Doanh nghiệp xây dựng lao đao giữa cơn suy trầm địa ốc
Gắn chặt vào nhau, vậy nên khi ngành địa ốc suy trầm, các doanh nghiệp xây dựng cũng rơi vào tình cảnh bi đát. Ngay cả các “ông lớn” cũng chỉ có lãi teo tóp trong 6 tháng đầu năm 2020.
Doanh nghiệp xây dựng lao đao giữa cơn suy trầm địa ốc
Song mã CTD – HBC giảm tốc
Là những doanh nghiệp xây dựng thuộc hàng lớn nhất Việt Nam, Coteccons (HoSE: CTD) và Hòa Bình (HoSE: HBC) đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao và ganh nhau vị trí dẫn đầu trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, từ năm 2019, “song mã” đã bắt đầu chậm lại. Đến năm 2020, cả hai lộ rõ sự xuống sức.
Với Coteccons, nửa đầu năm 2020 chứng kiến doanh thu thuần giảm 33% so với cùng kì năm trước, chỉ đạt 7.525 tỷ đồng; trong đó, quý I giảm 19,5%, quý II giảm 45,7%.
Mặc dù quý II có sự sụt giảm doanh thu mạnh hơn nhưng lãi trước thuế quý này lại tăng trưởng ( 21,6%), đạt 199 tỷ đồng, nhờ vào việc tiết giảm chi phí quản lý và nguồn thu từ khoản thu nhập khác.
Tuy vậy, tựu trung 6 tháng, Coteccons vẫn phải chấp nhận lãi trước thuế giảm 10,7% so với cùng kì năm trước, chỉ đạt 354 tỷ đồng.
Với Hòa Bình, tình hình còn tồi tệ hơn. Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm giảm 67,5% so với cùng kì năm 2019, chỉ còn 5.391 tỷ đồng; trong đó quý I giảm 51,8%, quý II giảm tới 80%.
Dù doanh thu tài chính 6 tháng tăng 2,4 lần nhưng do chi phí quản lý duy trì ở mức cao (225 tỷ đồng), chi phí tài chính tăng 9% (ở mức 164 tỷ đồng) nên lãi trước thuế chỉ đạt vỏn vẹn 44 tỷ đồng, giảm tới 440%.
Về tài sản, điểm đáng chú ý của Hòa Bình là sự sụt giảm mạnh của tiền và tương đương tiền. Tại ngày 30/6/2020, tiền mặt chỉ còn 1 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng còn 260 tỷ đồng (giảm gần một nửa so với đầu kì), khoản gửi ngân hàng dưới 3 tháng cũng chỉ còn 6,7 tỷ đồng (giảm 302% so với đầu kì), khoản gửi ngân hàng trên 3 tháng cũng chỉ đạt 15 tỷ đồng, khoản gửi dài hạn 2 tỷ đồng.
Video đang HOT
Về nguồn vốn, Hòa Bình vẫn duy trì khoản nợ phải trả rất cao, ở mức 11.147 tỷ đồng (gấp 2,8 lần vốn chủ sở hữu). Tại ngày 30/6/2020, khoản vay ngắn hạn đã đạt 4.937 tỷ đồng, tăng khoảng 200 tỷ đồng so với đầu kì; vay dài hạn là 167 tỷ đồng.
Việc lệ thuộc vào vốn vay của Hòa Bình thể hiện rất rõ qua dòng tiền tài chính, với mức tiền thu từ đi vay và tiền trả nợ gốc vay 6 tháng lần lượt là 5.361 tỷ đồng và -5.217 tỷ đồng.
Đối với Coteccons, chiến lược không vay nợ khiến doanh nghiệp này luôn dự trữ một khoản tiền mặt rất lớn (3.456 tỷ đồng gửi ngân hàng kì hạn trên 3 tháng đến không quá 1 năm) và hệ số nợ/vốn chủ sở hữu thấp hơn 1.
Tuy vậy, cũng như Hòa Bình, việc thị trường xây dựng gặp khó cũng khiến việc “chiếm dụng vốn” của Coteccons không còn được như xưa. Tại ngày 30/6/2020, các khoản “phải trả người bán ngắn hạn”, “người mua trả trước ngắn hạn” đều giảm so với đầu kỳ, lần lượt giảm gần 1.200 tỷ đồng và giảm hơn 125 tỷ đồng.
