Đòi được lắng nghe
Từ khởi đầu chỉ với một nhóm những người trẻ tuổi dựng trại bên ngoài trụ sở của Công ty chứng khoán New York ngày 17-9, một phong trào phản kháng sự lạm dụng và quyền lực vô hình của các tập đoàn tài phiệt Phố Wall đã hình thành và có quy mô rộng khắp nước Mỹ.
Dễ nhận thấy tình trạng đình trệ và suy thoái kinh tế đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình lan rộng hiện nay. Thực tế là 3 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng tồi tệ, kinh tế Mỹ đang bị đình trệ với tỉ lệ thất nghiệp cao trên 9% trong thời gian dài, thâm thủng ngân sách ở mức kỷ lục. Nhìn vào những người tham gia biểu tình tại Mỹ, đại đa số là những người dưới 30 tuổi. Rất nhiều người trong số họ là những người thất nghiệp và bán thất nghiệp. Một số là sinh viên với những núi nợ khổng lồ, số khác là những người lao động chăm chỉ đang sắp mất nhà cửa cho dù họ đã trả một khoản tiền thế chấp lớn.
Tất cả những người này đều đang phàn nàn rằng, tầng lớp trung lưu lao động chăm chỉ đang ngày càng nghèo đi, trong khi Phố Wall vẫn giàu có. Người ta không thể không bất bình khi thấy chính quyền đã bỏ một đống tiền ra để mua lại nợ xấu của các ngân hàng kinh doanh thua lỗ, dẫn tới mức nợ công khủng khiếp hiện nay, và chính những nhà tài phiệt lớn của phố Wall đã biến tiền cứu trợ của những người đóng thuế thành tiền bỏ túi của riêng họ. Và từ bất bình này, người ta dễ nhìn thấy thêm các lý do khác để xuống đường. Đó là các cuộc chiến hao tiền tốn của, vô tiền khoáng hậu mà chính quyền đang tiến hành ở Iraq và Afghanistan, trong khi cuộc sống của người dân ngày càng đi xuống.
Rõ ràng các cuộc biểu tình đang lan rộng trên nhiều thành phố lớn ở Mỹ, kể cả thủ đô Washington đang thể hiện sự thất vọng ghê gớm của nhiều người mà chính quyền khó có thể làm ngơ. Về một chừng mực nào đó, các cuộc biểu tình này không thể so sánh với những gì đang diễn ra tại Trung Đông- Bắc Phi về cả quy mô cũng như mục đích bởi những người biểu tình tại Mỹ hoàn toàn không có ý định đòi thay đổi chế độ, nhưng ít nhất đây cũng là tiếng chuông cảnh báo đối với chính quyền về về sứ mệnh lắng nghe và giải quyết những vấn đề bức bách đối với phần đông dân chúng hiện nay.
Video đang HOT
Theo Tiền Phong
Biểu tình "Chiếm phố Wall": 4 tuần vẫn chưa lắng dịu
Phong trào biểu tình "Chiếm phố Wall" phản đối lòng tham của các tập đoàn và tình trạng bất bình đẳng kinh tế ở Mỹ đang thu được cả số lượng người tham gia và tầm ảnh hưởng, khi phong trào này bước vào tuần thứ 4.
Có những dự báo khác nhau về ảnh hưởng của phong trào biểu tình ở Mỹ.
Hôm qua, đám đông biểu tình tham gia phong trào phản đối Phố Wall, bắt đầu tại New York trong tháng qua, đã đông lên.
Các cuộc biểu tình ngày càng lan rộng từ quận tài chính phố Wall ở thành phố New York sang các thành phố khác và không có dấu hiệu lắng dịu.
Giới hoạt động tích cực tập trung tại Freedom Plaza và tuần hành đến Nhà Trắng, họ đưa ra nhiều đòi hỏi, bao gồm cải cách kinh tế và chấm dứt sự can dự của Mỹ vào các cuộc tranh chấp ở nước ngoài. Một số người biểu tình đã cắm trại qua đêm tại quảng trường này.
Những người biểu tình ở thủ đô Washington hưởng ứng những đòi hỏi của phong trào "Chiếm Phố Wall".
Phong trào "Chiếm Phố Wall" được phát động từ ngày 17/9 với sự xuất hiện của nhiều nhóm biểu tình ít người và từ đó đã phát triển mạnh với sự hỗ trợ của các công đoàn.
Nhiều người biểu tình tỏ thái độ bất bình về tình trạng mà theo họ thiểu số 1% trong dân số lại độc quyền chiếm quyền lực và tài sản của nước Mỹ.
Một khẩu hiệu thường được nghe trong các cuộc biểu tình chống Phố Wall là "chúng tôi tượng trưng cho 99% dân số còn lại."
Tổng thống Barack Obama thừa nhận các cuộc biểu tình này tại một cuộc họp báo hôm qua. Ông Obama nói đây là dấu hiệu của sự bất bình mà nhiều người Mỹ cảm thấy đối với hệ thống tài chính bị họ đổ lỗi là gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây.
Theo Giáo sư Patrick Bolton của Columbia Business School, cuộc biểu tình "Chiếm phố Wall" không mang cảm hứng của các cuộc biểu tình như ở Ai Cập và phong trào 15-M ở Tây Ban Nha.
Ông tin rằng cuộc biểu tình này sẽ không kéo dài và hầu như không tác động đến hệ thống hiện hành.
Tuy nhiên, ông Jean Cohen, giáo sư chính trị học và ông John Dinges, giáo sư khoa báo chí của Đại học Columbia không đồng ý với nhận định trên.
Họ dự báo phong trào biểu tình ở Mỹ sẽ tác động lâu dài tới các nhà làm luật Mỹ và cuối cùng, buộc họ phải có những bước đi đúng.
Theo Dân Trí
Tổng thống Mỹ: người dân đang bất bình Tổng thống Mỹ Obama thừa nhận các cuộc biểu tình " Chiếm lấy Phố Wall " cùng với sự ủng hộ của giới nghiệp đoàn và chính trị thể hiện sự bất bình của người dân về hệ thống tài chính đáng lo ngại của nước Mỹ. Một phụ nữ bị bắt sau khi tham gia chiếm một chi nhánh Ngân hàng Trung...