Doanh nghiệp Việt Nam tích cực tìm hiểu, kết nối với thị trường Mỹ
Với mục đích tiếp tục tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đoàn doanh nghiệp sang học tập và khảo sát thị trường Mỹ từ ngày 20/11 đến 01/12 với chủ đề “xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả trong nền kinh tế toàn cầu thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, bài học kinh nghiệm từ thị trường Mỹ”.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đoàn Hùng/TTXVN
Đoàn công tác do đồng chí Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, làm trưởng đoàn với sự tham dự của lãnh đạo đại diện hơn 30 đơn vị doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong nhiều lĩnh vực
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, sau chương trình của đoàn tại New York với các hoạt động tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, ngày 22/11, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng đã tiếp và làm việc với đoàn tại Trụ sở Đại sứ quán. Tham dự cuộc họp có sự tham gia của Trưởng cơ quan Thương vụ, Tham tán Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng phòng kinh tế, Tham tán Tô Anh Tuấn, Thám tán phụ trách đầu tư Lê Thị Hải Vân cùng đại diện các cán bộ sứ quán, cơ quan thương vụ, cùng toàn đoàn công tác.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch VCCI, trưởng đoàn công tác, ông Hoàng Quang Phòng đã chia sẻ mục đích chương trình công tác, kết quả khảo sát thị trường tại New York và giới thiệu đại diện các doanh nghiệp trong đoàn trình bày các nguyện vọng tìm hiểu thị trường và tìm kiếm cơ hội kết nối kinh doanh với các doanh nghiệp Mỹ. Các doanh nghiệp Việt Nam từ nhiều lĩnh vực như năng lượng, công nghệ phần mềm, gạo (nông sản), dược phẩm, các sản phẩm nhựa, đồ gỗ xuất khẩu, dịch vụ ngân hàng, công nghệ thông tin,… đã giới thiệu các sản phẩm, ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp và với mong muốn được tiếp cận, mở cửa thị trường, kết nối với các bạn hàng Mỹ thông qua sự hướng dẫn, giới thiệu của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Mỹ.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp. Ảnh: Đoàn Hùng/TTXVN
Video đang HOT
Về phần mình, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng đã trao đổi về tình hình hợp tác đầu tư thương mại giữa hai nước, cập nhật chính sách và triển vọng hợp tác phát triển trong thời gian tới, hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước vào năm 2023. Đại sứ cũng ghi nhận các thông tin, đồng thời chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, thách thức, cũng như những điều cần lưu ý khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Theo đó, cơ quan đại diện của Việt Nam tại Mỹ sẽ tích cực phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác thu thập, nghiên cứu thị trường, cung cấp thông tin về các nhà mua hàng Mỹ cũng như các hội chợ chuyên ngành, đồng thời cũng nhấn mạnh tính chủ động của các doanh nghiệp trong việc nắm bắt thời cơ một cách tốt nhất trong bối cảnh Mỹ đang tìm kiếm các nguồn hàng thay thế do gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt cần quan tâm nghiên cứu chiến lược phát triển dựa trên nền tảng số, các hệ thống kết nối trực tiếp, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản trị doanh nghiệp.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đoàn Hùng/TTXVN
Sau buổi làm việc với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cùng đoàn doanh nghiệp tiếp tục có các buổi làm việc với doanh nghiệp sở tại trong ngày 23/11. Tiếp đó, đoàn công tác sẽ tiếp tục các chương trình làm việc tại Thung lũng Silicon tại San Francisco, làm việc với cảng Long Beach tại Los Angeles về nội dung các quy định thông quan xuất nhập cảnh qua cảng này cùng nhiều chương trình khác.
Doanh nghiệp Mỹ coi trọng tính chiến lược, sự đồng hành và tinh thần đối thoại của Chính phủ Việt Nam
Việt Nam là thị trường tiềm năng, đích đến của xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng nhờ vị trí chiến lược ở khu vực, thành tích kiểm soát dịch COVID-19, môi trường kinh doanh ổn định và mạng lưới Hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng khắp.