“Tuấn mã” Ricons duy trì phong độ
Là cái tên gắn liền với những “lùm xùm” tranh chấp ở Coteccons, nhưng Ricons lại là “tuấn mã” của thị trường xây dựng khi duy trì đà tăng trưởng ấn tượng trong thời gian dài.
Cho đến quý I/2020, doanh thu thuần của Ricons vẫn đạt được mức tăng 17,4%. Sang quý II, mặc dù doanh thu thuần có giảm nhẹ (-1%) nhưng tựu trung 6 tháng vẫn tăng 6,2%, đạt 2.745 tỷ đồng.
Trong kỳ, Ricons duy trì các chi phí ở mức ổn định. Tuy vậy, việc lỗ 3 tỷ đồng ở công ty liên kết và không còn khoản thu nhập khác có giá trị lớn như năm trước khiến Rincons phải chấp nhận lãi trước thuế giảm 10%, đạt 117 tỷ đồng.
So sánh 3 cái tên Coteccons, Hòa Bình và Ricons, có thể thấy trong 6 tháng đầu năm, Coteccons và Ricons làm ăn tốt hơn. Tuy vậy, xét về chỉ tiêu biên lãi gộp, Hòa Bình lại vượt trội hơn khi đạt 7,8% (tăng 0,7 điểm phần trăm so với cùng kì năm trước). Biên lãi gộp của Coteccons cũng có cải thiện nhưng không nhiều (5,8%). Còn với Ricons, biên lãi gộp giảm 0,3 điểm phần trăm, xuống còn 6,2%.
Phục Hưng Holdings: Đi nhanh lại thành chới với
Là doanh nghiệp tên tuổi trong ngành xây dựng với doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng đều đặn qua các năm, nhưng đến 2020, Phục Hưng Holdings (HoSE: PHC) cũng đành ngậm ngùi chứng kiến tình hình kinh doanh lao dốc.
Cụ thể, quý I/2020, doanh thu thuần của Phục Hưng chỉ đạt 365 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kì năm trước. Đến quý II, doanh thu giảm tới 89%. Lũy kế 6 tháng, doanh thu giảm 74%, đạt 832 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm, doanh thu tài chính của Phục Hưng giảm mạnh, trong khi đó chi phí bán hàng lại leo thang, chi phí tài chính gần như không đổi. Tất cả khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn 429 triệu đồng.
Phải nhờ khoản lãi khác 5,7 tỷ đồng, Phục Hưng mới có lãi trước thuế 6,1 tỷ đồng trong 6 tháng. So với năm trước, mức lãi này giảm tới 624%.
Về tài sản, tại ngày 30/6/2020, tổng tài sản của Phục Hưng là 2.401 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 91,5%. Đáng chú ý, các khoản phải thu và hàng tồn kho chiếm tới 85% tổng tài sản.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của Phục Hưng rất lớn, đạt 2.003 tỷ đồng, gấp 5,03 lần vốn chủ sở hữu, riêng nợ vay cũng đã gấp 2,8 lần!
Tình trạng lệ thuộc vào vốn vay thể hiện rõ qua dòng tiền tài chính 6 tháng, khi tiền thu từ đi vay và trả nợ gốc vay có giá trị khá lớn, lần lượt là 665 tỷ đồng và -716 tỷ đồng khiến dòng tiền tài chính âm hơn 60 tỷ đồng.
Đối nghịch FCN – SCI
Trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, nhà máy, Fecon và SCI E&C là những cái tên khá tiêu biểu. Tuy vậy, hai doanh nghiệp này lại có hai “số phận” trái ngược nhau trong 6 tháng qua.
Cụ thể, với Fecon (HoSE: FCN), mặc dù doanh thu tăng trưởng khá tốt, lợi nhuận trước thuế lại giảm rất sâu. Còn với SCI E&C (HNX: SCI) thì ngược lại, lợi nhuận trước thuế tăng rất mạnh trong bối cảnh doanh thu đổ đèo.
