Doanh số ảm đạm của các hãng ôtô tại Việt Nam
Chỉ Isuzu và Suzuki tăng trưởng doanh số, VinFast chỉ có số liệu 2020, còn lại hầu hết các hãng phổ thông đều sụt giảm tính đến quý III.
Sắc xanh tăng trưởng trở lại trong tháng 9 đối với các hãng xe báo hiệu mùa bán hàng cuối năm được hâm nóng trở lại nhưng sau 3 quý, doanh số lũy kế của các hãng đều sụt giảm so với cùng kỳ 2019. Hàng loạt mẫu xe mới đã và sắp ra mắt trong phần còn lại của 2020 hứa hẹn cuộc đua doanh số của các hãng phổ thông thêm phần kịch tính.
Hyundai – giảm 12%
Kết thúc tháng 9, hãng xe Hàn Quốc chễm chệ ở ngôi đầu bảng xếp hạng doanh số toàn thị trường. Mức giảm 12% sau 3 quý đầu 2020 đưa Hyundai vào nhóm các hãng xe ít chịu tác động tiêu cực nhất từ sức mua suy yếu của thị trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Doanh số dẫn đầu phân khúc của i10, Kona, Tucson, Santa Fe và lượng tiêu thụ hơn 12.000 xe của mẫu sedan Accent là những yếu tố quan trọng giúp Hyundai thắng lớn trên nhiều mặt trận.
Toyota – giảm 28%
Innova bản nâng cấp ra mắt hồi tháng 9 với những nâng cấp về trang bị hoàn thiện gần như đầy đủ đội hình các sản phẩm mới của Toyota trong năm 2020. Chưa có năm nào, liên doanh Nhật chăm ra mắt xe mới như 2020. Sức ép từ sự suy giảm doanh số ở hầu hết các phân khúc vốn là thế mạnh đặt ra bài toán hóc búa cho liên doanh Nhật trong mục tiêu tìm lại vị thế.
Wigo, Vios, Yaris, Fortuner, Hilux, đặc biệt mẫu xe mới Corolla Cross lần lượt trình làng khách Việt để hâm nóng cái tên Toyota trên thị trường. Hãng cũng có thêm Granvia cho phân khúc MPV cỡ lớn và chỉ còn Corolla chưa thêm bản mới.
Sự thay đổi về triết lý sản phẩm của Toyota là điều dễ nhận thấy. Các mẫu xe mới tăng trang bị an toàn, thậm chí phong phú về option đi kèm để thu hút khách hàng trẻ như trường hợp của Fortuner, Corolla Cross hay giảm giá thêm sức cạnh tranh đối với Rush. Nhiều năm ngự trị trên đỉnh cao nhưng 2020 và về sau, chặng đường đòi hỏi sự thích ứng mạnh mẽ hơn của một ông lớn mà sự chuyển mình luôn rất được chờ đợi.
Kia – giảm 3%
Trong nhóm thương hiệu xe con do Trường Hải (Thaco) lắp ráp, phân phối tại Việt Nam, Kia sụt giảm doanh số ít nhất. Con số 20.405 xe đưa Kia vượt Mazda trở thành hãng xe bán chạy thứ ba thị trường.
Trong bối cảnh Morning đang cho thấy sự hụt hơi trước các đối thủ, Kia tìm thấy tín hiệu tích cực từ sức hút ổn định của Cerato, mẫu xe soán ngôi Mazda3 trở thành sản phẩm bán chạy nhất phân khúc. Soluto sở hữu yếu tố giá rẻ hàng đầu nhóm sedan cỡ B nhưng chưa cho thấy lượng tiêu thụ xứng với kỳ vọng (4.809 xe), khoảng cách với nhóm đầu như Vios, Accent còn xa. Kia Seltos có thể là ngựa ô của phân khúc CUV hạng B khi khởi đầu thuận lợi, bán hơn 1.200 xe trong tháng 9.
Mazda – giảm 21%
Trong 2020, CX-5 và Mazda3 mất ngôi vương doanh số vào tay các đối thủ như Tucson (năm 2019 là Honda CR-V), Cerato. Hai phiên bản hatchback và sedan của Mazda3 giữ vai trò chủ lực của hãng xe Nhật ở thị trường Việt nhưng mức sụt giảm 30% doanh số trong 3 quý đầu 2020 (6.290 xe) khiến Mazda mất đi vị thế thứ 3 trong nhóm các hãng bán nhiều xe nhất.
