Doanh nhân ngân hàng thời khủng hoảng
2020 là một năm đầy khó khăn và ngân hàng là một ngành có vai trò đặc biệt. Các doanh nhân ngân hàng một mặt phải chèo lái “con thuyền” của họ vượt sóng dữ, đảm bảo an toàn cho chính con thuyền và các thủy thủ trên thuyền, mặt khác lại phải hỗ trợ những “con thuyền” khác vượt qua khó khăn.
Không có làn sóng sa thải nhân viên ngân hàng trong mùa dịch là nỗ lực lớn của giới doanh nhân ngân hàng
Cuộc khủng hoảng cách đây khoảng 10 năm đã làm lộ diện nhiều ngân hàng yếu kém. Cho đến tận bây giờ, ngành ngân hàng vẫn “nặng gánh” khi không ít ngân hàng yếu kém vẫn “thoi thóp” chờ giải cứu, số khác thì loay hoay tìm cách đứng lên dù “lưng đã còng, chân đã mỏi” vì nợ xấu. Cổ đông, cán bộ nhân viên… của các ngân hàng này cũng chịu tác động nặng nề.
Trong khi nhiều doanh nhân dính vào cảnh tù tội bởi sai phạm tại các ngân hàng yếu kém thì một số ít doanh nhân khác lại dấn thân giải quyết “mớ hỗn độn” này. Trong đó tiêu biểu phải kể đến ông Dương Công Minh (tái cơ cấu Sacombank), ông Đỗ Minh Phú (tái cơ cấu TienPhongBank) và ông Đỗ Quang Hiển (tái cơ cấu Habubank).
Tất nhiên, trong nguy có cơ, có tiềm năng thu về lợi ích thì họ mới làm nhưng những doanh nhân này xứng đáng nhận được sự tôn vinh từ xã hội, bởi những đóng góp trong việc lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, đảm bảo việc làm cho người lao động và lợi ích của cổ đông.
Nhìn lại, thời kỳ đầu là rất khó khăn. Sau khi sáp nhập Habubank hồi tháng 8/2012, ngay lập tức SHB của ông Đỗ Quang Hiển đã ghi nhận mức lỗ lên tới 1.700 tỷ đồng trong quý III/2012. Tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ 2,2% lên 13,2%. Đó là chưa kể đến các khoản nợ xấu tiềm ẩn và áp lực thoái lãi dự thu.
Chỉ một vài năm gần đây, lợi nhuận của SHB mới phục hồi lại được mức tương xứng với quy mô ngân hàng. Đối với nợ xấu, dự báo có thể giải quyết dứt điểm trong năm nay hoặc năm sau. Như vậy, cũng phải cần đến 8 – 10 năm để ngân hàng thẩm thấu “nỗi đau” sau sáp nhập, giải quyết nó và hưởng thành quả.
Hành trình không dễ dàng này vẫn đang tiếp diễn ở Sacombank.
Chính thức nắm quyền tại Sacombank từ tháng 6/2020, ông Dương Công Minh đặt ra 4 nhiệm vụ chính để tái cơ cấu thành công. Một là phải xây dựng lại mô hình tổ chức quản lý, tái sắp xếp lại toàn bộ nhân sự của Sacombank. Hai là phải xây dựng lại toàn bộ quy chế, quy trình nghiệp vụ của Sacombank phù hợp với giai đoạn tái cơ cấu và nâng tầm quản trị điều hành.
Ba là phát triển kinh doanh, cải thiện năng suất lao động. Bốn là tích cực xử lý nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% sau 5 năm.
Sau gần 3 năm, nội lực và vị thế của Sacombank được cải thiện khá rõ rệt, nhưng mục tiêu quan trọng là đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% sau 5 năm đang chịu nhiều thách thức.
Tính đến hết ngày 30/6/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Sacombank là 2,15%. Tuy nhiên, nếu tính cả nợ xấu chưa xử lý tại VAMC thì tỷ lệ nợ xấu lên đến trên 10%. Áp lực thoái lãi dự thu cũng không phải nhỏ.
So với ông Đỗ Quang Hiển và ông Dương Công Minh, ông Đỗ Minh Phú có vẻ “mát tay” hơn khi TPBank phục hồi khá nhanh chóng.
