Đội bóng Thái Lan kể lại “khoảnh khắc kỳ diệu” được giải cứu khỏi hang
12 thành viên trong đội bóng nhí Thái Lan và huấn luyện viên hôm nay 18/7 đã xuất viện sau chiến dịch giải cứu nghẹt thở và tham gia cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi được đưa ra khỏi hang.
(Ảnh: Reuters)
Cuộc họp báo kết thúc
Kết thúc buổi trả lời câu hỏi của truyền thông, các cầu thủ đội bóng Lợn Rừng đã nhận quà lưu niệm từ giới chức địa phương trước khi ra xe để trở về, bắt đầu một quá trình hồi phục cả về thể chất lẫn tâm lý bên gia đình và người thân.
4 thành viên đội bóng có thể được cấp quốc tịch
Liên quan đến vấn đề cấp quốc tịch cho huấn luyện viên Ekapol và 3 cầu thủ đội bóng, một quan chức địa phương cho biết, các thủ tục cấp quốc tịch cho 4 thành viên này đã được gửi đi. Quan chức này cũng gửi lời chúc của Nhà vua Thái Lan tới đội bóng.
Đi tu để tưởng nhớ cựu đặc nhiệm Kunan?
Các cầu thủ dự định sẽ đi tu để tưởng nhớ cựu đặc nhiệm Kunan. (Ảnh: Getty)
Truyền thông Thái Lan cho biết, gia đình 12 cầu thủ dự định thu xếp để tất cả cùng đi tu nhằm bày tỏ lòng biết ơn và tiếc thương với cựu đặc nhiệm Saman Kunan, người đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ giải cứu.
Khi được hỏi về kế hoạch này, huấn luyện viên Ekapol xác nhận cậu và các thành viên đội bóng sẽ đi tu để tưởng nhớ và tri ân cựu đặc nhiệm Kunan.
Bác sĩ cho biết, điều quan trọng lúc này là các em được đoàn tụ với gia đình và không bị làm phiền bởi các yếu tố bên ngoài bởi nếu bị tác động, cơ hội để trở lại cuộc sống bình thường của các em sẽ giảm đi.
Điều đầu tiên muốn làm khi trở về nhà? Sẽ nói gì với bố mẹ?
Các cầu thủ đã liệt kê ra hàng loạt món ăn yêu thích mà các em muốn ăn ngay khi trở về nhà sau gần 1 tháng. Về điều muốn nói với cha mẹ khi trở về, tất cả các cầu thủ đều có chung dự định sẽ nói lời xin lỗi. Một số em cho biết, các em đã giấu bố mẹ chuyện vào hang mà chỉ xin đi tập bóng. Một em khác cho biết đã xin phép bố mẹ vào hang chơi nhưng lại nói dối đó không phải hang Tham Luang. Một em cho biết, em sợ sẽ bị cha phạt.
Ai quyết định cầu thủ được giải cứu trước?
Ai được ra trước là hoàn toàn tự nguyện. (Ảnh: Nation)
Huấn luyện viên Ekapol cho biết, không ai trong đội tranh giành để ra trước. Cậu nói đùa rằng, nhà ai ở xa hang Tham Luang nhất được chọn ra trước.
Về phần mình, một bác sĩ tham gia giải cứu cho biết, khi đó sức khỏe của các cầu thủ được đánh giá ngang nhau, do vậy ai ra trước hay ra sau đều do tự nguyện. Tuy nhiên, cầu thủ Mark không thể ra ngoài trong 2 đợt giải cứu đầu tiên vì không có loại mặt nạ dưỡng khí vừa vặn với em.
Câu hỏi: Các cháu rút ra bài học gì, mơ ước điều gì?
Các cầu thủ Lợn Rừng chơi bóng trên sân khấu họp báo. (Ảnh: Reuters)
Trả lời câu hỏi của truyền thông, huấn luyện viên Ekapol cho biết, bài học lớn nhất mà cậu nhận được qua sự việc lần này đó là tình người nhân ái. Một cầu thủ khác cho biết: “Con hứa sẽ trở thành một người tốt, một công dân tốt”.
Chia sẻ về giấc mơ của bản thân, Titan, cầu thủ nhỏ tuổi nhất của đội, cho biết em muốn trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Trong khi đó, một cầu thủ khác nói em muốn hoặc trở thành cầu thủ hoặc trở thành đặc nhiệm hải quân. Ít nhất 4 cầu thủ trong đội bóng Lợn Rừng cho biết các em mơ ước sau này trở thành các đặc nhiệm hải quân.
