang uy hiếp chỉ khiến cho tình hình thêm nguy cấp. Điều này cũng giống như việc giáo dục các em bé không nên nhảy xuống sông cứu bạn luôn nếu thấy nguy hiểm mà phải tìm người lớn đến giúp, như vậy là tránh thêm một cái chết nữa có thể xảy ra. Vậy phải đối phó thể nào khi gặp phải các tình huống đối mặt với các đối tượng trộm, cướp? Câu trả lời được nhiều người tán thành đó là hãy tự học cách bảo vệ mình đơn giản nhất và giáo dục trẻ em làm theo. Như vậy, xã hội sẽ không giật mình vì những cái chết quá thương tâm và đau đớn. Một cán bộ của Cục Cảnh sát Truy nã tội phạm (Bộ Công an) cho rằng: Thông thường khi tội phạm xông vào uy hiếp đe dọa gia chủ, bạn cần phải bình tĩnh bảy tỏ thái độ hợp tác làm theo mọi yêu cầu của bọn cướp bằng cách không nên có những hành động bất thường và giữ cho đôi tay của bạn luôn ở trong tầm mắt của bọn cướp để chúng thấy rằng bạn không có ý định chống đối. Tuy nhiên, trong khi thực hiện những yêu cầu này, bạn cần nhận dạng và nắm các đặc điểm của tên cướp như: những vết sẹo, hình xăm trên mặt hay trên cơ thể tên cướp (nếu có), chiều cao, dáng dấp gầy hay béo… Nếu có thể, bạn cũng nên bình tĩnh thương thuyết với tên cướp để có cơ hội nhận dạng giọng nói của đối tượng nhằm mục đích sau này cung cấp cho cơ quan điều tra. Ngoài ra ngay sau khi tên cướp bỏ đi, bạn không nên đuổi theo tên cướp mà phải báo cho cảnh sát hoặc bảo vệ, đồng thời không động vào hoặc di chuyển đồ đạc tại hiện trường.
Theo phân tích của chuyên gia tâm lý Vũ Hà thuộc Trung tâm tư vấn tâm lý Hạnh Nguyên, về mặt tâm lý tội phạm, khi chuẩn bị đi cướp, bọn cướp có mục đích rõ ràng là cướp tài sản. Chúng chỉ gây nên thảm sát nếu gia chủ giằng co lại tài sản hoặc hô hoán khiến chúng manh động. Do vậy khi bị trộm, cướp, điều trước tiên là nạn nhân phải làm thế nào để bảo vệ tính mạng của mình. Lúc này bạn đừng xem trọng số tài sản của mình mà hãy xem như “của đi thay người”. Trong những tình huống như vậy cần phải hết sức tỉnh táo và khôn khéo. Không nên mất cảnh giác trước tình huống nguy hiểm là đang đối đầu với một tên tội phạm có hung khí trong tay. Tên cướp khi bị dồn vào đường cùng có thể liều mạng. Nếu bạn thật sự được an toàn thì hãy truy hô, nhờ người can thiệp, đừng tự mình đuổi theo vì cách này không những gây nguy hiểm cho bạn mà còn làm ảnh hưởng đến người xung quanh.
Video đang HOT
Một cán bộ của Đội Phòng chống tội phạm cướp, cướp giật – Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về TTXH, CA TP Hà Nội cho biết: trên thực tế rất nhiều người chủ quan trong việc gìn giữ, bảo quản tài sản của mình. Nhiều phụ nữ khi mất tài sản đến phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về TTXH trình báo đều cho biết nhiều khi chủ quan, nghĩ chỉ đi một đoạn đường ngắn nên “ngại” cho túi vào trong cốp hay treo cẩn thận mà có khi “vứt” ngay dưới sàn xe. Bên cạnh đó, nghe điện thoại khi tham gia giao thông cũng góp phần tạo sơ hở cho các đối tượng cướp giật ra tay. Để đối phó với những tình huống này khi bạn đang chạy trên đường khuya hoặc vắng, nếu cảm thấy có người đang theo dõi hoặc người lạ chay theo hỏi chuyện, tốt nhất bạn không nên trả lời bất cứ câu hỏi nào và tăng ga chạy nhanh hơn qua đoạn vắng hoặc dừng lại tại các nhà, hàng quán, công ty… có đông người bên đường. Bạn cũng có thể nói cho những người bạn đang trò chuyện biết nếu bạn đang bị cướp và nhanh chóng gọi điện cho người thân trợ giúp nếu như bạn còn một đoạn xa nhà.
