Dốc đá có cấu trúc lạ, đẹp tựa ‘Ai Cập thu nhỏ’ ở Gia Lai
Sở hữu hình dạng đẹp lạ do quá trình xói mòn tự nhiên suốt nhiều năm, khu vực dốc đá Vạn Long ở huyện Chư Sê, Gia Lai khiến nhiều người liên tưởng đến vùng đất Ai Cập xa xôi bởi kiến trúc và màu sắc độc đáo.
Tọa lạc ở làng Pliết Kte, H’ Bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, dốc Vạn Long với những vách đá có hình thù đặc biệt là địa điểm check-in chưa được nhiều du khách biết đến khi có dịp ghé thăm vùng đất đỏ Tây Nguyên.
Tuy nhiên, đoạn dốc này lại rất quen thuộc với người dân địa phương bởi đây là cung đường họ đi qua để lên nương rẫy hàng ngày.
Dốc đá Vạn Long ở Gia Lai (Ảnh: Huyền tỷ review).
Đoạn dốc có địa hình chủ yếu là đất cát, do xói mòn tự nhiên qua nhiều năm mà thành (Ảnh: Huyền tỷ review).
Theo bà con nơi đây, dốc Vạn Long có hình thù độc đáo, được miêu tả giống như những con rồng đang quấn quýt, nằm sát bên nhau.
Do quá trình xói mòn trong tự nhiên đã diễn ra suốt nhiều năm đã hình thành nên dốc đá có hình dạng kỳ lạ như vậy.
Không chỉ nổi bật giữa một vùng đất với hình thù độc lạ, dốc Vạn Long còn gây ấn tượng bởi những mảng màu trên đá có độ đậm nhạt, đường vân khác nhau và được ví von như những họa tiết trên váy thổ cẩm của thiếu nữ dân tộc Jrai.
Du khách chọn trang phục tối màu để nổi bật hơn giữa những vách đá màu nâu đất có hình thú độc đáo (Ảnh: Phạm Công Quý).
Thời điểm phù hợp nhất để tham quan ở dốc Vạn Long là khoảng từ tháng 10 đến tháng 6 năm sau. Lúc này, thời tiết nơi đây ít mưa, đường khô ráo giúp du khách thuận tiện di chuyển và chụp hình.
Tuy nhiên, du khách cần chuẩn bị thêm đồ chống nắng như mũ, kính mắt, kem chống nắng,… và nước uống vì nhiệt độ ở khu vực này khá cao, trời nắng nóng.
Video đang HOT
Để có những bức hình đẹp, du khách lưu ý nên đến dốc Vạn Long vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn. Khi ấy, nhiệt độ dễ chịu hơn và ánh nắng dịu, không quá gắt (Ảnh: Huyền tỷ review).
Hiện tại, khu vực dốc Vạn Long chưa có biển chỉ dẫn song đường đến đây khá dễ tìm và dễ đi, du khách có thể di chuyển bằng cả ô tô hoặc xe máy.
Địa điểm này cách TP.Pleiku 54km theo hướng quốc lộ 25 đi Phú Yên. Du khách có thể kết hợp ghé những địa điểm nổi tiếng gần trục đường chính như thác Phú Cường, đập thủy lợi Ayun Hạ, làng văn hóa Plei ơi, suối đá Ayun, đầm sen Phú Thiện…
Ngoài dốc Vạn Long ở huyện Chư Sê, ghềnh đá đĩa làng Vân (thị trấn YaLy, huyện Chư Păh) và bãi đá cổ ở làng Đôn Hyang (xã Đê Ar, huyện Mang Yang) cũng là những địa điểm du lịch hút khách ở Gia Lai bởi vẻ đẹp địa chất “có một không hai”.
Bãi đá cổ ở làng Vân hay còn gọi là ghềnh đá đĩa vì có hình dạng như Ghềnh Đá Đĩa – một di tích quốc gia đặc biệt ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tại đây, những khối đá hình lục giác được thiên nhiên sắp đặt khéo léo thành từng lớp, rộng khoảng 200m, trải dài hơn 1km hai bên con suối.