Đặc nhiệm SEAL gần gũi như cha
Các cầu thủ cho biết, trong lúc chờ được giải cứu, các em và đặc nhiệm SEAL cùng chơi cờ vây với nhau. Một cầu thủ chia sẻ, em cảm thấy một trong các đặc nhiệm SEAL giống như cha mình bởi người ấy gọi cậu là “con”.
Câu hỏi: Các cầu thủ nghĩ về điều gì khi bị đói?
Một cầu thủ cho biết em nghĩ về món cơm rang.
Theo Ekapol, một số thành viên trong đội nghĩ rằng sẽ có đường ra khỏi hang vì thế cả đội đã di chuyển lùi về phía sau.
“Chúng cháu nghe thấy tiếng nước đang chảy về phía mình khi chúng cháu chờ người tới giải cứu. Nước dâng cao gần 3m. Chúng cháu không thấy nghe thấy tiếng mưa rơi bên ngoài”, Ekapol nhớ lại.
Huấn luyện viên trấn an
Huấn luyện viên Ekkapol Chantawong
Theo Ekapol, vào thời điểm đó, một cầu thủ trong đội đã hỏi rằng có phải đã bị lạc đường không. Tuy nhiên, huấn luyện viên đã trấn an rằng họ không bị lạc đường và có thể ra khỏi hang bằng dây thừng.
Ekapol cho biết các cầu thủ nhí đã cố gắng đào lối đi trước tiên. Ekapol cũng tìm cách trấn an các học trò rằng không phải lo lắng vì nước sẽ rút xuống vào ngày mai.
“Chúng cháu nhìn thấy nước nhỏ xuống từ vách hang, vì thế chúng cháu đã chọn chỗ ngồi ở gần nguồn nước. Khi đó chúng cháu không cảm thấy sợ vì vẫn nghĩ rằng nước sẽ rút và sẽ có người tới cứu”, Ekapol nói.
Theo Ekapol, anh cố gắng khích lệ tinh thần của các học trò và cố gắng tìm nước để uống từ các vách hang. Theo Ekapol, đó là nước sạch. Do không có đồ ăn nên cả đội bóng chỉ có thể uống nước.
Các cầu thủ có tinh thần rất tốt sau thời gian điều trị tại bệnh viện
Tại sao đi vào hang Tham Luang?
Huấn luyện Ekapol cho biết tất cả các thành viên trong đội bóng đều nhất trí đi vào hang. Sau đó, các cầu thủ đã nhìn thấy nước chảy vào hang và tính đến việc rời khỏi hang. Ekapol cho biết cả đội không phải đi vào hang để tổ chức sinh nhật cho một cầu thủ như truyền thông đưa tin.
“Chúng cháu biết là đã bị mắc kẹt trên đường về. Chúng cháu biết sẽ bị ướt và phải bơi. Chúng cháu đều biết bơi. Nói chúng cháu không biết bơi là không đúng, sau mỗi trận bóng chúng cháu đều đi bơi. Chúng cháu không biết nước sẽ dâng lên cao đến mức nào”, Ekapol kể lại.
Không tin khi có người vào hang sau 9 ngày mắc kẹt
Câu hỏi: Cảm giác như thế nào khi nhìn thấy lần đầu các thợ lặn Anh sau 9 ngày mắc kẹt trong hang?
Một cầu thủ tên là Dul cho biết khi cả đội nghe thấy có tiếng người nói, họ không tin là có ai đó trong hang. Cầu thủ Mick, người có một ngọn đuốc, khi đó đã lại gần các thợ lặn Anh.
“Khi chú ấy nổi lên cháu đã nói “xin chào”. Cháu ngạc nhiên khi chú ấy không phải là người Thái Lan. Đó là khoảnh khắc kỳ diệu. Cháu đã nói với chú ấy là chúng cháu vẫn ổn”, cầu thủ tên Dul nói.
Trước đó, hai thợ lặn Anh là những người đầu tiên phát hiện ra đội bóng Lợn Rừng vẫn còn sống trong hang Tham Luang hôm 2/7, 9 ngày sau khi đội bóng bị phát hiện mất tích.
Ekapol, huấn luyện viên đội bóng, cho biết anh đã giục Dul dịch lại những gì thợ lặn Anh vừa nói khi phát hiện ra đội bóng. Ekapol nhớ lại rằng khi đó Dul đã nhắc cả đội giữ bình tĩnh.
