Doanh thu tăng không đáng kể, vì sao Vietnam Airlines vẫn báo lãi khủng?
Trước sức ép ngày một lớn từ việc tranh giành thị phần, doanh thu quý 3/2019 của Vietnam Airlines tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận của hãng lại tăng vọt nhờ có thu nhập khác.
Vietnam Airlines vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019 với mức doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 25.630 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 75.745 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu của Vietnam Airlines chỉ tăng nhẹ lần lượt 0,2% và 0,3% trong quý 3 và 3 quý đầu năm. Đáng chú ý, nếu bóc tách riêng doanh thu từ mảng vận tải hàng không, có thể thấy thị phần của Vietnam Airlines đang có dấu hiệu suy giảm, nhất là từ sau khi Bamboo Airways gia nhập thị trường.
Bằng chứng là doanh thu từ mảng vận tải của hãng giảm nhẹ trong quý 3 khi đạt 20.518 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,6% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại có sự tăng trưởng vượt bậc so với năm ngoái. Riêng trong quý 3 năm nay, hãng đạt 1.131 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (cùng kỳ năm ngoái 457 tỷ đồng), lũy kế 9 tháng đầu năm lãi 2.513 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái 1.968 tỷ đồng).
Có được mức tăng trưởng về lợi nhuận chủ yếu nhờ khoản thu nhập khác đạt 353 tỷ đồng trong quý 3 (cùng kỳ đạt 86 tỷ đồng) và đạt 743 tỷ đồng sau 9 tháng (cùng kỳ đạt 329 tỷ đồng). Các khoản thu nhập khác của Vietnam Airlines đến từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định; tiền phạt thu được; bán và cho thuê lại máy bay; và các khoản khác.
Bên cạnh đó, chi phí tài chính, nhất là chi phí lãi vay cũng đã giảm nhẹ còn 346 tỷ đồng trong quý 3 và 1.101 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Video đang HOT
Tại thời điểm 30/09, Vietnam Airlines vay nợ ngắn hạn 8.311 tỷ đồng và vay nợ dài hạn hơn 32.000 tỷ đồng.
Ngoài lĩnh vực chính kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không, Vietnam Airlines còn có 15 công ty con và hàng chục công ty liên kết hoạt động trong các lĩnh vực phụ trợ như: kinh doanh kho bãi, giao nhận hàng hóa, chế biến suất ăn, đồ uống phục vụ khách, chuyển phát hàng hóa, cho thuê máy bay, tư vấn du học, xuất khẩu lao động,…
PV
Theo Infonet.vn
Vietnam Airlines lãi gần 3.000 tỷ do đối thủ bị hạn chế công suất
Kết quả kinh doanh 9 tháng của Vietnam Airlines tăng hơn 23% so với cùng kỳ, đến từ việc hãng gia tăng thị phần trong tháng 7 khi các hãng đối thủ bị hạn chế công suất khai thác.
Báo cáo cập nhật công bố mới đây của Công ty Chứng khoán HSC dẫn nguồn từ Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines cho biết doanh thu 9 tháng của hãng hàng không này đạt 76.115 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ.
Cùng với đà tăng doanh thu, hãng cũng ước tính lợi nhuận trước thuế đạt 2.986 tỷ, tăng 23,1%. Với kết quả này, Vietnam Airlines đã hoàn thành 72,8% kế hoạch doanh thu điều chỉnh đề ra cho cả năm và 88,9% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Đặc biệt, nếu bỏ lợi nhuận từ nghiệp vụ Sale and Leaseback (bán và thuê lại), lợi nhuận của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã tăng 26% so với cùng kỳ, đạt 2.861 tỷ.
Lợi nhuận Vietnam Airlines tăng mạnh nhờ thị phần gia tăng trong tháng 7. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Theo HSC, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận kỳ này của Vietnam Airlines tăng do lợi nhuận cao đột biến vào tháng 7. Vietnam Airlines gia tăng thị phần các đối thủ cạnh tranh như Vietjet Air, Bamboo Airways bị hạn chế công suất khai thác... Tuy nhiên, HSC cho rằng lợi thế này chỉ mang tính ngắn hạn.
Ngoài việc gia tăng thị phần, giá nhiên liệu máy bay jet A1 giảm 9,1% cũng giúp hiệu quả kinh doanh của hãng tăng trưởng. Cùng với đó là chi phí được quản trị hiệu quả hơn và giảm lỗ tỷ giá. Trong kỳ vừa qua, tổng lưu lượng hành khách của hãng hàng không này cũng đã tăng 3,3% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối quý III, nhờ việc tiếp nhận thêm 2 máy bay A321NEO và 2 máy bay B787-10, Vietnam Airlines hiện sở hữu tổng cộng 106 máy bay, tăng 14% so với đầu năm.
Ghi nhận kết quả kinh doanh tăng thời gian qua, nhưng các chuyên gia phân tích của HSC lo ngại về tác động từ sự gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa dẫn đến sự sụt giảm đối với tỷ lệ lấp đầy ghế và giá vé của Vietnam Airlines.
Nguyên nhân đến từ sự gia nhập ngành của những hãng hàng không mới như Bamboo Airways, Vietstar Airlines và các hãng đang chờ gia nhập như Vinpearl Air, Vietravel Air và KiteAir Vietnam.
Tuy nhiên, theo công ty chứng khoán này, do có cả mô hình hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ, Vietnam Airlines có thể mở rộng được phạm vi từ phân khúc khách hàng bình dân đến cao cấp trong bối cảnh hàng không giá rẻ đang ngày càng có vai trò quan trọng.
Ngoài ra, với sự đa dạng của mạng lưới chặng bay và giảm phụ thuộc vào thị trường hàng không nội địa trong bối cảnh có nhiều hãng mới tham gia, Vietnam Airlines sẽ có kết quả kinh doanh tốt hơn trong tương lai ở các chặng bay quốc tế.
Ngoài ra, bằng chiến lược của Jetstar Pacific, Vietnam Airlines có thể cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air.
Cùng với đó, từ nay đến cuối năm hãng hàng không này cũng được hưởng lợi khi mùa cao điểm của ngành đến vào dịp Tết nguyên đán cộng với giá nhiên liệu diễn biến thuận lợi.
Trong năm nay, HSC dự báo Vietnam Airlines sẽ ghi nhận tổng cộng 99.370 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 2,6% và 3.647 tỷ lợi nhuận trước thuế, tăng 10,1%. Lợi nhuận sau thuế được dự báo đạt 2.899 tỷ đồng, tăng 11,6%.
Trong khi đó, năm 2020, HSC cho biết Vietnam Airlines sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các hãng trong nước khiến giá vé giảm, tỷ suất lợi nhuận giảm.
Quag Thắng
Theo Zing.vn
Thu lời hàng trăm tỷ từ cho thuê máy bay Nhờ các hãng hàng không tăng mạnh số máy bay khai thác, năm gần nhất, Công ty Cho thuê Máy bay Việt Nam ghi nhận hơn 2.000 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế gần 600 tỷ đồng. Tại Việt Nam hiện có tới 5 hãng hàng không cùng tham gia thị trường vận tải hành khách gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific,...