“Độc lạ” bún cá thố, bánh canh cốt dừa miền Tây ngay Sài Gòn
Cá lóc tươi vừa chín tới, sợi bún trắng, đựng trong thố nhỏ còn sôi sùng sục, ăn kèm rau sống và mắm me là món ăn miền Tây hút khách.
Thố bún cá được đun sôi trước khi mang ra cho thực khách.
Bún cá thố được nấu theo kiểu bún cá Cần Thơ, có nước lèo trong và ngọt dịu chứ không đậm vị mắm như bún cá An Giang, Sóc Trăng. Nước lèo được ninh từ xương gà, tôm khô, mực và bí quyết của phụ nữ miền Tây là thêm chút đường phèn và củ sắn (củ đậu).
Cá lóc đồng loại thật tươi, rửa sạch lột da rút xương và thái thành những miếng mỏng. Khi có khách gọi, đầu bếp mới cho bún tươi vào thố, chan nước lèo xăm xắp, đặt lên bếp nhỏ đun sôi và thả cá lóc vào. Cá lóc tươi khi chín tới vẫn giữ nguyên độ ngọt và dai.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, 71 tuổi, bán món này ở Cần Thơ nhiều năm và mang lên Sài Gòn, bún cá thố đòi hỏi cá tươi, nên không thể dự trữ qua ngày. Ngoài cá lóc, thố bún cá có thêm cá viên chiên, tôm… cho phong phú, đĩa rau sống ăn kèm gồm rau muống chẻ, hoa chuối và rau đắng, một loại rau đặc trưng miền Tây khi mới ăn có vị đắng nhưng để lại vị ngọt sau đó.
Cũng với công thức tương tự, nhưng nước lèo của món bánh canh cốt dừa được nêm gia vị nhạt hơn. Khi đun thố bánh canh trên bếp, đầu bếp cho thêm nước cốt dừa, khi sôi nhấc thố xuống nhanh tay thả hành lá xắt lát vào, tạo nên món ăn rất dậy mùi. Sợi bánh canh bột gạo hoặc bột lọc là hai lựa chọn cho thực khách. Rau ăn kèm là xà lách, giá đỗ và lá hẹ.
Video đang HOT
Với cả hai món, người miền Tây thường có chén mắm me chua dịu và đĩa ớt xắt để chấm cá, tôm. Bún cá và bánh canh cốt dừa khi đựng trong thố giữ được độ nóng lâu, là món ăn miền Tây được thực khách Sài Gòn yêu thích, giá 30.000 đồng một tô. Bạn có thể ghé ăn ở quán trên đường số 37 (quận 7) từ sáng tới chiều hoặc đường Bùi Thị Xuân (quận 1) vào buổi trưa.
Theo Moitruong24h
Ấm lòng tô bún tuổi thơ giữa Sài Gòn
Thói quen mỗi sáng ăn một tô bún, phở hoặc mì cho ấm bụng trước khi bắt đầu một ngày mới, dường như đã trở thành một thói quen không thể thiếu trong mỗi người Việt chúng ta.
Mỗi người có nhiều lựa chọn cho bữa sáng, người Nam thì ưa món cơm tấm, hủ tiếu; người Bắc thì vẫn chuộng một tô phở hay gói xôi cho bữa sáng, còn tôi thì vẫn không thể nguôi nỗi nhớ một tô bún ốc mà ngày nhỏ ở Hà Nội vẫn thường ăn.
Những ký ức về món ăn nóng hổi ấy luôn khiến tôi nhớ quay quắt mùi vị chua chua, đậm đà, thanh thảo trong tô bún ốc. Và tôi thường tới nhà hàng Hương Xưa (Cảnh Viên 3, Phú Mỹ Hưng, Q7, HCM) để thưởng thức tô bún ốc chuối đậu cho ngày mới.
Ẩm thực Việt trong tô bún bình dị
Bún ốc chuối đậu là món ăn làm khá công phu và cầu kỳ, nhưng đến lúc ăn thì ai cũng tấm tắc với sự tinh tế và thơm ngon. Tô bún ốc bốc khói nghi ngút, màu vàng của nghệ cùng hương thơm đậm đà, vị nước dùng chua chua, thanh ngọt, lạ miệng khiến bạn không thể cưỡng lại sự hấp dẫn của món ăn.
