Doanh nghiệp ỳ ạch cổ phần hóa vì đất vàng
Thông tin từ Kiểm toán Nhà nước, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước đang bị “ách tắc” phần lớn liên quan đến đất đai.
Theo ông Đoàn Xuân Tiên – Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tình trạng quản lý sử dụng đất lỏng lẻo, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa đã làm sai lệch mục tiêu tăng trưởng, năng lực phát triển triển của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước.
Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đang “ì ạch” vì lỏng lẻo trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa (Ảnh: Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM).
Kẽ hở thất thoát ngân sách
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, qua quá trình kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi định giá của 16 doanh nghiệp trong giai đoạn 2016 – 2020, định giá lại vốn Nhà nước đã tăng tới 15.400 tỷ đồng.
Trong khi đó, thông tin từ Kiểm toán Nhà nước Khu vực V, trong giai đoạn 2017 – 2020, có 127 DNNN phải thực hiện cổ phần hóa và hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, đến tháng 7/2020 mới tiến hành cổ phần hóa được 37 DNNN, bằng 28% kế hoạch đề ra. Số đơn vị còn phải thực hiện trong năm nay là 91 doanh nghiệp.
Đặc biệt, cơ quan kiểm toán cũng chỉ rõ, một số “ông lớn” như VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Mobifone, Argibank… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.
Lô đất 52.083 m2 tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được KTNN chỉ điểm là một trong những nguyên nhân khiến VICEM chưa thể cổ phần hóa.
Video đang HOT
Theo chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh, nhiều trường hợp cổ phần hóa chỉ nhằm vào đất đai, bởi thông thường quỹ đất của các doanh nghiệp nhà nước sở hữu là khá lớn và phân bố ở nhiều tỉnh thành.
Theo ông Ánh, có những quy định mới có khả năng ngăn chặn các nhà đầu tư với mục đích đầu cơ đất đai khi cổ phần hóa nhưng lại bị ban hành chậm. Trong khi đó nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp không muốn báo cáo một cách đầy đủ, rõ ràng về quỹ đất họ đang có, vì lợi ích riêng. Ngay cả chính quyền cũng không nắm rõ quỹ đất thực sự các doanh nghiệp này sở hữu, dẫn tới việc cổ phần hóa ì ạch từ năm này đến năm khác.
TS. Vũ Đình Ánh cũng lo lắng, cơn sốt đất đã vượt ra khỏi Hà Nội, TP.HCM, các đô thị lớn và đang đổ bộ vào các tỉnh lẻ. Nếu không chấn chỉnh hoạt động định giá, quản lý đất đai thì nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước, đặc biệt là đất đai khi tiếp tục cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn tới là rất lớn.
Cuộc đua săn đất vàng sau cổ phần hóa
Trên thực tế, những phiên đấu giá doanh nghiệp nhà nước sở hữu quỹ đất lớn đã nhận được sự tham gia của hàng loạt nhà đầu tư với mức giá cao chót vót, thậm chí một số chuyên gia cho biết doanh nghiệp càng thua lỗ càng hấp dẫn.
Trong đó có thể kể đến như trường hợp của Tổng công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam (HEC Corp) khi được một cá nhân chi ra tới 185 tỷ đồng để sở hữu 49% cổ phần, tương đương với 86.100 đồng/CP, gấp 8,6 lần mệnh giá được đưa ra.
Đáng chú ý, HEC Corp trước đó có tình hình kinh doanh không quá nổi bật, vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 44 tỷ đồng, tuy nhiên doanh nghiệp này đã gây chú ý với quỹ đất vàng tại trung tâm Thủ đô Hà Nội như lô đất rộng gần 2.060 m2 tại số 2, ngõ 95 phố Chùa Bộc, hay lô đất gần 2.620 m2 tại số 95/8116 phố Chùa Bộc. Bên cạnh đó là các lô đất 4.359 m2 tại thị trấn Bần Yên Nhân, tỉnh Hưng Yên; lô đất rộng 2.905 m2 tại số 10 Tân Lập, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; lô đất rộng gần 4.607 m2 tại số 100 Mai Hắc Đế, TP. Vinh.
Hay như trường hợp của Công ty Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng (DCI) trong phiên đấu giá hồi quý III/2019 cũng đã gây sốc khi doanh nghiệp này đang giao dịch cổ phiếu quanh mức 2.800 đồng/CP và thanh khoản hầu như không có nhưng doanh nghiệp này đã đưa ra 900.411 cổ phần ra bán đấu giá với giá 113.700 đồng/CP, gấp 40 lần giá giao dịch. Và điều gây sốc là các nhà đầu tư đã đăng ký mua đến hơn 1,2 triệu cổ phiếu trong lần chào bán đầu tiên.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư, sức hấp dẫn của doanh nghiệp này đến từ khu đất công nghiệp rộng tới 81.88m2 tại KCN Hòa Khánh; 75.272 m2 đất tại đường số 3, KCN Hòa Khánh và nhiều khu đất trong quận Hải Châu, TP Đà Nẵng để làm cơ sở sản xuất kinh doanh.
