Độc đáo món quà của miền Tây – khô trâu Thạnh Trị
Ẩm thực là một nét văn hóa vô cùng đặc trưng ở nơi miền Tây sông nước, không chỉ là những món ăn liền trực tiếp tại chỗ mà còn những món có thể dành để làm quà, chẳng hạn như món khô trâu Thạnh Trị đặc sản Sóc Trăng.
Khô bò là món ăn vặt, món nhậu hằng ngày quá quen thuộc với mọi người trong mỗi cuộc vui. Tuy nhiên ngoài món khô bò còn có món ngon không hề kém cạnh chính là khô trâu đặc biệt thơm ngon ngọt thịt trứ danh Thạnh Trị, Sóc Trăng.
Khô trâu Thạnh Trị nướng xé sợi món ăn chơi, món nhậu vô cùng hấp dẫn (Ảnh st)
Theo trí nhớ của một lão nông Khmer tại vùng Thạnh Trị, kể từ những ngày đầu con người tới đất này khai hoang đã thấy trâu rừng nơi đây nhiều vô kể, người dân thường tìm cách bẫy trâu bắt xẻ thịt làm thức ăn. Phải công nhận một điều rằng bà con nông dân xứ miền Tây Nam Bộ quả thật rất sáng tạo, ngay giữa vùng xứ sở lạ lùng “chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng kinh” vậy mà có thể nghĩ cách bẫy được trâu rừng.
Là những người nông dân thứ thiệt, dùng cách của nông dân và bằng công cụ trong cuộc sống thường ngày để “hạ gục” những đối thủ đáng gờm nơi rừng thiêng nước độc này. Họ chẻ bụp lá dừa nước phơi khô rồi thắt thành dây niệt cỡ cườm tay người, sau đó dùng niệt thắt thòng lọng. Gặp bầy trâu rừng thì trai tráng trong sóc tụ lại, lấy cây rượt đuổi chúng để những người lớn tuổi có kinh nghiệm cầm niệt dây chuẩn bị bắt những con trâu yếu nhất bầy bị tách ra khỏi đàn, lùa xuống lung bàu, rồi dùng thòng lọng tròng vào cổ chúng.
Do thịt trâu tươi nhiều quá ăn không hết nên bà con đem xẻ ra ướp gia vị và phơi khô để ăn qua mùa mưa hoặc làm mồi nhậu lai rai cho cánh đàn ông trong các phom sóc. Chính vì thế khô trâu từ lâu đã trở thành món ăn truyền thống của bà con Thạnh Trị nói riêng và người dân Sóc Trăng nói chung.
Video đang HOT
Từ những ngày xưa, bà con xứ này đã tự tay bắt trâu xẻ thịt, cũng tự mình chuẩn bị các nguyên liệu gia vị đặc trưng phù hợp với thịt trâu để ướp. Để khô trâu thơm ngon chuẩn vị, phải là thịt trâu bắp được lược hết gân và lát thành những miếng mỏng lớn hơn bàn tay, tiếp theo là ướp gia vị vào gồm sả bằm, muối, tỏi, ớt,… khoảng nửa ngày cho ngấm rồi sau đó mới đem phơi nắng hoặc sấy trong lò.
Khô thành phẩm sẽ là những miếng khô thật mỏng, thơm lừng vị sả và mùi thịt trâu đặc trưng. Thường thì chế biến khoảng hơn 4kg thịt tươi mới có được 1 kg thịt khô bởi vậy giá bán ra thị trường của khô trâu cũng tương đương hoặc thậm chí cao hơn so với thịt trâu tươi.
Khô trâu có nhiều cách chế biến để tạo nên những món ngon hấp dẫn nhưng khô trâu nướng thường được lựa chọn nhiều nhất vì hương vị đặc trưng của thịt trâu ngấm đẫm gia vị. Những miếng khô sẽ được đem ngâm nước khoảng 5 phút rồi bắc bếp nướng trên than đước thơm lừng, vừa đủ độ chín sẽ đem dằn ra cho mềm, càng dằn sớ thịt khô sẽ càng mềm ngon. Ngoài ra còn có thể làm gỏi khô trâu nướng trộn đu đủ với giấm đường với tỏi ớt bằm kèm theo vài lon bia cùng đĩa dưa chua hay củ kiệu và chén mắm me đặc cũng sẽ có ngay bàn nhậu hết ý.
Thịt trâu vốn mang tính mát và nhiều đạm lại không chứa nhiều cholesterol như thịt bò nên thường được đánh giá tốt cho sức khỏe hơn. Thêm vào đó, khô trâu Thạnh Trị lại là một món đồ khô, dễ dàng vận chuyển nên vô cùng hợp lí để làm quà biếu tặng từ một cuộc dạo chơi miền Tây sông nước.
Món lạ miền Tây: Bánh canh cua đồng
Nói về độ đa dạng của ẩm thực miền Tây thật có lẽ không có đủ lời văn để có thể diễn tả hết được, từ những món bánh dân gian tới những món ăn dân dã hàng ngày giống như món bánh canh chẳng hạn.
Cùng là bánh canh nhưng nếu không nói rõ sẽ nhầm ngay vì có cả bánh canh mặn và bánh canh ngọt, ở miền Tây nói về bánh canh mặn thid chắc hẳn không ai có thể cưỡng lại sức hấp dẫn của món bánh canh cua đồng bột xắt.
Nói chung về bánh canh, khắp miền Nam Bộ ở đâu cũng có như bánh canh cua, bánh canh ghẹ thậm chí có cả bánh canh tôm hùm nhưng có lẽ không ở đâu qua nổi món bánh canh cua đồng xứ miệt vườn.
