Đội bóng Anh thành công, nhưng đội tuyển Anh vẫn là kẻ thất bại
Các CLB Anh đang thống trị cúp châu Âu với 2 trận chung kết toàn Anh, nhưng đó có thực sự là dấu hiệu đáng mừng với bóng đá xứ sở sương mù?
Sau khi Liverpool và Tottenham tạo nên những cuộc lật đổ vĩ đại để tiến vào chung kết Champions League thì tại Europa League, Arsenal và Chelsea cũng không mắc phải sai lầm nào để góp mặt ở trận đấu cuối cùng, qua đó tạo nên 2 trận chung kết toàn Anh, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử.
Những chiến tích này khiến CĐV bóng đá Anh đang ngất ngây trong men say chiến thắng và cất vang câu hát “football is coming home” (mang bóng đá trở về nhà).
Thành công ở cấp CLB không mang tới thành công cho đội tuyển Anh.
Các đội bóng Anh đang gặt hái thành công, nhưng nhìn sang đội tuyển Anh, có bao giờ người hâm mộ cảm thấy mủi lòng? Và liệu, bóng đá có thực sự đang quay trở về nhà hay không?
Khi người “đóng hòm” trận đấu đều là “lính đánh thuê”
Liverpool đè bẹp Barca 4-0 trên sân Anfield, Tottenham ngược dòng thần kỳ với 3 bàn thắng trong hiệp 2 để thắng ngược Ajax ngay trên sân khách, Arsenal đánh sập “hang dơi” Mestalla của Valencia với chiến thắng 4-2, còn Chelsea vất vả vượt qua Frankfurt trên loạt sút luân lưu đầy kịch tính.
Dù bằng cách này hay cách khác, các đại diện của nước Anh đều đã có mặt trong trận chung kết. Thế nhưng, có một điểm chung dễ nhận ra rằng trong số những người hùng của 4 đội bóng này, những người “đóng hòm” kết quả trận đấu, không có lấy nổi một cái tên bản địa.
Lucas Moura là tâm điểm trong đêm Amsterdam kỳ diệu của các cầu thủ Tottenham với 1 cú hat-trick.
Trước Barca, Divock Origi (Bỉ) và Giorginio Wijnaldum (Hà Lan) là những người tỏa sáng để mang về tấm vé thông hành cho Liverpool. Tại Amsterdam, sân khấu thuộc về Lucas Moura (Brazil) với cú hat-trick, qua đó tạo nên một trong những màn lội ngược dòng điên rồ nhất trong lịch sử Champions League.
Tới Mestalla, đôi “trọng pháo” Pierre-Emerick Aubameyang (Gabon) và Alexandre Lacazette (Pháp) tiếp tục khai hỏa giúp Arsenal bắn sập “hang dơi”. Trước đó, trong trận lượt đi, cũng chính bộ đôi này là những người tỏa sáng giúp Arsenal lội ngược dòng sau khi đã bị đội khách dẫn trước.
Còn với Chelsea, dù Ruben-Loftus Cheek là người ghi bàn mở tỷ số nhưng người hùng thực sự của họ phải là Kepa Arrizabalaga khi thủ thành người Tây Ban Nha xuất sắc cản phá 2 quả phạt đền, qua đó giúp The Blues nhọc nhằn vượt qua Frankfurt. Trước đó, ở trận lượt đi trên đất Đức, một người Tây Ban Nha khác là Pedro cũng là cầu thủ ghi bàn duy nhất cho Chelsea.
Trong những thời khắc quan trọng đòi hỏi bản lĩnh, chúng ta đều không thấy sự xuất hiện của những người Anh. Và liệu, các đội bóng có thực sự cần tới những người Anh để đạt được những thành tích kể trên?
Arsenal giành chiến thắng với đội hình gồm 13/14 cầu thủ ra sân là những người ngoại quốc.
Các cầu thủ Anh đang ở đâu?
4 đội bóng Anh lọt vào chung kết, nhưng có một thực tế đáng buồn rằng ngoài trường hợp của Harry Kane, Dele Alli và Kieran Trippier, vai trò của những cầu thủ người Anh tại đội bóng chủ quản là khá bấp bênh và mờ nhạt.