Theo các chuyên giá, đất đai là sở hữu nhà nước, giá trị lợi thế đất đai mang lại chính là tài sản nhà nước. Cần phải sớm hoàn thiện cơ chế, minh bạch trong quá trình cổ phần hóa, góp phần kéo sát giá trị đất đai tiệm cận với giá thị trường để bịt kẽ hở thất thoát trong cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, cần kiểm toán vào cuộc để xác định giá trị thật sự của doanh nghiệp để tính đủ giá trị đất đai doanh nghiệp, không để đất công hóa “đất ông” giá rẻ.
Cổ phần hóa doanh nghiệp ngành Xây dựng: Thua lỗ, chỉ lo bán 'đất vàng'?
So với nhiều bộ ngành khác, Bộ Xây dựng là đơn vị có nhiều tập đoàn, tổng công ty phải thực hiện cổ phần hoá (CPH). Tiến trình này đã được đẩy nhanh, tuy nhiên kết quả không được như kỳ vọng. Hàng loạt doanh nghiệp "con cưng" của Bộ Xây dựng CPH xong đã rơi vào tình cảnh làm ăn thất bại, bết bát. Còn trong lúc này, có DN chỉ lo bán đất vàng.
Lô đất 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Mễ Trì (quận Nam Từ liêm, Hà Nội), VICEm muốn chuyển nhượng toàn bộ dự án trước cổ phần
Tổng Cty CP Sông Hồng là một trong những doanh nghiệp có tên tuổi trong ngành xây dựng và một thời là "con cưng" thuộc Bộ Xây dựng. Năm 2010, Bộ Xây dựng cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại Tổng Công ty Sông Hồng, thu về 61,5 tỷ đồng. Phần vốn nhà nước còn lại chiếm 49% vốn điều lệ. Những năm gần đây, Tổng Cty CP Sông Hồng gần như không triển khai thêm dự án đầu tư nào và cũng không có hợp đồng thi công xây lắp mới. Kết thúc năm 2019, Tổng Công ty CP Sông Hồng ghi nhận lỗ 66,7 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên 958 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2019 âm tới 651 tỷ đồng.
Trước tình trạng thua lỗ, vào tháng 9/2019, công ty đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ xin bán vốn ngay trong năm 2019 vì công ty đã âm vốn điều lệ đến 600 tỷ đồng. Công ty cho biết, các công trình, công việc chuyển tiếp từ năm trước sang rất ít do nợ nhóm 5 tại ngân hàng nên không đủ điều kiện về năng lực để tham gia các gói thầu.
Từng là doanh nghiệp mạnh của Bộ Xây dựng, Tổng Cty lắp máy Việt Nam (Lilama) cổ phần hoá năm 2017 nhưng Bộ Xây dựng vẫn là cổ đông lớn nhất nắm giữ trên 97% số cổ phần. Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 với doanh thu thuần gần 2.373 tỷ đồng, giảm gần 17% so với quý IV/2018. Lợi nhuận sau thuế của Lilama đạt hơn 5,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2018 lỗ gần 262 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2019, Lilama đạt hơn 7.176 tỷ đồng doanh thu, giảm mạnh so với năm 2018, lợi nhuận sau thuế âm 76,6 tỷ đồng. Đây đã là năm thứ 2 liên tiếp Lilama ghi nhận lợi nhuận âm. Được biết, tại thời điểm cuối năm 2019, Lilama có tổng tài sản đạt 7.800 tỷ đồng, giảm 40% so với đầu năm. Trong đó, nợ phải trả khoảng 6.659 tỷ đồng, chiếm 85% tổng tài sản.
Tổng Cty Sông Đà cũng là "con cưng" thuộc Bộ Xây dựng dù cổ phần hoá nhiều năm nay nhưng tỷ lệ sở hữu nhà nước vẫn lên tới 99,7% vốn điều lệ. Tổng Cty Sông Đà đang trong tình trạng khó khăn về tài chính, không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay. Trước đó, Bộ Xây dựng từng có văn bản đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ doanh nghiệp này trong trả nợ vay tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khoảng 114,8 triệu USD. Cụ thể, doanh nghiệp được gia hạn thời gian trả nợ một năm, được miễn chi phí cho vay lại với các khoản vay nước ngoài...
Mới đây, để giải cứu Tổng Cty Sông Đà khỏi tình trạng khó khăn, Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng cho chỉ định Tổng Cty Sông Đà làm một số dự án trên tuyến cao tốc Bắc Nam để tạo việc làm cho khoảng 20.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc tại Tổng Công ty.
Lo bán "đất vàng" trước CPH
Tổng Cty xi măng Việt Nam (VICEM) là một trong 2 doanh nghiệp còn lại của Bộ Xây dựng buộc phải cổ phần hoá trong năm nay. Tại báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã đề xuất thay đổi phương án sắp xếp, xử lý nhà đất đối với 3 lô đất của VICEM.
