Độc đáo: Tỉnh Hà Nam đứng ra “bảo lãnh” vốn vay cho nông dân
Trong khi rất nhiều các ngân hàng ở địa phương trên cả nước đang “loay hoay” với việc chờ đợi giấy chứng nhận tài sản trên đất theo quy định tại Thông tư 09 mới có đủ cơ sở cho nông dân vay thì lãnh đạo các cấp chính quyền ở tỉnh Hà Nam lại đứng ra bảo lãnh cho nông dân nên tín dụng đã được thông suốt hơn.
Quan trọng nhất vẫn là hiệu quả kinh tế
Khu trang trại hơn 1ha của anh Trần Ngọc Hiếu (sinh năm 1982 ở xóm 3, thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân (Hà Nam) vào những ngày đầu tháng 8 được phủ lên một màu xanh bạt ngàn của chanh, cam đường canh, ổi, thanh long…
“Khoảng 6 tháng trở lại đây, Tập đoàn Vingroup đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho tôi với giá các mặt hàng trái cây rất cao nên tôi đã yên tâm, không còn phải lo đầu ra cho nông sản. Trung bình mỗi năm, từ trồng trọt tại trang trại cũng cho gia đình tôi thu nhập khoảng 500 triệu đồng” – anh Hiếu nói.
Từng là lái xe đường dài, anh Hiếu nhiều lần đi qua Đà Lạt và thấy các mô hình trồng trọt rất hiệu quả nên đã về quê quyết định đầu tư thuê đất làm trang trại cây ăn quả. “Thời gian đầu, tôi chưa có kinh nghiệm nên thất bại nhiều, từ đó, tiếp cận tín dụng cũng gặp khó khăn nhưng đến nay với thu nhập ổn định, tôi đã vay được Ngân hàng Agribank Hà Nam 300 triệu đồng”- anh Hiếu cho biết.
Gia đình ông Nguyễn Văn Can, ở thôn Hoàn Dương xã Mộc Bắc huyện Duy Tiên (Hà Nam) vay tín chấp theo Nghị định 55 được tới gần 2 tỷ đồng.ảnh: Thanh Xuân
Khác với mô hình trồng trọt của anh Hiếu, gia đình ông Nguyễn Văn Can, 61 tuổi ở thôn Hoàn Dương xã Mộc Bắc huyện Duy Tiên (Hà Nam) lại đang rất thành công với trang trại chăn nuôi bò sữa. Ông Can cho biết, năm 2015, ông và 2 người con trai đã bỏ toàn bộ số vốn tích góp được sau nhiều năm kinh doanh vật liệu xây dựng để đầu tư vào nuôi bò sữa.
Có diện tích 8,6ha, hiện trang trại của ông Can đã đầu tư vào chuồng trại và mua bò giống với tổng mức đầu tư lên tới 8,6 tỷ đồng. “Gần 100 con bò sữa, sản lượng trung bình khoảng 8 tạ/ngày, bán với giá thu mua của Vinamilk 12- 14.000 đồng/kg, mỗi tháng trang trại cũng cho gia đình tôi thu nhập khoảng 80 triệu đồng” – ông Can cho biết.
Theo ông Can, trang trại của ông cũng nhờ có chính quyền địa phương “bảo lãnh” nên ngân hàng đã cho vay 1,8 tỷ theo hình thức tín chấp và 1,5 tỷ đồng là vay bằng thế chấp tài sản để đầu tư vào mua nuôi bò sữa. “Gia đình tôi hiện mới chỉ vay ở một ngân hàng, cũng chưa thử tiếp cận các ngân hàng khác nhưng tôi tin, khi làm ăn hiệu quả thì chắc chắn sẽ có nhiều ngân hàng tự tìm đến chúng tôi để đặt vấn đề cho vay”- ông Can khẳng định.
Cần cái “bắt tay” giữa chính quyền và ngân hàng
Video đang HOT
Vai trò của chính quyền rất quan trọng trong quan hệ 4 bên, (ngân hàng – nhà nước – doanh nghiệp, nông dân), vừa đảm bảo vốn vay ngân hàng, vừa hỗ trợ và kiểm soát sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm và vừa hỗ trợ nông dân kết nối bao tiêu sản phẩm…
Ông Hoàn Đức Cảnh – Bí thư Đảng ủy xã Mộc Bắc huyện Duy Tiên (Hà Nam) cho biết: Từ năm 2012, tỉnh có đề án phát triển chăn nuôi bò sữa, đến nay trên địa bàn xã đã có 70 hộ chăn nuôi bò sữa với 1.075 con bò. Năm 2016, UBND xã đã làm thủ tục cấp sổ cho 7 hộ kinh tế trang trại để có đủ điều kiện thế chấp vay vốn ngân hàng.