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng. Ảnh: TTXVN phát
Đây là nhận định của Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Washington về hoạt động ngoại giao kinh tế trong thời gian gần đây nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ.
Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, các lĩnh vực mà doanh nghiệp Mỹ mong muốn đầu tư, hợp tác với Việt Nam là công nghệ cao (viễn thông, số hoá, điện tử, tự động hoá, sinh học...), năng lượng (dầu khí, năng lượng tái tạo...), nông nghiệp, y tế/ dược phẩm, tài chính, hàng không, du lịch... Đáng chú ý, cũng ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh tại thị trường Mỹ (đây là điều trước đây không có).
Bên cạnh đó, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cũng đề cập đến những vấn đề tồn tại, khó khăn và thách thức đối với hoạt động ngoại giao kinh tế. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, dự kiến năm 2022 sẽ vượt xa con số xuất khẩu 110 tỷ USD của năm 2021, nhưng Việt Nam vẫn chưa có khuôn khổ quản lý hiệu quả quan hệ thương mại với Mỹ nên sẽ thường xuyên là đối tượng của các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Một số chính sách của Mỹ như Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 vừa thông qua, hay cơ chế điểu chỉnh carbon tại biên giới đang được xây dựng sẽ ảnh hưởng phức tạp đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Trao đổi với Đại sứ quán, nhiều doanh nghiệp Mỹ cho rằng Việt Nam đã đạt đến độ chín của nền kinh tế thâm dụng lao động, nếu không có những đổi mới mạnh mẽ về môi trường đầu tư, hoàn thiện văn bản pháp luật về đầu tư và các lĩnh vực liên quan, quản lý không gian mạng, cơ sở hạ tầng, logistics, và nguồn lao động, Việt Nam khó có thể nhận thêm được nhiều các luồng vốn đầu tư mới. Trong khi đó, Việt Nam cũng phải cạnh tranh mạnh mẽ với nhiều nước trong khu vực đang tìm cách đón xu hướng đầu tư mới. Về phía doanh nghiệp Việt Nam, khi đầu tư vào thị trường Mỹ cũng vấp phải nhiều khó khăn về thị trường, pháp lý, mạng lưới.
Để tận dụng các cơ hội hợp tác kinh tế với Mỹ, Đại sứ quán có một số kiến nghị.
Một là, Việt Nam cần tiếp tục duy trì quan hệ cấp cao với Mỹ để thúc đẩy đà quan hệ. Việt Nam cần hình thành các mặt hàng chủ lực xuất khẩu vào thị trường Mỹ đồng thời tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa Mỹ nhập khẩu Việt Nam để không tạo cớ cho Mỹ cản trở xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam cần sớm ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, thông qua Nguyên tắc chung về kế toán để tạo thuận lợi cho đầu tư của Mỹ tại Việt Nam. Tận dụng tốt sự hỗ trợ của Mỹ trong thực hiện các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Duy trì đối thoại và quan tâm đến các đề xuất của các doanh nghiệp Mỹ, như việc thí điểm mua bán điện trực tiếp, việc có cách hiểu thích hợp về năng lực doanh nghiệp trong luật Đầu tư Công tư; hay như các quan ngại của doanh nghiệp đối với Nghị định 53 về quản lý kinh tế số.
Hai là, tiếp tục chủ động tham gia thảo luận các trụ cột của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF). Sự tham gia của Việt Nam được các đối tác chính quyền và doanh nghiệp Mỹ đánh giá cao; cho rằng Việt Nam sẵn sàng tham gia các sân chơi lớn và nghiêm chỉnh thực hiện các quy tắc thương mại quốc tế. Việc chủ động tham gia thảo luận IPEF cũng sẽ giúp Việt Nam xây dựng luật chơi của thương mại quốc tế phù hợp lợi ích của Việt Nam.