Danny Rose, một tuyển thủ Anh vẫn phải hàng ngày cạnh tranh suất đá chính nơi hành lang trái với Ben Davies. Điều tương tự cũng xảy tới với Eric Dier và Harry Winks, thậm chí, bộ đôi này còn đang tỏ ra thất thế trong cuộc đua với những tiền vệ cao to, giàu cơ bắp đó là Victor Wanyama và Moussa Sissoko.
Tại Liverpool, Trent-Alexander Arnold và Jordan Henderson vừa tỏa sáng rực rỡ trong chiến thắng 4-0 của đội nhà trước Barca. Tuy nhiên, khác với những Mohamed Salah hay Sadio Mane, đây không phải những cái tên không thể thay thế trong đội hình The Kop.
Arnold đá hay, nhưng chưa phải là một ngôi sao thực sự tại Liverpool.
Trên sân Camp Nou, HLV Juergen Klopp từng cất Arnold trên băng ghế dự bị để thay thế bằng Joe Gomez. Còn với Henderson cũng không phải là nhân tố quan trọng trong lối chơi của Liverpool.
Ở đội hình Liverpool hiện tại, tuyển thủ Anh duy nhất có thể chắc suất đá chính nếu khỏe mạnh là Alex-Oxlade Chamberlain. Tuy nhiên, Chambo đã phải rời xa sân cỏ hơn 1 năm, và không ai dám chắc liệu anh có thể lấy lại phong độ đỉnh cao của mình hay không.
Dù sao, tình hình của những cầu thủ bản địa tại 2 đội bóng này vẫn khả quan hơn rất nhiều so với khung cảnh ảm đạm đang diễn ra tại Arsenal và Chelsea.
Ruben-Loftus Cheek đang có một mùa giải ấn tượng và dần khẳng định chỗ đứng trong đội một của Chelsea với những màn trình diễn ấn tượng. Ở trận lượt về gặp Frankfurt, chính tiền vệ này là người ghi bàn mở tỷ số cho đoàn quân của HLV Maurizio Sarri.
Tuy nhiên, với việc vị HLV người Italy muốn giữ Mateo Kovacic ở lại, có lẽ ông vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào cầu thủ người Anh. Và Cheek sẽ còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để có được niềm tin của HLV trưởng đội bóng.
Bên cạnh Cheek, Chelsea còn một tuyển thủ Anh khác là Ross Barkley. Tuy nhiên, niềm hy vọng một thời của bóng đá Anh giờ đã không còn là chính mình, và thật khó để anh có thể cạnh tranh suất chính thức trong đội hình The Blues.
Loftus Cheek vẫn phải phấn đấu rất nhiều nếu muốn chắc suất trong đội hình Chelsea.
Thê thảm nhất trong số này có lẽ chính là trường hợp của Arsenal khi ở trận bán kết lượt về, HLV Unai Emery sử dụng tới 13/14 cầu thủ là người ngoại quốc. Cái tên bản địa duy nhất góp mặt trong đội hình là Ainsley-Maitland Niles.
Dù đá chính nhưng rõ ràng, cầu thủ 22 tuổi chỉ là phương án tình thế của HLV Emery trong bối cảnh Hector Bellerin gặp chấn thương dài hạn. Khi hậu vệ người Tây Ban Nha trở lại và lấy lại cảm giác bóng tốt nhất, sẽ thật khó để Niles có thể chen chân vào đội hình chính của “Pháo thủ”. Và khi đó, Arsenal sẽ trở thành đội bóng “của người Anh mà không phải của người Anh”.
Giữa bộn bề lời ngợi ca, trong men say chiến thắng vẫn là muôn trùng lo lắng bủa vây. Các đội bóng Anh có thể thành công, nhưng cầu thủ của họ vẫn đang gặp muôn vàn trắc trở. Để đưa đội tuyển của họ vươn tới đỉnh cao, để mang bóng đá thực sự trở về nhà, sẽ còn là một chặng đường dài với vô số điều phải làm dành cho người Anh ở phía trước.
