Độc đáo trang phục truyền thống của người Dao đỏ tại Cao Bằng
Với người Dao đỏ ở Cao Bằng, trang phục truyền thống được lưu giữ và bảo tồn như một biểu tượng của bản sắc văn hóa.
Có dịp đến huyện Nguyên Bình, du khách nên dành thời gian tham quan, tìm hiểu và lắng nghe những nghệ nhân người Dao đỏ chia sẻ về trang phục độc đáo này.
Ở Cao Bằng, số lượng người Dao chiếm khoảng 10% dân số với hai nhóm là Dao đỏ và Dao tiền. Người Dao tiền thường trang trí trang phục bằng những đồng bạc; còn người Dao đỏ thì chủ yếu sử dụng hai gam màu đen và đỏ, với chuỗi bông đỏ được gắn trên áo của phụ nữ cùng nhiều chi tiết thể hiện sự khéo léo và tài năng thêu thùa. Vẻ đẹp rực rỡ trên trang phục phụ nữ dân tộc Dao đỏ luôn gây ấn tượng, thu hút sự chú ý của mọi người.
Người Dao Cao Bằng chủ yếu sinh sống ở vùng đồi núi thấp, vừa làm nương, vừa làm ruộng tại các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thạch An, nhưng tập trung đông nhất là huyện Nguyên Bình. Trong đó, xã Vũ Nông (huyện Nguyên Bình) là điểm đến hấp dẫn nếu du khách muốn tìm hiểu về trang phục và nét văn hóa truyền thống của người Dao đỏ.
Phụ nữ Dao đỏ rạng rỡ trong trang phục truyền thống. Ảnh: Hồng Son
Bà Lý Mùi Lai (xóm Lũng Luông, xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình) đã gắn bó với nghề may trang phục truyền thống dân tộc Dao đỏ hơn 20 năm qua. Trang phục của dân tộc Dao đỏ gồm 2 loại là thường phục và lễ phục. Đối với nam giới, trang phục hàng ngày đơn giản với áo chàm đen; lễ phục thì cầu kỳ hơn gồm áo dài đỏ với họa tiết hoa lá sặc sỡ. Với người phụ nữ Dao đỏ, chuyện ăn mặc rất được coi trọng, bộ trang phục của người phụ nữ còn là sản phẩm của nghệ thuật, kỹ thuật thêu thùa. Các hoa văn chủ yếu là thêu tay, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo nên phần lớn do nữ giới đảm nhận.
Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ bao gồm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Họ thường dùng vải nhuộm chàm để may trang phục. Mỗi bộ trang phục có 5 màu cơ bản: Đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó màu đỏ là chủ đạo, vì theo quan niệm màu đỏ mang lại hạnh phúc và may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người.
Bà Lý Mùi Lai giới thiệu lễ phục với họa tiết sặc sỡ trong lễ cấp sắc. Ảnh: Hồng Son
Điểm nhấn trên bộ trang phục của người phụ nữ Dao đỏ là các họa tiết bằng bạc, được đính vào phần ngực áo một cách rất tỉ mẩn và khéo léo. Bà Lý Mùi Lai cho biết, những “bông hoa mặt trời” bằng bạc này sẽ được gắn song song đầy trên 2 mảnh vải, được vòng qua cổ tựa như chiếc áo yếm. Chiếc áo yếm này có hai thân trước và sau, cả hai thân đều được đính hoa bằng bạc. Thân trước của áo bắt đầu từ viền đỏ ở cổ áo đính 2 hàng hoa bạc, từ cổ áo trở xuống nẹp một dải vải đỏ để đính một hàng cúc bạc gồm có 7 đến 9 cúc, trong đó trên mặt cúc được chạm khắc hoa mặt trăng và mặt trời. Áo yếm là bộ phận được trang trí nhiều bạc hơn cả, bởi theo quan niệm của người Dao đỏ, dùng bạc trang trí vừa để bảo vệ sức khỏe, vừa thể hiện sự sung túc của mỗi gia đình.
