Đôi dép rách trước phòng xử án
Có lẽ đã lâu lắm rồi, phòng xử án C1 thuộc TAND TP HCM mới có sự lạ như hôm nay. Phía trước lối vào phòng xử, có một đôi dép nhựa trắng được xếp ngay ngắn. Đôi dép nhựa bạc thếch ấy chẳng thể là của thành viên nào đó trong Hội đồng xét xử (HĐXX). Càng không phải của 1 trong 4 bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa đối mặt với các tội danh làm môi giới, đưa và nhận hối lộ. Bởi đôi dép nhựa kia là của phụ nữ, trong khi đó 4 bị cáo là người khác phái…
Bà The với đôi dép nhựa trước phòng xử án.
Nhìn đôi dép úa màu, rách tả tơi và bê bết bùn đất, người ta có thể đoán được chủ nhân của nó là người rất đỗi cơ hàn. Một người nghèo khó hẳn chẳng có nhiều tiền để mà đưa hối lộ đến độ để kẻ nhận phải đối mặt với án tù?! Vậy tại sao người ấy lại có mặt ở phiên tòa xét xử này? Và vì sao người ấy lại làm điều ngược với hàng chục người khác – bỏ dép ngoài phòng xử!
Đúng 8h sáng ngày 19/6/2012, phòng xử C1 nơi xuất hiện đôi dép nhựa bạc thếch có rất đông người tham dự. Cả thảy họ dán chặt ánh mắt về phía trước, nơi có 4 bị cáo người tóc đã bạc và người hãy còn rất trẻ đang cúi mặt trước HĐXX uy nghiêm. Các bị cáo đầu cúi gục, 2 tay đan chéo, khúm núm nghe đại diện Viện KSND đọc cáo trạng hành vi phạm tội của chính mình. Họ gồm Nguyễn Văn Quân (39 tuổi, trú quán Tiên Lãng, Hải Phòng, hành nghề buôn bán, môi giới nhà đất, bị truy tố tội đưa hối lộ), Võ Văn Lớp (54 tuổi, nguyên Phó ban Nhân dân ấp 6, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP HCM), Phạm Thái Quảng (58 tuổi, nguyên Tổ trưởng Tổ nhân dân số 23 ấp 6, xã Đông Thạnh, Hóc Môn, cả 2 bị xét xử tội làm môi giới hối lộ) và Nguyễn Đức Thắng (26 tuổi, nguyên nhân viên thanh tra xây dựng Hóc Môn). Thắng được xem là nhân vật quan trọng nhất của vụ án, là bị cáo duy nhất bị tòa xét xử vì tội nhận hối lộ.
Đây là lần đầu tiên đứng trước vành móng ngựa đối mặt với HĐXX uy nghiêm nên 4 bị cáo cả già lẫn trẻ đều tái mặt, đầu cúi gằm, không dám nhìn thẳng vào vị chủ tọa hay các thành viên Hội thẩm nhân dân. Nhìn cái cảnh 2 người đàn ông ngoài 50 tuổi dáng gầy guộc (Võ Văn Lớp và Phạm Thái Quảng), tóc phần muối nhiều hơn tiêu lễ phép dạ thưa với những người cầm cân nảy mực, không ít người tham dự phiên tòa xót xa. Từng này tuổi như họ, người ta đang sum vầy cùng con cháu, hạnh phúc bên gia đình ấm êm, chứ đâu có cái cảnh mất ăn mất ngủ, phấp phỏng âu lo cái án tù được “hứa hẹn” không thể nhẹ.
Khi được vị chủ tọa “hỏi thăm”, 2 bị cáo còn lại cũng lễ phép dạ thưa. Đặc biệt Nguyễn Đức Thắng với gương mặt non choẹt nhưng bị xử về tội nhận hối lộ khi trả lời HĐXX đã không ít lần vừa nói vừa khóc. Thắng khóc vì ân hận hành vi nông nổi lỡ nhận tiền hối lộ chăng? Hay Thắng khóc vì đường tương lai lẽ ra hãy còn dài và xán lạn của mình nay sắp khép lại bằng án tù dài đằng đẵng? Dù với lý do gì thì Thắng có điểm chung với nhiều, rất nhiều tội phạm khác, khi biết khóc vì ăn năn, hối hận hay vì sợ hãi… thì chuyện đã quá muộn!