Video đang HOT
Những sản phẩm còn lại của hãn như Mazda2, BT-50, CX-8, Mazda6 đều không tạo được dấu ấn đậm nét ở phân khúc tham chiến.
Mitsubishi – giảm 11%
Ngoại trừ việc khai tử Mirage do doanh số thấp, không có biến động nào lớn trong đội hình sản phẩm của Mitsubishi trong 2020 so với 2019 khi Xpander vẫn là mẫu xe quan trọng nhất hãng. Con số 9.906 xe của Mitsubishi Xpander (đã tính Xpander Cross) trong 3 quý 2020 vẫn được xem là tích cực nhưng để chạm hoặc vượt qua mức 20.000 xe của 2019 dường như là điều không thể.
Attrage, Outlander, Triton, Pajero Sport đều đã có phiên bản mới trong 2020, doanh số chưa có nhiều đột biến. Đẩy mạnh các trang bị an toàn và áp dụng thiết kế Dynamic Shield trẻ trung, các sản phẩm này được kỳ vọng cải thiện doanh số so với chính mình thay vì cạnh tranh với những đối thủ top đầu phân khúc vốn có doanh số vượt trội hơn nhiều.
Honda – giảm 31%
Quyết định đưa CR-V quay lại lắp ráp trong nước mở ra hướng tiếp cận khách hàng mới cho mẫu CUV cỡ C ở khía cạnh nguồn cung chủ động hơn. Đặc biệt trong giai đoạn nửa sau 2020 khi lệ phí trước bạ giảm 50%, CR-V có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng hơn trước các đối thủ như Tucson, CX-5 đều lắp ráp trong nước. Nhưng việc thay đổi phương thức cung cấp đến tay khách hàng cũng khiến Honda CR-V mất đi tính liên tục trong kinh doanh.
5.736 xe CR-V bán ra đến tháng 9/2020, giảm đến 45% so với cùng kỳ 2019 khiến sản phẩm của Honda bị Hyundai Tucson chiếm ngôi đầu (6.682 xe), thậm chí xếp dưới Mazda CX-5 (6.380 xe). Còn 3 tháng để CR-V lật ngược thế cờ.
Khi những Brio, HR-V, Civic, Jazz chưa thể hiện được nhiều, City với hơn 5.500 xe bán ra trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh doanh toàn cục của Honda. Thế hệ mới của Honda City dự kiến ra mắt vào cuối 2020.
Ford – giảm 35%
Trong top 10 hãng xe phổ thông bán xe nhiều nhất, Ford có mức sụt giảm doanh số lớn nhất, 35%. Ranger giống Xpander của Mitsubishi, là mẫu xe chiến lược đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong đội hình sản phẩm của hãng khi chiếm đến 53% thị phần tiêu thụ của Ford.
Dịch Covid-19 khiến nguồn cung từ nhà máy Thái Lan không ổn đinh, sức mua suy giảm của thị trường trong nước khiến doanh số Ford Ranger chịu ảnh hưởng tiêu cực, giảm 11%. Nhưng Ranger ít được nhắc đến bởi sự thống trị của sản phẩm này ở phân khúc xe bán tải vốn quen thuộc đến mức nhàm chán như cách Vios áp đảo các đối thủ ở nhóm sedan hạng B. Sự chú ý, ngược lại, đổ dồn vào EcoSport, cựu vương trên đà suy giảm liên tục trước sức ép của Kona, mới hơn là Kia Seltos.
Phiên bản nâng cấp của EcoSport vừa trình làng trong tháng 10 vừa qua với những nâng cấp mang tính thực dụng hơn cho người dùng như thêm cảm biến áp suất lốp, kiểm soát hành trình, đèn pha xenon. Đồng thời hãng bỏ cửa sổ trời, lốp dự phòng. Hãng kỳ vọng có thể kéo lại phần doanh số đã bị các đối thủ chiếm trong hai năm qua. Doanh số của EcoSport sau 9 tháng đạt 1.790 xe, giảm 42% so với cùng kỳ 2019.
Ford Escape thế hệ mới lắp ráp trong nước dự kiến ra mắt vào cuối 2020 nhưng do những biến động gần đây, đặc biệt dịch Covid-19, thời điểm để mẫu xe này trình làng có thể lâu hơn.