Video đang HOT
Không chỉ phục vụ gia đình và người dân trong xóm, trang phục do bà Lý Mùi Lai thêu may được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh yêu thích đặt hàng. Từ năm 2020, gia đình bà Lý Mùi Lai đã xây dựng không gian thêu, may, trưng bày sản phẩm trang phục, thổ cẩm để du khách đến tham quan, mua hàng tại nhà. Bên cạnh gia đình bà Lý Mùi Lai, tại xã Vũ Nông còn có nhiều hộ gia đình thêu may trang phục dân tộc Dao đỏ cho gia đình hoặc bán tại các chợ phiên trong huyện.
Mũ thổ cẩm trẻ em với được trang trí cầu kỳ. Ảnh: Hồng Son
Với mong muốn gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc mình, sau những giờ làm việc trên nương rẫy, các bà, các mẹ, các chị truyền kinh nghiệm, hướng dẫn con gái, em gái cách chọn và cắt vải; cách thêu các hoa văn, họa tiết trên từng bộ phận của trang phục. Đặc biệt theo phong tục truyền thống, các cô gái Dao đỏ phải dành nhiều năm để học thêu, may, tự chuẩn bị trang phục cưới của riêng mình trước khi đi làm dâu.
Bằng sự khéo léo và nâng niu các giá trị truyền thống, người phụ nữ dân tộc Dao đỏ ở Nguyên Bình đã dệt nên những bộ trang phục cầu kỳ đến từng đường kim mũi chỉ, với hoa văn, họa tiết đẹp mắt. Cùng thời gian, bộ trang phục sẽ theo người Dao đỏ đi suốt cuộc đời. Theo tín ngưỡng của người Dao đỏ, bộ trang phục sẽ được chôn theo người mất để tổ tiên nhận diện và đón nhận./.
Đằng sau các bức ảnh váy áo sặc sỡ của phụ nữ Afghanistan
Trước quy định mặc trang phục che kín toàn thân của Taliban, nhiều cô gái ở Afghanistan đã đăng ảnh mặc đồ truyền thống tinh tế, đầy màu sắc để thể hiện thái độ bất bình.
"Phụ nữ Afghanistan chúng tôi từng mặc những bộ váy đầy màu sắc, đeo trang sức tinh xảo như vậy", Tiến sĩ Bahar Jalali, cựu giáo sư ngành Lịch sử tại ĐH Hoa Kỳ ở Afghanistan, chia sẻ tấm hình mẹ mình vào năm 1958 trên Twitter.
Cô là người khởi xướng chiến dịch #DoNotTouchMyClothes (Đừng động tới trang phục của tôi) và #AfghanistanCulture (Văn hóa Afghanistan) nhằm phản đối những quy định hà khắc mà Taliban áp đặt lên phụ nữ nước này.
Tiến sĩ Bahar Jalali cũng đăng ảnh chính mình trong bộ váy truyền thống của phụ nữ Afghanistan nhằm phản đối quy định ăn mặc do Taliban áp đặt. Ảnh: @RoxanaBahar1.
Trước đó, ngày 11/9, khoảng 300 phụ nữ đã tập trung tại một giảng đường ở thủ đô Kabul, Afghanistan.
Họ mặc trang phục đen, đeo găng tay đen, khoác áo choàng với mũ trùm đầu che kín cả mắt.
Theo VICE, nhóm người này chỉ trích những phụ nữ có thái độ phản đối quy tắc ăn mặc theo yêu cầu từ Taliban.
Họ cho rằng chính phủ Afghanistan trước đây đã lạm dụng nữ giới "vì vẻ đẹp", ai không che mặt là "đang làm hại tất cả phái nữ".
Những hình ảnh, video này lập tức lan truyền trên mạng và nhận về phản hồi gay gắt từ phía phụ nữ Afghanistan.