“Đối với chăn nuôi bò, điều kiện phải có ít nhất 10 con bò trở lên với diện tích trung bình 200- 240m2/con bò thì đủ điều kiện cấp sổ đỏ trang trại” – ông Cảnh nói.
Ông Trần Hồng Quang – Chủ tịch UBND xã Mộc Bắc cũng cho biết, hiện dư nợ cho vay chăn nuôi bò sữa trên địa bàn xã là khoảng 22 tỷ đồng. Trước đây, cán bộ xã phải vào tận nhà thu tiền lãi giúp ngân hàng nhưng đến nay thì người dân cứ đến hạn là chủ động mang tiền tới xã nộp để trả lãi và gốc đúng kỳ hạn cho ngân hàng.
Theo ông Trần Sỹ Thiên – Giám đốc Agribank huyện Lý Nhân (Hà Nam), tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng huyện hiện ở mức 0,44% trên tổng dư nợ gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp trên địa bàn huyện chiếm tới 98,5% trên tổng dự nợ. “Từ đầu năm 2017, cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp gặp khó khăn do chăn nuôi lợn bị khủng hoảng về cung cầu và giá bán. Chúng tôi cũng hy vọng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi lợn”.
Ông Đào Quang Xạ – Giám đốc Agribank tỉnh Hà Nam cho biết: “Hà Nam có sự khác biệt là ngay từ thời Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng còn làm lãnh đạo ở tỉnh đã đứng ra tuyên bố bảo đảm cho nông dân vay vốn. Từ đó, từ Đảng ủy, Chính quyền các địa phương trong tỉnh đã vào cuộc tích cực, tạo điều kiện cho Agribank giải ngân thuận lợi tới nông dân”.
Theo ông Xạ, khác với các địa phương khác, khi chính quyền đã đứng ra bảo lãnh cho nông dân thì các khoản vay vốn sẽ thông suốt hơn, không còn gặp khó khăn về các thủ tục hành chính như các địa phương khác.
Nói về “thủ phủ” của chăn nuôi lợn ở miền Bắc vừa trải qua cơn “địa chấn”, ông Đào Quang Xạ cũng chia sẻ: “Chúng tôi rất thương tâm, có nơi lợn nái đẻ ra cho không cũng không có ai nuôi, nhiều hộ đành vứt ra vườn, ruộng, cho cá ăn… Tỉnh cũng mở nhiều hội nghị để giải cứu cho chăn nuôi, chúng tôi đề nghị, nếu thiệt hại lớn thì tỉnh hỗ trợ cho người dân nhưng đến nay chỉ có Agribank hỗ trợ bằng chính tài chính của các chi nhánh, tỉnh, huyện. Như hạ lãi suất, động viên bán lợn thu gốc và thu lãi sau. Hộ nông dân nào cần tái đàn, cần vốn để chăm sóc lợn thì chúng tôi cũng chỉ đạo tiếp tục tạo điều kiện cho người dân vay tiếp”.
Theo Danviet
ND vay tín dụng đen: Nhà băng thừa tiền nhưng còn cả "rừng" thủ tục
Những năm gần đây, việc chăn nuôi, trồng trọt của người nông dân liên tục gặp khó khăn mà lý do hàng đầu luôn được nhắc đến là tại thị trường bấp bênh, tại dịch bệnh thiên tai hoành hành... Nhưng khi được hỏi, điều mà bà con than thở nhiều nhất lại chính là thiếu vốn và hành trình gian nan khi tìm đến ngân hàng để xin được vay vốn đầu tư sản xuất.