Thắng ngoái đầu nhìn và xin mẹ tha tội.
Chuyện Quân (đưa hối lộ), Thắng (nhận hối lộ) cùng 2 ông Lớp, Quảng (làm môi giới hối lộ) dắt díu nhau ra tòa bắt nguồn từ việc Quân nhận chuyển nhượng 665m2 đất nông nghiệp thuộc tổ 23, ấp 6, xã Đông Thạnh, Hóc Môn từ ông Nguyễn Tấn Nghiệp, với số tiền 1.460.000 đồng vào ngày 7/12/2010. Dù là đất nông nghiệp và chưa làm thủ tục sang tên sở hữu, biết như thế chẳng thể xây dựng được nhưng Quân vẫn tìm cách xây nhà cho thuê tại lô đất trên. Thông qua một người quen, Quân gặp Nguyễn Ngọc Nam (đang bị truy nã, nguyên cán bộ xã Trung Chánh, Hóc Môn) để xin giấy phép xây dựng nhà.
Giữa tháng 12/2010, hai bên bàn bạc và đi đến thỏa thuận: Nam có trách nhiệm xin giấy phép xây dựng dạng nhà cấp 4 tường gạch mái tôn để ở cho Quân. Đổi lại Quân sẽ trả Nam 100 triệu đồng. Việc thanh toán chia thành 2 đợt. Đợt 1, Quân đưa trước 50 triệu đồng để Nam chi phí giao dịch. Phần còn lại Nam sẽ nhận được khi Quân có trong tay giấy phép xây dựng.
Thực hiện thỏa thuận, ngày 20/12/2010, sau khi nhận từ Quân 50 triệu đồng, Nam viết giấy biên nhận với nội dung “làm dịch vụ xin giấy phép xây dựng tạm 200m2 cho Nguyễn Văn Quân”. Một thời gian sau, “điệp vụ” bất thành, Quân ngỏ ý nhờ Nam giúp tìm cách xây nhà không cần giấy phép. Hai bên thống nhất chuyển số tiền 100 triệu đồng dịch vụ nêu trên để lót tay cho thanh tra xây dựng làm ngơ việc xây nhà không phép.
Cuối tháng 12/2010, khi gặp và được Nam trình bày rằng có người nhà cần xây tạm khoảng 40m2 không giấy phép xây dựng để ở và trồng rau xanh, biết lời nhờ vả ấy vượt quá sức mình nên Phạm Thái Quảng khi ấy là Tổ trưởng Nhân dân tổ 23 thuộc ấp 6, xã Đông Thạnh đã bàn bạc sự việc với Phó ban Nhân dân ấp là Võ Văn Lớp. Qua “nghiên cứu” hồ sơ, Lớp trả lời rằng việc này cần hỏi lại Nguyễn Đức Thắng là thanh tra xây dựng xã Đông Thạnh và gợi ý tiền bồi dưỡng là 30 triệu đồng.
Đến đầu tháng 1/2011, đúng hẹn, Nam mang tiền đến nhờ Quảng trao cho Lớp nhưng Lớp nhờ Quảng giữ giùm. Trong thời gian này, Lớp và Thắng thống nhất giúp Quân xây nhà không phép bằng cách không kiểm tra, không thông báo cho lãnh đạo UBND xã Đông Thạnh. Thắng căn dặn chỉ được xây nhà đơn giản có diện tích không quá 4×10m (40m2) và yêu cầu tiền bồi dưỡng 20 triệu đồng!