Dữ liệu tính đến ngày 29/2/2012 cho thấy TienPhongBank (tên cũ của TPBank) rơi vào tình trạng mất thanh khoản trầm trọng, giá trị lỗ lũy kế lên tới 1.360 tỷ đồng, âm gần một nửa vào vốn chủ sở hữu. Nợ xấu tại thời điểm đó là 6%, có nguy cơ mất vốn điều lệ… và buộc phải tái cơ cấu.
Tuy nhiên, kết thúc năm 2012, TPBank đã có lãi 116 tỷ đồng. Giai đoạn 2013 – 2019, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân của ngân hàng này lên đến 75%/năm. Năm 2019, con số lợi nhuận mà TPBank đạt được đã lên đến gần 3.900 tỷ và có thể vượt mốc 4.000 tỷ trong năm 2020 bất chấp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nhìn lại để thấy, hành trình “cứu nguy” là rất gian nan và vai trò của các doanh nhân ngân hàng này không khác gì những “người hùng”.
Số liệu cho thấy tính đến ngày 14/9/2020, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 nghìn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng; đặc biệt, các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310 nghìn khách hàng.
Dữ liệu cũng cho thấy không có làn sóng sa thải nhân viên ngân hàng trong mùa dịch.
Những kết quả trên là xứng đáng được ghi nhận và các doanh nhân ngân hàng – những người đã và đang góp phần chèo chống nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn này – xứng đáng được tôn vinh.
10 doanh nhân giàu nhất trên TTCK: Ông Phạm Nhật Vượng cùng người nhà 'chễm chệ' 3 vị trí
Đây là top 10 doanh nhân sở hữu tài sản lớn nhất tại Việt Nam trên thị trường chứng khoán chốt phiên giao dịch 12/10.
Video đang HOT
1. Ông Phạm Nhật Vượng: 179.372 tỷ đồng
Ông Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968, quê ở Hà Tĩnh, hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup.
Ông Phạm Nhật Vượng được Tạp chí Forbes vinh danh lần đầu tiên vào năm 2013 ở vị trí 974 thế giới với tổng tài sản 1,5 tỷ USD.
Ông cũng là tỷ phú Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm 2013.
Ông Phạm Nhật Vượng.
Tạp chí Forbes còn ví ông Phạm Nhật Vượng là "Donald Trump của Việt Nam" với hàm ý lĩnh vực kinh doanh bất động sản của ông có sức ảnh hưởng lớn đối với kinh tế Việt Nam.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng khởi nghiệp tại Ukraina bằng việc sáng lập thương hiệu mì ăn liền Mivina.
Việc buôn bán phát triển thuận lợi, xuất khẩu qua 20 quốc gia, đạt doanh thu 100 triệu USD/năm. Năm 2000, ông đầu tư vào bất động sản Việt Nam với loạt công trình hoành tráng, quan trọng trải khắp từ Bắc đến Nam với các thương hiệu Vincom, Vinpearl...
Đến nay, Vingroup đã mở rộng hoạt động ra nhiều lĩnh vực: Du lịch - khách sạn, vui chơi - giải trí, y tế, giáo dục, thương mại điện tử, trung tâm thương mại, kinh doanh - bán lẻ, sức khỏe, trung tâm ẩm thực - hội nghị, nông nghiệp... và mới đây là hàng không, sản xuất ôtô.
2. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: 22.267 tỷ đồng
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội, hiện là CEO Vietjet Air, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT- HDBank, cổ đông sáng lập Sovico Holdings, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Phú Gia, Chủ tịch Công ty địa ốc Phú Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Sovico Ltd. (Liên bang Nga).
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là người Việt Nam thứ 2 được Forbes ghi nhận là tỷ phú USD, sau ông Phạm Nhật Vượng.
Tên tuổi nữ doanh nhân này gắn liền với Vietjet Air, hãng hàng không tư nhân có quy mô vốn hóa gần 3 tỷ USD (thời điểm giữa tháng 2/2019).
Bà Thảo còn có 15 năm làm việc tại HDBank trong lịch sử 30 năm hoạt động của ngân hàng này, đồng thời trực tiếp nắm giữ 3,67% cổ phần của HDBank.
