Độc đáo bún giấm nuốc, quán nhỏ liêu xiêu có sức hút mãnh liệt níu chân khách ngày hè
Dưới cái nắng chiều mùa hè gay gắt của Huế, món bún giấm nuốc rất được người dân cố đô yêu thích vì sự thanh mát và dân dã mà nó mang lại.
Đến Huế vào mùa hè nắng nóng, nếu có dịp bạn hãy thưởng thức món bún giấm nuốc. Đây là món ăn mà chỉ Huế mới có và làm xiêu lòng nhiều thực khách. Đến chợ Đông Ba rồi xuôi về phía cầu Gia Hội, đi qua cầu là đã thấy quán bún nhỏ nép bên vỉa hè ở địa chỉ số 02 đường Chi Lăng. Nhìn từ xa đã thấy những bộ bàn ghế nhựa màu đỏ được bày biện một cách giản dị, chân phương.
Quán không có tên cụ thể mà chỉ được mệ Lành để tên “bún giấm nuốc”. Đến quán từ khung giờ 13h30 đến 19h tối là có thể thưởng thức tô bún giấm nuốc độc đáo mà chỉ riêng vùng cố đô mới có.
Quán nhỏ liêu xiêu chỉ bán vào mùa hè
Chủ quán bún giấm Nuốc là mệ Lành, năm nay đã 67 tuổi. Quán bún đã tồn tại hơn 30 năm và là địa chỉ quen thuộc của người dân địa phương. Nơi đây cũng là một phần ký ức không phai của nhiều người con xứ Huế, món bún giản dị đi sâu vào tiềm thức và tuổi thơ của mỗi người vào những ngày nắng miền Trung gay gắt “rát da rát thịt”.
Chúng tôi ghé quán vào một buổi chiều nắng hạ tìm gặp trực tiếp mệ Lành để thưởng thức tô bún mát lòng này. Tuy nhiên hôm nay lại không được gặp mệ mà chỉ có con gái của mệ là chị Huyền đứng bán.
Quán bún là địa chỉ quen thuộc và ưa thích của người dân nơi đây.
Bún giấm nuốc nhìn hình thức thì có vẻ đơn giản nhưng thực ra để chế biến được một tô bún chuẩn lại rất cầu kỳ. Mỗi tô có bún tươi, chả cá, tôm, bánh tráng bùi bùi và một ít “nuốc chân”, đi kèm đó là các loại rau thơm, xà lách, dưa leo xắt nhỏ…
Sau khi đã sắp xếp những nguyên liệu vào trong tô, chị Huyền sẽ nhanh tay chan nước lèo rồi rắc một ít bánh tráng mè chiên giòn rụm lên trên. Khi ăn thực khách sẽ tự nêm nếm thêm ruốc cho dậy mùi hoặc ớt tương xay theo khẩu vị của mình.
Ngồi thu mình trong chiếc bàn nhỏ được bày biện tất cả những nguyên liệu để bán, chị Huyền thoăn thoắt nhanh tay làm những phần bún ngon lành để khách không phải đợi lâu.
Chị vừa bán vừa nhanh miệng dặn người anh trai đang ngồi bên cạnh phụ làm, giọng chị Huyền lanh lảnh mà nhẹ nhàng thân thương: “tô của chị nớ đừng bỏ ớt cay nghe”, “tô bên bàn bên tê không ăn rau sống mô”… Giọng Huế ngọt lịm khiến thực khách chưa ăn mà đã say lòng.
“Quán bún ni chỉ mở bán vào mùa hè, những ngày nắng nóng, còn mỗi khi đến mùa mưa thì phải đóng quán và thất nghiệp, vì lúc ni không có nuốc mà khách hàng họ cũng không ăn món ni vào những ngày mưa tầm tã”. Chị Huyền bộc bạch về cái nghề mà mình mà đã được truyền dạy lại.
Bình thường ngày nắng, quán rất đông khách, chị Huyền phụ “mạ” làm chẳng kịp tay, thế nhưng vài năm gần đây thời tiết thất thường, những buổi chiều Huế “mưa trôi cả bầu trời nắng” khiến cả một khoảng trời não nề thì quán lại đìu hiu, lát đát vài người vào ăn. Đó cũng chính là một chút tâm sự buồn của chị Huyền về cái nghề đã theo chị từ thời con gái cho đến bây giờ.