Video đang HOT
Nhận được tin vui, ngày 15/1/2011, chủ đất Nguyễn Văn Quân huy động nhân lực, máy móc gấp rút tiến hành xây dựng với quy mô lớn, xây 11 phòng với diện tích 240m2. Cũng trong ngày, Quân đưa tiếp cho Nam 50 triệu đồng như đã thỏa thuận ban đầu. Số tiền này Nam “ém” riêng (với số tiền 30 triệu đồng mà Quảng nhận trước đó, ngày 18/1/2011, Quảng đưa cho Thắng 20 triệu đồng, 10 triệu đồng còn lại Quảng trao cho Lớp nhưng Lớp nhờ Quảng giữ giùm. Đến khi vụ việc vỡ lở Lớp vẫn chưa nhận được số tiền này!).
Tình trạng lo lót để cán bộ thanh tra xây dựng ngó lơ hành vi xây dựng trái phép như kiểu của chủ đất Nguyễn Văn Quân gần như trở thành chuyện thường ngày ở các xã, thị trấn thuộc huyện Hóc Môn. Chuyện đến đây những tưởng sẽ êm đẹp nhưng nào ngờ, sự quyết liệt của cơ quan chức năng đã đưa những kẻ làm môi giới, đưa và nhận hối lộ ra trước vành móng ngựa và đây chính là nguồn cơn dẫn đến sự hiện diện của đôi dép nhựa úa màu, lem luốc, bê bết bùn đất trước phòng xử án C1 của TAND Tp HCM. Khi kiểm tra địa bàn vào ngày 24/1, phát hiện Nguyễn Văn Quân xây nhà trái phép với quy mô lớn, các thanh tra viên và cộng tác viên xây dựng đã lập biên bản sự việc.
Hai ngày sau, Lại Thị Hương (vợ Quân) bị buộc phải tiến hành tháo dỡ công trình. Biết được hung tin, Quảng gửi trả Nam 10 triệu đồng. Ngay sau đó ông chủ đất Nguyễn Văn Quân yêu cầu Nam hoàn trả lại toàn bộ số tiền 100 triệu đồng vì cái tội “bể kèo”. Nam chỉ trả Quân 20 triệu đồng, số còn lại thì lờ tịt. Ức quá, Quân làm đơn tố cáo vụ việc gửi Công an huyện Hóc Môn.
Ngày 17/11/2011, thanh tra xây dựng Nguyễn Đức Thắng bị bắt giam phục vụ cho quá trình điều tra. Sau đó đến lượt Quân (đưa hối lộ), Lớp và Quảng (làm môi giới hối lộ) bị “sờ gáy” nhưng được cho tại ngoại. Riêng Nguyễn Ngọc Nam bỏ trốn nên Cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã!
Tại phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm, lần lượt từng thành viên trong bộ tứ Thắng-Quân-Lớp-Quảng khi được HĐXX điểm danh đã thành khẩn khai nhận hành vi của mình. Còn nhớ khi đến lượt Nguyễn Đức Thắng được vị chủ tọa hỏi cách thức ăn hối lộ và sử dụng số tiền ấy vào mục đích gì, phía dưới hàng ghế dự khán có người phụ nữ luống tuổi với gương mặt nhàu nhĩ, bật khóc. Người ấy chính là bà Diệp Thị The, mẹ của Thắng. Bà The chính là chủ nhân của đôi dép rách lấm lem trước phòng xử án!
“Má có 7 người con, thằng Thắng là đứa kế út. Nhà nghèo quá nên các anh chị của Thắng đều phải nghỉ học sớm làm đủ thứ nghề để nuôi sống bản thân và phụ má nuôi Thắng cùng đứa em gái út được ăn học. Được cái là Thắng ham học, hiếu thảo, chăm làm. Ngoài giờ học là nó phụ má bưng bê, đi lấy bông, phụ má buôn bán (bà The kiếm sống bằng nghề bán hoa tươi). Khi tốt nghiệp lớp 12, thấy Thắng ngoan hiền, lãnh đạo xã quan tâm tạo điều kiện cho nó làm cán bộ địa phương, rồi cho học lớp nghiệp vụ và đưa vào làm thanh tra xây dựng. Nó mới làm được vài tháng… đã bị bắt nhốt rồi”.