Theo ANTD
Kinh hoàng những tên cướp giữa thủ đô
Tình trạng cướp giật điện thoại, túi xách, laptop giữa ban ngày khiến người dân hoang mang.
Hàng hiệu, đồ trang sức, điện thoại đắt tiền...những món mồi béo bở
Cướp giật không phải chỉ đến bây giờ mới có, nhưng gần đây các đối tượng đã trở nên táo tợn khiến những người đi đường lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.
Trước kia, các tên cướp giật thường hành động vào những khi trời nhập nhoạng tối hoặc ban đêm, tại những nơi vắng vẻ, ít người qua lại. Nhưng bây giờ, ngay giữa thanh thiên bạch nhật, trong thủ đô các toán cướp giật vẫn hoành hành.
Đối tượng mà bọn chúng hướng đến phần lớn là phụ nữ đeo túi xách, trang sức đắt tiền. Chị Ngân, một nạn nhân của bọn cướp đường vừa bị giật mất túi xách trong đó có toàn bộ giấy tờ tùy thân và hơn 1 triệu đồng tiền mặt.
Chị Ngân cho biết: "Hôm đó tôi đang đứng chờ đèn đỏ ở ngã 4 Trần Khát Chân thì có 2 thanh niên đi xe máy đỗ ngay bên cạnh, trong chớp mắt tên ngồi sau đã giật lấy cái túi tôi đeo ở trên vai rồi phóng vù đi. Đường trưa vắng và tôi thì loạng choạng ngã nên khi đứng dậy đã thấy chúng mất hút rồi".
Trường hợp của chị Ngân vẫn được chị cho là...may mắn vì bạn chị bị cướp ngay khi đang đi trên đường khiến chị này tay lái yếu, loạng choạng rồi ngã ra đường phải đi cấp cứu.
Đáng chú ý hơn là các đối tượng cướp giật hiện nay "xử" luôn cả những nam thanh niên mang trên mình đồ có giá trị như laptop, iphone. Vừa xoa vết thương ở chân anh Tuấn (22 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết:
"Hôm đó tôi đi cùng 1 cậu bạn, tôi đeo balo có laptop bên trong. Đang đi thì 2 thanh niên khác đi song song rồi tụt lại phía sau, cậu ta cố tình va vào xe khiến chúng tôi ngã ra.
Trong lúc đang lúi húi đứng dậy thì 1 xe máy khác lao đến, tên ngồi sau nhanh chóng nhảy xuống giật lấy balo của tôi phóng vụt đi. Hai tên kia sau đó cũng dựng xe, xin lỗi rối rít rồi phóng đi khiến chúng tôi không kịp trở tay. Tôi nghĩ rằng chúng là 1 hội với nhau".
Còn trường hợp chị Trang thì bị cướp ngay khu phố trung tâm, may mắn là 2 tên cướp đã bị bắt ngay sau đó. Đang đi trên phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội), chị Trang ngồi sau xe máy đã bị Đỗ Minh Tú (20 tuổi, quận Đống Đa) và Nguyễn Văn Dương (25 tuổi, quận Hai Bà Trưng) áp sát giật chiếc túi hiệu Chanel (trị giá 4.000 USD).
Trong túi có 10.000 USD, gần 40 triệu đồng, 3 điện thoại cùng một sợi dây chuyền vàng, tổng giá trị khoảng 300 triệu đồng.
Tang vật vụ án bị cơ quan điều tra thu giữ.
"Chiếc túi tôi mua ở nước ngoài giá gần 4.000 USD. Lúc đi đường sợ bị cướp, tôi đã cẩn thận quấn hai vòng dây deo vào tay và để trên đùi..., nhưng việc xảy ra quá bất ngờ...", chị Trang nói.