Bãi đá cổ làng Vân nằm giữa xã La Phí và thị trấn Yaly, có niên đại hơn 100 triệu năm tuổi. Đây là địa điểm check-in được nhiều du khách gần xa tìm đến tham quan và chụp hình (Ảnh: Luan Lavender).
Nhìn từ trên cao, bãi đá này giống như một “tổ ong” bằng đá khổng lồ với hàng trăm cột đá hình lục lăng xếp cạnh nhau. Người Jrai ở làng Vân không biết bãi đá và con suối ấy có từ bao giờ, chỉ biết con suối rất linh thiêng, được Yàng ban tặng để che chở, nuôi sống dân làng.
Bãi đá cổ ở làng Đôn Hyang (xã Đê Ar, huyện Mang Yang) cũng là một di sản độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho vùng cao nguyên đất đỏ.
Các khối đá bazan ở đây cũng có hình lục lăng với kích thước và hình dáng tương đối đều, được xếp ngay ngắn hoặc nằm song song song mặt đất đến khó tin.
Bãi đá cổ mang vẻ đẹp địa chất độc lạ ở làng Đôn Hyang (Ảnh: Nguyễn Thị Bích Vân).
Theo bà con địa phương, sức mạnh của dòng nước trên sông Ayun cùng với các biến động địa chất đã tạo ra bãi đá cổ huyền bí này, đẹp không kém gì ghềnh đá đĩa ở làng Vân.
Đây cũng là địa điểm du lịch độc đáo hút khách ghé thăm, check-in khi đến Gia Lai.
Ngắm hoa dã quỳ và bay dù lượn trên một trong 10 miệng núi lửa đẹp nhất thế giới
Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya tại tỉnh Gia Lai có nhiều hoạt động hấp dẫn như bay dù lượn từ đỉnh núi lửa, thưởng thức ẩm thực Tây Nguyên.
Từ ngày 12 đến 17-11, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) tổ chức tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya diễn ra tại làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya. Sự kiện hứa hẹn thu hút hơn 100 ngàn lượt du khách tham quan, khám phá và trải nghiệm leo núi, ngắm hoa dã quỳ vàng.
Núi lửa Chư Đăng Ya là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất tỉnh Gia Lai được tổ chức Kỷ lục Việt Nam Vietking bình chọn, lọt vào top 10 miệng núi lửa đẹp nhất trên thế giới do Tạp chí Anh quốc bình chọn năm 2018.
Suốt tuần lễ hoa dã quỳ, người dân và du khách không chỉ được ngắm hoa mà còn được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm như leo núi, trò chơi dân gian, xem nghệ nhân trình diễn tạc tượng gỗ, múa xoang và thưởng thức ẩm thực Tây Nguyên. Trong đó, điểm nhấn của sự kiện là hoạt động bay dù lượn từ đỉnh núi lửa với chủ đề "Bay trên sắc màu đại ngàn".
Toàn cảnh núi lửa Chư Đăng Ya trong sắc vàng rực rỡ. Mùa hoa dã quỳ báo hiệu mùa khô bắt đầu, đây là mùa đẹp nhất trong năm.
Hoạt động dù lượn bay từ đỉnh núi lửa tạo thành điểm nhấn độc lạ. Du khách có thể tận hưởng cảm giác mạnh và ngắm toàn cảnh từ trên cao. Hoạt động này được Ban tổ chức phối hợp thực hiện với câu lạc bộ Dù lượn Sơn Trà (Đà Nẵng).
Phi công cùng du khách bay dù lượn qua thung lũng hoa dã quỳ, lướt nhìn những cánh đồng và ngắm toàn cảnh từ trên cao. Những mảnh ghép đầy màu sắc được thu vào tầm mắt cho du khách cảm giác hồi hộp, sung sướng.
Một nữ du khách từ Đà Nẵng vào Gia Lai để trải nghiệm việc bay dù lươn từ trên đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya. Trong ảnh phi công đang kiểm tra công tác an toàn trước lúc bay. CLB Dù lượn Sơn Trà phối hợp với Ban tổ chức thực hiện đóng bảo hiểm cho du khách, đảm bảo bay an toàn.
