Độc quyền SGK, Nhà xuất bản Giáo dục có lợi nhuận tăng vọt
Theo Báo cáo Đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm và 3 năm gần nhất của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, lợi nhuận sau thuế đã tăng vọt kể từ năm 2015.
Một cửa hàng của NXB Giáo dục tại Hà Nội.
Lĩnh vực kinh doanh chính của NXB Giáo dục là kinh doanh sách giáo khoa, một mặt hàng tăng trưởng tương đối đều qua từng năm. Nhờ đó, doanh thu của đơn vị này cũng tăng đều theo từng năm với mức tăng từ 5-10%.
Cụ thể, năm 2015 NXB Giáo dục đạt sản lượng 101 triệu bản SGK, doanh thu 1.041 tỷ đồng; năm 2016 đạt 108,8 triệu bản SGK, doanh thu 1.147 tỷ đồng; năm 2017 đạt 107,8 triệu bản SGK, doanh thu 1.203 tỷ đồng. Dự kiến năm 2018 NXB Giáo dục bán được 104 triệu bản SGK, đem lại doanh thu 1.173 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của NXB Giáo dục trong 3 năm vừa qua.
Lợi nhuận cũng tăng trưởng mạnh với tốc độ lớn hơn tốc độ tăng trưởng doanh thu, cụ thể: Năm 2015 đạt 32 tỷ đồng; năm 2016 tăng 125%, đạt 72,1 tỷ đồng; năm 2017 tăng 109%, đạt 150,8 tỷ đồng. Năm 2018 đặt kế hoạch lợi nhuận 90,5 tỷ đồng.
Quỹ lương cho đội ngũ quản lý của NXB Giáo dục cũng tăng theo từng năm, lần lượt là 4,5 tỷ đồng (2015), 6,2 tỷ đồng (2016), và 6,8 tỷ đồng (2017).
Video đang HOT
Ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch HĐQT, được bổ nhiệm từ ngày 29/03/2017. HĐQT có 5 người gồm: Ông Nguyễn Đức Thái (Chủ tịch HĐQT); ông Thừa Phú (Ủy viên HĐQT, Phó TGĐ, Trưởng BKS); ông Hoàng Lê Bách (Ủy viên HĐQT, TGĐ); ông Phan Xuân Thành (Ủy viên HĐQT, phó TGĐ, Tổng Biên tập); và bà Nguyễn Thị Thu Hằng (Ủy viên HĐQT, Trưởng ban Tổ chức – Nhân sự).
Ban lãnh đạo của NXB Giáo dục.
NXB Giáo dục cho biết trong 3 năm từ 2015-2017 qua đã thực hiện thoái toàn bộ vốn tại 5 công ty, tổng giá trị đầu tư đã thoái là 58,15 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty không công bố cụ thể đơn vị được thoái vốn.
Tính đến nay, NXB Giáo dục có 10 công ty con, 22 công ty liên kết, các công ty này có nhiệm vụ mua – bán hàng hóa và dịch vụ cho NXB Giáo dục. Một số công ty con và công ty liên kết còn có nhiệm vụ nhận nợ vay, lãi vay cho NXB Giáo dục.
Theo Trí Thức Trẻ
Quốc hội vào cuộc giám sát in SGK
Bộ Giáo dục và Đào tạo được yêu cầu phải rõ ràng, tích cực trong phát ngôn và chú trọng đến vấn đề sách giáo khoa vì ảnh hưởng sâu rộng đến toàn xã hội
Sáng 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến đối với báo cáo tổng hợp của Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao và cá nhân có liên quan việc thực hiện nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, kết luận của UBTVQH về chất vấn tại phiên họp.
Có độc quyền trong phát hành SGK?
Trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kết quả kỳ thi THPT quốc gia còn để xảy ra sai phạm ở một số địa phương, gây bức xúc trong nhân dân. "Công tác sửa đổi, phát hành sách giáo khoa (SGK) còn nhiều bất cập" - ông Phúc nhấn mạnh. Đáng chú ý, dự thảo đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2035 không được công khai để lấy ý kiến của người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ có độc quyền trong xuất bản SGK hay không?
Cho ý kiến báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ rà soát lại quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để ngăn chặn các tiêu cực phát sinh.
Cầm trên tay cuốn SGK, bà Lê Thị Nga bày tỏ lo lắng về sự lãng phí trong in ấn. Bà Nga cho biết cử tri đề nghị Bộ GD-ĐT và Chính phủ làm rõ nghi ngại xung quanh việc độc quyền trong hoạt động của Nhà Xuất bản Giáo dục. Tại sao SGK bây giờ khác các thế hệ trước, một bộ sách không dùng được 2-3 thế hệ?.
