Độc đáo với những món ăn được chế biến từ… hoa
Ẩm thực Việt xưa nay vốn phong phú, mỗi vùng miền lại có một đặc trưng riêng, một cách chế biến riêng, khiến cho những người say mê tìm hiểu đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Chỉ tính riêng món ăn được chế biến từ hoa thôi đã phong phú lắm rồi.
1. Người Hà Nội không ai là không biết đến hoa thiên lý và những món ăn chế biến từ loài hoa này. Hoa thiên lý ngọt, mát thường được xào thịt bò, hoặc xào tim, cật. Xưa, khi Hà Nội đất rộng người thưa, những ngôi nhà ven đô thường có riêng hẳn một giàn thiên lý, đến mùa hoa sai thì cứ thế hái vào mà chế biến. Thứ hoa này đương nhiên không được bán ngoài chợ. Khi đất đai co hẹp lại, người thì cứ tăng lên theo cấp số nhân thì hoa thiên lý lại được bán đầy ngoài chợ, thích ăn lúc nào cũng có.
Không chỉ có xào, hoa thiên lý còn được nấu canh. Vị của hoa thanh nên các đồ nấu cùng cũng phải thanh. Không nhiều người nấu nó với thịt băm, bởi đơn giản như thế là vẫn mỡ mà phải nấu với giò sống thả. Như thế mới đảm bảo độ trong nhất của canh.
2. Loại hoa chế biến được nhiều món nhất là hoa chuối. Những búp hoa chuối tây sau khi đã “hoàn thành sứ mệnh” với việc đậu đến dăm bảy nải chuối con thì người ta thường vặt đi để cây lấy sức nuôi quả. Hoa chuối sau khi bóc vài lớp áo phía ngoài còn lại bên trong một lớp non mỡ thì lúc ấy mới thái thật mỏng, từng lớp, từng lớp, rồi ngâm vào nước muối nhạt, hoặc nước có pha vài thìa dấm cho khỏi thâm. Những lát hoa được thái mỏng đó có thể trộn với rau muống chẻ ăn kèm riêu cua, hoặc có thể làm nộm.
Nộm hoa chuối có nhiều cách làm, nhưng thông dụng nhất vẫn là trộn với tai lợn luộc. Hoa chuối sau khi thái nhỏ, ngâm nước muối loãng, rửa sạch rồi vớt ra để ráo. Tai lợn luộc chín, ngâm nước đá cho đạt độ giòn nhất có thể, sau đó thái thật mỏng. Cùng với đó là tỏi đập dập, băm nhỏ, rau thơm, cà rốt bào sợi, tất cả trộn cùng với nước mắm chua ngọt và lạc giã dập. Hoa chuối cũng có thể thả vào lẩu riêu cua cùng với rau diếp, rau mùi, tía tô, kinh giới.
3. Những tưởng rau bí ăn đã ngon rồi, nhưng hoa bí còn ngon hơn. Tương tự hoa chuối, những bông hoa bí vàng ươm còn làm được rất nhiều món ngon. Rau bí sơ chế hơi phức tạp, hoa bí cũng tương tự, tức là muốn đem ra mà xào, mà nấu thì phải tước hết lớp sơ phía ngoài, chỉ giữ lại cọng non mỡ bên trong. Rau bí đực từng bông sau khi rửa sạch thì đem xào tỏi, phức tạp hơn thì là tẩm bột chiên giòn, tương tự như món tempura của Nhật Bản. Cũng có khi nhồi giò sống vào bên trong bông hoa rồi nấu canh, hoặc xào cùng ngao, cùng hến…
Ngoài hoa bí ra còn có hoa mướp. Cụ thể là hoa mướp đực, vì để trên giàn nhiều quá cũng chẳng có tác dụng gì, thế là hái. Hoa mướp xào tỏi rất thơm và ngon. Hoặc nấu canh cua mà thả vài cái hoa mướp vào thì chỉ nhìn thôi đã thấy hấp dẫn lắm rồi.
4. Món ăn trứ danh nhất đất Tây Bắc mỗi dịp xuân về là hoa ban. Mùa này hoa ban thi nhau nở trắng rừng. Người Tây Bắc hái hoa, đem ra chợ bán như một thứ rau sạch. Để chế biến những món ăn từ hoa ban trước tiên phải nhặt cánh và nhụy riêng, chần nước nóng, sau đó mới nấu hay xào thì tùy. Hoa ban hay được đem đồ với xôi, người Thái gọi là ban đồ. Ban đồ khi ăn được chấm kèm với chẩm chéo. Hoa ban có vị bùi, ngọt, thoang thoảng mùi thơm dịu, hòa quyện vào mùi nếp thơm đó là món ăn ai cũng muốn thử.
Video đang HOT
Nộm hoa ban không giống nộm vùng miền khác, thường có lạc, chanh và vị chua. Gia vị trộn nộm hoa ban chuẩn nhất thiết phải là loại tương ủ lên men của dân tộc Thái và giềng giã nhỏ.
