Độc đáo kiến trúc chùa Xiêm Cán
Cách thành phố Bạc Liêu khoảng 7km về phía Đông Nam, chùa Xiêm Cán (thuộc xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) được coi là ngôi chùa cổ kính và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Đông Nam Bộ.
Với những đường nét hoa văn tinh xảo, lối kiến trúc độc đáo, ngôi chùa có tuổi thọ hơn một thế kỷ này vẫn uy nghi tồn tại đón khách tham quan, chiêm bái.
Ngay từ khi đặt chân đến cửa chùa, du khách đã ấn tượng bởi sự lộng lẫy của ngôi chùa này. Cổng chùa xây hình 3 ngọn tháp, mô phỏng kiến trúc Angkor của người Campuchia. Bên trên cổng được chạm trổ tinh xảo, với rất nhiều hình rắn – một đặc trưng trong kiến trúc Khmer.
Khuôn viên chùa rộng hơn 4 ha, bao quanh là tường rào chạm khắc rắn thần và nhiều hoa văn rực rỡ. Đây là ngôi chùa Phật giáo tiểu thừa được xây dựng theo lối kiến trúc Angkor đặc trưng của người Campuchia. Chánh điện của chùa thường quay về hướng Đông vì người Khmer tin rằng con đường tu hành của phật đi từ Tây sang Đông.
Chùa là trung tâm tôn giáo lớn và đẹp bậc nhất của người Khmer ở Bạc Liêu và cả vùng Nam Bộ, khởi công từ năm 1887. Khuôn viên chùa rộng, có nhiều hạng mục như: chánh điện, sala, mộ tháp… Các công trình này cách nhau cả trăm mét, xen giữa là những khoảng sân, mảnh vườn, cây cối, tạo một không gian thanh bình, yên ả. Người Khmer theo phật giáo tiểu thừa, thờ phật Thích Ca. Hiện chùa có đến 115 pho tượng các loại làm bằng xi măng, đất, một bia đá và một quả chuông có từ năm 1887.
Chùa Xiêm Cán không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh, văn hóa nghệ thuật của người dân Khmer, mà còn là nơi lưu giữ bộ sách Khmer cổ được viết trên lá cây dày đến 70 trang.
Khắp các công trình kiến trúc trong chùa, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều tượng rắn thần Naga 5 đầu. Đây là hình ảnh tượng trưng cho lòng vị tha của Đức Phật, ngụ ý rằng giáo lý phật pháp soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn đã được thuần hóa và phục thiện.
Bên trong chánh điện là hai hàng cột cao nâng đỡ mái chùa. Mái được cấu trúc thành nhiều tầng lớp chồng lên nhau, tạo ra khoảng không gian cao vút, hòa với đỉnh nhọn như một chóp tháp. Chánh điện chỉ thờ duy nhất Đức Phật Thích Ca với các bức tượng ở nhiều tư thế khác nhau.
Chùa Xiêm Cán có sala (giảng đường, nhà hội) trên đó có khắc tượng hình Xanac dắt con bạch mã Kiền đặc đưa Thái tử Sidatta qua sông đến đất A-nô-ma tìm đường giác ngộ. Trong sala có bàn thờ Phật và bàn ghế, sàn ván để tín đồ bàn bạc trước khi lên chánh điện. Vách trần sala được trang trí các họa tiết, bích họa khá công phu. Hai bên chánh điện là nhiều tháp cốt và một nhà hỏa thiêu.
Video đang HOT
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại chùa Xiêm Cán
Người dân Khmer mỗi tháng đến chùa bốn lần để lễ phật, tụng kinh, tu dưỡng đạo đức để mong được hưởng quả phúc. Ngoài nhiệm vụ chính là thực hiện các hoạt động tôn giáo, chùa còn là trung tâm văn hóa giáo dục của phum, sóc (làng, xã). Trong khuôn viên chùa có trường học dạy chữ Khmer, chữ Pali, dạy kinh… Đây cũng là nơi lưu giữ các tập truyện kể dân gian xưa và nay hoặc các vốn văn hóa truyền thống.
