“Đối chiếu theo luật tôi có thể khẳng định Trịnh Xuân Thanh đi du lịch”
Cho ý kiến về dự án luật Du lịch (sửa đổi), Ủy viên Thường trực UB Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho rằng cần thay đổi khái niệm “ du lịch” vì không còn phù hợp thực tiễn. Nếu không, đối chiếu với quy định của luật thì có thể khẳng định Trịnh Xuân Thanh đi du lịch, chứ không phải bỏ trốn…
Dự án luật được đại diện Chính phủ trình xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội hôm nay, 19/9, trong khuôn khổ chương trình phiên họp thứ 3.
Ủy viên Thường trực UB Quốc phòng – An ninh Nguyễn Mai Bộ nhận xét, dự thảo luật đưa ra nghiêng về việc quản lý công dân nước ngoài vào Việt Nam và người Việt Nam đi du lịch ở nước ngoài. Hàm lượng quy định đối với việc người Việt Nam đi du lịch ở trong nước không nhiều.
Trước hết, về khái niệm “du lịch” (thể hiện tại khoản 1 Điều 3 về giải thích từ ngữ) là “các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tham dự hội nghị, hội thảo hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”.
Ông Nguyễn Mai Bộ cho rằng, đối chiếu theo luật, hoàn toàn có thể giải thích Trịnh Xuân Thanh đang đi… du lịch (ảnh: Quochoi.vn).
“Nếu với tư cách luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, với khái niệm luật như này, tôi sẽ khẳng định Trịnh Xuân Thanh đi du lịch (chứ không phải đi trốn mà phải truy nã – PV). Vì chuyên xét xử án hình sự, phân tích ngôn ngữ thể hiện tại khoản 1 Điều 3 dự thảo luật này, tôi sẽ trả lời thế” – ông Bộ nhấn mạnh, khái niệm đưa ra không thể hiện được bản chất của hoạt động du lịch.
Bản chất của du lịch là các hoạt động rời khỏi nơi cư trú của mình nhưng phải hợp pháp. Quy định trong dự thảo luật không nêu được 2 yếu tố bản chất đó, dẫn tới việc, áp dụng khái niệm này, trong lĩnh vực hình sự, có thể giải thích sự vắng mặt ông Trịnh Xuân Thanh là… đi du lịch. Một lần nữa nhấn mạnh phân tích này, ông Nguyễn Mai Bộ đề nghị xem lại khái niệm này, thể hiện cho đúng bản chất những hoạt động cần điều chỉnh.
Cũng hướng phân tích này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng nhận định, dự luật được trình vẫn tiếp nối quan điểm cũ về hoạt động du lịch – một người ra khỏi nhà trong vòng 1 năm để nghỉ ngơi, thư giãn… đều được coi là đi du lịch. Điều đó, theo ông Định, không còn đúng với tình hình thực tế. Thực tế, du lịch hiện tại là lĩnh vực kinh tế tổng hợp, phải gắn với hoạt động đầu tư, làm ăn.
Video đang HOT
Ông Định cũng kêu gọi thay đổi khái niệm “du lịch” đưa ra trong dự thảo luật.
Tại phiên thảo luận, các ủy viên UB Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất ý kiến cho rằng, ngành du lịch Việt Nam đang phát triển chậm, thấp hơn nhiều so với tiềm năng.
Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu dẫn chứng ngay chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa qua. Khi hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một thông tin người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa ra như một điểm sáng trong hoạt động hợp tác kinh tế, văn hóa giữa 2 nước là năm qua số khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam tăng mạnh, đạt con số 2 triệu người. Khi đó, ông Tập Cận Bình nói lại ngay là lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan còn lớn hơn nhiều lần.
Ví dụ khác ông Giàu đưa ra từ cuộc đón tiếp của Chủ tịch nước với đoàn đại biểu từ Nhật Bản. Theo đó, những người bạn Nhật sống không mấy xa xôi với Việt Nam nhưng đều xác nhận chưa biết nhiều đến sản phẩm du lịch Việt Nam, cả về danh lam thắng cảnh, về di tích lịch sử văn hóa. Trong khi đó, Nhật Bản là thị trường lớn với lượng du khách có sự chi tiêu lớn cho du lịch, hiểu biết về văn hóa và ham tìm hiểu. Để lỡ những đối tượng du khách như vậy, ông Giàu thốt lên: “thực sự đáng tiếc”!
P.Thảo
Theo Dantri
Dàn lãnh đạo PVC bị khởi tố: Có dấu hiệu sai phạm ở Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2?
Theo nguồn tin của Dân trí, việc ông Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Đức Thuận cùng một số cá nhân khác tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) bị khởi tố, điều tra có nội dung về việc sử dụng số tiền tạm ứng cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
Công trình Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1. Ảnh VGP.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư dự án. PVC được giao làm nhà thầu dự án này có nhiệm vụ thiết kế bản vẽ thi công, mua sắm hàng hoá, thiết bị vật tư, xây lắp, nghiệm thu, đào tạo và bàn giao vận hành...
Nhóm cán bộ chủ chốt của PVC là người trực tiếp ký duyệt các thủ tục về tài chính dự án nhà máy nhiệt điện có công suất thiết kết 1.200 MW với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).
Được biết, PVC đã ký hợp đồng EPC với Ban quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 - PVN với giá trị khoảng 918 triệu USD và 5.874 tỷ đồng. Cũng ngay trong năm 2011, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký hợp đồng EPC đã tạm ứng cho dự án này 1.312 tỷ đồng và 6,6 triệu USD.