Tô bánh canh đầy đủ gia vị và món ăn kèm (Ảnh:st)
Đi men theo miền sông nước 13 tỉnh thành vùng châu thổ đến nơi đâu cũng có thể tìm được bánh canh cua đồng với từng hương vị đặc trưng theo khẩu vị địa phương đó nhưng điểm đặc biệt chung vẫn là bột gạo xắt, là cua đồng còn tươi rói hay tôm sông nhảy tanh tách.
Phụ nữ xứ miệt vườn luôn nổi tiếng với sự chịu thương chịu khó, tần tảo lo chuyện gia đình bếp núc, luôn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho các thành viên trong nhà. Bởi thế, mỗi lần làm bánh canh cũng phải tự tay lựa gạo, ngâm gạo rồi cũng tự tay nâng cối đá ra xay chứ nhất định không chịu mua loại bột lọc có sẵn ngoài tiệm tạp hóa hoặc những loại bánh canh sợi đã được làm sẵn. Do bánh canh làm từ bột gạo tự xay mới thơm ngon chuẩn vị cho nên dù có cực cũng được miễn sao mọi người ăn thấy ngon miệng.
Thế hệ các bà các mẹ, hỏi tới ai cũng biết làm bánh, bánh gì cũng có thể làm và còn làm rất khéo rất ngon. Dù có nhiều khi làm xong để cho mọi người ăn còn mình lại ngồi nhìn, bởi vì đam mê và tình thương ăn sâu trong tâm khảm, chỉ cần ai nói muốn ăn sẽ đều lập tức xăn tay áo vào bếp.
Bánh canh miền Tây đặc biệt ở bột gạo xắt, bột sau khi nhồi đủ sẽ được xắt thành từng sợi dài, mỏng vừa đủ bỏ luôn vào nồi nước dùng đang sôi trên bếp và chờ ít phút là có ngay những tô bánh canh thơm ngon.
Tô bánh canh đậm chất miền Tây (Ảnh: st)
Để làm ra sợi bánh canh trắng thơm phải lựa gạo ngon, có thể ngâm trong vài giờ rồi đem xay, để lắng phần bột rồi chắt bỏ phần nước trong. Sau khi bỏ đi phần nước trong mới lấy phần bột vào túi vải đè cối đá hoặc vật nặng chờ cho ráo bột mới đem nhồi.
Nhiều người thích mùi thơm của lá dứa mà chừa bột lại để chung với nước lá dứa đã vắt và lấy "trùng bột" bằng cách đun trên lửa vừa cho đặc lại, cho thêm một chút bột năng giúp cho sợi bánh canh làm ra dai ngon hơn. Sau khi đun xong sẽ đem nhồi với phần bột đã để ráo cùng với một chút muối cho đậm đà, nhồi đến khi bột đủ dẻo đủ dai sẽ đem xắt và nấu.
Trong thời gian nhồi bột cũng có thể tranh thủ nấu nước dùng chính là phần nước từ thịt cua đồng đã lọc, nêm nếm gia vị tùy theo khẩu vị, hơn nữa không nên nấu trên lửa quá lớn làm cho phần thịt cua bị rã.
Chuẩn bị thêm chai thủy tinh và đồ xắt bột, đồ xắt có thể là cây dao bản mỏng hoặc một nhánh cây đã được vót đủ bén để cắt ngọt sợi bánh. Chờ cho phần nước dùng sôi già rồi mới cho bánh vào, dùng chai thủy tinh cán bột vừa đủ mỏng rồi lấy cây hoặc dao xắt dọc theo, sợi bánh vừa đủ dài và không quá mỏng sẽ ngon hơn, xoay chai thủy tinh từ từ theo phần bột để bột đùng tầm rơi vào nồi nước dùng.
Trong lúc xắt bột cũng cần thỉnh thoảng lấy đũ đảo lên để bánh không bị dính hoặc bén dưới đáy. Ngoài ra, đúng vị miền Tây còn có một nguyên liệu không thể nào thiếu chính là nước cốt dừa, dừa già vắt lấy nước cốt rảo đem bỏ chung nồi nước dùng.
Chờ khi bánh trong lại và nổi trên mặt là có thể ăn ngay, tô bánh canh dân dã nhưng đầy đủ các món ăn kèm như tôm, chả cá vo viên đã chín sẵn hay chả cá chiên xắt miếng vừa ăn cùng rau giá, rau đắng trụng đậm chất miền Tây. Có nhiều người không biết cứ ngỡ loại bánh làm từ bột dẻo dẻo dai dai mà lại trong như bột lọc là món ăn miền Trung nhưng không phải, bánh canh bột xắt là một đặc sản chính gốc miền Tây, về miền Tây nhất định phải thử.
Bánh canh thơm ngon hấp dẫn (Ảnh: st)
Ngồi chờ mẹ múc tô bánh mà lòng háo hức rộn ràng, đi xa về chỉ thèm có vậy, bàn tay mẹ khéo léo hòa cùng vị quê hương. Tùy thuộc vào khẩu vị mỗi người mà bánh canh cua còn được biến tấu theo nhiều kiểu như bánh canh tôm, bánh canh thịt heo hoặc cả bánh canh vịt xiêm và món nào cũng "cuốn", cũng nên thử ít nhất một lần trong đời.
Nhớ Sóc Trăng với tô bún vịt nấu tiêu Bún vịt nấu tiêu thơm ngon lạ miệng và đầy hấp dẫn đã chinh phục được khẩu vị của biết bao thực khách khó tính.Quê hương Sóc Trăng, vùng đất ven đô miền Tây sông nước nhưng lại làm cho du khách lưu luyến biết bao bởi tình đất tình người cũng như chính những món ăn dân dã vô cùng đặc biệt...