Doanh thu phí bảo hiểm vượt mốc 150.000 tỷ đồng
Bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, thị trường bảo hiểm vẫn tăng trưởng tốt trong 3 quý đầu năm và đạt mức doanh thu phí cao kỷ lục.
Đây là thông tin được ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm (thuộc Bộ Tài chính) chia sẻ khi trao đổi về hoạt động của các doanh nghiệp ngành bảo hiểm từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, theo cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hiện trên thị trường có khoảng 2.894 sản phẩm bảo hiểm, thuộc 73 doanh nghiệp bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Đến nay, thị trường bảo hiểm đã và đang bảo vệ cho hầu hết loại hình tài sản của mọi thành phần kinh tế từ Nhà nước, tư nhân đến đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn 2000-2020, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường và chi trả quyền lợi bảo hiểm lên đến 340.000 tỷ đồng.
Doanh thu phí cao kỷ lục
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành phần, tuy nhiên, lĩnh vực bảo hiểm vẫn ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 650.165 tỷ đồng, vẫn tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bảo hiểm phi nhận thọ chiếm khoảng 102.222 tỷ và bảo hiểm nhân thọ đạt 547.943 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn này, nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp ước đạt 535.867 tỷ, cao hơn 23% so với cùng kỳ. Số đầu tư trở lại nền kinh tế của nhóm bảo hiểm phi nhân thọ là gần 54.200 tỷ và nhóm bảo hiểm nhân thọ là gần 481.700 tỷ đồng.
Ngoài ra, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đến cuối tháng 9 ước đạt 423.821 tỷ và vốn chủ sở hữu các doanh nghiệp đạt 152.755 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 37% so với cùng kỳ năm 2020.
Các chỉ số kể trên cho thấy quy mô của nhóm doanh nghiệp ngành bảo hiểm vẫn tăng trưởng tích cực trong bối cảnh nhiều nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng bởi dịch.
Đáng chú ý, trong 3 quý đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm đã đạt 151.993 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020 và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Trong số này, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ chiếm gần 29%, tương đương 43.890 tỷ đồng và 71% còn lại, tương đương 108.103 tỷ là doanh thu phí nhóm bảo hiểm nhân thọ.
Cũng trong 3 quý gần nhất, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm của các doanh nghiệp là 37.977 tỷ đồng, cao hơn gần 12% so với cùng kỳ. Số này bao gồm 14.568 tỷ chi trả từ nhóm doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 23.409 tỷ của nhóm bảo hiểm nhân thọ.
Video đang HOT
Tương tự, tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm cùng giai đoạn ước đạt 8.877 tỷ đồng, tăng 8%. Phí bảo hiểm gốc thu xếp qua môi giới là 5.922 tỷ, tăng 12%; phí tái bảo hiểm thu xếp qua môi giới là 2.955 tỷ đồng, tăng 2%.
Sửa Luật để bảo vệ quyền lợi của người dân
Dù thị trường bảo hiểm trong nước đã phát triển tốt trong 2 thập niên gần đây, ông Ngô Việt Trung cho biết hiện Luật kinh doanh bảo hiểm đã bộc lộ một số bất cập.
Trong nhiều trường hợp, Luật kinh doanh bảo hiểm không thống nhất, đồng bộ với các quy định tại các Luật hiện hành; còn tình trạng thông tin chưa được minh bạch, chưa có yêu cầu bắt buộc về quản trị rủi ro, các đại lý môi giới bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm dẫn đến việc thanh toán bảo hiểm gây khó khăn cho người dân.
Vì vậy, Quốc hội đã đưa dự án Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi vào chương trình xây dựng Luật trong giai đoạn 2021-2022.
Dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm mới sẽ tăng trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc tư vấn kỹ các điều khoản trong hợp đồng ký kết với khách hàng. Ảnh: Nam Khánh.
Mới đây, Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật hồ sơ Dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với nhiều quy định mới theo hướng bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm và khắc phục những bất cập hiện nay.
“Đó là những quy định không thống nhất với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật dân sự, hoặc một số quy định chưa theo kịp quốc tế như quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, và chưa quy định chặt chẽ về minh bạch hoá các thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm cũng như khách hàng”, Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết.
Theo ông Trung, lần sửa đổi này đối tượng áp dụng sẽ mở rộng hơn so với luật cũ, nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm cũng được sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Đáng chú ý, một trong những điểm mới tại dự thảo Luật là yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung này khi giao kết hợp đồng.
Luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành không có quy định về việc này, nhất là các điều khoản loại trừ (khiến cho khách hàng không được bồi thường khi xảy ra sự kiện).