5. Về miền Tây mùa nước nổi, món ăn đặc sắc nhất là canh chua nấu với đủ các loại hoa. Dân miền Tây có câu ca thế này: “Miền Tây nước lũ tràn đồng/Canh chua bông súng nấu xong chờ chàng”. Nhụy bông súng màu vàng, cả hoa và nhụy đều có thể ăn được, nhưng người ta chỉ ăn phần cuống. Bông súng tước vỏ, cắt khúc hai đốt ngón tay, làm rau sống cho món lẩu mắm. Hoặc trộn gỏi với rau bồn bồn, thịt ba dọi và tôm bóc nõn, hoặc nấu canh chua với cá đồng, hoặc cũng có thể ngâm giấm làm dưa…
Ở đồng bằng sông Cửu Long, mùa nước nổi cũng là mùa của những bông điên điển nở rộ. Người ta thường nấu điên điển thành các món ăn ngon như gỏi chua bông điên điển, điên điển xào tép, nộm bông điên điển… Nhưng ngon nhất phải kể đến món canh chua bông điên điển nấu cá linh. Công thức nấu canh chua thế nào, xưa nay vẫn thế, nhưng khi cho thêm bông điên điển vào thì tạo nên một mùi vị vô cùng hấp dẫn.
Người miền Tây còn có món mắm cá linh muối ăn kèm bông điên điển. Mắm cá linh muốn ngon nhất định phải ăn kèm với bông điên điển và các loại cá tươi vừa mới bắt lên. Như vậy mới có thể cảm nhận được hết hương vị giản dị nhưng không kém phần hấp dẫn. Về miền Tây, thực khách không khỏi thích thú khi thưởng thức một bữa lẩu mắm với đủ các loại rau hoa. Một chút rau đắng màu xanh mát, một chút hoa điên điển vàng tươi, ít bông súng tím sẫm, bông hẹ trắng, dăm trái ớt cả xanh lẫn đỏ, rau bồn bồn… Chỉ là món ăn thôi mà đẹp như một bức tranh.
Theo Anninhthudo
Nộm hoa chuối lạ miệng cho bữa ăn thêm hấp dẫn
Hoa chuối là một loại thực phẩm rất quen thuộc và dân dã, tuy nhiên không phải ai cũng biết cách chế biến hoa chuối thành món ngon cho bữa ăn.
Nộm hoa chuối là một trong những món ăn rất được đấng mày râu ưa chuộng, đặc biệt là trên bàn nhậu vì vị thanh mát, bùi bùi, rất hợp để ăn kèm với các món nhậu khác như nem rán, nem tai, các đồ chiên xào... Để hấp dẫn các anh chồng ngồi vào bàn ăn mà bỏ quên mấy cuộc nhậu với anh em bạn bè, thì các chị em hãy vào bếp cùng góc ẩm thực nhà hàng Hương Sen để học ngay bí quyết chế biến món nộm hoa chuối lạ miệng này nhé!
1. Nguyên liệu cần chuẩn bị cho món nộm hoa chuối
200gr hoa chuối
100gr cà rốt
100gr giá đỗ
200gr tai heo
Rau kinh giới, rau mùiLạc rang
Tỏi, chanh, ớt
Các loại gia vị như muối, nước mắm, tiêu...
2. Các bước chế biến món nộm hoa chuối
Bước 1: Tai heo mua về rửa sạch, có thể dùng giấm hoặc rượu trắng để rửa sạch, bớt mùi tanh.
Bước 2: Đun sôi nước, thả tai heo vào luộc cùng với 1 muỗng hạt nêm. Để khoảng 10 phút thì vớt tai heo ra ngâm với nước lạnh cùng 1 vài viên đá. Bước làm này giúp cho tai heo giòn và trắng hơn.
Bước 3: Hoa chuối mang đi thái sợi, lưu ý để nộm hoa chuối không bị thâm thì vừa thái bạn vừa cho vào ngâm với nước thêm vài giọt nước chanh.
Bước 4: Cà rốt và giá đỗ rửa sạch, gọt vỏ và bỏ rễ.
Cà rốt mang đi thái sợi hoặc bào sợi to.
Rau kinh giới, rau mùi cũng nhặt rồi rửa sạch, ngâm nước muối rồi để ráo nước.
Bước 5: Trong một âu lớn, cho hoa chuối, cà rốt, giá đỗ và tai heo trộn đều.
Bước 6: Pha nước nộm hoa chuối
Bạn pha nước nộm theo tỉ lệ 3 thìa nước mắm 5 thìa nước chanh 3 thìa đường, thêm nước lọc nếu cần. Sau đó hòa cùng với tỏi, ớt đã băm nhỏ theo khẩu vị người ăn.
Bước 7: Đổ phần nước nộm vào trong âu hoa chuối, trộn nhẹ nhàng để không bị nát. Sau đó rắc thêm rau thơm đã cắt nhỏ và lạc rang lên.
Vậy là đã có món nộm hoa chuối tươi mát cho ngày hè rồi. Các ông chồng chắc chắn sẽ không thể chối từ mà ngồi ngay vào bàn ăn thưởng thức món nộm hoa chuối mà các bà vợ mới làm xong. Hãy bổ sung ngay vào thực đơn bữa ăn nhé các chị em!
Theo Huongsen
5 Món ăn chống ngán ngày Tết siêu hấp dẫn Những ngày tết, món ăn nào cũng chứa rất nhiều mỡ và đạm khiên chúng ta chẳng còn thiết gì ăn uống. Để lấy lại cảm giác ngon miệng các bạn có thể tham khảo một vài món ăn chống ngán ngày tết chúng tôi hướng dẫn dưới đây CANH TÔM Nguyên liệu Tôm sú( 350g),mực tươi( 60g), lá chanh( 60g ), ớt...