VinFast
Chỉ công bố số liệu từ tháng 5, tăng trưởng ra sao của VinFast vẫn còn là một dấu hỏi. Tuy nhiên con số hơn 11.700 xe của hãng vẫn được các chuyên gia đánh giá là tích cực đặt trong tương quan với các thương hiệu lâu năm.
Đóng góp lớn nhất vào doanh số của VinFast là mẫu hatchback cỡ A, Fadil khi tiêu thụ 6.461 xe, chiếm khoảng 45% thị phần doanh số tổng của hãng.
Ở nhóm còn lại, các hãng như Suzuki và Isuzu dựa phần nhiều vào các mẫu xe thương mại, tăng trưởng lần lượt 11% và 4%. Trong khi đó, Peugeot và Nissan lần lượt giảm 17% và 6%, doanh số không quá 2.500 xe mỗi hãng.
"Soi" xe Toyota Vios chạy dịch vụ 5 vạn km sau 1 năm, chất lượng có xuống cấp?
Toyota Vios vẫn được mệnh danh là "chiếc xe quốc dân" với doanh số khủng nhờ xe bền bỉ, không hỏng vặt. Với dân chạy dịch vụ kinh doanh, Vios luôn là lựa chọn hàng đầu. Vậy thực tế người sử dụng đánh giá ra sao?
Dù chạy dịch vụ nhưng anh Phan Văn Trinh (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn quyết định lựa chọn chiếc Toyota Vios bản 1.5G (số tự động bản cao cấp nhất của dòng này). Điều này phá vỡ quan niệm, rằng mua xe Toyota Vios xưa nay đa số người dùng đều mua số sàn chứ không mua tự động.
Toyota Vios ngày càng trẻ trung
Báo cáo doanh số tháng 9/2020 từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam VAMA cho thấy Toyota Vios tiếp tục giữ đà tăng trưởng, là mẫu xe bán chạy nhất trên thị trường trong tháng và cả 9 tháng đầu năm.
Cụ thể, sedan cỡ B của Toyota bán 2.912 xe trong tháng 9, hơn đối thủ ngay phía sau Hyundai Accent 1.095 xe. Trong 9 tháng đầu năm, Vios đạt doanh số 19.120 xe, dẫn đầu thị trường ôtô Việt Nam.
Điều này cho thấy, Toyota đã thành công khi thuyết phục được nhóm khách hàng ưa những giá trị cốt lõi của Vios, nhưng trong thời đại mới, hãng liên tục "trẻ hoá" độ tuổi khách hàng mục tiêu. Từ 2018 đến 2019 và phiên bản mới nhất, ngoại thất Vios trẻ trung, táo bạo hơn với nhiều đường cắt xẻ nhằm hướng đến tính hiện đại.
"Thú thật, tôi không nghĩ đến xe nào khác ngoài Toyota Vios. Tôi mua xe bản 1.5G thời điểm cuối năm 2019 và từ lần đầu đến xem xe, trải nghiệm, tôi đã quyết định "xuống tiền". Chiếc xe đã trẻ trung hơn rất nhiều so với trước", anh Trinh, 35 tuổi - người làm nghề chạy xe dịch vụ cho biết.
"Chiếc xe tôi mua nhìn thực sự mềm mại chứ không thô cứng như nhiều người nói. Đèn trước và sau khá bắt mắt. Phiên bản G của tôi có thêm một số chi tiết màu đỏ ở phần cản trước, cản sau và lườn xe tăng tính thể thao và tạo sự khác biệt, cánh gió nhỏ cũng được lắp thêm phía sau. Các bạn tư vấn cho tôi điều này và tôi quyết định mua bản G thay vì E".
Nội thất, tiện nghi có bất ngờ nhưng...
Toyota Vios từng bị chê là mẫu xe này nhàm chán, thiết kế ít thay đổi, không trang bị nhiều. Thế nhưng trong 3 năm qua, mẫu xe này đưa người dùng đi từ hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác với những sự nâng cấp không ngừng về công nghệ, tính năng trên xe.
Hàng ghế trước.
"Tôi mua xe phục vụ khách hàng là chính, và sự rộng rãi thoải mái ở hàng ghế sau là rất quan trọng. Đa số khách của tôi khi lên xe đều khen xe rộng rãi, ngồi rất dễ chịu, chân để không khó chịu. Trước đây, tôi chạy chiếc xe hạng A của một hãng taxi thường xuyên bị khách kêu ca", anh Trinh chia sẻ.