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chỉ cung cấp các điều khoản loại trừ sau khi đã phát hành hợp đồng cho khách hàng, nhiều khách hàng chủ quan không đọc kỹ hợp đồng và các điều khoản loại trừ nên khi xảy ra sự kiện đã không được bồi thường, từ đó gây mất niềm tin cho khách hàng khi tham gia bảo hiểm.
Bên cạnh đó, do tính chất của hợp đồng bảo hiểm là do một bên soạn thảo nên trên thực tế đã phát sinh nhiều vụ tranh chấp khi doanh nghiệp từ chối bồi thường và khách hàng cho rằng mình không được tư vấn để hiểu rõ về điều khoản loại trừ.
Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết thêm theo thông lệ quốc tế, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải có thư lưu ý khách hàng về các nội dung quan trọng trong hợp đồng (bao gồm cả điều khoản loại trừ). Vì vậy, dự thảo Luật mới quy định rõ về trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc giải thích đó với khách hàng.
Ngoài ra, bên mua bảo hiểm cũng phải có nghĩa vụ kê khai đầy đủ, chính xác mọi thông tin liên quan đến hợp theo quy định của Luật mới để tránh xảy ra tranh chấp khi có sự kiện bảo hiểm.
Vĩnh Long quyết không để đứt gãy chuỗi sản xuất
Phương án "3 tại chỗ" được nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Vĩnh Long thực hiện nhằm vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp với mục tiêu quyết không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
Kiểm tra khu vực bố trí bàn ăn trưa cho công nhân tại Công ty TNHH Tỷ Xuân - Khu Công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN
Tạo "vùng xanh" trong sản xuất
Tuân thủ nghiêm các hướng dẫn về phòng, chống dịch và sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Vĩnh Long đã vận hành tương đối hiệu quả phương án "3 tại chỗ". Ông Lưu Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần Thủy sản Lộc Kim Chi (huyện Long Hồ) cho biết, công ty hiện có 228/680 lao động tham gia "3 tại chỗ". Đến nay, qua hơn 20 ngày triển khai, công ty đã tạo được "vùng xanh" để duy trì sản xuất.
"Nguyên tắc hàng đầu của công ty là phải đảm bảo đầu vào âm tính với COVID-19. Cụ thể, công nhân sẽ được test sàng lọc trước khi tham gia sản xuất tập trung. Những nhóm nhân viên có khả năng lây nhiễm cao như có người nhà trong vùng dịch, công ty yêu cầu cách ly tại nhà", ông Lưu Quốc Tuấn chia sẻ.
Tại Công ty cổ phần bê tông 620 Châu Thới ở thị xã Bình Minh, ông Trần Thanh Vũ, Chủ tịch HĐQT công ty cho hay, công ty có 320/700 lao động làm việc, ăn ở tại chỗ theo hình thức "khóa chặt" và duy trì thực hiện test nhanh định kỳ 3 ngày một lần theo quy định.
Tuy nhiên, người lao động sau khi cách ly làm việc 14 ngày tại công ty thì phần lớn sẽ xin về nhà. Do đó, công ty phải tính trước giải pháp "dự trữ" nguồn lao động để duy trì phương án "3 tại chỗ". Cụ thể, công ty phối hợp với địa phương tiếp tục vận động những lao động không nằm trong vùng dịch trở lại công ty làm việc. Trước khi bước vào thời gian vừa cách ly vừa sản xuất tại công ty, những lao động này được test nhanh với COVID-19 đúng theo quy định, sau đó từng bước hòa nhập sản xuất.
"Để đảm bảo sức khỏe và động viên tinh thần cho người lao động, công ty phục vụ miễn phí 3 bữa ăn/ngày và bồi dưỡng thêm 100.000 đồng/ngày/công nhân. Nhờ sự đồng lòng ủng hộ của người lao động, kết quả 15 ngày thực hiện phương án "3 tại chỗ" với lực lượng lao động chưa đến 50% nhưng lượng sản xuất của công ty vẫn đạt 72%", ông Vũ chia sẻ thêm.
Tỉnh Vĩnh Long hiện có 45 doanh nghiệp hoạt động tại các khu, tuyến công nghiệp với gần 44.700 lao động; trong đó, có 27 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện tỉnh đã chấp thuận cho 31 doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ" với 3.562 lao động và đã có 27 doanh nghiệp đi vào thực hiện. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 9 doanh nghiệp hoạt động ngoài khu công nghiệp với 1.009 lao động được chấp thuận thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất.
Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long Phạm Thành Khôn cho biết, qua kiểm tra thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đều thực hiện phương án đúng theo quy định và đảm bảo các điều kiện về ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc ... Cụ thể, 100% doanh nghiệp có lao động tham gia thực hiện phương án "3 tại chỗ" đều cung cấp suất ăn 3 bữa cho người lao động, cung cấp miễn phí các dụng cụ thiết yếu trong sinh hoạt. Ngoài chế độ lương và phúc lợi hợp đồng lao động, công nhân còn được phụ cấp thêm từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/ngày.
Ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân
Theo ông Lưu Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần Thủy sản Lộc Kim Chi, công ty rất đồng tình và ủng hộ với giải pháp tổ chức sản xuất, cách ly tại chỗ trong thời điểm này. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, công ty cũng đối mặt với những khó khăn cần sự hỗ trợ tháo gỡ.
Theo đó, việc yêu cầu test nhanh tất cả công nhân với tần suất 3 ngày/lần như hiện nay đang tạo gánh nặng lớn đối với đơn vị. Hiện công ty phải chi rất nhiều để trang bị các thiết bị, vật dụng phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt tại chỗ cho công nhân. Về lâu dài, tỉnh nên xem xét và hướng dẫn cho công ty thành lập tổ y tế tại chỗ và tự thực hiện test nhanh COVID-19 cho công nhân của đơn vị và báo cáo với ngành chuyên môn.
Ngoài ra, ngành thuế, bảo hiểm xã hội, ngân hàng cũng cân nhắc xem xét giảm thuế, phí cũng như hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong điều kiện dịch bệnh phức tạp hiện nay.
Ông Trần Thanh Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bê tông 620 Châu Thới cho biết, thực tế tại công ty đã xảy ra tình trạng người lao động tham gia cách ly sản xuất muốn được về địa phương để được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, công ty phải bố trí xe đưa công nhân đi tiêm vaccine theo giấy mời của địa phương, sau đó quay trở lại công ty để tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng của số đông lao động còn lại.
Do đó, công ty kiến nghị tỉnh ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân, nhất là các doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ" để người lao động yên tâm làm việc và doanh nghiệp chủ động những phương án cho sản xuất trong thời gian tới.
Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long Phạm Thành Khôn cho biết, sau khi dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp gặp khó trong vận động công nhân ở lại doanh nghiệp làm việc do tâm lý người lao động hoang mang, lo sợ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh không đủ sức để tổ chức sản xuất theo phương châm "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến". Nhiều doanh nghiệp lớn có số lượng công nhân đông chủ yếu chỉ duy trì bộ phận chính như: văn phòng, xuất hàng... chứ chưa sản xuất dây chuyền.
Mặt khác, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là các ca nhiễm bùng phát trong các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" ở một số tỉnh, thành cũng làm cho nhiều doanh nghiệp cân nhắc trong việc duy trì sản xuất. Do đó, tỉnh cần triển khai tiêm vaccine cho đối tượng lãnh đạo các doanh nghiệp, các chuyên gia người nước ngoài, người lao động làm việc theo phương án "3 tại chỗ" để doanh nghiệp an tâm sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh việc ưu tiên tiêm vaccine, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Thị Mỹ Hà cho rằng, để đảm bảo vừa phòng, chống dịch vừa hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần xây dựng môi trường làm việc an toàn và có chế độ đãi ngộ phù hợp, từ đó người lao động an tâm làm việc trong điều kiện phải tập trung tại doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương về quản lý người lao động, nhất là việc cung cấp danh sách người lao động theo yêu cầu triệu tập của doanh nghiệp, danh sách lao động quay về địa phương khi doanh nghiệp ngừng hoạt động để bảo bảo công tác phòng, chống dịch.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm, ưu tiên của tỉnh hiện nay là khống chế, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh phải đảm bảo an toàn và bảo vệ sức khỏe cho người lao động.
Trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực ứng phó và thích ứng với tình hình mới để duy trì hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần cùng tỉnh thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép".
Trong thời gian tới, tỉnh tập trung triển khai hỗ trợ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp để khôi phục sản xuất; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 linh hoạt, hiệu quả nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nếu có đủ điều kiện. Tỉnh sẽ ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân lao động làm việc theo phương án "3 tại chỗ" để họ yên tâm làm việc.
Từ 1/3, bảo hiểm xe cơ giới điện tử hoàn toàn có giá trị pháp lý Từ ngày 1/3/2021, Nghị định 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã chính thức có hiệu lực. Theo quy định mới, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử có giá trị pháp lý như bản giấy nếu tuân thủ đầy đủ các quy định. Giấy chứng nhận...