"Như cuốn sách toán lớp 1 tôi đang cầm trên tay, rất khác lạ. Trước đây, bài tập riêng, SGK riêng. Bây giờ, toán lớp 1 luyện tập chung với SGK. Các cháu làm bài tập, nối hình, kẻ thêm hình, ghi bài tập vào trong đó. Như thế này đương nhiên là khóa sau không dùng được. Mỗi một năm khoảng 100 triệu bản SGK, xã hội mất khoảng 1.000 tỉ đồng nhưng đến năm sau không dùng được nữa" - bà Nga đặt vấn đề.
Đồng tình, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quan tâm tới SGK vì mỗi cuốn sách chỉ có giá 10.000-12.000 đồng nhưng ảnh hưởng tới hàng triệu gia đình. "Đề nghị bộ trưởng tổ chức thanh tra ngay vấn đề này và làm rõ có hay không lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành SGK?" - bà Hải nhấn mạnh và cho rằng việc sử dụng lại SGK cũng nhằm rèn luyện, uốn nắn học sinh đức tính tiết kiệm, cẩn thận.
Đặc biệt, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị Bộ GD-ĐT làm rõ việc phát hành sách tham khảo. "Có hay không việc ép học sinh mua sách tham khảo? Có phụ huynh nhắn tin cho tôi nói là sách tham khảo mua từ đầu năm đến cuối năm không dùng gì cả, còn mới tinh" - bà Hải nêu.
Bộ GD-ĐT cần có chính kiến
Liên quan tới thí điểm, thực nghiệm, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng cần có tổng kết, đánh giá, tránh thí điểm, thực nghiệm quá lâu mà cử tri không biết việc đó tốt, xấu ở điểm nào.
Sau cùng, vấn đề bà Hải gửi đến người đứng đầu ngành GD-ĐT là chú trọng đến người phát ngôn. Để mỗi khi xảy ra vấn đề nóng, bộ có phát ngôn thể hiện chính kiến, dẫn dắt dư luận, tránh hoang mang. "Phụ huynh đi mua sách không biết sách công nghệ giáo dục bán ở đâu hay bán theo chương trình. Cá nhân tôi đi mua sách công nghệ giáo dục cũng không được dù ở Hà Nội có nhiều trường dạy chương trình này. Bộ trưởng phải quan tâm vấn đề SGK và có thái độ rõ ràng trong các vấn đề liên quan" - bà Hải nói.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Ủy ban) Phan Thanh Bình thẳng thắn đánh giá ngành giáo dục thời gian qua có nhiều thành quả nhưng cũng gây xao động trong xã hội mà nổi cộm là SGK. Ông Bình đề nghị Bộ GD-ĐT công khai lộ trình triển khai các công việc để mọi người biết bộ đang giải quyết những vấn đề gì? Riêng Ủy ban đã giám sát vấn đề xuất bản SGK và cuối năm nay sẽ công bố kết quả.
Nhiều cuộc thi sắc đẹp quá!
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết nhiều cử tri băn khoăn là các cuộc thi sắc đẹp thời gian qua diễn ra tràn lan. "Câu hỏi cử tri đặt ra là mục đích của các cuộc thi sắc đẹp hiện nay là gì và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đánh giá các cuộc thi này đã đạt được mục đích đặt ra hay chưa?" - bà Hải nêu và đề nghị bộ này sớm có tổng kết việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp trong thời gian qua để hạn chế những mặt tiêu cực và phát huy mặt tích cực, đặc biệt là định hướng lối sống cho giới trẻ. "Hiện nay có rất nhiều dư âm từ các cuộc thi sắc đẹp, khi nhiều cô gái chỉ sau một ngày, một giờ trở nên nổi tiếng, dẫn đến nhiều vấn đề khác" - bà Hải nhận xét.
Bài và ảnh: Thế Dũng
Theo nld.com.vn
Chuyên gia hiến kế đẩy lùi bất bình đẳng giới trong sách giáo khoa Do sách giáo khoa còn tồn tại 5 năm nữa, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục đề xuất bù đắp bằng sách tham khảo, chương trình ngoài giờ. Chiều 14/9, tại hội thảo "Lồng ghép giới trong sách giáo khoa phổ thông" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, các chuyên gia đã thảo luận một số vấn đề...