Đỉnh núi Chư Đăng Ya được các phi công dù lượn đánh giá là điểm lý tưởng để bay, nhất là với du khách cần trải nghiệm an toàn. Chỉ cần căng dù, phi công và du khách có thể đón gió, lướt nhẹ trên không trung.
Ghi nhận tại sự kiện, nhiều người dân và du khách tham gia tuần lễ hoa dã quỳ tỏ ra rất hào hứng, vui vẻ. Trong đó, hoạt động leo núi là một trải nghiệm khá thú vị. Du khách phải leo núi với quãng đường khoảng 400 m, độ dốc cao, đường đi khó. Bù lại, người tham gia tận hưởng được cảnh đẹp thơ mộng, hòa mình vào thiên nhiên. Ảnh chụp từ đỉnh, điểm cao nhất miệng núi lửa.
Ngay trong ngày đầu tiên diễn ra lễ hội, có hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Trên nhiều trang mạng xã hội, rất nhiều người đã chia sẻ hình ảnh và đánh giá thích thú khi đến nơi đây.
Sự kiện lễ hội hoa dã quỳ do huyện Huyện Chư Păh tổ chức thường niên tại núi lửa Chư Đăng Ya, thu hút rất nhiều người dân và du khách trong, ngoài nước đến đây. Trong tương lai gần, sự kiện sẽ được nâng tầm lên cấp tỉnh và sẽ được đầu tư quy mô, bài bản hơn.
Trong suốt sự kiện tuần lễ hoa dã quỳ, du khách có thể trải nghiệm các hoạt động chinh phục núi lửa có độ cao 975 m, tham gia các trò chơi dân gian, xem trình diễn cồng chiêng, tạc tượng và thưởng thức ẩm thực Tây Nguyên.
Những bộ trang phục thổ cẩm đậm chất Tây Nguyên được du khách mặc, hóa thân thành "sơn nữ" rất duyên dáng bên hoa dã quỳ. Du khách có thể mua những trang phục thổ cẩm bắt mắt, những món chiếc gùi nhỏ xinh hay những bức tượng mô hình thu nhỏ... tại lễ hội làm quà cho bạn bè, người thân.
Tham gia tuần lễ hoa dã quỳ, người dân bản địa tại làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya có cơ hội để kinh doanh các mặt hàng truyền thống, phục vụ ẩm thực. Ngay cả những bông hoa dã quỳ bé nhỏ được tận dùng làm vòng hoa, bán cho du khách cũng cháy hàng.
Hoạt động lễ hội sôi nổi, mang sắc màu và không gian Tây Nguyên nhờ đóng góp không nhỏ từ các nghệ nhân nơi đây. Các hoạt động cồng chiêng, múa xoang, tạc tượng... được giới thiệu đến du khách suốt tuần lễ hội. Dịp này, huyện Chư Păh còn tổ chức trưng bày 30 gian gian hàng đặc sản địa phương, giới thiệu nhiều sản phẩm đặc trưng, như: Cà phê, hồ tiêu, chuối rừng, rượu ghè, măng khô, mật ong.
Người dân dưới chân núi trồng hoa, tạo các điểm chụp hình lưu niệm có bán vé cho du khách có nhu cầu lưu giữ những khoảnh khắc đẹp khi đến đây. Núi lửa Chư Đăng Ya nhìn xa cũng khá thơ mộng.
Nhiều du khách cho biết dù đã đến đây rất nhiều lần nhưng mỗi năm có mỗi trải nghiệm khác nhau, hòa mình vào thiên nhiên. Núi lửa Chư Đăng Ya tại làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya cách thành phố Pleiku khoảng 20 km về hướng Đông Bắc - khu vực này có nhiều điểm tham quan hấp dẫn như chùa Bửu Minh, núi Chư Nâm có độ cao 1.472 m, Biển Hồ, đồi chè... Trong ảnh là CLB Dù lượn Sơn Trà cùng du khách chụp trên đỉnh núi lửa.
Nhiều hoạt động văn hóa đậm chất Tây Nguyên tại Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya 2022 Tối 11/11, tại sân nhà Rông làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, đã chính thức khai mạc Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya năm 2022, kéo dài đến ngày 17/11. Lễ khai mạc Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya 2022, ngày 11/11, tại Gia Lai. (Nguồn:...