Để làm ra được tô bún giấm nuốc, người ta chỉ dùng phần “nuốc chân”. Nuốc thì được ngâm trong nước sạch với lá ổi để khử mùi tanh và giữ độ giòn tự nhiên của con nuốc, khi ăn thì vớt ra khỏi nước, để cho thật ráo, càng ráo nước thì càng ngon và giòn.
Phần “linh hồn” của tô bún chính là nước lèo, mỗi người sẽ có một cách nấu nước lèo riêng biệt. Nước lèo có độ ngọt tự nhiên và hơi chua thanh, kết hợp vị ruốc đặc trưng.
Nước dùng nấu bằng nước luộc tôm, cà chua, thơm… rồi được đun trên lửa liu riu, phần ruốc được nêm vào một cách đặc biệt, đó là ruốc phải được đánh cho tan với nước lạnh, rồi chắt lấy phần nước trong. Như thế thì phần nước lèo mới không bị ám mùi, cũng vì vậy mà nước lèo tuy thanh mà không bị nhạt nhẽo.
Video đang HOT
Một tô bún giấm nuốc hoàn chỉnh là sự kết hợp vô cùng hài hoà của nước lèo và “nuốc chân” giòn sần sật tươi mát. Tuy được gọi là bún giấm nuốc nhưng người Huế không dùng giấm để nấu nước lèo, vị chua nhẹ và thanh thanh của nước dùng được nấu công phu bằng cà chua, hoặc dứa và nước luộc tôm tạo độ ngọt tự nhiên.
Bí quyết riêng của nước lèo được chị Huyền chia sẻ là, phần nước dùng được mệ Lành nấu theo công thức gia truyền bằng rạm xay nấu với các gia vị khác, rồi đun cho đến khi phần nước xăm xắp lại là được.
Ở Huế không có nhiều quán bán bún giấm nuốc, cũng bởi vì mùa nuốc chỉ xuất hiện ngắn ngủi vào những tháng hè. Con nuốc tuy được chế biến đơn giản nhưng lại tinh tế ở chỗ người ta chỉ xơ chế nuốc tươi trong ngày rồi bán cho các tiểu thương, không được để qua hôm sau vì như thế sẽ giảm bớt độ tươi và giòn ngon của con nuốc.
Cũng vì thế mà món ăn này chỉ được bán trong vài tháng, những ngày nắng nóng oi bức. Có thể đó chính là nguyên nhân nhiều người không còn mặn mà với nghề, tuy nhiên quán bún của mệ Lành vẫn giữ lửa tồn tại qua mấy chục năm và được nhiều khách vấn vương, lui tới.
“Con tinh của nước” món quà của biển cả dành cho Huế
Con nuốc vẫn được ngư dân vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (Thừa Thiên – Huế) gọi bằng cái tên trân quý là “con tinh của nước”. Mùa nuốc kéo dài khoảng chừng 3 tháng, những ngày trời nắng gắt gió thổi nhè nhẹ, con nuốc nổi lên trên tạo thành từng mảng trắng đục báo hiệu một mùa nuốc đã về.
Nuốc cùng họ với sứa nhưng nhỏ hơn và không có độc tố gây ngứa, con nuốc rất “lành”, ăn có vị thanh mát, giòn giòn và tươi ngon. Đó chính là điều đặc biệt mà chỉ riêng Huế mới có.
Nuốc được chia làm hai phần gồm tai và chân. Phần “nuốc tai” giòn mềm thích hợp để ăn kèm với rau thơm, trái vả, khế chua và chuối chát… Tất cả đều được cắt lát mỏng rồi chấm với ruốc hoặc làm gỏi. Còn “nuốc chân” giòn giòn, sần sật thì được làm nguyên liệu chính cho món bún giấm nuốc.
Mệ Mai đã ăn ở quán bún này mười mấy năm.