Nông dân huyện Lăk (tỉnh Đăk Lăk) chăm sóc vườn ca cao đang đến tuổi thu hoạch. Ảnh: Thiên Hương
"Rừng" thủ tục cản bước nông dân, hợp tác xã
Ngân hàng là những nhà kinh doanh tiền "chuyên nghiệp", họ thừa biết cho ai vay tiền tốt nhất, vốn đầu tư vào đâu hiệu quả nhất. Nếu họ không tin nếu cho vay sẽ "5 ăn 5 thua" thì họ buộc phải yêu cầu có tài sản bảo đảm. Những nông dân, HTX, doanh nghiệp nếu chứng minh được làm ăn có lãi thì chẳng ngân hàng nào lại từ chối. Về cơ bản, nông dân của ta chưa có kinh nghiệm về sản xuất kinh doanh, đầu tư chủ quan, duy ý chí, mang tính chất tiểu nông nhỏ lẻ. Trình độ hiểu biết về kinh tế tổng hợp cũng còn rất hạn chế nên làm sao ngân hàng dám cho vay mà không đòi hỏi tài sản đảm bảo". Đại diện lãnh đạo
Học viện Ngân hàng
Có một thực tế là các chính sách quy định về ưu tiên vốn dành cho nông nghiệp, nông thôn đã rất rõ ràng, nhưng các ngân hàng vẫn có đầy đủ lý do để từ chối các khoản vay. Tưởng như Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ (sau này được thay thế bằng Nghị định 55/2015/NĐ-CP) về chính sách hỗ trợ vốn cho nông nghiệp, nông dân đã rõ ràng đến thế, với những quy định thông thoáng, nhiều ưu tiên cho nông dân, chủ trang trại, HTX nhưng khi tiếp cận mới thấy, không phải ai muốn vay là được.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Vũ Cao Thăng, chủ trang trại nuôi ba ba, ếch ở xã Ân Hòa (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) cho biết: "Từ lâu, gia đình tôi không muốn đến các ngân hàng thương mại vay vốn nữa, vì thủ tục lằng nhằng, đợi được vốn rót về cũng phải chờ "dài cổ". Hầu hết những hộ cần vay vốn ở địa phương đều tìm đến Ngân hàng CSXH, Quỹ Tín dụng hoặc Ngân hàng NNPTNT, nhất là hệ thống cho vay của ngân hàng CSXH đã có mặt ở khắp nơi nên nông dân vay vốn rất tiện".
Theo một khảo sát của Bộ NNPTNT, trong năm 2015, cả nước chỉ có 0,67% trên tổng số 11.000 HTX tiếp cận được nguồn tín dụng và chỉ có 2,25% HTX nông nghiệp được tiếp cận với Quỹ hỗ trợ HTX.
Tính trong 3 năm (từ tháng 7.2013 - 6.2015), cả nước chỉ có 8,83% HTX nông nghiệp được hỗ trợ vay vốn tín dụng và 5,77% HTX nông nghiệp được tiếp cận với Quỹ hỗ trợ HTX.
"Tất nhiên các ngân hàng cũng có cái lý của mình khi cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn ẩn chứa nhiều rủi ro, nhưng không có nghĩa tất cả các khoản vay đều biến thành nợ xấu, không có nghĩa tất cả nông dân đều muốn trở thành con nợ. Điều nông dân ngại nhất là trong khi đợi ngân hàng làm xong thủ tục xét duyệt để được khoanh nợ, giãn nợ, cho vay lãi suất ưu đãi thì nhiều hộ đã không thể cầm cự nổi và có thể cơ hội làm ăn cũng không còn..." - ông Thăng nói.
Chuyện đi vay vốn của HTX Thương mại dịch vụ và nuôi trồng thuỷ sản Đức Thịnh (huyện Đầm Hà, Quảng Ninh) cũng khó khăn không kém. HTX này được thành lập từ năm 2012, chuyên nuôi trồng thuỷ sản, tổng số hơn 20 thành viên, với tổng diện tích 300ha mặt nước canh tác. Khi Nghị định 55 được ban hành, HTX đã tìm hiểu và muốn vay nguồn vốn này để đầu tư, nhưng không vay được.
Lý do là HTX không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có tài sản trên đất nên không đủ điều kiện vay. Còn với trường hợp của HTX Rau, hoa chất lượng cao Thanh Xuân (xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh), dù đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có giấy xác nhận thuê đất, có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có hợp đồng liên kết dự án đối với các doanh nghiệp, nhưng khi vay vốn thì ngân hàng định giá mức vay rất thấp, khoảng 500 triệu đồng, trong khi HTX cần vay tối đa 2 tỷ đồng.
Từ góc độ là một doanh nghiệp, ông Lê Quang Thành - Tổng Giám đốc Công ty Thái Dương (đơn vị chuyên về chăn nuôi và sản xuất thức ăn gia súc) cho rằng, chính sách của Nhà nước có thể rất đầy đủ, nhưng quan trọng là phải đưa vào thực thi, tạo ra sản phẩm hàng hóa thì chính sách mới mang lại ý nghĩa. "Nhiều nước cho vay chăn nuôi 30 năm, Việt Nam chỉ vay 3 năm và nhiều là 7 năm, nông dân, chủ trang trại không kịp xoay vòng vốn" - ông Thành cho biết.
