Độc chiêu “nhử” cá đồng, dân miền Tây bắt được cá ngon, bán giá cao
Mỗi năm, khi nước lũ tràn đồng thì cũng là lúc những mô hình đăng quầng nuôi thủy sản được nhân rộng tại các huyện đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp cũng như nhiều địa phương thuộc miền Tây.
Nhờ sáng tạo “nhử” cá đồng vào ao, đăng mà nông dân vùng Đồng Tháp Mười không tốn tiền mua cá lóc giống, cá lăng, rồi tôm càng xanh, lại có thu nhập khá.
Lượng cá “nhử” được vào ao chủ yếu là cá lóc, trê, cá tra, cá sặc…
Tận dụng diện tích ao khoảng 1.000m2 trước nhà, ông Võ Văn Chiến ngụ ấp Bình Hưng, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) đã dùng chà me và rau muống để num, nhử cá vào ở trong ao mùa lũ vừa rồi. Từ lúc cá vô ao đến nay, đã được khoảng hơn 5 tháng, hiện ông Chiến đã tiến hành thu hoạch. Sản lượng cá khoảng 400 tấn.
Ông Chiến cho biết, năm 2019 vừa qua, nước lũ về trễ và rút nhanh nên lượng cá dụ được vào ao cũng không nhiều, chủ yếu vẫn là cá lóc, cá trê, cá tra và cá sặc, ước tổng sản lượng chỉ đạt khoảng 150kg. Tuy nhiên, bù lại do là cá đồng nên thương lái thu mua với giá khá cao, khoảng 40.000 đồng/kg – 130.000 đồng/kg tùy từng loại cá, trừ đi các khoản chi phí, ông có thu nhập gần 20 triệu đồng.
Một số gia đình có ao lớn hơn thì thu được nhiều tiền hơn. Cách nuôi này không tốn tiền nhiều chi phí nên bà con rất phấn khởi.
Cá sau khi bắt từ dưới ao lên sẽ được rửa sạch và phân loại. Ảnh: Chúc Ly
Được biết, đây là mô hình nằm trong Dự án Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng đồng Tháp Mười.
Trước đó, với sự hỗ trợ thả nuôi hơn 22.000 ngàn con cá giống cá mè hoa, cá trôi, sau một thời gian thả nuôi và chăm sóc, ông Chiến tiến hành thu hoạch, ước tổng trọng lượng đạt khoảng 3 tấn, với giá bán 12.500 đồng/kg, trừ đi các khoản chi phí ông cũng đã có lợi nhuận gần 20 triệu đồng.
Video đang HOT
Tôm, cá đồng thịt thơm ngon nên thường có giá cao hơn 2-3 lần so với nuôi công nghiệp. Do vậy mô hình dùng chà hay bè rau muống để nhử cá vào nuôi trong mùa lũ không chỉ giúp bà con có nguồn cá giống tự nhiên, đặc sản “ăn” theo nguồn nước, mà mô hình này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh ở các vùng nước nổi ĐBSCL, nạn tận diện nguồn lợi thủy sản mỗi khi mùa lũ về đã làm cạn kiệt dần cá tôm.
Mùa thu hoạch cá đồng ở miền Tây được chia thành 2 giai đoạn: Trước và sau Tết. Cá đồng có hơn chục loại trong đó phổ biến các loại có giá trị cao như: cá lóc, trê, rô, bổi, thác lác, chạch,… Ảnh: Chúc Ly
Theo bà con, chất chà cá hay làm bè rau muống là một trong những cách đánh bắt cá phổ biến ở vùng sông nước Cửu Long – một loại hình đánh bắt truyền thống không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Hàng năm, khi lũ thượng nguồn bắt đầu rút, bà con bắt đầu mé cây, gom nhánh chất chà, giữ chà và bỏ mồi để nhử cá.
Chất chà cá cũng là một nghệ thuật. Theo ông Trương Văn Hải, một lão ngư kỳ cựu ở Bình Thủy (TP.Cần Thơ) cho biết bí quyết của nghề chất chà là chọn nơi sông sâu, có dòng chảy thích hợp, nước không xoáy mạnh để dọn nền. Chất xong, bà con bắt đầu thả lục bình hoặc rau muống để tạo sự yên tĩnh. Nhiều chủ chà cho biết muốn cá về nhiều cần phải rải mồi nhử cá thường xuyên và giữ cho dòng nước không bị khuấy động. Tùy nơi, tùy mùa, người thì cho cá ăn bằng mồi cơm nguội, lúa, cám, người lại rải rau muống, mắm sống…
Theo Danviet
Bắt vịt chạy đồng vào "rọ" cho ăn, giảm dịch bệnh lại đẻ sai trứng
Ở Đồng Tháp Mười, ông Lê Ngọc Mới (Út Mới) không chỉ nổi tiếng là "đại gia" trong giới chăn nuôi vịt mà còn là người đưa mô hình nuôi vịt chạy đồng truyền thống vào một "khuôn mẫu" mới, đó là nuôi nhốt vịt lại một chỗ cho ăn (gọi là cho vịt nằm rọ đẻ trứng).