Mệ Mai (68 tuổi) là chủ hàng điện tử ở đường Phan Đăng Lưu (TP Huế). Được biết, mệ là một khách hàng quen thuộc của quán bún giấm nuốc. Cứ chiều chiều khi nắng hè đã dịu bớt đi, mệ Mai thường đạp xe từ cửa hàng qua quán bún để thưởng thức hương vị quen thuộc, thói quen đó đã được duy trì được mười mấy năm.
Mệ Mai chia sẻ đôi lời về quán bún thân quen: “Khi xưa, lúc mệ ăn thì tô bún chỉ có giá 10 ngàn đồng thôi, đến nay mười mấy năm theo thời gian và giá cả leo thang, tô bún đã có giá 30 ngàn, giá đó rất là hợp lý với mức sống hiện tại ở thành phố.
Mệ đã ăn bún giấm nuốc ở vài quán, nhưng mà quán ni là mệ thấy ngon nhất, cái ngon ở quán mệ Lành chính là ở nước lèo không phải ai cũng nấu được, quan trọng là ở nguyên liệu và bí quyết mà người nấu kết hợp lại.
Nhiều người cũng tới ăn rồi bắt chước học theo về bán nhưng mà không ngon bằng, mấy chỗ nớ mệ cũng tới ăn cho biết nhưng mà thấy hơi tanh, nước lèo không thanh, cuối cùng mệ cũng quay lại quán ni để ăn thôi, chừ già cả rồi khi thèm thì phải ăn chứ mắc chi mà nhịn”.
Con nuốc là thứ đặc sản mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng riêng cho vùng nước lợ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (Thừa Thiên – Huế) và một số cửa biển ở Huế. Món bún giấm nuốc không biết đã có tự bao giờ, chỉ nghe kể rằng ngày xưa “mạ” nấu rồi dạy lại cho con cái.
Cứ thế món bún giấm nuốc tồn tại từ thời ông bà rồi đến thế hệ con cháu, tạo nên món ăn lạ miệng mà chỉ riêng Huế mới có, người con vùng đất cố đô luôn gìn giữ và nấu theo những gì mà “mạ” chỉ lại và tạo nên một trong những món ăn độc đáo của ẩm thực Huế.
Quán bún bò lạ nhất xứ Huế: Bán hàng thần tốc, khách tự phục vụ, không đến nhanh là hết
Đối với nhiều người dân Huế, bún bò Mệ Kéo không phải nơi xa lạ, nhưng với nhiều khách tứ phương, không phải cũng biết tìm đến đúng nơi.
Có một câu nói mà người sành ăn vẫn luôn truyền miệng nhau rằng: Muốn ăn bún bò Huế thì nhất định phải đến quán của Mệ Kéo - một trong những quán bún bò lâu đời nhất ở vùng đất cố đô. Suốt mấy chục năm thăng trầm, gánh bún bò Mệ Kéo vẫn nức tiếng gần xa bởi hương vị chuẩn bún bò Huế xưa. Không chỉ riêng người dân Huế mà khách du lịch khắp nơi cũng tìm đến ăn, rồi vấn vương mãi.
Không đến ăn nhanh là hết
Đến quán, chỉ cần đứng bên ngoài thôi đã nghe thấy tiếng khách gọi văng vẳng, "lấy cho con tô bún đầy đủ", "con ăn bún bò tái", "tô của con đừng bỏ huyết"...
Một giọng Huế trầm ấm đáp lại thật thật nhanh, "tô đầy đủ thì 30 ngàn nghe con", "bún bò tái có bỏ thêm ớt chi không?, "từ từ rồi đứa mô cũng tới lượt đừng có hối mà đổ hết nì"... Vừa nói vừa làm, đôi tay của chủ quán thoăn thoắt chan nước lèo lên tô bún cho kịp trao cho những thực khách đang chờ đợi.
Nhiều người sẵn sàng chờ đợi để được nếm thử hương vị của tô bún chuẩn vị.