Về Fecon, doanh thu 6 tháng đầu năm có bước tăng trưởng đáng kể ( 8,1%), đạt 1.189 tỷ đồng. Nhưng do không còn nguồn thu từ hoạt động tài chính lớn như năm trước, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 46,7 tỷ đồng, giảm 199%.
Với SCI E&C (HNX: SCI), doanh thu 2 quý đều suy giảm mạnh, lần lượt giảm 119% và giảm 108%, nhưng nhờ cải thiện được giá vốn nên lợi nhuận trước thuế 6 tháng tăng tới 40%, đạt 84 tỷ đồng.
Xét về tài sản, chất lượng tài sản của Fecon có phần lành mạnh hơn khi hệ số nợ rất thấp: 1,4 lần đối với với nợ phải trả và 0,5 lần đối với nợ vay. Trong khi đó, hệ số nợ SCI E&C lại cao ngất ngưởng với 6,9 lần đối với nợ phải trả và 2,4 lần đối với nợ vay.
Fecon tiếp tục trúng thầu dự án điện gió giá trị gần 440 tỷ đồng
Fecon đảm nhiệm việc thiết kế, mua sắm, thử nghiệm trạm biến 110 kW; thiết kế, mua sắm, thi công, thử nghiệm đường dây truyền tải 110 kV; thi công khu vực nhà máy chính.
Tổng giá trị các hợp đồng thi công nhà máy điện gió gần 1.940 tỷ đồng, chiếm 52,4% trong tổng giá trị hợp đồng ký mới năm 2020.
Công ty Fecon (HoSE: FCN) thông báo trúng thầu dự án nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng với giá trị gần 440 tỷ đồng. Tổng thầu là công ty TNHH PowerChina Việt Nam. Fecon đảm nhiệm việc thiết kế, mua sắm, thử nghiệm trạm biến 110 kW; thiết kế, mua sắm, thi công, thử nghiệm đường dây truyền tải 110 kV; thi công khu vực nhà máy chính.
Thời gian kéo dài từ tháng 8 năm nay đến tháng 8 năm sau.
Trước đó, công ty từng thông báo trúng thầu dự án nhà máy điện gió Trà Vinh 3 vào cuối tháng 7. Dự án này do công ty Cơ điện lạnh (HoSE: REE) làm chủ đầu tư. Gói thầu Fecon đảm nhiệm là xây dựng đường cầu nối tất cả các trạm phát turbine và xây dựng móng cho 12 cột turbine gió, đường dẫn cũng như các hạng mục khác.
Giá trị gói thầu là 490 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ 29/7 đến 7/8. Như vậy, cùng với dự án nhà máy điện gió Thái Hòa, nhà máy điện gió B&T Quảng Bình, tổng giá trị các hợp đồng thi công nhà máy điện gió Fecon thực hiện lên gần 1.940 tỷ đồng, chiếm 52,4% trong tổng giá trị hợp đồng ký mới năm 2020.
Doanh nghiệp coi các dự án năng lượng tái tạo là mảng kinh doanh chiến lược trong vòng 5 năm tới. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, trả lời câu hỏi về lợi nhuận năm tới đến từ dự án nào, ban lãnh đạo cho biết công ty đang triển khai một dự bán điện gió ở Sóc Trăng, dù chưa có lợi nhuận trong 2 năm đầu nhưng có thể kỳ vọng chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài trong 1-2 năm tới. Ngoài ra, 3 dự án điện ở Gia Lai và dự án hạ tầng đô thị đầu tiên ở Quế Võ, Bắc Ninh sẽ mang lại lợi nhuận.
Fecon đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2020 đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 29,4% so với thực hiện năm 2019. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 195 tỷ đồng, giảm 3%. Ngoài ra, công ty cũng đặt mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 825 tỷ đồng vào năm 2025.
Sau 6 tháng, công ty có 1.191 tỷ đồng doanh thu, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 28 tỷ đồng, giảm 75%. Fecon hoàn thành 30% kế hoạch doanh thu và 14% kế hoạch lợi nhuận.
Tổng cục Hải quan tháo 'vướng' cho doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng gỗ cao su dạng tấm Để tránh xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đảm bảo ổn định chế độ chính sách, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đối chiếu thông tin tại hồ sơ được cung cấp, thực tế quy trình sản xuất của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã có kết luận cuối cùng xử lý kiến nghị...