Toàn bộ 12 thành viên của đội bóng và huấn luyện viên đều tham dự họp báo
Các cầu thủ tự giới thiệu
Từng thành viên trong đội bóng Lợn Rừng sẽ đứng lên giới thiệu tên của mình trong cuộc họp báo. Người đầu tiên giới thiệu là Ekapol – huấn luyện viên 25 tuổi của đội bóng.
3 đặc nhiệm SEAL của Hải quân Thái Lan – những người đã ở bên cạnh hỗ trợ các cầu thủ khi còn mắc kẹt trong hang Tham Luang cũng giới thiệu tên trong cuộc họp báo.
Tăng trung bình 3 kg
Một bác sĩ điều trị cho các cầu thủ cho biết các em tăng trung bình 3 kg kể từ khi được giải cứu khỏi hang Tham Luang.
“Các em đều khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần”, nữ bác sĩ cho biết trong cuộc họp báo.
Một quan chức y tế Thái Lan cho biết sức khỏe của các cầu thủ đã hồi phục. Tất cả đều đang chờ đợi được về nhà để thưởng thức các món ăn cùng với gia đình. Vị quan chức này khẳng định cả đội bóng Lợn Rừng đã có thể quay về cuộc sống bình thường.
Một bác sĩ tâm lý khác cho biết đội bóng đều tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ.
Các cầu thủ đã có mặt tại cuộc họp báo
Các cầu thủ giơ tay cảm ơn khi xuất hiện trong vòng vây của giới truyền thông chiều ngày 18/7
Các thành viên trong đội bóng nhí Thái Lan đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình khi bước vào hội trường tỉnh Chiang Rai. Trên sân khấu, một đoạn clip ghi lại quá trình điều trị và chăm sóc cho đội bóng trong bệnh viện đã được chiếu.
Đội bóng sẽ hát ca khúc cảm ơn và có thể sẽ trực tiếp chơi bóng trên sân bóng mini được dựng tại hội trường.
Hơn 100 câu hỏi đã được chuẩn bị
Hơn 100 câu hỏi đã được các phóng viên gửi cho các bác sĩ. Họ sẽ xem xét các câu hỏi này trước khi gửi tới đội bóng trả lời.
Mặc đồng phục rời bệnh viện
Đội bóng thiếu niên Thái Lan xuất viện sau cuộc giải cứu thần kỳ
Các cầu thủ “nhí” đã xuất viện (Ảnh: ThaiPBSnews)
Những hình ảnh đầu tiên do truyền thông Thái Lan công bố cho thấy các cầu thủ nhí đều mặc đồng phục của đội bóng Lợn Rừng khi rời bệnh viện.
“Bọn trẻ đã rời đi rồi. Xe đã chuyển bánh rồi”, một nhân chứng có mặt tại bệnh viện cho biết.
Các nhà chức trách Thái Lan dự kiến dành 45 phút để tổ chức họp báo. Cuộc họp báo sẽ truyền hình trực tiếp trên hàng chục kênh.
“Truyền thông có thể đặt câu hỏi cho bọn trẻ, và sau đó chúng có thể quay về cuộc sống bình thường và truyền thông không được phép làm phiền nữa”, phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan Sunsern Kaewkumnerd nói với AFP.
Kế hoạch sau khi xuất viện
Theo Guardian, sau khi xuất viện, các cầu thủ nhí có thể sẽ đi tu trong chùa một thời gian để tưởng nhớ cựu đặc nhiệm Hải quân Thái Lan Saman Kunan – người đã hy sinh khi tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng.
“Chúng tôi đã lên kế hoạch vào chùa và sẽ thực hiện bất kỳ khi nào tất cả các gia đình sẵn sàng”, Banphot Konkum, cha của cầu thủ 13 tuổi Duangpetch Promthep, đã chia sẻ với hãng thông tấn AP.
Trở thành một nhà sư để tu tập trong chùa, dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn, được xem là cách để bày tỏ lòng biết ơn theo truyền thống Phật giáo của Thái Lan.
Một sân bóng mini được dựng lên tại địa điểm tổ chức họp báo. (Ảnh: Vincent Thian)
Xuất viện sớm hơn dự kiến
12 cầu thủ nhí và huấn luyện viên của đội bóng Lợn Rừng đã xuất viện sớm hơn một ngày so với dự kiến. Giới chức Thái Lan cho biết tình hình sức khỏe của cả 13 người đã ổn định sau một thời gian được chăm sóc tại bệnh viện ở Chiang Rai.