Chùa Xiêm Cán là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Bạc Liêu. Đến đây du khách không chỉ được ngắm nhìn những công trình kiến trúc công phu, hưởng không khí thật yên tĩnh và thanh bình khiến tâm hồn thư thái mà còn hiểu hơn về văn hóa tín ngưỡng, đời sống của dân tộc Khmer vùng đồng bằng Nam Bộ. Vì vậy, nếu có dịp về Bạc Liêu, du khách đừng bỏ qua địa điểm du lịch đặc sắc này nhé.
vtr.org.vn
Theo dulich.petrotimes.vn
Đến chùa Dơi giải mã bí ẩn ngàn năm về loài dơi khổng lồ và mộ heo 5 móng
Hàng triệu con dơi khổng lồ sống quây quần trong khuôn viên chùa Dơi cùng dãy mộ heo 5 móng ở Sóc Trăng vẫn đang là những bí ẩn ngàn năm nay chưa có lời giải.
Với hơn 600 ngồi chùa của đồng bào dân tộc Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, thì chùa Dơi là ngôi chùa độc đáo và nổi tiếng nhất, nằm trên một khuôn viên rộng lớn tại phường 3, thành phố Sóc Trăng.
Chùa Dơi với lối kiến trúc độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer.
Chùa Dơi nổi tiếng không chỉ bởi kiến trúc độc đáo mà còn bởi những bí ẩn xung quanh đàn dơi khổng lồ hàng triệu con treo lơ lửng trên những ngọn cây cao chót vót trong khuôn viên chùa và dãy mộ heo 5 móng được thờ tự như những linh vật trong chùa.
Dơi khổng lồ trấn giữ chùa.
Không phải ngẫu nhiên ngôi chùa mang tên loài Dơi. Nơi đây, trên những ngọn cây Sao, cây Dầu cao chót vót trong khuôn viên chùa là hàng triệu con dơi khổng lồ treo mình lơ lửng như trấn giữ vùng đất linh thiêng, đầy bí ẩn này.
Mỗi con dơi ở đây, đều lớn hơn rất nhiều những con dơi ở những vùng đất khác, với trọng lượng xấp xỉ 2kg với sải cánh rộng hơn 1 mét mỗi lần bay lượn.
Theo những người dân xung quanh chùa và các nhà sư, không phải ngẫu nhiên mà bầy dơi khổng lồ về cư ngụ trong khuôn viên chùa, mà phải có linh khí trời đất và phúc lành của nhà Phật mới thu hút loài dơi khổng lồ này về sinh sống trong khuôn viên chùa. Mà cũng chỉ tại chùa Dơi, mới có đàn dơi khổng lồ này.
Hàng triệu con dơi khổng lồ treo mình trên cây cao trong khuôn viên chùa.
Lạ lùng hơn nữa, trong khuôn viên chùa và vườn những nhà dân xung quanh rất nhiều cây trái, nhưng loài dơi này không đụng đến, chỉ bay lượn xung quanh rồi bay thẳng đi xa kiếm ăn về ban đêm.
Đàn dơi này, chỉ treo mình trên những cây cao trong khuôn viên chùa. Khi hoàn hôn buông xuống, chúng lại xao xác bay đi kiếm ăn và quay trở về khi bình minh lên. Người dân nơi đây cho rằng, Dơi chính là linh vật trấn giữ chùa Dơi do thần phật cử xuống.
Bí ẩn mộ "Cô Năm Hợi" và đàn heo 5 móng
Gần như chùa Dơi, là nơi duy nhất lập mộ cho loài heo. Mà là loài heo đặc biệt, có 5 móng. Người dân nơi đây cho biết, heo thường có 3 móng, những chú heo 5 móng chính là những chú heo đã thành tinh, mang cốt tinh của con người.