Theo kết quả điều tra ban đầu, sau khi nhận được số tiền tạm ứng trên, PVC đã sử dụng 1.080 tỷ đồng để thanh toán nợ gốc vay ngân hàng 425 tỷ đồng; thanh toán lãi vay uỷ thác của Tập đoàn PVN 55 tỷ đồng; hỗ trợ vốn Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỷ đồng; hỗ trợ vốn công trình Vũng Áng 103 tỷ đồng; hỗ trợ vốn cá công trình khác 156 tỷ đồng.
Ngoài ra, PVC còn sử dụng số tiền trên để góp vốn vào 5 công ty con gồm: Công ty PVC-MS 102 tỷ đồng; Công ty PVC-Land 50 tỷ đồng; Công ty PVC-Hoà Bình 55 tỷ đồng; Công ty PVNC 30 tỷ đồng và Công ty PVC-Mekong 30 tỷ đồng. Đến nay có 3 công ty kinh doanh thu lỗ không thu hồi được vốn, PVC đã phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.
Với số tiền 50 tỷ đồng đầu tư vào PVC-Land, tính đến thời điểm ngày 31/12/2013, số tiền PVC đã đầu tư là gần 203,8 tỷ đồng, trong đó có 50 tỷ đồng sử dụng nguồn tiền 1.080 tỷ ở trên. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC-Land từ năm 2011 đến năm 2015 thua lỗ mất hết vốn điều lệ nên Tổng công ty PVC đã phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tài chính vào PVC-Land, đến ngày 31/12/2013 là gần 202,8 tỷ đồng, đến ngày 31/12/2015 là gần 158,8 tỷ đồng.
Với số tiền 30 tỷ đồng đầu tư vào PVC-Mekong, tính đến thời điểm ngày 31/12/2013 số tiền PVC đã đầu tư là hơn 153,5 tỷ đồng, trong đó có 30 tỷ đồng sử dụng nguồn tiền 1.080 tỷ đồng tạm ứng trên.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC-Mekong từ năm 2012 - 2015 cũng trong tình trạng thua lỗ mất hết vốn điều lệ nên PVC đã phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư tài chính vào đây. Số liệu cho thấy, đến ngày 31/12/2013 trích lập dự phòng 147,2 tỷ đồng, đến ngày 31/12/2015 là 153,4 tỷ đồng.
Với những việc quản lý, chi tiêu bất thường ở dự án này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ những vấn đề: Việc PVC đầu tư vào 2 công ty PVC-Land và PVC-Mekong có đúng với quy định của pháp luật không? Và việc hai công ty trên kinh doanh thua lỗ mất hết vốn điều lệ nên PVC đã phải trích lập dự phòng cho các khoản đã đầu tư vào 2 công ty này có gây thiệt hại không và mức độ thiệt hại như thế nào ?. Ông Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Đức Thuận có trách nhiệm gì trong những viêc này? Tất cả những điều này cũng cần một số bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đánh giá.
Liên quan tới dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, theo báo cáo tài chính hợp nhất của PVC, đến thời điểm tháng 6/2016, tổng giá trị hợp đồng tạm tính Tổng công ty đã ký với các nhà thầu phù cho công trình này đã vượt giá trị hợp đồng EPC ký.
Ngày 12/1/2016 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn đồng ý với kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án của Bộ Công Thương và giao Bộ Công Thương chỉ đạo PVN rà soát lại chi phí đầu tư trước khi phê duyệt điều chỉnh hợp đồng EPC.
"Tới thời điểm cuối tháng 6/2016, PVC cho biết Tổng công ty chưa ghi nhận bất kỳ khoản lãi/lỗ nào tại công trình này, doanh thu tại công trình này được ghi nhận tương ứng với chi phí của hợp đồng đã phát sinh mà việc được hoàn trả là tương đối chắc chắn", báo cáo của PVC cho biết.
Về việc rót vốn vào các công ty con dẫn đến tình trạng thua lỗ, báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán, giai đoạn năm 2011 - 2013 cũng đã chỉ ra rằng, PVC đã để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng, bao gồm hàng trăm tỷ đồng rót vốn cho các công ty con hoạt động không hiệu quả.
Trong số này phải kể đến khoản đầu tư hơn 300 tỷ đồng vào Công ty cổ phần thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC-ME). Theo kết luận của các cơ quan chức năng, sau 3 năm thành lập, PVC-ME đã để xảy ra thua lỗ hơn 576 tỷ đồng, dẫn đến mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và nợ nần chồng chất.
Bê bối tại công ty này được phát hiện và 11 người thuộc PVC-ME bị khởi tố về tội Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.Quá trình xét xử, cơ quan chức năng xác định PVC-ME lập quỹ trái phép hơn 85 tỷ đồng để sử dụng cho hoạt động đối ngoại, tiếp khách. Nhóm bị cáo liên quan đã gây thiệt hại cho công ty hơn 52 tỷ đồng.
Phương Dung
Theo Dantri
Thường vụ Quốc hội bàn về việc quản lý, sử dụng vũ khí Dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sẽ được trình UBThường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 3, bắt đầu hôm nay, 12/9, kéo dài gần trọn 2 tuần. Cụ thể, phiên họp thứ 3 của UB Thường vụ Quốc hội khai mạc ngày 12/9 và kéo đến 22/9....