Tú bị cảnh sát tóm không lâu sau đó, khi đang đi trên phố Đinh Tiên Hoàng. Trong người tên này có một chiếc Iphone của chị Trang cùng 5 triệu đồng. Tối hôm đó, Dương bị bắt trên phố Kim Mã trong lúc ăn lẩu với bạn gái.
Tại cơ quan điều tra, Tú và Dương thừa nhận đã gây ra vụ cướp trên. Chúng bám theo xe của chị Trang suốt quãng đường dài trong nội thành. Tiền và tài sản cướp được cả hai chia đôi. Riêng khoản 10.000 USD, Tú ngồi sau đã "ăn mảnh", giấu riêng rồi đem gửi người thân. Còn chiếc túi xách hàng hiệu, một trong hai tên đưa cho bạn gái dùng.
Đã bị cướp còn bị ... mắng
Bác Mai (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ về một tình huống vừa sợ, vừa tức và cũng...buồn cười: "Cướp bây giờ táo tợn thật đấy. Hôm đó tôi đang đi xe đạp ra chợ mua đồ thì có cậu thanh niên đèo sau một cô gái chỉ tầm học sinh thôi. Vì tôi chẳng có gì quý giá trên người nên cũng không nghĩ bọn chúng có ý định cướp giật.
Vậy mà bọn chúng lao lên giật sợi dây chuyền ở cổ của tôi, sợi dây tôi mua đợt đi chùa có 15 ngàn đồng. Chưa kịp hoàn hồn thì 2 tên đó quay lại mắng tôi với những lời tục tĩu vì tội...không có tiền còn sĩ !!!".
Sau lần bị cướp như vậy, bác Mai đã rút kinh nghiệm không dám đeo trang trức ra đường nữa, "kể cả những thứ đồ giả chứ nếu không sẽ có ngày chết oan".
Cũng trong tình trạng dở khóc dở cười như bác Minh là bạn Bùi Minh H. (sinh viên năm 1 ĐH Sư phạm): "Hôm đó em đeo balo để mang ít đồ sang nhà bạn làm lẩu ăn. Đang đi thì bị 2 tên cắt quai rồi cướp mất chiếc ba lô. Biết không thể lấy lại được nên em tiếp tục đi, nhưng đi được 1 đoạn thì thấy bọn chúng quay lại, tên ngồi sau giơ chân đạp vào xe khiến em ngã ra đường, bọn chúng chửi rủa rồi bỏ đi".
Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời buổi kinh tế khó khăn, đói làm liều, bọn cướp sẽ ngày càng táo tợn, tinh vi hơn. Để tránh là nạn nhân của chúng, cách tốt nhất là không "khoe của" khi đi ra đường.
Mặc dù Đội chống cướp giật thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Tp. Hà Nội và các đơn vị công an quận, huyện rất tích cực thực hiện công tác phòng, chống cướp giật nhưng tính chất phạm tội của các đối tượng gây án lại có xu hướng táo tợn và nghiêm trọng hơn.
Trung tá Dương Văn Giáp - Phó phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Tp. Hà Nội cho biết: "Có những ổ nhóm gây ra liên tiếp hàng chục vụ, sẵn sàng chống trả người bị hại hoặc các lực lượng truy bắt bằng lê, kiếm, dao tông.
Vì thế, người dân hãy cảnh giác với loại tội phạm này khi ra đường nếu mang theo một khối lượng tài sản lớn hoặc đeo quá nhiều đồ trang sức đắt tiền".
Theo PLXH
Thoát án tử nhờ chưa thành niên Cim tng giữan giinh:t trẻ, hnh vi manhnh,cc nhngt phápng th trừng tríchá chai My, ngy 2-8, Trn Quang c (SN 1995) vungng nhát dam cht ch Th Giang (SN 1983, x Tn Ninh,n Tru Sn - Thanh Ha, hng xm ca c) khi chang mang thai ở tháng th 5. Ra taycc c cn mt s tr nnng sm lẻn vo nh...