Cầu thủ Tottenham ăn mừng cuồng nhiệt sau chiến thắng lịch sử. Trong phòng thay đồ, các cầu thủ Tottenham không giấu được sự sung sướng sau chiến thắng nghẹt thở trước Ajax để lọt vào trận chung kết Champions League lần đầu tiên trong lịch sử.
Theo Zing
Bóng đá Anh lên đỉnh châu Âu nhờ cách làm khoa học
Việc cả 4 đội bóng Anh đều góp mặt trong 2 trận chung kết cúp châu Âu có thể bất ngờ về mặt kết quả, nhưng là hoàn toàn hợp lý nếu xét trên góc độ phát triển bóng đá bài bản.
11 năm sau ngày Chelsea và MU gặp nhau tại trận chung kết Champions League 2008, nước Anh một lần nữa ưỡn ngực tự hào bằng một trận chung kết trên đỉnh châu Âu.
Để rồi sự tự hào còn tăng gấp bội khi đúng 1 ngày sau, Chelsea và Arsenal ghi tên mình vào trận chung kết Europa League. Chưa từng có một nền bóng đá nào tạo ra sự thống trị lớn như Premier League trên bình diện lục địa già.
Rốt cuộc chuyện gì đã diễn ra, để một nền bóng đá bóng vươn tới vị trí thống trị ấy sau 6 năm hoàn toàn trắng tay ở giải đấu cấp cao nhất là UEFA Champions League?
Liverpool là lá cờ đầu của bóng đá Anh tại Champions League mùa này. Ảnh: Getty..
Sự thay đổi về tư duy
Trong quá khứ, Serie A từng hùng bá châu Âu trong thập kỷ 90. Chỉ 2 trong số 10 mùa giải cúp C1/Champions League trong giai đoạn 1989-1999 không có đại diện của bóng đá Italy trong trận chung kết.
Sự thống trị của bóng đá Italy trong thập niên 90 ấy ghi dấu ấn của những đồng lire trải khắp châu Âu. Đằng sau mỗi CLB là những ông trùm đứng đầu các doanh nghiệp mạnh bậc nhất quốc gia. Với AC Milan là Silvio Berlusconi với gia tài địa ốc cùng cơ nghiệp chính trị, Parma là công ty bơ sữa nổi tiếng Parmalat, còn Juve là nhà Agnelli với hãng xe trứ danh FIAT.
Bóng đá Anh từng có giai đoạn vàng son vào giữa những năm 2000 nhờ khả năng vung tiền mua các ngôi sao. Ảnh: Getty.
Mạnh vì gạo, bạo vì tiền, Serie A vung tiền để chiêu mộ hàng loạt ngôi sao. Trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, họ phá hàng loạt kỷ lục chuyển nhượng, và dĩ nhiên có được thành công.
Premier League từng lấy công thức đó để làm nên thành công trong giai đoạn giữa những năm 2000. Các CLB Anh liên tục vung tiền ra chiêu mộ ngôi sao, đắp lên mình những chiếc mặt nạ bóng bẩy của tiền bạc. Trong 5 mùa giải từ 2004-2009, luôn có ít nhất 1 CLB Anh có mặt trong trận chung kết Champions Leauge.
4 CLB Anh lọt vào trận chung kết Champions Leauge và Europa League mùa này không hoàn toàn được xây dựng từ những đồng tiền như thế. Đúng là Liverpool đã chi 164 triệu bảng để tăng cường lực lượng trong mùa giải này, nhưng chừng đó không thấm tháp là bao so với những khoản khổng lồ mà Barcelona, PSG ném ra vào mỗi kỳ mua bán.
Tottenham, Chelsea hay Arsenal đều là những mẫu CLB chi tiêu bình thường (trường hợp Tottenham có thể coi là dè sẻn). Họ phát triển bóng đá từ dưới lên khi đặt nhân vật quan trọng nhất của CLB là HLV, rồi mới tới các cầu thủ.