"Kể cả khoang lái của chiếc Vios này cũng rất rộng rãi. Tuy nhiên ghế trước vẫn chỉnh cơ cho bản cao cấp thì có chút tiếc. Nói thật, tôi cũng tiếp cận xe của bạn bè thì thấy trong phân khúc hạng B, Toyota Vios là chiếc xe có không gian nội thất và trang bị "khiêm tốn" nhất.
Hàng ghế sau.
Ở chiếc xe bản G của tôi, điểm mới là đồng hồ hiển thị thông tin có thêm màn hình TFT khá rõ ràng và có kích thước lớn, vô lăng tích hợp nút bấm và hệ thống kiểm soát hành trình bằng lẫy sau vô lăng. Hệ thống giải trí khá cơ bản, có 6 loa. Tuy nhiên tôi thấy việc kết nối Apple Carplay không trơn tru, kết nối Bluetooth khá chậm".
Bản G trang bị điều hoà tự động với giao diện điều chỉnh dễ nhìn, làm mát khá nhanh, nhưng lại không có cửa gió ở hàng ghế sau như Honda City và Hyundai Accent. "Giá như có cửa gió điều hoà ở hàng ghế sau thì chiếc xe Vios này ấn tượng hơn và cũng thuận tiện hơn cho khách ngồi phía sau", anh Trinh nói thêm.
Cốp xe khá rộng rãi.
Xe chạy 5 vạn vẫn "ngon"
"Do đặc thù công việc chạy dịch vụ nên chiếc xe của tôi chỉ sau gần 1 năm sử dụng đã đi tới gần 5 vạn km. Không hổ danh là xe bền nhất, trong thời gian sử dụng, xe của tôi không gặp vấn đề gì đáng nói", anh Trinh đánh giá.
Trải nghiệm lái của Toyota Vios đúng chất thực dụng, động cơ 1.5L 4 xy lanh công suất 107 mã lực và hộp số CVT vừa đủ dùng để đi lại trong phố, đúng nghĩa một chiếc xe "lành", sẽ không có những thứ như "cảm giác lái hay, xe chạy bốc" trên chiếc xe này.
Việc trang bị 4 phanh đĩa, chống bó cứng phanh ABS, cân bằng điện tử và khởi hành ngang dốc cũng là đủ sự an toàn cần thiết khi di chuyển trên đường với Toyota Vios. Chưa kể, việc trang bị thêm hệ thống kiểm soát hành trình cũng giúp việc đi xa trở nên đơn giản hơn.
Chiếc xe của anh Trinh sau 1 năm chạy dịch vụ đi 5 vạn km, vẫn ngon như mới.
"Sau nhiều năm lái xe số sàn phân khúc A, chuyển sang chiếc Toyota Vios đời mới bản G này như một chân trời mới. Mình chạy tỉnh có ngày 500km vẫn thấy nhàn. Mức tiêu thụ nhiên liệu thì tôi thấy quá ổn với dân chạy dịch vụ như chúng tôi. Ví dụ: Một chuyến chở khách từ Hà Nội về thành phố Nam Định với giá 800.000 đồng, trừ chi phi xăng xe cầu đường, tôi cũng bỏ túi khoảng 500.000 đồng".
"Trong năm qua sử dụng xe, tôi chưa phải thay thế gì, chỉ có bảo dưỡng định kỳ, thay dầu nhớt. Nhìn chung, chiếc xe vẫn còn chất lượng rất cao, chưa biến chuyển gì đáng kể. Chiếc xe đúng nghĩa là lành, theo cách chúng tôi hay nói", anh Trinh đánh giá tổng thể.
Những thương hiệu tái xuất trên thị trường ôtô Việt Nam Với nhà phân phối mới, Nissan, Renault, MG hay Jeep kỳ vọng tạo nên những điều mới mẻ ở Việt Nam sau quãng kinh doanh ảm đạm trước đó. Dù không phải thị trường ôtô lớn nhất Đông Nam Á (ASEAN) xét về quy mô tiêu thụ xe mới, Việt Nam thuộc nhóm đầu về tăng trưởng doanh số hàng năm. Trong 2019,...