Cách này không chỉ giúp ông Út Mới quản lý tốt đàn vịt, giảm ô nhiễm môi trường, vịt được tiêm phòng vaccine đầy đủ, khoẻ mạnh, tỉ lệ đẻ trứng lên tới 85-90%.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên đàn gia cầm, mới đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức tọa đàm tại hiện trường chủ đề "An toàn sinh học gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi vịt vùng ĐBSCL", thu hút nhiều nông dân tham gia.
Cũng tại buổi tọa đàm đã diễn ra lễ ký kết tiêu thụ trứng vịt giữa Công ty CP Ba Huân với các hộ nuôi vịt đảm bảo an toàn sinh học.
Dịch bệnh bủa vây
Theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), năm 2019, Việt Nam có hơn 133.000 con gia cầm bị tiêu hủy do mắc cúm. Sang năm 2020, cả nước đã xuất hiện 34 ổ dịch cúm gia cầm, trong đó có 29 ổ dịch do virus cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do virus cúm A/H5N1. Tổng số gia cầm chết, tiêu hủy hơn 100.000 con.
Ông Út Mới chia sẻ kinh nghiệm nuôi vịt an toàn sinh học với nông dân trong vùng. Ảnh: Bình Nguyên
Trong khi đó, ĐBSCL là nơi có đàn vịt lớn nhất cả nước, ước đạt hơn 25 triệu con, chiếm khoảng 37% tổng đàn. Gần đây, tại Trà Vinh đã xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N1 khiến hơn 1.000 con gia cầm phải tiêu hủy. Đây cũng là ổ dịch cúm gia cầm đầu tiên ở khu vực phía Nam đầu năm 2020.
Đáng nói là nguy cơ lây lan dịch bệnh trên đàn gia cầm ở vùng này rất cao do bà con vẫn có thói quen thả vịt chạy đồng, mật độ chăn nuôi lớn, nhất là đối với những mô hình nuôi vịt đẻ trứng.
TS Nguyễn Văn Bắc - Phó Trưởng Văn phòng Nam Bộ (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) cho biết, thả vịt chạy đồng, bà con có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trên đồng ruộng, giảm chi phí sản xuất (do thức ăn chiếm 70 - 80%). Vấn đề đặt ra là khi nuôi vịt chạy đồng khó đảm bảo an toàn sinh học, khó kiểm soát đàn nuôi cũng như tình trạng bị nhiễm độc thuốc trừ sâu gây ảnh hưởng đến chất lượng thịt và trứng...
Chia sẻ tại buổi tọa đàm diễn ra tại trang trại vịt Út Mới (Tổ HTX chăn nuôi vịt Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười), ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh hiện có tổng đàn vịt lớn nhất khu vực ĐBSCL, tập trung nhiều ở các huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông, Tháp Mười, Hồng Ngự với khoảng 6,8 triệu con, sản lượng trên 273 triệu quả trứng và sản lượng thịt hơi xấp xỉ 9.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, giá vịt thương phẩm và giá trứng đang ở mức thấp, nông dân bí đầu ra. Nhiều hộ chưa quan tâm đến chăn nuôi an toàn sinh học. Trong khi đó, lợi thế của vịt chạy đồng ngày càng giảm dần do nguồn thức ăn trên đồng ruộng suy giảm, sản phẩm trứng vịt chạy đồng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Nông dân chưa tìm được doanh nghiệp đủ mạnh xây dựng chuỗi khép kín từ khâu sản xuất giống, vật tư đầu vào đến bao tiêu sản phẩm...
