Độc chiêu chống “bão giá” của sinh viên
Sống trong bóng tối để tiết kiệm điện, đi chợ từ lúc trời chưa kịp sáng, ở ghép nhiều người, góp gạo thổi cơm chung…là những chiêu chống “bão giá” của sinh viên.
Chịu cảnh sống trong bóng tối
Đối mặt với giá cả ngày càng leo thang, tiền điện, tiền nước, tiền nhà… tăng chóng mặt, sinh viên đã nghĩ ra nhiều cách để sống chung với “bão giá”. Tắt điện những lúc không cần thiết cũng là một cách để cắt giảm chi phí sinh hoạt.
“Góp gạo thổi cơm chung” là cách nhiều sinh viên lựa chọn để tiết kiệm chi phí sinh hoạt (Ảnh Vietbao)
Quen kiểu “thức đêm ngủ ngày” nên phòng trọ của Việt Hưng (ĐH Giao thông vận tải Hà Nội) lúc nào cũng đỏ điện đến tận 2, 3 giờ sáng. Nhưng từ khi xăng tăng giá, bà chủ nhà tăng tiền điện lên 4000 đồng/số Hưng thức đêm nhưng không còn dám giăng điện sáng trưng như trước nữa.
Hưng chia sẻ: “Xăng tăng, điện tăng, cái gì cũng tăng, tháng cũng mất đến 300 ngàn tiền điện. Mình làm bài trên máy tính nên không thể hạn chế sử dụng máy tính được đành tắt bớt đèn đi thôi. Vừa mua thêm cái bóng đèn USB cắm vào laptop, làm việc khuya đỡ tốn điện, chứ dùng tẹt ga như trước thì có ngày vỡ nợ”.
Qua tìm hiểu của PV, rất nhiều khu trọ trên địa bàn Hà Nội đã tăng giá điện lên 4.000 – 5.000 đồng/số. Để tiết kiệm chi phí, nhiều bạn mua thêm bóng đèn công suất thấp để sử dụng, hạn chế sử dụng các thiết bị “ăn điện” như máy tính, loa đài.
Thanh Hà (Đại học sư phạm Hà Nội) tâm sự: “Ngày trước cứ về đến nhà là lên Facebook, Zingme từ chiều đến đêm. Nhưng bây giờ thì phải hạn chế dùng máy tính, chỉ khi nào cầnlàm bài tập thì mới dám mở máy thôi”.
Ăn chung ở ghép
Video đang HOT
Không chỉ tiết kiệm tiền ăn mà sinh viên còn tiết kiệm tiền phòng trọ bằng cách ở ghép nhiều người. Giá phòng trọ trên địa bàn Hà Nội cũng đã tăng theo giá xăng dầu, trung bình 700-800 ngàn đồng/phòng không khép kín, phòng khép kín có giá tầm 1,2 – 1,8 triệu đồng/phòng.
Rất nhiều sinh viên chịu cảnh chen chúc 3, 4 người trong một căn phòng 16, 17m2 để tiết kiệm chi phí nhà ở.
Thu Quỳnh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Trước phòng mình có 1,2 triệu thôi, mình với 1 bạn nữa ở. Sau Tết vừa tăng lên 1,4 thì vẫn chịu được. Giờ tăng lên 1,6 triệu đành phải rủ thêm người nữa ở cùng. Ở chật một chút còn hơn phải bớt tiền ăn”.
Trước đây, mỗi khi hết tiền, thì mì tôm là sự lựa chọn hàng đầu của sinh viên. Nhưng đó là thời mà mỗi gói mì chỉ có giá 1.500 đến 2.000 đồng/gói. Còn bây giờ mì gói cũng đã leo thang lên 4.000, 5.000 đồng/gói, cách tốt nhất để tiết kiệm chi phí là “góp gạo thổi cơm chung”.
“Bố mẹ mình gửi gạo từ quê ra nên không mất tiền mua gạo. Ba bốn đứa đóng tiền mua thức ăn nấu chung tiết kiệm hơn rất nhiều, cả dầu mỡ, mắm muối nữa. Tính ra mỗi tháng cũng bớt được khoảng 200-300 ngàn tiền ăn so với nấu một mình”, Hà Thu (CĐ Môi trường Hà Nội) chia sẻ.