Mộ heo 5 móng được dựng lên trong khuôn viên chùa Dơi.
Heo 5 móng người dân thường không dám nuôi, mà gửi vào chùa Dơi nhờ các nhà sư nuôi hộ. Khi mỗi chú heo 5 móng chết đi, đều được chôn cất trong khuôn viên chùa và lập mộ thờ tự như đối với con người.
Một nhà sư kể lại, khoảng 30 năm trước, một chú heo con có 5 móng xuất hiện tại cổng chùa, cứ quanh quẩn không rời xa. Các nhà sư đã đưa vào chùa nuôi dưỡng.
Chiếc ghe đặc trưng của người Khmer lưu giữ trong chùa Dơi.
Chú heo 5 móng này lớn rất nhanh, được các nhà sư gọi bằng cái tên gần gũi là "Cô Năm Hợi". Lạ lùng thay, "Cô Năm Hợi" có thói quen sinh hoạt như con người, sáng nào cũng ra khỏi chùa đi ra chợ Mùa Xuân kiếm ăn, chính giờ Ngọ ban trưa lại về chùa ăn cơm cùng các nhà sư rồi lăn ra ngủ.
Năm 1996, sau 7 năm sinh sống trong chùa Dơi, "Cô Năm Hợi" qua đời và được các nhà sư chôn cất trong khuôn viên chùa và dựng mộ như đối với con người.
Người đồng bào Khmer chơi nhạc cụ dân tộc trong khuôn viên chùa.
Từ ngày "Cô Năm Hợi" về chùa sinh sống và mất đi, nhiều người dân biết nên đã gửi những chú heo 5 móng cho nhà chùa nuôi dưỡng. Từ đây, mỗi chú heo 5 móng chết đi đều được nhà chùa và các phật tự lập mộ, thắp hương thờ cúng...
Nhạc cụ cổ xưa của người Khmer được lưu giữ trong chùa.
Chính vì những linh thiêng và bí ẩn chưa giải đáp về loài heo 5 móng này, mà người dân nơi đây thường hay lui tới thắp hương, cầu xin tài lộc.
Chùa Dơi, còn gọi chùa Mã Tộc (hay chùa Mahatúp) nằm bên đường Văn Ngọc Chính thuộc Phường 3, thành phố Sóc Trăng. Chùa Dơi là không gian văn hóa duy nhất thờ Phật Thích Ca của cộng đồng dân tộc Khmer Nam Bộ tại tỉnh Sóc Trăng.
Thư tịch cổ ghi lại, Chùa Dơi được khởi công xây dựng vào từ năm 1569. Ban đầu, chính điện của chùa chỉ được xây dựng bằng tre lá, sau đó được xây lại bằng gạch, mái lợp ngói. Năm 1960, chùa được sửa chữa lớn ở chánh điện. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo chùa có vóc dáng kiến trúc như ngày nay.
Ngôi tháp đặc trưng cho kiến trúc của người Khmer.
Năm 1999, chùa Dơi đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Năm 2013 khu du lịch chùa Dơi được đưa vào hoạt động, phục vụ du khách gần xa đến chiêm bái, lễ Phật. Mỗi ngày, nơi đây thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan, hành lễ.
Mẫn Phong
Theo baovephapluat.vn
Đi Thái mà "lơ đẹp" 8 khu chợ nổi "đỉnh cao" gần ngay Bangkok thì thiếu sót lắm đấy Chợ nổi đâu chỉ là "độc quyền" của riêng vùng sông nước miền Tây Việt Nam, vi vu Bangkok cũng có lắm chợ nổi khiến bạn mê mẩn "quên lối về" đó thôi. Nhắc đến Thái Lan, chúng ta thường dễ dàng liên tưởng tới "xứ sở chùa vàng", "thiên đường du lịch", "kinh đô mua sắm", "đất nước của những nụ cười"......