Cái khó và cũng là điểm hấp dẫn nhất của bún ốc chuối đậu chính là vị chua mà đậm đà của nước dùng. Không như vị chua của bún cá, lẩu, hay canh chua, vị chua của bún ốc được tạo ra từ gia vị lên men mà người Việt ai cũng nghe tới - đó là mẻ. Mẻ để làm món bún ốc tại nhà hàng Hương Xưa được nuôi theo bí quyết rất riêng. Chị Hương, người đã giới thiệu món ăn này với thực khách Hương Xưa chia sẻ:
"Bí quyết để có được món bún ốc chuối đậu vừa truyền thống lại vừa phù hợp với thực khách miền Nam và phương Tây không quá khó nhưng cần sự tỉ mỉ trong từng chi tiết. Ví dụ như để tạo ra độ chua ta có thể dùng sấu, me, quả dọc, cà chua, dấm bỗng... nhưng vị chua của món bún ốc nhất định không thể thiếu được mẻ. Và để thỏa lòng mong mỏi, vị chua của mẻ rất kỳ lạ, thanh nhẹ, thế nên nước dùng của bún ốc chuối đậu trở nên ngon khó cưỡng".
Quy trình của món này vô cùng kỹ càng. Sau khi ốc được làm sạch, chỉ lấy phần đầu của con ốc, rồi ướp với nước cốt nghệ tươi, một chút gia vị rồi xào với lửa to, thật nhanh để đảm bảo ốc luôn giòn mà không được dai.
Công đoạn chọn lựa chuối xanh cũng làm chủ quán phải đau đầu, mua sai một chút là hỏng nguyên thành phẩm. Chuối được lựa chọn không được quá non, quá xanh, mà cũng không được chuyển sang giai đoạn gần chín (chuối ương). Tiếp đến, đầu bếp sẽ xào tương tự với quy trình sơ chế ốc.
Bún ốc chuối đậu thơm nức, ấm lòng
Một tô bún ốc chuối đậu thực khách ăn không ngơi đũa sẽ gồm có bún rối trắng sợi nhỏ, ốc xào với chuối, đậu, phủ lên trên cùng là hành lá, tía tô. Không thể thiếu được khi ăn kèm với tô bún này là đĩa rau thái rối gồm có xà lách, tía tô, húng láng, kinh giới và một chút rau răm.
Nếu như món bún cá không thể thiếu thì là, ốc xào chuối đậu "ưa" có lá lốt, thì bún ốc chuối đậu không thể thiếu tía tô. Hương Xưa dùng tía tô Hà Nội, đầu bếp sẽ tỉ mỉ thái rối, rắc lên tô bún nóng hổi, thực khách thỏa sức thưởng thức mùi vị bùi bùi, đậm đà không thể nào quên.
"Có rất nhiều chi tiết cần lưu ý để đảo bảo một tô bún ốc chuẩn vị truyền thống như là: phải có sự hài hòa của màu vàng nghệ tươi, độ phồng giòn của đậu phụ, tía tô được rắc lên sau cùng sau khi chan nước dùng nhằm làm nổi bật vị thơm có vai trò quyết định trong sự thành công của một tô bún ốc chuối đậu, các khay gia vị của bún ốc chuối đậu không thể không kể đến chén sa-tế "homemade" của quán... Vậy nên khi nấu ăn phải thực sự đặt cả trái tim trong từng chi tiết", chị Hương chia sẻ.
"Khi nấu ăn phải chăm chút từng chút một tới vị giác và cảm xúc của khách hàng. Khi một thực khách ăn xong mà nước lèo vẫn còn nghi ngút khói thì đó mới là thành công của người đầu bếp", chị Hương nói thêm.
"Tôi rất muốn ăn một tô bún ốc nhưng thời gian làm món này quá lâu mà nguyên vật liệu lại phức tạp, nên khi biết tới món này tại Hương Xưa, tôi cùng gia đình đã thường xuyên ghé ăn. Món ăn gợi nhớ hương vị bà và mẹ đã nấu cho ngày bé, nhớ ngày cấp hai hì hụi đạp xe lên Phố Cổ ăn cho đỡ thèm, cả một tuổi thơ ùa về và càng thấy lòng ấm áp hơn", chị Thảo, sống tại Cảnh Viên 3, Phú Mỹ Hưng tâm sự.
Bún ốc chuối đậu đã chiếm được cảm tình của đông đảo thực khách vốn dĩ đã chuộng món Hà Nội, và mặc dù bình dị, nhưng món này thậm chí chinh phục cả những thực khách khó tính đến từ Pháp, Đài Loan, Hàn Quốc...Ngày mưa hoặc khi nhớ nhà, hãy đến và thỏa lòng với món bún ốc chuối đậu tại Hương Xưa ở Cảnh Viên 3, Phú Mỹ Hưng bạn nhé.
Theo TTO
Món bún cá ở phố núi Mộc Châu Sợi bún mềm cộng với miếng cá giòn dai, hòa thêm vị ngọt thanh của nước dùng sẽ làm bạn khó quên món ăn ngon của phố núi Mộc Châu. Cá lóc (cá quả) được làm sạch, sau đó phần xương và đầu được tận dụng để nấu nước dùng. Nhờ đó, món này có vị ngọt tự nhiên, khác với bún cá...