Tô bún có nhiều mức giá tuỳ khẩu phần ăn, dao động từ 20 nghìn đồng đến 30 nghìn đồng. Trái với phong cách sống chậm rãi của người Huế, muốn thưởng thức một tô bún ở nơi đây, bạn phải nhanh cái chân, lẹ cái tay thì mới được ăn. Lý do không phải quán "chảnh" mà là vì quán đông khách và hết rất nhanh. "Không đến ăn nhanh là hết" là câu nói mà mỗi lần khách ra về đều phải thốt lên.
Sau 8h30 sáng thì quán đã bán hết và đặt biển "hết bún" ở bên ngoài để thực khách khỏi mất công chờ đợi. Nhiều người đến trễ thì cũng đành phải tiếc nuối ra về. Vì vậy bạn nên đến quán với khung giờ từ 6h30 đến 8h00 là có thể thưởng thức trọn vẹn tô bún bò chuẩn vị.
Địa chỉ tìm đến quán rất dễ, nằm gần cầu Gia Hội ở số 20 đường Bạch Đằng (phường Phú Cát, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế). Chỉ cần chạy dọc con đường Bạch Đằng là có thể dễ dàng tìm thấy.
Quán bún chẳng cần để bảng hiệu, nhưng vẫn đông nghẹt người đứng xếp hàng chờ đợi để được thưởng thức tô bún nóng hổi đẫm vị.
Quán bún bò gây thương nhớ cho những người gần xa
Một trong những điều đặc biệt làm người ta nhớ đến quán bún bò Mệ Kéo không chỉ là hương vị, mà còn là không gian cổ kính của căn nhà gỗ nhìn ra dòng sông vô cùng thơ mộng. Quán không quá rộng nên mỗi khi đông khách, mọi người phải đứng chờ một lúc mới có bàn để ăn. Để được thưởng thức hương vị của tô bún chuẩn vị Huế, có chờ đôi chút thì mọi người vẫn luôn sẵn lòng.
Lịch sử về cái tên bún bò Mệ Kéo cũng rất đặc biệt, nếu không phải là người dân địa phương hoặc khách hàng thân thiết lâu năm thì sẽ không biết. Từ "mệ" trong tiếng địa phương của người dân Huế chính là từ "bà", và Mệ Kéo cũng không phải là tên của chủ quán mà là tên mẹ của bà Bùi Thị Mỹ Hoà (SN 1967), cũng là người nấu những nồi bún thơm ngon gây thương nhớ gần xa.
Bà Hoà cho hay: "Mệ Kéo là tên của mẹ tôi, năm ni mệ cũng đã ngoài 80 tuổi rồi, tên thật của mệ là Nguyễn Thị Bưởi. Mệ đã nuôi các con khôn lớn bằng gánh bún bò ni và sau đó thì truyền nghề lại cho tôi, những người quen biết và khách hàng quen thuộc đều biết hai mẹ con nên buộc miệng gọi bún bò Mệ Kéo. Từ thời mệ đến đời tôi thì gánh bún bò cũng đã tồn tại hơn 70 năm rồi".
Cái tên Mệ Kéo là được người trước gọi rồi người sau cũng gọi theo, dần dà tên thật của bà Hoà không còn được nhắc đến Bà Hoà cũng không giải thích mà luôn tự hào vì được nhắc đến với cái tên thân thương như vậy.
Kể lại chuyện ngày xưa, bà Hoà nói: "Thời nớ không có điều kiện để bán ở trong căn nhà gỗ như chừ mà phải ngồi bán vỉa hè, nước lèo được nấu trong nồi om, chở bằng xích lô ra phía dọc vỉa hè dưới chân cầu Gia Hội để bán. Gánh bún được dọn vào vị trí trong căn nhà gỗ cũng đã được 7 năm ni rồi.
Ngày xưa để học nấu được nồi bún bò thì cứ nhìn mệ mà làm theo thôi, mệ nấu răng thì mình bắt chước mà làm theo lại rứa".
Gánh bún nhỏ được đặt dưới nền nhà sạch sẽ, 2 nồi nước lèo bốc khói nghi ngút, tỏa ra một mùi thơm đặc trưng của nước lèo đậm đà vị ruốc sả nhưng lại rất trong và cay nhẹ đầu lưỡi. Phần nước lèo được nấu chung với tất cả gân huyết, chả, giò heo...