HLV Juergen Klopp không giành được danh hiệu nào từ khi dẫn dắt Liverpool nhưng vẫn được BLĐ CLB ủng hộ tuyệt đối. Ảnh: Getty.
Juergen Klopp, Mauricio Pocchettino, Maurizio Sarri hay Unai Emery đều là những nhà cầm quân hoạch định chiến lược phát triển CLB trong thời gian dài, chứng không phải mẫu gặt hái thành công ngay lập tức.
Nói cách khác, Liverpool, Tottenham, Arsenal hay Chelsea đều phần nào chấp nhận việc họ có thể trắng tay để phát triển bóng đá một cách có định hướng. Thành công trong bóng đá với những CLB này là một quá trình, chứ không phải thành quả nhất thời.
Những gì họ đang có là câu trả lời cho tư duy tiến bộ đó.
Chiến lược dài hạn của người Anh
Quản lý đội của ĐT Đức, Oliver Bierhoff trong buổi phỏng vấn vào tháng 11/2017 với tờ Guardian tin rằng người Anh đang dần vượt mặt người Đức trong công tác đào tạo trẻ với học viện St George's Park cùng việc áp dụng công nghệ vào công tác huấn luyện.
Những tiên đoán của Bierhoff đã trở thành sự thật khi Anh về thứ tư tại World Cup 2018, trong khi Đức bị loại ngay từ vòng bảng. Cùng với sự vụt sáng của Pháp, Đức đang dần tụt lại trong cuộc đua những nền bóng đá phát triển nhất tại châu Âu.
Alexander Arnold, cầu thủ kiến tạo bàn quyết định giúp Liverpool đánh bại Barca 4-0, chính là biểu tượng cho sự thành công trong công tác đào tạo trẻ của người Anh. Ảnh: Getty.
Và điều đó có ngẫu nhiên hay không khi ngay trong mùa giải đầu tiên hậu World Cup, các CLB Anh bỗng thống trị cúp châu Âu?
Ngoài việc đào tạo bóng đá trẻ tốt với những sản phẩm như Delle Ali (Tottenham), Raheem Sterling (Man City), Alexander-Arnold (Liverpool), Loftus-Cheek (Chelsea)..., người Anh còn áp dụng công nghệ chất lượng cao vào trong công tác huấn luyện.
Nếu như người Đức có Footbonout, công nghệ giúp cầu thủ rèn luyện khả năng phán đoán tình huống bằng căn phòng bắn bóng ngẫu nhiên, thì giờ đây người Anh có ICON, cỗ máy với công nghệ gần tương tự Footbonout nhưng cho ra số lượng cú sút vượt trội hơn, từ đó giúp những cầu thủ phán đoán tình huống tốt hơn.
Thậm chí, ICON còn có nhiều phiên bản rẻ hơn rất nhiều so với Footbonout (phiên bản mini chỉ có giá 20.000 bảng so với hơn 2 triệu bảng của công nghệ Đức). Tại Liverpool, Arsenal, Chelsea hay Tottenham đều có những cỗ máy theo kiểu ICON như thế.
Cỗ máy ICON luyện khả năng phán đoán cho cầu thủ của người Anh chỉ có giá 20 nghìn bảng. Ảnh: Getty.
Sự thành công của các CLB Anh là kết quả của những quá trình làm bóng đá bài bải trong một thời gian dài, kết hợp cùng với những bộ óc tài năng trên ghế huấn luyện.
Việc cả 4 đội bóng Anh đều góp mặt trong 2 trận chung kết cúp châu Âu có thể bất ngờ về mặt kết quả, nhưng là hoàn toàn hợp lý nếu xét trên góc độ phát triển bóng đá có định hướng.
Theo Zing
Bóng đá Anh hạ bệ Tây Ban Nha để làm bá chủ châu Âu Thành công của bóng đá Anh mùa này không đến từ sự ngẫu nhiên, bởi họ đang có giải đấu được coi là hay nhất hành tinh và các CLB cũng giàu tính cạnh tranh. Lần đầu tiên trong lịch sử cả hai trận chung kết cúp châu Âu trở thành những cuộc đấu nội bộ của người Anh. Liverpool gặp Tottenham ở...