Ba là, các doanh nghiệp và địa phương Việt Nam nên hiểu sâu thêm về các yêu cầu khắt khe của thị trường Mỹ; có các biện pháp quảng bá sản phẩm bằng tiếng Anh hợp thị hiếu; tận dụng sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt cũng như chủ động thuê tư vấn, hình thức phổ biến ở Mỹ, để có chiến lược chiếm lĩnh thị trường phù hợp. Hợp tác với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại của chính quyền Mỹ; kiên quyết tránh các gian lận xuất xứ, không rõ nguồn gốc hàng hóa, hoặc cố tình vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Thời gian qua, Đại sứ quán và Cơ quan thương vụ tại Mỹ đã triển khai đều cả 3 mảng công việc lớn trên. Đại sứ quán đã duy trì và phát triển các mối quan hệ, mạng lưới bạn bè với chính quyền, quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Thường xuyên báo cáo về tình hình kinh tế Mỹ, các chính sách mới có tác động đến Việt Nam như đạo luật giảm thiểu lạm phát, đạo luật về phát triển công nghiệp bán dẫn, vừa được Quốc hội Mỹ thông qua. Gặp gỡ, đấu tranh, giải thích, vận động với các tổ chức liên quan để có được các kết luận khách quan, bảo về lợi ích của Việt Nam trong các vụ điều tra của Mỹ liên quan đến chính sách tiền tệ, xuất xứ, phá giá đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như gỗ, thép, cá tra, mật ong...
Đại sứ quán cũng trực tiếp làm hoặc hỗ trợ các đoàn trong nước (lãnh đạo chính phủ, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp) tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, các hoạt động xúc tiến quảng bá đầu tư và thương mại...
Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, hoạt động ngoại giao kinh tế thời gian này đang có một số điểm thuận lợi cơ bản. Đó là sự quan tâm của lãnh đạo hai nước, sự quan tâm của địa phương, doanh nghiệp hai nước, tiềm lực và vị thế của Việt Nam, các FTA mà VN tham gia, hiện Việt Nam có những cơ hội thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn về cơ chế, luật pháp của hai nước có nhiều quy định khác nhau, sự hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam về các quy định, luật lệ của Mỹ còn hạn chế. Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam, Việt Nam xuất siêu nhiều sang Mỹ, vì thế Mỹ thường xuyên có các cuộc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam. Mặc dù có tiến bộ hơn trước nhưng cơ sở hạ tầng, logistics, nguồn nhân lực có tay nghề ở Việt Nam vẫn còn hạn chế so với nhu cầu và tiềm năng đầu tư của doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam, đặc biệt trước sự cạnh tranh gay gắt trong khu vực và trên toàn cầu.
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho rằng trong thời gian tới cần đẩy mạnh trao đổi đoàn các cấp và giao lưu doanh nghiệp hai nước. Đầu tư nhiều hơn cho công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo vì hiện tình hình kinh tế Mỹ và thế giới đều đang đứng trước những biến động phức tạp có ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong nước cần thông tin nhiều hơn cho các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam về quy định, tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường Mỹ. Đại sứ quán sẽ tiếp tục hỗ trợ giải quyết vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam làm ăn tại Mỹ, phấn đấu hình thành cơ chế hợp tác thương mại ổn định, giảm bớt các vụ điều tra, các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ.
Cuối cùng, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho rằng cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn, có sự đồng bộ, nhất quán và quyết liệt trong các chủ trương và biện pháp triển khai ngoại giao kinh tế, có cách tiếp cận tổng thể để khi cần thiết có thể đánh đổi thua thiệt nhỏ lấy cái lợi lớn và lâu dài hơn.
Trên 80 doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ công nghiệp thực phẩm tại Paris Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Cục Xúc tiến Thương mại (XTTM - Bộ Công Thương) đã tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự Hội chợ Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Sial Paris 2022 từ ngày 15 đến ngày 19/10/2022 tại thủ đô Paris, Pháp. Đại diện Bộ Nông nghiệp và...