Mô hình nuôi vịt bán công nghiệp giúp người nuôi quản lý tốt đàn vịt, giảm ô nhiễm môi trường, vịt được tiêm phòng vaccine đầy đủ, khoẻ mạnh, tỉ lệ đẻ trứng lên tới 85-90%. Ảnh: Đ.T
Nuôi vịt an toàn theo đơn đặt hàng
Ở Đồng Tháp Mười, ông Lê Ngọc Mới (Út Mới) không chỉ nổi tiếng là "đại gia" trong giới chăn nuôi vịt mà còn là người đưa mô hình nuôi chạy đồng truyền thống vào một "khuôn mẫu" mới.
Cụ thể, ông không cho vịt chạy đồng như trước mà nuôi nhốt lại một chỗ cho ăn (gọi là cho vịt nằm rọ đẻ trứng). Theo ông Mới, khi làm cách này không ai ủng hộ ông, bởi theo họ, nuôi vịt chạy đồng đã không có lời thì nhốt lại cho ăn thức ăn sẽ lỗ nặng. Tuy nhiên, ông lại được sự ủng hộ nhiệt tình của cơ quan chức năng, giúp ông tổ chức lại sản xuất, kết nối tiêu thụ.
Sau những thành công bước đầu với 7.000 con vịt nuôi rọ bán công nghiệp, ông Mới quyết định đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng chuồng trại khép kín, có máng nước tự động cho vịt uống, khu vực trải đệm lót sinh học nuôi 10.000 con vịt theo quy trình VietGAP. Ngoài ra, ông còn đào 3 ao lắng lọc nước thải. Quy trình này giúp tăng tỉ lệ vịt đẻ từ 85 - 90%, lại giảm mùi hôi, trứng vịt luôn đạt chất lượng. Đàn vịt được tiêm phòng định kỳ nên luôn khỏe mạnh, không bị nhiễm dịch bệnh, lớn nhanh.
Cuối năm 2017, trang trại nuôi vịt sinh học Út Mới đã được gắn mã vạch truy xuất nguồn gốc và là trại trứng vịt đầu tiên ở ĐBSCL đáp ứng được yêu cầu này.
Ông Mới cũng chủ động đứng ra thành lập Tổ hợp tác nuôi vịt Mỹ Hòa gồm các hộ chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, nhằm tạo sự liên kết giữa người nuôi với nhau và dễ dàng kết nối tiêu thụ với doanh nghiệp.
Đại diện Công ty CP Ba Huân kí kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trứng vịt với tổ hợp tác chăn nuôi vịt Mỹ Hoà (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp). Ảnh: Đ.T
Dự buổi tọa đàm, bà Phạm Thị Huân - Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân cho biết, để chung tay giảm rủi ro cùng với nông dân, đơn vị sẽ khởi động chương trình liên kết cung cầu, "bắt tay" với các hộ chăn nuôi vịt lấy trứng theo hướng an toàn sinh học trong giữa tháng 3/2020.
Bà Huân cho biết, trứng vịt là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu khá cao. Trứng vịt tại Đồng Tháp có chất lượng tốt, nguồn nguyên liệu dồi dào song người nuôi cần tham gia chuỗi chăn nuôi an toàn, kiểm soát tốt nguồn thức ăn đầu vào, hạn chế hàm lượng sudan - chất tạo màu tồn tại trong lòng đỏ trứng.
Theo bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, bà con nuôi vịt muốn có đầu ra ổn định và kết nối được với doanh nghiệp thì phải thay đổi tư duy sản xuất, chăn nuôi đáp ứng đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
"Trong đó, 3 vấn đề cần đảm bảo trong chăn nuôi an toàn sinh học là cách ly mầm bệnh, làm sạch và khử trùng chuồng trại, thiết bị vật chất, tăng cường sức đề kháng và tiêm phòng vaccine. Trung tâm Khuyến nông quốc gia cam kết sẽ hỗ trợ nông dân Đồng Tháp thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học và kết hợp các doanh nghiệp chuyên sản xuất lĩnh vực gia cần tư vấn các giải pháp chăn nuôi con giống bố mẹ, quy trình ấp nở; cập nhật các kiến thức, kỹ thuật mới về chăn nuôi cho đàn vịt" - bà Hạnh nói.
Theo Danviet
Dịch Covid-19, nhiều giáo viên xin nghỉ việc, trường tư thục có nguy cơ đóng cửa Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của giáo viên và hoạt động của trường tư thục tại Đồng Tháp. Nhiều trường đứng trước nguy cơ đóng cửa do hàng loạt giáo viên xin nghỉ việc. Trường mầm non tư thục Hoa Mai (TT.Mỹ An, H.Tháp Mười, Đồng Tháp) có nguy cơ ngừng hoạt động vì chỉ còn 3 nhân viên...