Đi chợ từ tờ mờ sáng
Dạo quanh một vòng các khu chợ đầu mối buổi sớm như: Long Biên, Ngã Tư Sở, Dịch Vọng Hậu… mới thấy nhiều sinh viên chịu khó dậy sớm để mua được thực phẩm với giá rẻ.
Chịu khó dậy sớm đi chợ đầu mối để tránh cảnh “chặt chém” ở chợ cóc gần nhà (Ảnh VietNamNet)
Theo ghi nhận của PV, người đến mua lẻ tại chợ Dịch Vọng không chỉ có người dân ở xung quanh chợ mà có cả những người cách chợ 3-4 km. Đông đảo trong số này là sinh viên trọ tại các khu vực gần chợ như Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Phong Sắc.
“Mua ở chợ lẻ gần nhà, cà chua lên 20 nghìn đồng/kg, bắp cải 7 nghìn đồng/kg, su hào 5 nghìn đồng/củ. Trong khi đó, chợ Dịch Vọng, cà chua chỉ 7 nghìn đồng/kg, bắp cải 4 nghìn đồng/kg, su hào 2 nghìn/củ. Từ ngày giá cả leo thang, chúng mình không dám đi chợ cóc gần nhà nữa.
Mấy đứa cùng xóm trọ rủ nhau dậy sớm đi chợ Dịch Vọng cho rẻ. Mỗi thứ bớt một tí nhưng tính ra cũng tiết kiệm được kha khá đấy. Vẫn số rau như thế nhưng mua chợ lẻ mình phải mất 25.000 thì chợ Dịch Vọng tầm 12-15.000 thôi”, Phương Nga (ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ.
Giá cả càng leo thang, cuộc sống sinh viên càng khó khăn hơn. Nhưng trong cái khó ló cái khôn, càng lúc khó khăn sinh viên càng có nhiều ý tưởng
độc đáo để sống chung với “bão giá”.
Theo Vietnamnet
Tình yêu sinh viên thời bão giá
Đang phải gồng mình với giá phòng, tiền điện, nước, sinh hoạt, sinh viên đã có ý tưởng làm tình yêu đẹp hơn thời bão giá.
Thay đổi chốn hẹn hò
Khi bão giá hoành hành, rất nhiều người đã đi làm việc còn phải "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm mọi thứ có thể thì sinh viên cũng tiết kiệm theo nhiều cách của riêng mình. Trước kia, những quán café, những quán rượu ốc, hay quán kem bờ hồ luôn là điểm hẹn lý tưởng có nhiều bạn sinh viên. Nhưng từ khi bão giá thì những thói quen trên cũng dần thay đổi. "Bây giờ mỗi lần vào quán café hay quán chè chí ít cũng mất 20.000 đến 30.000 ngàn. Đó chỉ là có hai đứa mình, còn nếu hôm nào mà đi cả nhóm thì sẽ tốn nhiều hơn." Mai, HVBC&TT chia sẻ.
Có lẽ đó cũng là tâm sự của nhiều bạn sinh viên đang yêu hiện nay. Bão giá đang hoành hành, sinh viên còn đang phải gồng mình lên với tiền nhà trọ, tiền điện nước tăng vùn vụt thì chuyện "tình phí" tất nhiên là phải tiết kiệm rồi. Vì thế, thay vì vào quán café hay quán chè như trước đây thì nhiều bạn lại lựa chọn cho mình một chốn hẹn hò khác. Đó có thể là trong công viên hay một chiếc ghế đá ở bờ hồ, hay ngay trong sân trường của mình. Nếu có dịp dạo qua khuôn viên Đại học Quốc Gia Hà Nội và Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội vào buổi tối thì sẽ thấy rất nhiều những bạn sinh viên chọn nơi đây làm chốn hẹn hò lý tưởng của mình.
Như Yến và Đức, sinh viên khoa công nghệ thông tin Đại Học Quốc Gia Hà Nội thì: "Chọn sân trường làm chốn hẹn hò sẽ tiết kiệm được cho cả 2 đứa, vừa có một không gian yên tĩnh riêng mà không sợ bị ai làm phiền." Vì thế mà sinh viên thường gọi góc sân trường buổi tối là những "vườn tình yêu" của sinh viên.