Nargis Azaryun, nhà hoạt động xã hội, gọi đó là "điều vô lý nhất cô từng thấy".
"Hình ảnh đó xúc phạm phụ nữ trên toàn thế giới. Thật dã man", cô chia sẻ trên Twitter.
Ngay lập tức, nhiều cô gái bắt đầu mặc những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ với loạt phụ kiện tinh xảo, đăng ảnh lên mạng xã hội với 2 hashtag trên.
Nhiều cô gái người Afghanistan đã đăng ảnh mặc trang phục truyền thống sặc sỡ, đeo phụ kiện tinh xảo với hashtag #DoNotTouchMyClothes (Đừng động tới trang phục của tôi) và #AfghanistanCulture (Văn hóa Afghanistan). Ảnh: @Peymasad, @Karimi_shafi.
Ariana Delawari, nghệ sĩ người Afghanistan đang sống tại Los Angeles (Mỹ), đăng ảnh chụp mẹ, các chị và dì cô đang mặc trang phục truyền thống đầy màu sắc vào những năm 80.
"Tôi biết những tấm hình chụp phụ nữ mặc đồ đen che kín mặt, ủng hộ Taliban không phải sự thật. Sau tất cả nỗ lực phản kháng trước đó, họ không thể thay đổi chỉ trong một đêm", cô nói.
Delawari nói thêm rằng những phụ nữ được gọi là ủng hộ Taliban có thể bị ép buộc phải thực hiện điều này, thậm chí có thể là nam giới sau tấm khăn che.
Nữ nghệ sĩ cho biết khi Taliban nắm quyền lần đầu tại Afghanistan (1996-2001), phái nữ buộc phải mặc burqa xanh dương - loại trang phục che kín từ đầu tới chân, chỉ có thể nhìn qua một lớp vải thưa ở phần mắt.
Tuần trước, Taliban đã yêu cầu sinh viên nữ tại các trường đại học mặc áo choàng abaya, áo niqab - loại trang phục trùm kín người nhưng vẫn hở phần mắt - khi lên lớp.
"Đây là áp bức chứ không phải một lựa chọn", Delawari nói.
Cách ăn mặc che kín từ đầu tới chân, phần mắt cũng phủ bằng lớp vải mỏng chưa từng được thấy ở Afghanistan về trước, cũng như rất hiếm gặp ở những vùng tôn giáo khắc nghiệt nhất. Ảnh: Shutterstock.
Tuy nhiên, Rostam, người điều hành trang Twitter về di sản và lịch sử Afghanistan, lại tỏ ra thận trọng.
"Trong văn hóa quốc gia, màu đen biểu thị cho tang tóc. Song, vấn đề này rất nhạy cảm vì nữ giới ở đây cũng không mặc trang phục sặc sỡ mỗi ngày. Chúng ta nên cẩn thận với các chiến dịch chính trị không nhằm cải thiện tình hình, mà để phục vụ lợi ích nhóm phía sau", ông nói.
Dù vậy, Delawari cho biết những chiến dịch tương tự đang phá vỡ tấm màn che phủ lên tình hình thực tại ở Afghanistan. Cô cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng phụ nữ quê hương mình bằng cách lan tỏa thông điệp.
"Nhiều cô gái chọn cách im lặng vì lo lắng cho sự an toàn của họ, nhưng vẫn có người lên án mạnh mẽ hành động của Taliban. Tôi hy vọng rằng chiến dịch này sẽ thành công", cô nói với VICE.
Bí mật che giấu trong bộ đồng phục của tiếp viên hàng không Cách nhà thiết kế không chỉ tạo ra những bộ đồng phục ấn tượng cho tiếp viên hàng không mà còn ẩn chứa những bí mật riêng, không phải hành khách nào cũng biết. Trang phục truyền thống của tiếp viên hàng không Air France (Pháp) có màu xanh lam đậm. Công ty đã sử dụng tông màu này trong hơn 70 năm....