Vòng luẩn quẩn bao giờ mới có lời giải?
Nông dân huyện Lăk (tỉnh Đăk Lăk) chăm sóc vườn ca cao đang cho thu hoạch. Ảnh: Thiên Ngân
Phân tích những bất cập từ chính sách tín dụng khiến các chủ trang trại, HTX khó tiếp cận vốn vay, TS Nguyễn Đức Thành - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEFR) cho biết, hiện trong số các chủ trang trại, HTX được vay vốn từ các ngân hàng thương mại thì chủ yếu được vay các khoản tín dụng ngắn hạn với số tiền nhỏ. Việc vay các khoản dài hạn rất khó, do ngân hàng đòi hỏi HTX phải có tài sản thế chấp.
Mặc dù trong Nghị định số 55/2015/NĐ-CP quy định các HTX, liên hiệp HTX ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản thế chấp tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án vay, tuy nhiên thực tế các HTX vẫn phải nộp sổ đỏ.
Bởi về nguyên tắc, ngân hàng vẫn phải dự phòng rủi ro và họ vẫn xét tài sản của HTX là một trong những điều kiện để bảo đảm HTX được vay vốn. Nhưng đáng tiếc là hầu hết HTX thường không có tài sản, hoặc tài sản được Nhà nước giao quản lý (kênh mương, trạm bơm...) thì không được coi là tài sản thế chấp.
Cùng quan điểm trên, đại diện lãnh đạo Học viện Ngân hàng cho biết, lâu nay câu chuyện tiếp cận vốn ngân hàng của nông dân và HTX còn tồn tại nhiều vướng mắc. Mặc dù chủ trương, chính sách của Chính phủ hoàn toàn đúng và luôn xác định hỗ trợ khu vực nông nghiệp nông dân, nông thôn nhưng từ chủ trương đến việc thực hiện vẫn còn khoảng cách.
Ngân hàng cũng phải hoạt động theo nguyên tắc, trong khi nông dân, HTX luôn luẩn quẩn trong cái "vòng" không thoát ra được là rủi ro thiên tai, rủi ro thị trường... Nếu ngân hàng không có biện pháp phòng chống rủi ro, có nghĩa chính các ngân hàng cũng phải gánh những rủi ro đó khi cho vay vốn. Do đó, việc nông dân, HTX khó tiếp cận được vốn cần phải nhìn cả hai chiều thì mới thấy được những vấn đề tồn tại hiện nay.
Chốt lại vòng luẩn quẩn trong chuyện vay vốn giữa nông dân, chủ trang trại, HTX và ngân hàng, vị lãnh đạo Học viện Ngân hàng cho rằng có 4 vấn đề cần giải quyết: Thứ nhất, phải có định hướng sản xuất kinh doanh, nông dân, HTX phải liên kết trong các tổ chức, hiệp hội và có định hướng, dự báo nhu cầu tương lai của thị trường. Thứ hai, phải phát triển một hệ thống chính sách để khuyến khích các tổ chức tài chính đi theo định hướng Chính phủ ưu tiên, đi theo hướng hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trong đó các tổ chức này được hưởng các ưu đãi về cơ chế chính sách cụ thể rõ ràng, minh bạch. Thứ ba, hệ thống các tổ chức bảo hiểm phải được phát triển và cũng phải có cơ chế cho họ để đảm bảo khi có rủi ro, họ sẽ được hỗ trợ. Thứ tư, Chính phủ cần hỗ trợ hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, Chính phủ đang ưu tiên doanh nghiệp Sartup thì tại sao lại không có những hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp? Họ cần phải được hỗ trợ và có đảm bảo bằng quỹ bảo hiểm thì lúc đó mọi thứ sẽ phát triển đồng bộ.
Theo Danviet
Bộ trưởng, Thống đốc sẽ làm việc về tâm thư của chủ trại lợn 12 tỷ Trước những vướng mắc của nông dân không vay được vốn ngân hàng dẫn tới phải vay tín dụng đen và gửi tâm thư, chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Kiến Thành cho rằng: Nông dân phải tìm cách tiếp cận ngân hàng, nếu khó khăn thì phải hợp nhau lại thành hợp tác xã (HTX) và phải chứng minh hiệu quả...