Không đủ sức để nhìn đứa con là niềm kỳ vọng của gia đình bởi “nó là đứa học cao nhất nhà và làm việc nhà nước rất oai”, bà The rời phòng xử. Bà xỏ đôi chân thô kệch nứt nẻ vào đôi dép bê bết bùn đất rồi đi về phía gốc cây phía trước, rầu rĩ ngồi khóc nức nở. Hàng chục năm trời đầu tắt mặt tối buôn gánh bán bưng lo cho con ăn học, bà The đâu ngờ có cái ngày nghiệt ngã này: “Chính thức thì Thắng đi làm được 5 tháng thì bị bắt” – người mẹ tội nghiệp thổn thức: “Lúc hay tin nó bị Công an bắt vì tội ăn hối lộ, má rụng rời không tin chuyện đó có thật, cứ nghĩ con bị bắt oan. Từ lúc đi làm đến khi bị bắt, má và các anh chị em của Thắng chưa nhận được đồng nào Thắng mang về. Mà nó có cho tiền má cũng chẳng lấy bởi con còn trẻ còn biết bao khoản phải chi tiêu, má già rồi, cho con không hết thì thôi, lấy làm gì!”.
Sau quá trình xét hỏi, bào chữa…, đến giờ giải lao để HĐXX nghị án, nhìn cái cảnh bà mẹ với gương mặt sầu héo ngồi thất thần, quặn lòng nhìn con tay bị còng, mặt cúi gằm mà nước mắt cứ tuôn vì ân hận, vì thương mẹ, vì giận mình hay vì lý do nào đó, rất nhiều người tham dự phiên xét xử cảm giác xót xa. Chuông reng, đến giờ tuyên án, hít thật sâu, bà The là người sau cùng bước vào phòng xét xử. Và như lần trước, bà lại là người duy nhất bỏ dép ở bên ngoài. Lần đầu tiên đến chốn công quyền, lần đầu tiên bước chân vào tòa án, lần đầu tiên gặp xe chở tù, lần đầu tiên gặp rất nhiều chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ dẫn giải bị can, bảo vệ an ninh trật tự phiên tòa…, người mẹ quê mùa rất sợ. Mặc nhiều người khuyên mang dép vào phòng xử, bà vẫn để bên ngoài. Bà như biết bao bà mẹ nghèo khó quê mùa, đến nơi sang trọng, uy nghiêm thường rụt rè, nhút nhát, giữ ý tứ đến lạ!
Sau thời gian nghị án, tòa tuyên Nguyễn Đức Thắng 6 năm tù về tội nhận hối lộ. Hai bị cáo Lớp và Quảng mỗi người lãnh 2 năm tù tội “làm môi giới hối lộ”. Riêng Nguyễn Văn Quân bị tuyên xử 3 năm tù tội “đưa hối lộ”. Phiên tòa kết thúc, Thắng cùng các bị can được các chiến sĩ Công an nhanh chóng dẫn giải đưa vào “xe bít bùng” về trại giam. Nhìn cái cảnh bà The hớt hải chạy theo con đến quên cả mang dép rồi bần thần đứng như trời trồng khi biết được rằng càng chạy theo thì con càng xa, rất nhiều người cảm giác xót xa. Nhất là khi Thắng chân tiến về phía trước mà đầu cứ ngoái lại nhìn mẹ rồi nói trong nước mắt: “Má ơi, má tha lỗi cho con!”.
Chiếc xe bít bùng hú hồi còi rồi lao về phía trước. Sau phút giây lặng người, bà The lần đến trước tòa án, xỏ đôi chân nhăn nheo vào đôi dép nhựa cũ rách, lấm lem. Một người chị của Thắng cho biết bà đã mang đôi dép ấy hơn 10 năm trời. Dép đứt, bà dùng dây kẽm cột lại. Đồng tiền kiếm được khó nhọc nên người mẹ nghèo tiết kiệm từng đồng từng cắc để tự lo cho mình, không muốn làm phiền các con và cũng nín nhịn để dành nuôi cho Thắng ăn học. Hơn 10 năm qua, chẳng biết đôi dép nhựa ấy đưa bà đi đi về về từ nhà ra chợ và ngược lại chẳng biết bao nhiêu ngàn lần, bao nhiêu ngàn cây số. Chỉ biết rằng từ hôm nay và những tháng ngày sắp tới, đôi dép ấy không chỉ đưa bà The rời nhà ghé chợ nhiều hơn, ở chợ lâu hơn mà còn đưa bà đến trại giam thăm nuôi đứa con dại dột chỉ vì phút giây không giữ mình mà đánh mất tất cả.