Những món quà tự chế
Cũng vì bão giá nên thay vì mua những món quà thật đắt tiền để tặng người yêu như trước đây thì nhiều bạn sinh viên đã chọn cho mình những món quà khác mang đậm chất sinh viên, đó là những món quà tự tay mình làm. Vì như Dung, học tại ĐHKHXH & NV thì: "Những món quà do chính tay mình làm sẽ vừa tiết kiệm được một khoản chi tiêu, và quan trọng hơn là nó sẽ có ý nghĩa hơn với người yêu mình. Sinh nhật anh ấy, mình đã đan tặng anh ấy một chiếc khăn len, mình nghĩ nó sẽ làm anh ấy ấm hơn trong mùa đông của Hà Nội này."
Đó cũng là cách mà nhiều bạn sinh viên lựa chọn để tặng quà cho người yêu mỗi dịp 8/3, 20/10, 14/2 hay ngày sinh nhật... Những món quà tự chế như những con hạc giấy, những chiếc khăn len hay đơn giản là nấu một bữa cơm thật ngon sẽ là những món quà thật ý nghĩa và làm cho tình yêu sinh viên thêm đẹp hơn.
Những kế hoạch mới
Thời báo giá, sinh viên đổ xô đi làm thêm để lấy tiền trang trải học hành thì những cặp đôi sinh viên cũng có kế hoạch cho riêng mình. Có nhiều bạn cùng rủ nhau đi làm thêm, vừa để được gần nhau, vừa để có thêm thu nhập cho cả hai đứa. Như Thủy và Tuấn, sinh viên Đại học Luật Hà Nội đã cùng tìm cho mình một lớp gia sư. Hai bạn cùng dạy ôn thi khối C cho một em lớp 12.
Không những vậy, vào những ngày đặc biệt như ngày Quốc tế phụ nữ, phụ nữ Việt Nam, hay Valentine, thay vì kế hoạch đi chơi, đi picnic thì nhiều bạn lại cùng lên kế hoạch kinh doanh cho cả hai người. Như ngày Valentine vừa rồi, nếu dạo qua vài tuyến phố lớn của Hà Nội ta dễ dàng bắt gặp từng cặp đôi các bạn sinh viên kinh doanh rất nhiều thứ trên hè phố. Trong đó những mặt hàng được nhiều sinh viên lựa chọn nhất là hoa hồng, những món quà tự chế làm từ bìa giấy, làm từ những chiếc tăm... Mỗi lần thử kinh doanh như vậy không chỉ kiếm thêm được khoản thu nhập nho nhỏ mà quan trọng hơn là các bạn sẽ gắn bó với nhau hơn và tình yêu sinh viên cũng ý thêm ý nghĩa hơn.
Tình yêu đẹp hơn thời bão giá
Bão giá làm cho cuộc sống của sinh viên khó khăn hơn, lao đao hơn và sinh viên cũng phải tiết kiệm "tình phí" nhiều hơn. Nhưng không vì thế mà tình yêu sinh viên không còn đẹp như ngày trước. Chính trong cơn bão giá này tình yêu của các bạn được trải qua thử thách và nếu vượt qua được, các bạn sẽ gắn bó với nhau hơn, tình yêu của các bạn sẽ đẹp hơn, ý nghĩa hơn.
Tuy rằng không còn những bó hoa hồng, những chú gấu bông thật to hay những món quà thật đắt tiền nữa, không còn những chuyến đi chơi xa thú vị nữa nhưng các bạn lại có được rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời.
Theo Kênh14
"Công tử, tiểu thư"... mếu máo việc bếp núc Giá cả mọi thứ tăng, không thể ngày ngày "cày" cơm quán buộc nhiều sinh viên vốn là "công tử, tiểu thư" cũng phải "lăn xả" đi chợ vào bếp tự nấu nướng để tiết kiệm. Việc nội trợ của họ có những tình huống khóc không nổi, cười không xong. Tuy sống ở quê nhưng điều kiện gia đình khá tương đối...