Hàng không cũng chính là lĩnh vực đưa bà Thảo trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của khu vực. Tính cả năm 2019, Vietjet Air thu về 52.059 tỷ đồng doanh thu và 5.010 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tổng tài sản đạt mức 47.608 tỷ đồng.
3. Ông Trần Đình Long: 19.950 tỷ đồng
Ông Trần Đình Long sinh năm 1961 tại Hải Dương, hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát. Ông Long thường được ví von như "Ông vua ngành nghề thép Việt Nam".
Ngày 6/3/2018, ông Trần Đình Long được Forbes công nhận là tỷ phú USD với khối tài sản lên tới 1,6 tỷ USD, xếp hạng 1.756 trong danh sách. Tuy nhiên, năm 2019, ông Long đã không còn trong danh sách này.
Ông Trần Đình Long.
Xác định "đứng lại là chết, đi chậm cũng chết", ông Long cùng các đồng nghiệp, cộng sự của mình đã không ngừng đổi mới và nâng tầm Hòa Phát từ khi khởi nghiệp đến nay. Từ một công ty nhỏ chuyên buôn bán các loại máy xây dựng, Hòa Phát tấn công vào ngành thép và trở thành tên tuổi lớn trong lĩnh vực này. Không dừng lại đó, Hòa Phát tiếp tục đá chân sang bất động sản, điện lạnh, nội thất rồi làm nông nghiệp...
4. Ông Hồ Hùng Anh: 17.680 tỷ đồng
Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970 tại Hà Nội, nguyên quán Thừa Thiên Huế. Ông hiện là chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Ông Hồ Hùng Anh.
Ông Hồ Hùng Anh cũng là Phó Chủ tịch của Tập đoàn Masan cho đến tháng 4/2018 thì xin rút và chỉ tập trung vào Techcombank theo những quy định riêng của ngành ngân hàng.
Ông Hồ Hùng Anh được Tạp chí Forbes vinh danh ngày 5/3/219 với khối tài sản 1,7 tỷ USD. Số tiền này chủ yếu đến từ cổ phần của ông và gia đình tại Techcombank và Masan.
Sau hơn 10 năm dưới sự lãnh đạo của ông Hùng Anh, Techcombank trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam cán mốc 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nửa đầu năm 2020, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Techcombank tăng trưởng 19%, đạt 6.738 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra, Techcombank đã thực hiện được gần 52% kế hoạch lợi nhuận.
5. Ông Nguyễn Đăng Quang: 17.377 tỷ đồng
Ông Nguyễn Đăng Quang là một tỷ phú gốc Quảng Trị. Ông là chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan, đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank. Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh từng là "cặp bài trùng" của đế chế Masan và Techcombank.
Ông Nguyễn Đăng Quang.
Tháng 3/2019, ông Nguyễn Đăng Quang lọt vào danh sách tỷ phú USD của Forbes với 1,3 tỷ USD, xếp thứ 1.717. Trước đó, năm 2018, ông Nguyễn Đăng Quang đã được Bloomberg ghi nhận là 1 trong 2 tỷ phú USD mới của tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2018 với tài sản khoảng 1,2 tỷ USD.
6. Bà Phạm Thu Hương: 14.139 tỷ đồng
Bà Phạm Thu Hương được biết đến là một trong những người sáng lập Vingroup - tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam - và giữ vai trò là Phó chủ tịch thường trực thứ hai.
Cũng giống như chồng mình là ông Phạm Nhật Vượng, bà Hương là người phụ nữ rất kín tiếng trong cuộc sống riêng cũng như chưa từng để lộ hình ảnh với công chúng. Bà Hương sinh năm 1969 tại Hà Nội, có bằng Luật tại Ukraina, là cổ đông của Technocom từ năm 1994, trước khi chuyển sang giữ chức vụ tại Vincom.
Bà Hương là người phụ nữ luôn nằm trong top đầu những nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Trong đó vào năm 2013, bà Hương đứng ở vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với việc nắm giữ hơn 49 triệu cổ phiếu VIC, tương đương 3.436 tỷ đồng.
7. Ông Bùi Thành Nhơn: 13.574 tỷ đồng
Ông Bùi Thành Nhơn là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland, doanh nghiệp đang sở hữu nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM. Có lẽ không nhiều người biết rằng, trước khi nổi danh trong lĩnh vực bất động sản, ông Nhơn từng là một kỹ sư chăn nuôi, khởi nghiệp từ sản xuất và kinh doanh thuốc thú y.