11h trưa, trời nắng chang chang. Đôi dép rách đưa bà The lê bước về phía trước. Phía trước còn đó một chặng đường dài!
Theo CAND
Tình người bạc bẽo khi đất hoá... vàng
Đó là vụ án "huynh đệ tương tàn". Hai anh em ruột, cùng cha cùng mẹ giết nhau vì 48m2 đất ở Đông Anh, một huyện tuy thuộc ngoại thành Hà Nội nhưng mấy năm gần đây, mỗi tấc đất bỗng hóa tấc vàng khi một số cây cầu bắc vào thành phố được dự kiến xây dựng...
1. Dưới những hàng ghế ken đặc người phía dưới phòng xử án, chỉ có mấy nhà báo là người lạ. Còn lại, tất thảy đều là người thân, ruột rà máu mủ trong một đại gia đình. Chị gái nạn nhân, cũng đồng thời là chị gái người bị hại, một người đàn bà luống tuổi, buồn bã kể lại bi kịch của đại gia đình mình trong nước mắt đắng cay.
Nhà có cả thảy 6 anh chị em - 3 trai 3 gái. Gia đình bao đời ở Võng La, Đông Anh. Ông bà lập nghiệp ở đấy, rồi cha mẹ sinh ra ở đấy, 6 đứa con cũng lớn lên ở đấy. Đất đai hương hỏa ông bà tổ tiên để lại, dựng nhà rồi cấy trồng kiếm miếng ăn, tất cả đều ở đấy. Kẻ đang đứng trước vành móng ngựa kia là Nguyễn Công Bính, sinh năm 1972, em trai út. Còn người chết, hình trong di ảnh kia, là em trai thứ hai Nguyễn Công Minh, sinh năm 1964. Ông anh cả tóc đã trắng trên đầu cũng có mặt ở phiên tòa xử em, ngồi tận trong góc phòng, tư lự. Người chị gái cũng ngồi đấy, kề bên cô em gái út.
Sáu chị em lớn lên trong cùng một mái nhà, thuở bé cũng yêu thương nhau như tất cả các gia đình khác. Lớn lên rồi mỗi người đều được cha mẹ dựng vợ gả chồng, ra riêng mỗi người một cơ ngơi. 4 anh em, trong đó có Bính vẫn trụ lại ở quê Võng La. Chỉ có người chị gái thứ hai và người em trai thứ hai - anh Nguyễn Công Minh là vào Nam lập nghiệp. Chị gái mang gia đình vào Nam trước, mua đất mua nhà, tìm được việc làm ở Bình Dương.
Nguyễn Đức Thuận đã bị tuyên án tử hình
Em trai Nguyễn Công Minh, trong thời gian ở quân ngũ, không may bị thương, xuất ngũ là thương binh về quê được xã cấp cho 2 thước đất rau xanh. Thương em trai sức khỏe yếu mà công việc làm nông vất vả, chị gái đã xin cho em một suất làm việc nhẹ nhàng ở công trường thủy điện Trị An. Vậy là anh Minh rời quê vào Bình Dương ở cùng chị gái. Mấy năm sau thì anh Minh lấy vợ, mua được đất, cất được nhà ở Thủ Đức.
Rồi 4 đứa con lần lượt ra đời và lớn lên. Cô con gái đầu, người ôm di ảnh của cha, nay cũng đã ngoài 20 tuổi. Cuộc sống trong Nam ổn định, anh Minh không nghĩ đến chuyện về sống ở quê nhà. 2 thước đất rau xanh được cấp ngày xuất ngũ trở về địa phương, anh để lại cho cha mẹ già. Rồi cách đây độ chục năm, cha mẹ già tạ thế, 2 thước đất rau xanh ấy, tưởng vẫn còn đấy. Nào ngờ, em trai Nguyễn Công Bính đã bán mất, chả thèm nói với anh trai một lời.