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, đề xuất thay đổi phương án sắp xếp, xử lý nhà đất đã được Bộ Xây dựng phê duyệt đối với 3 lô đất, song chưa hoàn thành thủ tục hoặc chưa được phê duyệt lại. Cụ thể, tại lô đất 8.476m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Mễ Trì (quận Nam Từ liêm, Hà Nội), VICEM đề xuất thay đổi từ "tiếp tục xây dựng Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM" thành "chuyển nhượng toàn bộ dự án". Đề xuất này đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương nhưng tổng công ty chưa hoàn thành thủ tục, nội dung điều chỉnh phương án trình phê duyệt.
Đối với lô đất 52.083 m2 tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), VICEM đề xuất thay đổi từ "Xây dựng Dự án Khu tổng hợp 122 Vĩnh Tuy" thành "tiếp tục quản lý, sử dụng như hiện trạng, sau khi cổ phần hoá sẽ báo cáo việc sử dụng đất theo yêu cầu sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, tái cấu trúc VICEM theo quy hoạch của TP Hà Nội". Đề xuất này cũng được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương, song Bộ Tài chính chưa có ý kiến. Cuối cùng là lô đất 166.527m2 tại Khu Công nghiệp Đông Hồi, xã Quỳnh Lập (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) thay đổi từ "tiếp tục xây dựng dự án Nhà máy kết cấu bê tông vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi" thành "chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với chuyển nhượng dự án", đến tháng 5/2019, Bộ Xây dựng chưa có ý kiến.
Ông Bùi Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT VICEM cho biết, Tổng Cty đang gặp khó khăn trong sắp xếp, xử lý 3 lô đất mà báo chí gọi là "đất vàng". Năm 2018, VICEM hoàn thành 2 đề án. Một là xây dựng chiến lược phát triển ngành xi măng Việt Nam. Thứ 2 tái cấu trúc trong giai đoạn 2019-2025, thực hiện gắn với cổ phần hoá doanh nghiệp. "Theo chủ trương của Bộ Xây dựng, cổ phần hoá thành công, tối đa hoá lợi ích nhà nước, doanh nghiệp phải mạnh mới có giá trị. Vì vậy chúng tôi thực hiện song song tái cấu trúc và cổ phần hoá. Đề án tái cấu trúc dựa vào ngành nghề chính là sản xuất xi măng. Không tham gia bất cứ ngành nghề khác", ông Minh nói.
Ông Bùi Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT VICEM
Ông Minh lý giải đối với lô đất tại Cầu Giấy, ban lãnh đạo VICEM đã tính toán thấy hiệu quả không đạt được như mong muốn và việc kinh doanh thêm ngành nghề bất động sản là không phù hợp với VICEM nên đã đề nghị Bộ Xây dựng cho phép chuyển nhượng dự án. "Dự án này có tổng mức đầu tư ban đầu là 2.700 tỷ đồng. Đến năm 2015, VICEM nhận thấy đầu tư kinh doanh bất động sản không thực hiện ngành nghề của mình. Lúc lập dự án giá thị trường là 40 USD/m2. Nhưng hiện tại chỉ còn khoảng hơn 20 USD. Năm 2016, chúng tôi đã đề nghị cho bán", ông Minh cho biết.
Ông Minh chia sẻ thêm: "Từ lúc chủ trương cho chuyển nhượng đến nay đã 4 năm vẫn còn vướng thủ tục, vẫn chưa xong. Lúc đầu chúng tôi tính để lại để sử dụng và đầu tư, nhưng sau khi xem xét hiệu quả kinh tế, xem xét lại ngành nghề thì thấy nếu cứ để thì việc kinh doanh bất động sản này sẽ không hiệu quả và cũng "không quen" nên tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển nhượng dự án".
Theo ghi nhận của PV, hiện tại tòa tháp được xây dựng tại lô đất 8.476 m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy đã hoàn thiện phần thô và vẫn nằm "đắp chiếu" chờ chủ trương.
"Theo chủ trương của Bộ Xây dựng, cổ phần hoá thành công, tối đa hoá lợi ích nhà nước, doanh nghiệp phải mạnh mới có giá trị. Vì vậy chúng tôi thực hiện song song tái cấu trúc và cổ phần hoá. Đề án tái cấu trúc dựa vào ngành nghề chính là sản xuất xi măng. Không tham gia bất cứ ngành nghề khác".
Ông Bùi Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT VICEM
BIDV "siết nợ" Tập đoàn Yên Khánh, rao bán cổ phần tại Công ty Tân Cảng Sài Gòn Gần 2,5 triệu Cổ phần tại các công ty con của Tân Cảng Sài Gòn đang được BIDV rao bán để xử lý nợ của Tập đoàn Yên Khánh. Số cổ phần này sẽ được BIDV bán theo giá thỏa thuận. Vừa qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Thành Đô thông báo chào bán...