Đôi bạn thân ở Quảng Nam chế tác đèn ngủ độc lạ, tỏa mùi thơm, giúp ngủ ngon
Xuất ngũ về quê, đôi bạn thân ở huyện Tiên Phước ( Quảng Nam) đã tận dụng nguyên liệu có sẵn ở địa phương, cùng nhau mở xưởng sản xuất đèn ngủ bằng trầm hương.
Những ngày đầu tháng 12, Võ Hiền và Phạm Minh Đức (cùng SN 2000, trú xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước) tỉ mẩn làm đèn ngủ bằng trầm hương để chuẩn bị cho hàng bán Tết.
Sinh ra và lớn lên ở thủ phủ của cây dó bầu (loại cây có thể tạo ra mùi thơm tự nhiên), nên từ nhỏ Hiền và Đức đã học hỏi, tiếp thu được nhiều kinh nghiệm chế tác trầm hương từ các bậc tiền bối ở quê nhà.
Năm 2021, họ lên đường nhập ngũ và đóng quân ở Bình Định. Ngày về lại địa phương, sẵn kinh phí trợ cấp dành cho bộ đội xuất ngũ, cuối năm 2023, đôi bạn thân cùng nhau góp vốn và vay thêm 200 triệu đồng để mở xưởng chế tác trầm cảnh.
Hiền và Đức thuê mặt bằng rộng khoảng 100m2 để mở xưởng chế tác trầm hương
Những ngày đầu mở xưởng, Hiền và Đức gặp khó vì phần lớn các cơ sở chế tác trầm cảnh ở địa phương đều đã có lượng khách hàng ổn định, khó cạnh tranh.
Để sản phẩm dễ tiếp cận với khách hàng mới, hai chàng trai đã nảy ra ý tưởng làm đèn ngủ trang trí bằng trầm cảnh.
“Nguyên liệu sản xuất đèn ngủ được mua lại từ người dân trong vùng. Do lúc đầu chưa ai làm đèn ngủ bằng trầm hương nên chúng tôi phải tự ngiên cứu, chế tạo những chiếc máy phù hợp để sử dụng.
Mẫu mã chưa có nên phải tự thiết kế, mất 3 tháng mới cho ra đời sản phẩm đầu tay”, Hiền chia sẻ.
Hiền vẽ trước họa tiết lên miếng gỗ cây dâu đất, sau đó dùng máy để phay tiện, chạm trổ tạo hình dáng đế đèn.
Cây dó bầu được đục đẽo hết phần gỗ, chỉ để lại phần trầm để làm thân đèn
Sau một năm đi vào hoạt động, đôi bạn đã chế tác ra hàng trăm chiếc đèn ngủ trầm hương với nhiều hình dáng khác nhau.
Giá sản phẩm phụ thuộc vào giá trị của trầm hương. Đèn có giá thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất gần 30 triệu đồng. Khách hàng chủ yếu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, TPHCM,…
“Sản phẩm này thân thiện với môi trường. Khi bật, nhiệt tỏa ra từ bóng đèn sẽ làm cho trầm hương tiết ra tinh dầu, tỏa hương thơm êm dịu và mang lại cảm giác thư thái cho giấc ngủ của người dùng”, Hiền chia sẻ.
Video đang HOT
Đèn ngủ bằng trầm hương rất đa dạng về mẫu mã
Hàng chục đèn ngủ với đủ kích thước vừa được hoàn thành để bàn giao cho khách
Ngoài đèn ngủ, cơ sở của đôi bạn thân này còn làm thêm các sản phẩm bonsai từ trầm cảnh.
“Tôi và Hiền học được cách làm cây bonsai từ dây kẽm và dây đồng ở môi trường quân đội, từ đó bén duyên với loại hình này. Hiện chúng tôi vẫn thường xuyên cập nhật kiến thức tạo dáng bonsai qua mạng xã hội để làm ra sản phẩm ngày càng đẹp và thu hút khách hơn”, Đức trải lòng.
Bonsai trầm hương giá từ 700.000 đồng đến vài chục triệu đồng
Cơ sở mới hoạt động được một năm, quy mô còn nhỏ, chỉ rộng gần 100m2 nhưng hiện cũng đang tạo việc làm cho hai thanh niên khác ở địa phương, với lương hơn 6 triệu đồng/tháng.
Trung bình mỗi tháng, Hiền và Đức bán được hàng chục sản phẩm. Trừ hết chi phí, thu nhập mỗi người khoảng 20 triệu đồng.
Chia sẻ về dự định tương lai, Hiền và Đức cho biết sẽ tiếp tục chế tác thêm nhiều sản phẩm trầm hương nội thất mới lạ, đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Đồng thời hoàn tất hồ sơ đưa sản phẩm tham gia OCOP Quảng Nam nhằm khẳng định thương hiệu và mở rộng thị trường.