Để nước dùng được ngọt thanh tự nhiên thì phải hầm xương trong nhiều giờ liền, kết hợp với gia vị đặc trưng của xứ Huế là ruốc và sả. Đây cũng chính bí quyết lâu đời được nấu theo kiểu truyền thống xưa của người Huế. Mệ Kéo tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn tự tay giúp bà Hoà nấu nước lèo.
Với những hàng quán khác, khi vào ăn bạn chỉ cần tìm bàn trống rồi ngồi xuống đợi nhân viên bưng ra rồi thưởng thức, ngược lại quán Mệ Kéo lại có một "nguyên tắc" là muốn ăn thì sẽ đứng xếp hàng gọi món, rồi sẽ đợi để lấy tô bún tại chỗ và thanh toán tiền.
Ngoài ra, rau sống ăn kèm cũng tự chủ động lấy chứ không có người phục vụ. Nếu là người mới hoặc thực khách gần xa đến quán lần đầu sẽ hơi bỡ ngỡ và khá lạ lẫm với cách phục vụ tại quán Mệ Kéo.
Tô bún ngày xưa của quán Mệ Kéo không có thịt bò tái mà có thịt ba chỉ được cắt lát to vừa phải, huyết heo và chả cua... Nhưng những năm gần đây để phù hợp với khẩu vị của nhiều người, bà Hoà đã để thêm thịt bò tái để khách hàng có thể lựa chọn. Gánh bún bò của Mệ Kéo chỉ có một điều thay đổi đó thôi, còn lại thì hương vị nước dùng vẫn "nguyên bản" và không hề khác đi theo nhận xét của nhiều "ôn mệ" và khách quen hay lui tới quán.
Anh Hùng là người con xứ Huế nhưng đã xa quê 10 năm, sau nhiều năm chờ đợi anh đã quay trở về và đi tìm lại hương vị bún bò Huế mà ngày xưa anh đã từng ăn.
Chúng tôi tình cờ ngồi ăn tô bún cùng bàn với anh Hùng (SN 1991), một người con xứ Huế xa quê đã 10 năm. 10 năm xa quê hương lập nghiệp ở Làm, anh nói luôn muốn thưởng thức một tô bún bò Huế thân thương tại chính nơi mà anh sinh ra.
"Ở Lào cũng từng có quán bún bò Huế nhưng rồi người ta bán một thời gian thì đóng quán trở về quê, cũng từ đó mình không còn được thưởng thức hương vị bún bò Huế nữa. Ở Lào, tìm được một quán nấu đúng hương vị quê hương thật sự rất khó...", anh Hùng chia sẻ.
Ăn xong tô bún, anh Hùng nói thêm: "Nhiều năm xa quê đến bây giờ mới tìm lại được hương vị nguyên bản, nguyên bản ở đây không chỉ riêng hương vị nước dùng mà còn là ở con người, tâm hồn, cảnh quan và những giọng nói Huế quen thuộc văng vẳng bên tai...
Mỗi quán bún bò sẽ mang một phong vị khác nhau và có ít nhiều thay đổi về cách phục vụ, quán xá. Tuy nhiên người Huế vẫn như thế, vẫn mộc mạc giản dị, mến khách và luôn gìn giữ nét truyền thống của kinh đô cũ".
Tinh hoa ẩm thực của cố đô Huế luôn khiến du khách gần xa phải vấn vương cũng bởi vì hương vị khó quên, đặc biệt là hương vị của tô bún bò. Những người con xa quê thì thổn thức nhớ về nơi chôn rau cắt rốn để tìm lại một tô bún mang hương vị tuổi thơ, hương vị của người mẹ và mệ đã từng nấu cho ăn lúc còn thơ dạ.
"Tâm thư" của shipper J&T Express khiến cư dân mạng cảm động Gần đây cộng đồng mạng truyền tay nhau bức 'tâm thư" xúc động của chàng shipper gửi đến công ty cũ. Bài viết đã thu hút nhiều lượt tương tác, thu về hàng trăm bình luận tích cực trên mạng xã hội. Một nhân viên giao hàng sau khi nghỉ việc đã viết một bức thư gửi công ty cũ và ngay sau...