Tôi hỏi: "Bán được tiền tỉ không?", người chị gái khóc ròng: "Rẻ lắm cô ơi, có đáng bao nhiêu đâu mà đổi lấy một mạng người". Người cháu trai ngồi cạnh, tiếp:" Chỉ được có 45 triệu đồng".
Anh Nguyễn Công Minh lẽ ra sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện trở về sống ở quê Võng La nếu như không có một sự cố buồn xảy ra trong đời. Ấy là sự tan vỡ của gia đình riêng. Sau những mâu thuẫn không thể hòa giải nổi, vợ chồng anh chia tay nhau. Anh về sống tạm cùng gia đình người chị gái, gom góp những đồng vốn liếng dành dụm cuối cùng được 200 triệu đồng để cất cho mình một ngôi nhà riêng. Người chị kể, Minh mua nhà mất 270 triệu đồng, phải tất tả vay ngược vay xuôi 70 triệu đồng mới đủ.
Chị thương em sống một mình cơm niêu nước lọ nên ít lâu sau khi cuộc hôn nhân đầu của em trai tan vỡ, chị đã tìm cho em người vợ thứ hai. Cô gái ấy quá lứa nhỡ thì, làm cùng chị trong xưởng sản xuất mì tôm của một doanh nghiệp tư nhân ở Bình Dương, không có nhan sắc nhưng chị biết đó là một phụ nữ nết na. Mai mối thành công, hai người nên vợ nên chồng. Anh Minh ngày ngày chạy xe ôm để đỡ đần vợ thêm đồng rau đồng cháo.
Rồi thêm một đứa con nữa ra đời, vợ phải tạm nghỉ làm ở xưởng mỳ tôm ở nhà trông con, gánh nặng áo cơm dồn hết lên đồng tiền ít ỏi kiếm được từ những cuốc xe ôm mưa nắng mỗi ngày, lại thêm món nợ mua nhà 70 triệu đồng phải trả nữa khiến cảnh nhà anh Minh trở nên túng bấn. Và, đó cũng là một trong những lý do khiến anh Minh trở về Võng La, tìm lại 2 thước đất rau xanh ngày xưa.
Con 4 tháng thì anh ngược ra Bắc mà không bao giờ nghĩ rằng, đứa con còn đỏ hỏn đang nằm trong nôi kia sẽ vĩnh viễn mất cha. Về quê, anh mới biết 2 thước đất rau xanh (quy đổi bằng 48m2) ấy đã bị đứa em trai út Nguyễn Công Bính bán mất từ lâu. Tiền tiêu hết lâu rồi, Bính cãi cùn rằng chỉ còn có quan tài để trả thôi, có lấy thì lấy. Người chị gái bảo, nhà Bính to đẹp lắm, khang trang lắm, Bính có khó khăn đâu mà tham đến thế. Anh Minh tức, lời qua tiếng lại, anh em cãi vã nhau. Đại gia đình họp 5 lần 7 lượt, khuyên can hòa giải mãi nhưng không thành, cuối cùng phải nhờ đến chính quyền.
UBND xã Võng La, huyện Đông Anh đã tổ chức giải quyết, khẳng định anh Minh có cơ sở được hưởng một phần đất trên. Nhưng mảnh đất này, Bính đã bán từ năm 2009 nên không thể trả lại cho anh Minh được, đền bù tiền Bính cũng không chịu. Cứ thế, bên đòi bên không trả, riết mãi rồi chỉ còn những trận cãi vã, chửi bới nhau giữa "gà cùng một mẹ" mà còn tệ hơn cả người dưng nước lã.