Nhà cổ 200 năm tuổi, đại gia trả giá triệu đô vẫn bị gia chủ 'lắc đầu'
Ngôi nhà cổ 200 tuổi bằng gỗ mít ở làng Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) được gia đình ông Nguyễn Đình Hoan gìn giữ như báu vật.
Có đại gia tìm đến trả giá triệu đô, ông cũng từ chối.
Cách TP Tam Kỳ hơn 30km, làng Lộc Yên nổi tiếng với những ngôi nhà cổ đẹp. Trong đó, đặc biệt nhất là ngôi nhà gần 200 năm tuổi của ông Nguyễn Đình Hoan (55 tuổi).
Ông Hoan là chủ nhân đời thứ tư của căn nhà rộng hơn 100m2, làm bằng hàng trăm mét khối lõi gỗ mít rừng.
Theo ông Hoan, ngôi nhà được xây từ thời cụ cố Nguyễn Đình Hoằng - từng giữ chức Cửu phẩm bá hộ. Nhà do nhóm thợ nức tiếng làng mộc Văn Hà, nay là xã Tam Thành (huyện Phú Ninh) xây dựng ròng rã suốt 3 năm.
Vì giá trị tạo hình hết sức độc đáo nên căn nhà này đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Năm 2014, ngôi nhà được tỉnh Quảng Nam đầu tư trùng tu, thay thế một số thanh gỗ bị mối mục nhưng những giá trị kiến trúc vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Ông Hoan cho biết thêm, cha ông là cụ Nguyễn Huỳnh Anh lúc còn sống thường nói với con cháu rằng ngôi nhà là báu vật vô giá mà tổ tiên dày công xây dựng, nên bất cứ giá nào cũng phải cố gìn giữ. Vì vậy, trải qua 4 thế hệ, nhiều đại gia đến gạ mua, trong đó có người trả giá cả triệu đô, nhưng vẫn chỉ nhận lại cái "lắc đầu" của gia chủ.
"Ngôi nhà là tài sản vô giá, vừa là báu vật của cha ông để lại nên sau này tôi qua đời thì con cháu sẽ tiếp tục gìn giữ nó", ông Hoan nhấn mạnh.
Hình ảnh ngôi nhà cổ 200 tuổi bằng gỗ mít:
Ngôi nhà được xây trên khu đất rộng hơn 4 hecta, nằm ở lưng chừng một ngọn đồi, cao hơn những nhà khác trong làng khoảng 50m.
Con ngõ dẫn vào ngôi nhà, một bên là bờ đá hàng trăm năm tuổi rêu phong phủ kín, một bên là hàng chè tàu được cắt tỉa kỹ càng.
Phía trước ngôi nhà có bể cá, vườn cây cảnh.
Trước hiên nhà cũng có một hồ sen nhỏ, tạo cảm giác thư thái, bình yên.
Trước đây, nhà lợp bằng tranh, đến đời cha ông Hoan được thay thế bằng mái ngói âm dương mua từ phố cổ Hội An.
Ngôi nhà có kiến trúc nhà rường Quảng Nam, với 3 gian 2 chái. Nhà được dựng từ 36 cây cột chính bằng gỗ mít ròng, trong đó 16 cột lớn cỡ một người ôm. Nền nhà được làm bằng đất trộn với vôi và tro bếp.
Mọi ngóc ngách trong ngôi nhà đều được chạm khắc công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Các đầu kèo, đuôi kèo được trang trí hình con dao và lá cúc cách điệu. Phần bụng kèo là chim trĩ, tùng lộc, nho - sóc, cổ đồ, hoa lan, mai, quả điệp... bụng kèo chạm lộng dây hoa cúc cách điệu.
Căn nhà vẫn còn lưu giữ nhiều đồ đạc từ đời cụ cố của ông Hoan.
Ngôi nhà cổ gỗ mít ròng tiêu biểu cho kiểu thức "tam đoạn kẻ chuyền", tức có ba vì kèo nối liên tục và gối lên nhau tại các điểm tiếp xúc thông qua các cột cái, cột quân và cột hiên.
Phía sau nhà là bờ tường đá với nhiều cây cảnh.
Vẻ đẹp của ngôi nhà cổ được bảo tồn gần như nguyên vẹn sau 4 đời chủ nhân.
Đi cà phê kiểu 'khác thường' tại 5 quán độc lạ ở TP.HCM Nằm dài như ở nhà, tự pha đồ uống, ngồi cà phê trong bóng tối, vừa uống nước vừa ngắm động vật... là những quán cà phê có concept 'độc lạ' ở TP.HCM. Thay vì chỉ uống nước và chụp vài tấm ảnh, thực khách có thể chọn những quán cà phê đầu tư về mặt không gian, có nhiều trải nghiệm khác...