Ông Bùi Thành Nhơn.
Bên cạnh chức vụ Chủ tịch HĐQT Novaland, ông Nhơn còn là người đứng đầu tại nhiều công ty khác liên quan tới Novaland. Hiện tại, ông Nhơn là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư địa ốc No Va, CTCP Novagroup, CTCP Diamond Properties, CTCP Anova, CTCP Nova Mclub và CTCP Đầu tư phát triển NSQ.
Bước chân vào lĩnh vực bất động sản năm 2007, đúng vào giai đoạn khó khăn khi thị trường bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng dưới sự dẫn dắt của ông Nhơn, Tập đoàn Novaland liên tục lớn mạnh và ngày càng phát triển.
8. Bà Phạm Thúy Hằng: 9.442 tỷ đồng
Bà Phạm Thúy Hằng - em vợ ông Phạm Nhật Vượng, hiện là Phó chủ tịch Vingroup. Bà Hằng cũng từng có thời gian nắm quyền tại Technocom.
Bà Hằng sinh năm 1974, là doanh nhân trẻ nhất lọt top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán. Năm 2013, bà Hằng đứng ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng này với việc sở hữu gần 33 triệu cổ phiếu VIC, tương đương 2.294 tỷ đồng.
Cùng với chồng, anh rể và 2 chị gái, gia đình bà Hằng là gia đình giàu nhất sàn chứng khoán năm 2012. Song cũng giống như chị gái, bà Phạm Thúy Hằng hầu như không lộ diện trước truyền thông.
9. Ông Hồ Xuân Năng: 9.338 tỷ đồng
Ông Hồ Xuân Năng sinh năm 1964 tại Nam Định, tốt nghiệp Đại học Bách khoa. Từ vị thế làm thuê, làm công ăn lương, ông Hồ Xuân Năng trở thành ông chủ của một trong những doanh nghiệp có quy mô hàng đầu trên thị trường chứng khoán - Vicostone.
Ông Hồ Xuân Năng.
Vicostone được thành lập từ cuối 2002 theo quyết định của Chủ tịch HĐQT Vinaconex để thực hiện đầu tư dự án dây chuyền sản xuất đá ốp lát cao cấp nhân tạo sử dụng chất kết dính hữu cơ (Bretonstone) và dây chuyền đá ốp lát cao cấp nhân tạo sử dụng chất kết dính xi măng (Terastone).
Ngoài ra, ông Năng cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT CTCP Style Stone và Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Khoáng sản Vico Quảng Trị.
10. Ông Nguyễn Văn Đạt: 7.855 tỷ đồng
Ông Nguyễn Văn Đạt sinh năm 1970 tại Quảng Ngãi, khi học xong 12, vì hoàn cảnh gia đình, ông đành rời ghế nhà trường và theo bố mẹ kinh doanh.
Dù không có nhiều kiến thức từ trường lớp, nhưng bù lại ông học được nhiều kinh nghiệm từ trường đời đây là một trong những yếu tố quan trong giúp ông thành công.
Ông Nguyễn Văn Đạt.
Ông Đạt là một trong những cổ đông sáng lập CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, ông định hướng Phát Đạt phát triển chủ lực là các dự án bất động sản cao cấp, khách sạn, resort...
Với dự án đầu tiên The EverRich 1 khiến ông Đạt nổi tiếng trên thị trường bất động sản. Tiếp theo đó, ông Đạt đã đầu tư thêm các dự án "siêu khủng" dành cho phân khúc cao cấp.
Dù có nhiều thời gian dành cho gia đình và giải trí nhưng ông vẫn điều hành công ty thành công vì ông quan niệm rằng: "Người điều hành giỏi không nhất thiết phải tự ôm đồm công việc mà biết phân công hợp lý cho cấp dưới làm".
Gia đình ông Đặng Văn Thành sắp nhận 88 tỷ tiền mặt Vợ chồng doanh nhân Đặng Văn Thành - Huỳnh Bích Ngọc và con gái Đặng Huỳnh Ức My dự kiến nhận 88 tỷ đồng khi Thành Thành Công - Biên Hòa trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%. Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 26/10...