Rồi khoảng 17h ngày 23/9/2011, khi Bính đang ngồi ăn cơm cùng cháu họ là Nguyễn Văn Thạch tại nhà thì anh Minh đi xe máy đến, cầm theo một con dao quắm. Nhìn thấy anh trai, Bính chạy vào trong nhà lấy một con dao tông để ở đầu giường chạy ra ngoài cửa. Anh Minh và Bính lao vào chém nhau. Anh Minh bị Bính chém rơi dao. Nhưng ngay cả khi anh Minh coi như đã bị tước vũ khí mà Bính vẫn tiếp tục lao vào chém anh Minh nhiều nhát vào đầu, cổ, má và tay.
Sau này kết quả khám nghiệm tử thi của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Tp Hà Nội cho thấy, anh Minh đã bị Bính chém 14 nhát, trong đó có vết thương ở cổ trái cắt đứt toàn bộ cơ ức đòn chùn bên trái, cắt đứt toàn bộ động, tĩnh mạch cảnh trái gây mất máu.
Nhưng dã man hơn là khi thấy anh trai bỏ chạy ra ngoài cổng thì gục xuống, Bính liền cầm chân anh kéo ra ngoài cổng nhà mình rồi bỏ mặc ở đấy, không đưa đi cấp cứu. Hội đồng xét xử hỏi tại sao, Bính không trả lời được, chỉ im lặng cúi đầu. Trong lúc đánh nhau, Bính cũng bị anh Minh chém bị thương. Sau khi giấu con dao tông vào chuồng chó nhà mình, Bính đến Bệnh viện Nam Thăng Long, huyện Từ Liêm, Hà Nội sơ cứu vết thương. Trên đường trở về, Bính đã bị công an bắt giữ.
Hội đồng xét xử thẩm vấn đến đâu thì tiếng khóc của những người thân trong gia đình của bị cáo cũng là của bị hại nức nở đến đó. Những nỗi đau chồng lấn lên nhau dường như quá sức chịu đựng của họ. Mất một mạng người đã là nỗi đau lớn, không gì bù đắp được. Đằng này, trong cuộc chiến "huynh đệ tương tàn", không chỉ thế, còn mất hết cả tình người. Trong phiên tòa, cháu ruột nhìn chú bằng ánh mắt căm phẫn kẻ đã cướp đi mạng sống của cha mình. Chị em một đằng con chú, một đằng con bác bỗng dưng chia thành hai chiến tuyến. Vợ và các con anh Minh nhất định không chịu nhận khoản tiền bồi thường 10 triệu đồng do em dâu tự nguyện đem đến trước ngày mở phiên tòa và trước Tòa đề nghị Hội đồng xét xử hãy xử lý nghiêm bị cáo theo đúng pháp luật.
Phiên tòa diễn ra đúng vào ngày nắng nóng gay gắt nhất của tháng 5/2012 nhưng cái nóng của thời tiết cũng không nóng bằng không khí phiên tòa, bằng những ánh mắt nhìn nhau hình viên đạn giữa những người cùng chung huyết thống. Bản án 20 năm tù giam mà Tòa tuyên phạt đối với Bính cuối cùng dường như cũng không làm cho không khí dịu lại. Thoáng nghe đâu đây trong phòng xử có tiếng nói, phẫn nộ và đầy quyết liệt: "Sẽ kháng cáo"...
2. Rất tiếc, vụ án Nguyễn Công Bính không phải là trường hợp hi hữu. Ngay tại phòng xử này của Tòa án Nhân dân Tp Hà Nội cũng đã từng có những phiên tòa đắng lòng như thế. Nhìn con gái anh Minh khóc ròng ôm di ảnh của cha, tôi nhớ đến phiên tòa xét xử vụ án em trai dìm chết chị ruột ở bãi sông Hồng mấy năm trước. Hà con gái chị Lan, người bị hại cũng trạc tuổi con gái anh Minh, cũng ôm di ảnh của mẹ, nức nở khóc trong phiên tòa xử người cậu ruột, kẻ đã cướp đi mạng sống của mẹ em.
Gia đình chị Lan nghèo lắm, lại ly thân với chồng, một mình phải nuôi 3 đứa con. Biết gia cảnh chị ruột túng thiếu nhưng Nguyễn Đức Thuận nhất định không chịu chia cho chị gái một phần mảnh đất thừa kế của cha mẹ ở phường Ngọc Thụy, Long Biên. Đòi mãi không được, mẹ Lan của em phải nhờ đến pháp luật phân xử.