Tuy nhiên giới chức Thái Lan lo ngại tâm lý của các em có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc bỗng chốc nổi tiếng và trở thành tâm điểm của truyền thông. Đó là lý do họ quyết định tổ chức một cuộc họp báo để giới chức trách và đội bóng trả lời những thắc mắc của truyền thông.
Các phóng viên sẽ phải gửi câu hỏi trước và sẽ được một chuyên gia tâm lý đánh giá trước khi quyết định có đưa vào nội dung họp báo hay không.
Ông Passakorn Bunyalak, phó tỉnh trưởng Chiang Rai, cho hay sau cuộc họp báo các em sẽ được về nhà và ông cũng đã đề nghị cha mẹ các em cũng như các phóng viên không phỏng vấn các em trong ít nhất 30 ngày.
Đội bóng nhí Thái Lan xuất viện để tới nơi tổ chức họp báo (Ảnh: EPA)
Đội bóng và huấn luyện viên xuất viện
Theo CNN, toàn bộ 12 cầu thủ nhí trong đội bóng Lợn Rừng và huấn luyện viên hôm nay 18/7 đã rời khỏi bệnh viện Chiang Rai Prachanukroh tại Thái Lan.
Cả đội bóng chuẩn bị xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên trong cuộc họp báo được tổ chức trước khi các em trở về nhà vào tối nay.
Theo Guardian, hiện chưa có thông tin chính xác về số cầu thủ nhí sẽ xuất hiện tại cuộc họp báo. BBC đưa tin sẽ chỉ có những cầu thủ cảm thấy thoải mái khi tiếp xúc với truyền thông mới có mặt tại cuộc họp báo.
Đội bóng Thái Lan gồm 12 thiếu niên và huấn luyện viên đã mắc kẹt trong hang sâu ngập nước ở Chiang Rai từ ngày 23/6. Sau 18 ngày mắc kẹt, toàn bộ đã được cứu thoát an toàn từ ngày 8-10/7.
Các thành viên của đội bóng Lợn Rừng (Ảnh: AFP/Getty)
Các cầu thủ nhí đang được chăm sóc trong bệnh viện tại Chiang Rai (Ảnh: Reuters)
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Thợ lặn từng lo sợ 5 thiếu niên sẽ chết khi được cứu khỏi hang Thái Lan
Các thợ lặn kể lại những tình huống nguy hiểm tới mức có khả năng gây thương vong trong quá trình giải cứu đội bóng nhí Thái Lan mắc kẹt.
Đội cứu hộ di chuyển các thiếu niên Thái Lan bằng hệ thống dây lắp đặt trong hang. Ảnh:Thai Navy SEAL.
Trong chương trình Four Corners của Australia phát sóng tối 16/7, các thợ lặn tham gia giải cứu đội bóng nhí Lợn Hoang mắc kẹt trong hang Tham Luang ở Thái Lan đã tiết lộ những chi tiết mới đáng kinh ngạc về chiến dịch, theo News.com.au.
"Khả năng thành công của chiến dịch giải cứu rất thấp. Tôi từng cho rằng chúng tôi phải chấp nhận có thương vong. Có thể ba, 4, hoặc 5 đứa trẻ sẽ thiệt mạng", thiếu tá Charles Hodges, người phụ trách nhóm quân nhân Mỹ tham gia cứu nạn, cho biết.
"Đó là một trong những việc khó khăn và nguy hiểm nhất tôi từng làm, không chỉ đối với sự an toàn của tôi, mà còn đối với những người tôi chịu trách nhiệm giải cứu. Nhưng đó là lựa chọn duy nhất của chúng tôi, và chúng tôi đã thực hiện", thợ lặn người Anh Jason Mallinson kể lại.
Mallinson cùng các thợ lặn người Anh khác được giao nhiệm vụ đưa các thiếu niên mắc kẹt qua những điểm phức tạp và nguy hiểm nhất trong hang Tham Luang bằng cách lần theo dây dẫn đường để xác định phương hướng trong vùng nước tối tăm.