Tòa án tuyên mẹ con chị Lan được hưởng một nửa phần đất ấy, Thuận phải chịu nhưng tức tối, phẫn uất lắm. Do hoàn cảnh quá khó khăn, mấy mẹ con định bán phần đất đó đi để mua một căn nhà nhỏ hơn, phần tiền dư ra sẽ làm kế sinh nhai nhưng Thuận phá đám bằng cách cứ có khách đến xem đất là Thuận chửi. Thậm chí, nhiều lần Thuận còn dọa sẽ giết cả mấy mẹ con.
Mà Thuận không dọa. Thuận giết thật. Buổi sáng ấy, như thường lệ, hai mẹ con chị Lan ra bãi ngô ven sông Hồng thuộc tổ 36 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên để làm đồng thì Nguyễn Đức Thuận bỗng xuất hiện. Vẫn xung quanh chuyện bán đất, Thuận chửi bới hai mẹ con chị Lan không tiếc lời. Uất ức chị Lan cãi lại và hai bên xảy ra xô xát.
Trong cơn điên cuồng, Thuận đã dồn đuổi chị gái ra sát mép nước sông Hồng. Do sức yếu chị Lan không thể nào thoát khỏi sự truy đuổi của Thuận và tại mép sông khi đuổi kịp chị, Thuận đã lấy hết sức đẩy chị gái ruột, một phần máu thịt của chính mình ra xa bờ khoảng hơn một mét xuống sông. Nước sông dâng lên ngập đến qua vai chị Lan và trong cơn tuyệt vọng, chị Lan vừa vùng vẫy dưới nước vừa kêu cứu. Nhưng thay vì cứu chị thì dã man đến mất hết cả tính người, Thuận đã dùng tay vít đầu và ấn thật lực vào hai bả vai chị Lan để dìm chị xuống sâu hơn. Nước ngập đầu, biết chị Lan đã nghẹt thở nhưng Thuận vẫn không chịu buông tay mà cố ghìm giữ thêm khoảng 5 phút nữa với mục đích để cho chị gái mình chết hẳn. Con gái chị Lan do không biết bơi nên không dám nhảy xuống sông cứu mẹ mà chỉ biết đứng trên bờ khóc lóc thảm thiết để cầu xin cậu.
Hà kể lại rằng, em đã hét đến lạc cả giọng: "Cậu Thuận ơi, cứu mẹ cháu với, đừng giết mẹ cháu. Lôi mẹ cháu lên bờ đi không mẹ cháu chết mất!". Nhưng vô vọng. Thuận vờ như không nghe tiếng, quay gót bước đi, ra khỏi bãi sông về nhà, bình thản thay quần áo, như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Người đàn ông ấy mang hình hài của con người nhưng có trái tim của loài cầm thú.
Chị Lan bị nước cuốn trôi. Mãi mấy ngày sau người dân quanh vùng mới vớt được xác chị.
Một câu chuyện đau lòng khác, cũng vì đất, mới xảy ra cách đây ít lâu thôi, tại Long An. Nguyễn Văn Lích do tranh chấp với mẹ về đất đai đã chích điện vào người mẹ già khiến bà bất tỉnh.
Mà thôi, kể làm gì nữa cho thêm đắng lòng những câu chuyện đánh mất tình người. Khi đất đai hóa vàng thì tình người trở nên bạc bẽo, yêu thương trở thành xa xỉ. Mong làm sao, đừng có thêm những bi kịch ấy, bi kịch cạn tình vì... đất.
Theo GDVN
Con cười, vợ khóc trong phiên tòa đắng ngắt Ngay từ đầu phiên tòa, mọi người dự khán đều chú ý hai đứa trẻ, một chạy lon ton và một đang còn ẵm ngửa, cạnh là hai người mẹ trẻ. Không được phép vào trong phòng xử án, hai đứa trẻ được đưa ra ngoài chơi nhưng thằng bé cứ cố tìm cách chạy vào trong đến chỗ bố nó- một trong...