"Chúng tôi lặn xuống với những đứa trẻ. Tùy thuộc vào cách đặt dây, chúng tôi có thể giữ các cậu bé ở bên phải, bên trái, sau lưng hoặc phía trước", Mallinson cho biết, nói thêm rằng quá trình này gây "kiệt quệ về tinh thần", đặc biệt trong ngày cuối cùng, bởi nước đục đến mức hoàn toàn không nhìn thấy gì.
Thợ lặn chật vật luồn lách trong hang nơi đội bóng nhí mắc kẹt.
"Tôi phải giữ các cậu bé thật gần, nếu không đầu của chúng đập vào đá. Va đập mạnh sẽ khiến mặt nạ lặn rơi ra, gây nguy hiểm tới tính mạng của chúng. Đó là lý do chúng tôi phải hành động thật chậm và cẩn thận để các cậu bé không va vào đá", thợ lặn Anh cho biết.
Mallinson mô tả ông phải lấy thân mình che cho các cậu bé và để đầu mình va vào đá trước, bởi chỉ bằng cách đó mới tránh được va chạm cho các em khi lặn trong vùng nước có tầm nhìn bằng 0. Các thợ lặn trước đó đã tập luyện giải cứu tại một hồ bơi trong vùng với các trẻ em tình nguyện để đánh giá tính khả thi của phương án giải cứu.
Tại một số điểm, các thiếu niên được tháo mặt nạ lặn và đặt lên cáng. Ở những khu vực khác, các em lại được di chuyển bằng hệ thống ròng rọc lắp đặt trong hang bởi việc đi bộ qua bùn lầy quá nguy hiểm.
Các thiếu niên được đặt lên cáng khi đưa ra khỏi hang.
Trong hành trình dài gần 5 km, các thiếu niên được dùng thuốc an thần nhẹ để tránh hoảng sợ. Việc này nguy hiểm đến mức chính phủ Australia phải thỏa thuận với Thái Lan để xin lệnh miễn trừ truy cứu trách nhiệm cho các bác sĩ và thợ lặn nước này trong trường hợp có biến cố.
Các chuyên gia lặn hang động người Australia Richard Harris và Craig Challen được ca ngợi như những người hùng vì vai trò then chốt của họ trong chiến dịch giải cứu, đặc biệt là Harris bởi ông là người đánh giá tình trạng của nhóm thiếu niên trong 9 giai đoạn khác nhau của hành trình để đảm bảo các em có thể tiếp tục. "Không có ông ấy, chúng tôi không thể tiến hành giải cứu. Ông ấy nói chuyện với lũ trẻ, giữ bình tĩnh cho các em", Mallinson kể lại.
Thông tin trước đó cho biết bác sĩ Harris là người quyết định ai được ra trước, nhưng Challen nói rằng quyết định phụ thuộc vào các thiếu niên, huấn luyện viên và các đặc nhiệm SEAL Thái Lan ở cùng họ. "Harry không lựa chọn, nên tôi nghĩ các cậu bé dũng cảm nhất đã ra trước", ông nói.
Thiếu tá Hodges cho biết phải mất 4-5 tháng nếu đợi nước trong hang Tham Luang rút hết. Thậm chí khi mỗi người dùng khẩu phần ăn tối thiểu một bữa mỗi ngày, đội cứu hộ vẫn cần đưa tới 1.800 suất ăn vào hang, nên phương án này không khả thi. Dù có những cách khác được đề xuất như khoan vách núi hoặc đặt các cậu bé vào kén nilon với bình khí, lặn vẫn được cho là cách tốt nhất.
Đội cứu hộ đa quốc gia với tổng cộng hơn 10.000 người đã tiến hành ba chiến dịch giải cứu từ ngày 8/7 đến 10/7 và đưa toàn bộ 13 thành viên đội bóng Lợn Hoang mắc kẹt trong hang Tham Luang từ ngày 23/6 ra ngoài thành công. Hôm nay, các cậu bé và huấn luyện viên sẽ có buổi họp báo trước khi trở về với nhịp sống bình thường.
Ánh Ngọc
Theo VNE
Tiết lộ về những ngày đội bóng Thái 'mỏi mòn' trong hang Trước khi được hai thợ lặn người Anh tìm thấy, 12 cầu thủ đội bóng Lợn Hoang và huấn luyện viên của các em ngày ngày dùng các mẩu đá để đào hố với hy vọng thoát khỏi hang Tham Luang ngập nước. . Nhân viên y tế quân sự Pak Loharnshoon ở cùng đội bóng suốt hành trình giải cứu hé lộ,...